Những kết cục buồn của yêu thử và sống gấp

Thứ Bảy, 25/02/2006, 07:05

Tình trạng các đôi sinh viên yêu và thuê nhà sống với nhau như vợ chồng không còn xa lạ với mọi người. Tại những nơi tập trung nhiều nhà trọ sinh viên, cảnh thường thấy là rất nhiều cặp “vợ chồng” sáng sáng cùng nhau đạp xe đi học, trưa về đi chợ thổi cơm chung rồi cùng nhau ăn, ngủ và chơi bời suốt đêm. Và tất nhiên, cùng với nó là bao nhiêu hệ luỵ.

17h30' ngày 21/2, tại khu vực cổng trường Đại học Mở (số 102 đường Trường Chinh, phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội) đã xảy ra một vụ trọng án. Nạn nhân là anh Nguyễn Minh Ngọc (24 tuổi), trú tại phường Khương Thượng, quận Đống Đa, là sinh viên tại chức trường Đại học Xây dựng. Sơ bộ vụ việc được biết, lâu nay anh Ngọc có quan hệ yêu đương với một cô gái tên Trà. Vào khoảng 16h cùng ngày, không hiểu do nguyên nhân gì mà Trà đã có lời qua tiếng lại khá gay gắt với Nguyễn Văn Xuân (20 tuổi), có HKTT tại đường Lê Hoàn, TP Thanh Hóa, hiện là lớp trưởng lớp K121, Viện Đại học Mở Hà Nội. Để "ra oai", Trà đã điện thoại gọi người yêu đến dạy cho Xuân bài học. Nhưng chuyện không đơn giản thế, khi Ngọc đến hỗ trợ người yêu đã bị Xuân dùng dao đâm và kết thúc cuộc đời ở tuổi 24.

Vụ án xảy ra khiến không ít người phải bàng hoàng, cả đối tượng gây án và nạn nhân đều là những sinh viên còn quá trẻ, có tương lai sáng sủa. Cũng có nhiều lý do, vì tuổi trẻ bồng bột, vì không được gia đình, nhà trường quản lý sát sao... nhưng quan trọng hơn cả là bởi ý thức của một bộ phận sinh viên thời nay quá yếu kém đã khiến cuộc sống của chính họ trở thành những bi kịch. Nhiều vụ trọng án xảy ra mà sinh viên là thủ phạm và là nạn nhân thường bắt nguồn từ nguyên nhân yêu và sống thử.

Cách đây không lâu, toàn bộ BGH nhà trường và các sinh viên Trường ĐHSP tỉnh Thái Nguyên vô cùng bất ngờ trước cái chết đột ngột của cô sinh viên năm thứ nhất Trần Thu H., người quê gốc Hà Giang. H. xuống Thái Nguyên học đại học và mang theo tình yêu đẹp của chàng trai cùng quê. Những ngày đầu mới xuống trường, bạn trai H. thường lặn lội tuần 2 lần xuống chia sẻ buồn vui với người yêu. Về sau, để được tự do yêu đương, H. đã thuê nhà ở ngoài và chuyển ra khỏi KTX. Kết cục của những tháng ngày sống tự do là H. đã mang thai. Không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục học hành, H. đã tìm đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Nguyên để "giải quyết hậu quả". Nhưng rồi, H. đã chết khi đang trên bàn phẫu thuật.

Người đau buồn nhất có lẽ là bố mẹ H., họ vừa giận, vừa thương con. Họ cũng biết con gái mình có quan hệ yêu đương và sống thử với cậu con trai đó, nhưng vì hoàn cảnh ở xa, nên bố mẹ H. chỉ biết trông chờ vào sự quản lý của nhà trường và tin vào ý thức của con. Nhưng rồi, kết cục đáng buồn đã xảy ra.

Tình trạng các đôi sinh viên yêu và thuê nhà sống với nhau như vợ chồng đã chẳng còn xa lạ với mọi người. Tại địa bàn phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân (Hà Nội), nơi tập trung nhiều nhà trọ sinh viên, chúng tôi đã vô tình gặp được rất nhiều cặp vợ chồng sinh viên. Sáng cùng nhau đạp xe đi học, trưa về đi chợ thổi cơm chung rồi cùng nhau ăn, ngủ và chơi bời suốt đêm. Và tất nhiên, các buổi cúp tiết, giảm giờ học cũng theo đó mà phát sinh.

Thầy Lê Văn Hải, giảng viên môn Hóa Trường ĐH KHTN Hà Nội cho biết: Ngoài giờ giảng dạy trên lớp, các thầy cô không thể bao quát hết cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của các sinh viên. Cũng có sinh viên năm thứ nhất, năm thứ 2 học tốt, nhưng sang đến giai đoạn nước rút thì lực học giảm sút đáng kể. Nguyên nhân chính thầy đưa ra do sự chi phối của tình yêu. Thậm chí, đã có em phải bỏ học vì yêu mà nợ nần quá nhiều...

Tuy nhiên, tại bất cứ địa bàn nào có sinh viên sinh sống, chúng tôi được biết lực lượng Công an sở tại, Ban quản lý KTX... đã có nhiều hình thức bảo vệ, giữ gìn ANTT rất tốt để hạn chế mọi hành vi xấu nảy sinh trong cuộc sống, sinh hoạt của sinh viên. Cụ thể như làng sinh viên Hacinco có hẳn một đội ngũ bảo vệ được công ty chủ quản thuê để giám sát nội quy, giờ giấc hoạt động trong khuôn viên làng. Quy định 22h hằng ngày là cổng làng đóng cửa, khách khứa phải ra về, nhưng theo quan sát của chúng tôi, mặc dù lúc đó đã 23h (ngày 22/2), tại cánh đồng trước khu vực cổng làng vẫn san sát hàng chục đôi trai gái ngồi tâm sự. Đặc điểm dễ nhận ra họ là sinh viên chính là những bộ quần áo ngủ các cô mặc trên người... Như thế đủ nhận thấy rằng, ý thức cá nhân của mỗi sinh viên là quan trọng, cho dù nhà trường và gia đình luôn có hình thức quản lý sát sao...

Cũng vì lối sống buông thả, tình yêu bồng bột thời sinh viên mà mới đây, dư luận đã phải phẫn nộ bởi hành vi đê hèn của đối tượng Phùng Minh Thông (23 tuổi) ở xã Thanh Thủy, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) khi hắn ra tay giết hại người yêu là cô gái học cùng trường Trung cấp Thủy sản Thanh Hóa. Thông và Phạm Thị Dung (23 tuổi) đã có thời gian dài yêu nhau ở quê. Khi cả hai cùng đậu trường Trung cấp Thủy sản, họ đã thuê nhà ở riêng để vừa được cùng nhau chung sống và tiện cho việc học hành. Một hôm, gia đình Dung nhận được bức điện của cô thông báo, cô đã bỏ đến một vùng đất xa, gia đình không phải đi tìm cô nữa. Linh tính có chuyện chẳng lành, mọi người bổ đi tìm cả tuần mà vẫn chẳng thấy cô. Trong quá trình đi tìm Dung, người tỏ ra lo lắng nhất có lẽ là Thông, anh mang ảnh người yêu đi khắp các nơi, thậm chí đến tất cả các bệnh viện trong và ngoài vùng để tìm người yêu nhưng rồi vẫn vô vọng.

Nhận thông tin về sự mất tích bí hiểm, lực lượng Công an tỉnh Thanh Hoá đã nhanh chóng vào cuộc, và chỉ trong một thời gian ngắn, họ đã có câu trả lời: Phạm Thị Dung đã bị sát hại. Người giết cô không ai khác chính là Phùng Minh Thông. Tại cơ quan Công an, Thông khai nhận: Quá trình hai người chung sống, đã có thời gian Thông tỏ ra chán nản và muốn bỏ cuộc. Gần đây, do túng thiếu nên anh ta đã vay nợ số tiền hơn 1 triệu đồng. Thông đã mượn Dung số tiền đó để trang trải, nhưng mãi chưa có tiền để trả nên Thông đã giết người yêu.

Thật đau xót, tất cả chuyện buồn kể trên đều bắt nguồn từ sự buông thả trong tình yêu. Nếu không có những cảnh sống "vợ chồng sinh viên", yêu gấp, sống thử thì chắc chắn sẽ không xảy ra những chuyện đáng tiếc đó. Không thể đổ lỗi cho sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, nhà trường. Bởi những sinh viên này đều đã ở tuổi trưởng thành, đã tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi của mình. Vậy, nên chăng các tổ chức Đoàn hãy có những chương trình hoạt động thiết thực, nâng cao đời sống tinh thần đối với mỗi sinh viên, tạo cho họ có chí hướng trong cuộc sống và trong sinh hoạt để tránh sự nhàm chán dễ dẫn đến kết cục đáng tiếc. Bên cạnh đó, vai trò quản lý sâu sát hơn nữa của gia đình và nhà trường cũng cần được chú trọng. Có như thế, chắc chắn tình trạng yêu gấp, sống thử, những kết cục buồn của các cặp vợ chồng sinh viên sẽ được giảm đáng kể...

Nhóm PVNV
.
.
.