Những đứa trẻ suýt bị chôn sống vì hủ tục

Thứ Năm, 10/09/2009, 13:55

Vào một buổi chiều mưa tầm tã, tôi lặn lội tìm về làng Teng Nông, xã Ia Hrú, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai để tìm hiểu câu chuyện của người mẹ và đứa con… "trời".

Nhớ khi ấy, hình như cả làng đều không muốn có người gặp Rơ Mah H'Em, một người mẹ vừa sinh con mà không có chồng. Sống ẩn mình trong một căn nhà nhỏ trống trơ ở giữa làng và rất ít người lui tới, nhưng không phải nhà của H'Em mà của anh rể cho H'Em nương nhờ tạm lâu nay. Thấy có khách lạ đến, H'Em định tránh mặt không muốn gặp, nhưng nhờ người bác ruột Kpăh Choă giới thiệu tôi là nhà báo nên H'Em mới chịu ra gặp mặt.

Người trong làng ai cũng khen H'Em là một cô gái Jơ Rai xinh đẹp. Lúc còn con gái, trời đã phú cho cô có một nhan sắc khá vẹn toàn. H'Em có nước da bánh mật hồng hào, sống mũi cao thon thả với khuôn mặt trái xoan thật xinh xắn. Nhưng ngược lại cuộc sống của H'Em thì khá vất vả. Cha mẹ mất sớm, H'Em phải ở nhờ và chịu cuộc sống lam lũ cùng gia đình anh rể.

Khi bước sang tuổi 25 nhưng H'Em chưa thể "bắt chồng" được vì  hoàn cảnh nghèo, không có nhà cửa riêng. Vả lại, theo tục mẫu hệ của người Jơ Rai thì phụ nữ là người quyết định chính trong chuyện cưới hỏi chồng nên H'Em quá nghèo không thể dám nghĩ tới chuyện ấy.

Bà Choă và mẹ con H'Em

Thường ngày, ngoài việc phụ giúp công việc cho gia đình anh rể để kiếm cơm, H'Em còn phải lăn lộn làm thuê, cuốc mướn khắp nơi, dành dụm chút ít, mong ngày có được cuộc sống riêng mà bắt chồng. Nhưng ước nguyện ấy chưa tròn thì tai họa lại đến. Không nhớ rõ ngày, chỉ biết vào hôm cuối năm, trong bữa tiệc ăn lễ bỏ mả của làng, H'Em cùng say sưa quá chén với bạn bè. 

H'Em kể: "Đám thanh niên trong làng vui nên uống thật nhiều rượu, còn H'Em thì nghĩ bụng thật buồn vì hoàn cảnh của mình nên cũng dốc cạn hết cần này đến ly nọ". Rồi trong cơn say, con "ma men" dẫn lối H'Em đi đâu, về đâu cũng không biết nữa. Đến khi tỉnh dậy thì thấy chỉ có một mình thân con gái đơn độc, thui thủi chạy về nhà trong sự kinh sợ hãi hùng. H'Em không còn nhớ trong lúc say mình đã làm gì với ai? Càng nghĩ, H'Em càng sợ sệt, chất chồng dày thêm nỗi khổ. Rồi đến ngày, tháng, cái bụng to dần. Chuyện con gái không chồng mà chửa lan nhanh cả làng. Đầu tiên chị gái biết, rồi anh rể và cả người làng đều biết...

Hàng ngày, để vượt qua được những điều đàm tiếu của dư luận, H'Em cứ phải bịt kín mặt lầm lũi ra đồng từ sáng sớm, và cũng bịt kín mặt trở về nhà khi hoàng hôn đã buông. Cố sống giấu mình trong nỗi khổ nhục cho đến một ngày đầu tháng 8, H'Em ôm bụng lăn tròn ở góc sàn nhà cả đêm, cho đến lúc trời gần sáng thì đứa bé gái kháu khỉnh ra đời.

Hạnh phúc được làm mẹ của H'Em mới chỉ trong phút giây thì bị tiếng người làng xua đến và phán: "Con của ai phải nói để làng xử, nếu không thì chôn nó về với atâu (ma)". Người chị và em gái thì bảo: "Không có cha thì đẻ ra đây ai nuôi...". Lời ra tiếng vào đau cả gan ruột nhưng H'Em cố ôm con mà khóc. Cuối cùng già làng bảo: "Ngày xưa ở làng nọ có đứa con rơi không cha phải cho nó về với atâu, làng mới yên ổn, nếu không xui xẻo lắm!".

Thế rồi họ cho người ra đào một chiếc hố sâu bên gốc cây đu đủ đầu nhà để đặt đứa bé đi về với atâu theo lệ làng. Đứa bé vừa được đưa ra khỏi cửa đã khóc thét lên trong tiếng kêu cứu thất thanh, lạc lõng. Người bác ruột của H'Em là bà Kpăh Choă ở gần nhà thấy vậy đã vội vã chạy đến khuyên ngăn và cứu đứa bé thoát khỏi vòng dây oan nghiệt của tử thần.

Bà Choă phân tích cho cả gia đình và người làng thấy rằng tập tục chôn sống trẻ em là quá lạc hậu và vi phạm pháp luật nghiêm trọng. "Phải nuôi nó mai mốt nó lớn sẽ thương mình". Bà Choă vừa nói xong, vừa ôm đứa bé thất thểu chạy đi gọi anh Ki (thôn trưởng, kiêm Công an viên của làng Teng Nông) đến để giải thích cho mọi người hiểu.

Nhờ bác Choă và thôn trưởng Ki mà H'Em được quyền làm mẹ nuôi đứa con chính mình mang nặng và đã dứt ruột sinh ra. Hôm đứa bé đầy tháng, H'Em đặt tên cho con là RơMah H'Yang. H'Em lý giải cho cái tên "H'Yang" ấy là đứa bé con gái của "trời" sinh ra. H'Em hy vọng rằng với cách giải thích ấy, người làng sẽ không còn phải thắc mắc cha của nó là ai nữa.

Một câu chuyện tương tự cũng từng xảy ra ở làng Hố Lao, xã Ia Tiêm, Chư Sê, Gia Lai. Khi hỏi về chuyện của mình, chị Kpăh H'Lek cứ rơm rớm nước mắt: "Đừng bắt tôi kể những nỗi đau của mình!". Nước mắt trên đôi gò má của người đàn bà ở tuổi 35, chết chồng cứ tràn ra.

Chồng chị H'Lek chết sớm, một mình nuôi 5 đứa con thơ. Sống trong nỗi hiu quạnh không bóng đàn ông cũng dễ mủi lòng nên một đêm "trở gió", chị đã phải lòng với một người đàn ông nào đó và có mang. Đến ngày sinh nở, một đứa bé gái ra đời nhưng cũng bị người làng từ chối vì lệ làng không cho phép. Rồi trong đêm khuya, họ tất bật đưa đứa bé ra sau vườn để chôn. 

Đêm nghe tiếng trẻ khóc nhưng sáng sớm lại không thấy có trẻ con nào được sinh ra nên lúc bấy giờ Rơ Ma Thuyên, vừa là hàng xóm, vừa là Công an viên của xã đã đến hỏi chuyện H'Lek sinh nở. Khi biết đứa trẻ bị chôn, Thuyên cùng cả gia đình vội đi tìm và moi đứa bé ôm chạy đến trạm xá để cứu chữa. "Nó còn sống!", cả gia đình của Thuyên hô to và đưa đứa bé về nuôi. Ngày làm lễ đặt tên cho bé, gia đình ông bà Thu (cha mẹ của Thuyên) đặt tên cháu gái là H'Quai, một đứa con được moi lên từ đất

Ngọc Như
.
.
.