Những đứa trẻ mưu sinh nơi phố cổ

Thứ Tư, 29/08/2007, 18:24
"Ra đấm lưng cho tao!" - cậu thanh niên phì phèo điếu thuốc bên bát phở hất hàm. Con bé Huệ gầy gò tay cầm quạt, tay bưng rổ kẹo cao su nhanh chân chạy tới. Con bé đấm lưng, bóp vai cho khách một cách thuần thục chỉ để bán được vỉ kẹo cao su giá 5.000 đồng.

Không chịu làm dân cái bang ngửa tay xin tiền, đôi chân nhỏ của Huệ đã lang thang được gần 3 năm trên phố cổ Hà Nội với hộp kẹo cao su. Khuyến mãi đấm lưng, tầm quất, bóp vai cho đến hầu quạt, hầu chuyện, em làm hết chỉ mong khách sẽ mua những phên kẹo cao su với giá 5.000 đồng...

Bán hàng rong từ 5h chiều đến 5h sáng

23h. Từng tốp thanh niên nam nữ kéo nhau ra quán ăn đêm. Con phố Cấm Chỉ vốn đã chật chội càng trở nên nóng bức trước cái ngột ngạt của những đêm mùa hạ oi nồng. "Ra đấm lưng cho tao!" - cậu thanh niên phì phèo điếu thuốc bên bát phở hất hàm. Chỉ cần chờ có vậy, con bé Huệ gầy gò, loắt choắt tay cầm quạt, tay bưng rổ kẹo cao su nhanh chân chạy tới. Nhìn con bé đấm lưng, bóp vai một cách khá dẻo và thuần thục, ít ai nghĩ rằng màn đấm bóp đó chỉ là để khách mua một vỉ kẹo cao su giá 5.000 đồng.

Huệ ra Hà Nội đã được 3 năm. Quê em tận xã Quảng Hải, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Gầy gò và đen nhẻm, 12 tuổi mà tưởng chừng em mới 7, 8 tuổi. Nhà em là một trong những gia đình nghèo nhất xã, còn lợp mái cọ, mùa mưa ẩm ướt, mùa hè nắng chiếu cả vào nhà. Cả đình 6 miệng ăn trông vào 4 sào ruộng. Hai anh chị đầu đều đã bỏ học và cũng ra thành phố bán hàng rong như em.

"Sao em không đi bán ban ngày mà lại từ 5h chiều đến 4 - 5h sáng?", tôi ngạc nhiên hỏi. "Lúc đó khách mới đông". "Thế còn những màn đấm lưng, bóp vai, em học đâu ra?". "Khối đứa cùng quê cũng đi bán hàng rong như em. Chỉ cần đi theo chúng một vài buổi là biết liền. Mà không làm thế này, sao bán được kẹo".

Đang trò chuyện với tôi, bỗng một đoàn khách nước ngoài đi qua: "Chị chờ tí nhé!". Giọng đặc sệt Thanh Hóa, hơi ngọng, con bé nói một câu tiếng Anh bồi: "Hê lô, mô-bai sinh gum".

Mỗi ngày, một mình Huệ lang thang khắp các khu phố từ Giảng Võ, Trần Phú đến khu phố cổ miễn nơi nào đông khách ăn uống, tụ tập. "Sợ nhất là khách say rượu. Có lần, một ông say mèm gọi em tới, lấy mấy vỉ kẹo rồi không trả tiền, hất đổ cả rổ kẹo".

"Em ra Hà Nội bán hàng thế này, bố mẹ có biết không?". "Biết nhưng ở nhà chẳng có đủ cơm ăn. Ở đây, ăn cơm nhà bà Béo chỉ với 3.500 đồng một suất mà còn có cái ăn, lại dành được tiền gửi về quê". Trọ tận khu đường tàu trên phố Phùng Hưng, tiếng còi tàu hằng ngày vẫn luôn mang theo giấc mơ được trở về với gia đình. Nhưng nhà em nghèo lắm, về cũng không đủ gạo nuôi em...

Cùng lứa tuổi như Huệ, nhưng Bình quê ở Yên Lập, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc lên Hà Nội nhận trông xe cho một quán ăn. Công việc của Bình là bắt khách, dắt và trông xe cho khách.

Mới 12 tuổi mà cu cậu đã nhuộm tóc high-light, cách nói chuyện sành điệu, nhưng nước da đen nhẻm thì không thể lẫn đi đâu được. Nhìn cái cách cậu ta gẩy tàn thuốc lá lúc rảnh rỗi vắng khách cũng đủ thấy "chất thành phố" ngấm vào Bình như thế nào.

"Học làm gì, em chẳng thích. Lúc mà đã mua được điện thoại di động, chốn ăn chơi nào cũng biết. Em bỏ quê, theo lên đây". Và từ đó, em ra Hà Nội. Thời gian đầu, Bình chầu chực ở các quán ăn, quán cà phê để đánh giày cho khách.

"Nhưng bây giờ làm ăn khó, có nhiều đứa đánh giày, đi đâu cũng "đụng hàng". Em bỏ, nhận một chân trong dắt xe cho khách với mức lương 400.000 đồng/tháng từ 9h sáng đến 11h, 12h đêm. Vất vả nhưng được nuôi ăn. Thi thoảng khách "sộp" đi cùng bồ, sai em đi mua thuốc, báo lại boa cho em mấy đồng. Có lần, mấy bà tuổi sồn sồn còn rủ em đi nhậu…".

Cả ngày làm việc, tối đến, mấy anh em về khu nhà trọ ở Kim Đồng, Giáp Bát chỉ cần trả 5.000 đồng là có một chỗ ngủ qua ngày. "Em làm từ giờ đến Tết, có tiền về quê tiêu Tết chứ chị" - một ước mơ nhỏ nhoi của Bình.

Tương lai nào cho các em?

Huệ và Bình là hai trong rất nhiều những hình ảnh quen thuộc về trẻ em mà chúng ta vẫn hằng ngày bắt gặp trên đường phố Hà Nội. Các em đều xuất thân từ những vùng quê nghèo lên thành phố kiếm việc từ đánh giày, bán hàng rong, trông xe, phụ hàng ăn… và bị lạm dụng sức lao động.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do hầu hết các em không có điều kiện học hành, phải bỏ học hoặc chán học bỏ đi làm thuê kiếm tiền. Một số em vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng một số em cũng do đua đòi theo bạn bè. Thấy nhiều bạn lên thành phố kiếm việc, các em nuôi hy vọng được đổi đời nhanh, bỏ lên thành phố, kiếm tiền mong gửi tiền về cho gia đình và kiếm vận may.

Một nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng trẻ em bị lạm dụng sức lao động là do nhận thức từ những người lớn. Họ muốn sử dụng lao động trẻ em bởi lý do các em được trả công thấp hơn so với người lớn, dễ sai khiến hơn. Một số bậc phụ huynh do điều kiện gia đình khó khăn bắt các em phải sớm kiếm sống, lang thang phiêu bạt.

Cùng với việc bị lạm dụng sức lao động, trẻ em sống trong môi trường thiếu sự quản lý giáo dục của gia đình tại thành phố còn tiềm ẩn những nguy cơ của các tệ nạn xã hội. Bởi thành phố vốn là nơi có nhiều cạm bẫy, cám dỗ và các tệ nạn xã hội. Các em sống xa gia đình, không nhận được sự giáo dục, vì vậy dễ mắc phải những sai lầm.

Bên cạnh đó, có tiền và sống lang thang dễ đặt các em vào tình trạng có nguy cơ bị bóc lột sức lao động, bóc lột tình dục, nhiễm HIV và vi phạm pháp luật. Nhiều em sau một thời gian mưu sinh ở thành phố, bị bạn bè rủ rê, tham gia trộm cướp, trở nên nghiện ngập. Tình trạng trẻ em lang thang đường phố có nguy cơ nghiện ma túy và có HIV/AIDS tại các thành phố lớn khá cao.

Trước đây, trẻ em đường phố lang thang kiếm sống là hình ảnh quen thuộc trên khắp hang cùng ngõ hẻm đường phố Hà Nội. Hiện nay, nhiều dự án chương trình được triển khai, số lượng trẻ em lang thang đã giảm một cách đáng kể. Tuy nhiên, như một "miếng mồi béo bở", trẻ em lang thang tập trung đông trên phố cổ ăn xin, bán hàng rong, đánh giày… nhưng cùng với đó, bao nhiêu cạm bẫy vẫn luôn rình rập các em…

Nguyễn Hương
.
.
.