Những đứa trẻ lặn ngụp kiếm sống

Thứ Sáu, 09/04/2010, 16:47
Xòe tay khoe mấy con ốc ngựa, vẹm xanh, ốc mặt trăng, ốc len… vừa mò được, nhóm 4 đứa trẻ nhau nhảu nói về cái khổ cái cực gắn bó với chúng như cơm ăn nước uống hằng ngày: "Lội sình thì đủ thứ cái cực hết chú ơi! Có khi đạp miểng chai đổ máu, bị cây nhọn đâm thấu xương, bị rắn cắn, bị ong đốt, bọ cạp chích vừa nhức vừa sưng vù".

Là cư dân vùng đất hoa lệ nhưng các em chưa bao giờ được nhìn thấy xe hơi, không biết đến khái niệm công viên và hoàn toàn xa lạ với cụm từ… "rạp chiếu bóng". Gắn liền với những năm tháng tuổi thơ cần được ăn-học của các em là gánh nặng áo cơm với ngày dài tháng rộng bì bõm băng rừng lội sình, mò ốc, bắt cá trong lạnh giá. Cần Giờ là huyện nghèo nhất thành phố, Thạnh An là xã nghèo nhất huyện Cần Giờ nên tương lai của nhiều trẻ em nơi đây… luôn làm trĩu nặng tâm can những ai có lòng trắc ẩn.

Gập ghềnh đường ra đảo xa

Cuối tuần, hòa cùng dòng người đông đúc, chúng tôi đến Cần Giờ xả stress. Trên chuyến xe buýt xuất phát tại bến phà Bình Khánh đến Cần Giờ, TP HCM (khoảng 40km), trong câu chuyện hàn huyên với anh Nguyễn Văn Lân, nhân viên quản lý trạm viễn thông Viettel trên xã đảo Thạnh An, chúng tôi thật sự ấn tượng khi nghe anh nói "Thạnh An là xã nghèo khó, sâu xa nhất huyện Cần Giờ nên hiếm khi có khách đặt chân đến". Và thế là thay vì dừng chân trên Bãi biển 30-4 với những món hải sản trứ danh như sam biển, vọp, cua cúm… đang chờ đợi như dự tính, chúng tôi quyết định du khảo đến vùng đất ít người đặt chân lên ấy!

Xe dừng tại thị trấn Cần Thạnh, trung tâm huyện Cần Giờ, để ra đến Thạnh An, chúng tôi mua vé tàu làm cuộc hành trình 45 phút vượt biển trong sóng gió rào rạt. Khách đi tàu hôm ấy khá đông, họ phần lớn là những phụ nữ thay vì bán mớ cá tôm ngay tại xã đảo mà chồng con bặm mình trong sóng gió đêm hôm kéo lưới, thì họ quyết định vượt biển mang ra trung tâm huyện để bán được giá hơn vài mươi ngàn đồng.

Khách đi tàu còn có bóng dáng của vài em học sinh cấp III đang học nội trú tại 3 trường huyện. Mắt đăm chiêu hướng về phía trước, người đàn ông lái tàu tên Minh, sẻ chia: "Mấy đứa này được cha mẹ tạo điều kiện cho ăn học đến trường là may lắm đấy. Bởi con số học sinh có điều kiện vượt biển nuôi chữ ở Thạnh An rất khiêm tốn so với số trẻ mù chữ hoặc vừa biết đọc biết viết đã phải nghỉ ngang vì gánh nặng áo cơm".  

Trên chuyến tàu ra đảo xa hôm ấy, chúng tôi gặp được cô giáo Nguyễn Thị Loan, quê ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, vì trót mê nghiệp gõ đầu trẻ mà thân gái dặm trường đến đảo xa heo hút gieo chữ. Loan cho biết cô dạy chữ ở ấp Thiềng Liềng, cách đảo Thạnh An gần 1 giờ tàu chạy, là ấp xa xôi, nghèo khó nhất xã Thạnh An.

Từ câu chuyện với cô giáo trẻ và những cư dân Thiềng Liềng cùng đi trên tàu, chúng tôi được biết ở Thiềng Liềng, nhà lá nhiều hơn nhà gạch, học trò thì em nào cũng có hoàn cảnh nghèo như nhau nên "bữa học bữa đi trầm sình mong kiếm thêm vài lon gạo đỡ đần mẹ cha". Cuộc trò chuyện bất chợt gián đoạn vì con thuyền bị sóng nhồi chao đảo, dập dềnh khiến những vị khách lần đầu vượt biển say xẩm.

"Đường từ thị trấn Cần Thạnh ra đảo Thạnh An, đặc biệt là đảo Thiền Liềng gian nan, cách trở  nên chuyện ăn học của trẻ em ở đây rất khó khăn. Những gia đình có con em được ra huyện học THPT phải gánh gồng dữ lắm!" -anh Lân nói như hét giữa mênh mông sóng gió.

Tuổi thơ nhọc nhằn

Tàu chuẩn bị cập bến, ông Minh nhờ tôi lay hai thằng bé lấm lem bùn đất đang nằm sóng soài trên thuyền: "Hai thằng này tối qua đi soi cua mệt quá nên mới ngủ say như chết vậy đó. Tụi nó cũng như mấy bà kia, soi được con cua mớ ốc mang ra chợ huyện đặng bán được giá hơn chút ít ấy mà". Dứt lời, ông Minh chùn giọng: "Do ăn uống không đầy đủ, thiếu ngủ lại chịu trận với sóng gió lạnh buốt nên đứa nào đứa nấy còi cọc, môi tím tái, da đen nhẻm thấy mà thương".

Những đứa trẻ lặn ngụp với "chiến lợi phẩm" thu được.

Tàu cập bến, chúng tôi đi sâu vào trung tâm xã đảo Thạnh An, nơi có nhiều đứa trẻ toàn thân lấm lem bùn đất vừa trở về sau đêm dài thức trắng lội sình soi cua soi ốc. Kéo khách ra chiếc thuyền con chắp vá nằm nép sau rặng bần cổ thụ cành lá xanh um "để tránh nắng", anh Nguyễn Mười Ba, cha của 4 đứa con lem luốc, gầy guộc, bộc bạch: "Khoảng năm năm trở lại đây, nhờ lãnh đạo thành phố quan tâm đầu tư xây dựng điện -đường - trường - trạm mà cuộc sống của dân Thạnh An đỡ hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên, cái nghèo cái khổ thì vẫn kể không xiết".

Chỉ tay về phía bãi đá nhô dài ra biển với bóng dáng nhỏ nhoi của hai đứa trẻ để đầu trần cháy nắng đang nạy hàu, anh Ba bảo: "Cả hai đứa đều là con tôi, thằng Bình 14 tuổi và con bé Ngâu 12 tuổi". Hôm nay con nước lên cao, không thể lội sình được nên hai đứa nhỏ có trình độ "biết đọc biết viết lem nhem" phải nai lưng gõ đá nạy hàu dù rằng mẹ cha chẳng bắt buộc: "Gõ không khéo trúng tay trúng chân bị bay móng đổ máu ai chả bị chú ơi" - thằng cu Bình nói chuyện với mồ hôi nhễ nhại: "Tùy con nước mà có lúc con gõ đến trưa, có khi bổ búa đến chiều mới nghỉ. Một ngày như vậy bán được ba chục ngàn, đong được 3 ký gạo đó chú!".

Chúng tôi tiếp tục dấn bước và ghi lại nhiều hình ảnh những đứa trẻ con nhà nghèo đang hụp lặn trong sóng nước, bùn sình nuôi hy vọng áo cơm. Xòe tay khoe mấy con ốc ngựa, vẹm xanh, ốc mặt trăng, ốc len… vừa mò được, nhóm 4 đứa trẻ nhau nhảu nói về cái khổ cái cực gắn bó với chúng như cơm ăn nước uống hằng ngày: "Lội sình thì đủ thứ cái cực hết chú ơi! Có khi đạp miểng chai đổ máu, bị cây nhọn đâm thấu xương, bị rắn cắn, bị ong đốt, bọ cạp chích vừa nhức vừa sưng vù".

Thằng bé tên Tâm, 16 tuổi mà bé choắt như mới lên mười, giọng già chát: "Mấy năm trước lội sình ven bờ là nhặt ốc mệt nghỉ. Sau nhiều người đi soi đi bắt nên ốc hiếm dần. Giờ muốn có ăn phải mạo hiểm lội ra xa bờ, mà càng ra ngoài càng nguy bởi sóng gió bất thường lắm. Bởi vậy tụi con mới đi thành nhóm để có bề gì còn biết đường mà xoay xở"…

Trời bất ngờ kéo mây đen, giông gió nổi lên. Mới 3h chiều mà không gian xã đảo tối bưng bưng. Sợ trễ chuyến đò nên chúng tôi vội ra thuyền để trở lại thị trấn Cần Thạnh. Đường về, chúng tôi nhớ mãi bóng dáng gầy guộc và những mái đầu khét nắng của đám trẻ con nhà nghèo nơi đảo xa. Lòng thầm mong có phép màu nào đó sẽ đến với các em, để sự nhọc nhằn thôi không đè nặng trên bước chân non nớt của những đứa trẻ trầm sình, để các em có được một tuổi thơ theo đúng nghĩa!

Nguyễn Thành Dũng
.
.
.