Những đứa trẻ ham học ở chân núi Ngọc Linh

Thứ Hai, 30/05/2016, 08:43
Dưới chân dãy Ngọc Linh, hằng ngày các em học sinh nơi rẻo cao này đến trường, đến lớp nỗ lực học hành, cùng nhau cảm nhận “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Và để có được điều đó, các thầy, cô giáo đã tâm huyết, miệt mài với công việc “gieo chữ” của mình...

Từ sớm tinh mơ, rời TP Tam Kỳ bằng chiếc xe máy cà tàng, chúng tôi ngược đường rừng lên đến miền rẻo cao Trà Linh (Nam Trà My, Quảng Nam), thì trời đã gần trưa. Nhưng cái nắng vẫn chưa xua tan hết được sương mù giăng đầy lưng núi Ngọc Linh. Trường Tiểu học Ngọc Linh còn ẩn hiện giữa màn sương dày đặc. Lúc chúng tôi đến trường, các em học sinh đang ăn trưa. 

Bữa ăn cơm gạo trắng và đầy đủ cá, thịt. Thấy có khách đến, các em chào và tiếp tục ăn cơm trông rất ngon miệng. A Tin, học sinh lớp 5, khi được hỏi bữa ăn thế nào?, vừa gắp lát thịt heo luộc, em nhanh nhảu trả lời: “Ăn cơm ở trường ngon lắm chú à. Bữa nào cũng có cá, thịt. Chúng em đi học được ăn ngon hơn ở nhà nữa. Do đó, em cũng như các bạn rất háo hức được đến trường”…

Cô giáo Mai đang giảng bài cho học sinh Trà Linh.

Thầy là Nguyễn Thanh Hùng (SN 1979), Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngọc Linh, cho hay: Năm học này nhà trường có 43 giáo viên, trong đó 33 giáo viên bậc tiểu học, với 313 học sinh và 10 giáo viên bậc mầm non, với 171 học sinh. Ngoài cơ sở chính, Trường Tiểu học Ngọc Linh còn có 9 điểm trường tại các thôn bản xa xôi.

Thầy Hùng tâm sự rằng, ngày thầy mới đến, ngôi trường dưới chân dãy Ngọc Linh này vẫn còn là một ngôi trường nhỏ bé nằm ở thôn 3, cách trở giao thông đi lại. Nhận thấy việc trường nằm ở thôn 3 sẽ gây khó khăn cho học sinh các thôn khác mỗi khi đi học phải băng rừng, lội suối hàng giờ đồng hồ, nên thầy cùng Ban Giám hiệu nhà trường quyết tâm làm một công việc mang tính bước ngoặt, đó là dời trường đến nơi thuận tiện.

Với những lý lẽ đầy thuyết phục, năm 2011, chính quyền và ngành Giáo dục địa phương đồng ý cho dời trường từ thôn 3 ra điểm trường bây giờ… 

Đặc điểm riêng của xã Trà Linh là các thôn, nóc ở đây đều nằm lưng chừng núi. Vì vậy, dù đã có điểm trường mới khang trang song các em vẫn còn đi học rất vất vả. Thế nhưng, con em đồng bào Xê Đăng ở đất rừng này rất ham học. Các em chẳng nề khó khăn, mỗi ngày leo dốc cao, băng rừng rậm, lội suối sâu để được đến trường học hành. 

Nhận thấy điều này, từ năm học 2011-2012, Ban Giám hiệu nhà trường vận động phụ huynh ủng hộ ngày công, gỗ để làm nhà ăn, nhà bán trú cho học sinh. Sau gần 1 tháng, cuối cùng chỗ ăn, ở của học sinh Trường Tiểu học Ngọc Linh được hoàn thành trong sự hân hoan của tập thể giáo viên nhà trường cùng các bậc phụ huynh và hàng trăm học sinh. 

Một tiết học ngoài trời của học sinh Trường Tiểu học Trà Linh.

Để việc ăn uống của các học sinh được thuận tiện, nhà trường đã thuê 4 người phụ trách việc nấu ăn; đồng thời, để bữa ăn của các em được đảm bảo và an toàn, nhà trường đã đặt mua thức ăn từ TP Tam Kỳ chở lên. Và, từ những cố gắng của các thầy, cô giáo yêu nghề, yêu trẻ mà các em học sinh ở đây bữa ăn nào cũng có cá, có thịt rất đảm bảo. Chứng kiến các em ăn trưa ở trường mới thấy được ý nghĩa của việc này…

Như nhiều cô giáo miền xuôi hy sinh tuổi xuân vì sự nghiệp “trồng người” ở vùng cao Trà Linh, cô giáo Nguyễn Thị Tri (26 tuổi, giáo viên tiểu học ở điểm trường tại thôn 2, xã Trà Linh) đã phải vượt qua bao khó khăn từ việc ăn uống, đi lại, điều kiện sinh hoạt thường nhật. Để đến được điểm trường, phải đi bộ đường rừng mất hàng giờ đồng hồ, vậy mà với cô giáo có thân hình nhỏ nhắn, khuôn mặt hiền hậu này, cười nhẹ nhàng nói: “Em đi lại nhiều nên quen rồi…”. 

“Lúc mới lên rẻo cao này, em nhớ nhà lắm. Em nhớ có một lần khóc vì nhớ nhà, các em học sinh biết được đã rủ nhau đi hái trái cây rừng về mang tặng em, nói “để cô giáo ăn cho đỡ buồn”. Cầm mấy trái cây rừng các em đưa cho, em thấy thương các em vô cùng, cảm nhận được tình cô trò thật ấm áp. Từ đó mà em cũng bớt nhớ nhà hơn và yên tâm với công tác giảng dạy”, cô Tri chia sẻ.

Cái khó nhất trong việc dạy chữ của thầy, cô ở Trà Linh là các tập tục của người Xê Đăng đã gây không ít khó khăn cho việc đến trường của học sinh. Ví như, nếu trong làng có người chết thì trẻ em sẽ không được ra khỏi làng trong vòng 3 ngày. Hay như mỗi khi làng tổ chức ăn trâu quê (làm lễ đâm trâu) thì trẻ em cũng phải ở nhà 3 ngày... Hiểu được những tập tục đó, các thầy, cô giáo thường xuyên xuống các bản làng để tuyên truyền, vận động phụ huynh bỏ hủ tục lạc hậu, cho con em đến trường học chữ. 

Nhờ những nỗ lực không mệt mỏi của các thầy, cô mà sĩ số học sinh đến trường luôn được ổn định. “Với các em học sinh trên này, chúng tôi luôn cố gắng làm sao để mỗi ngày đến trường của các em thực sự là ngày vui. Nếu không rất khó để giữ các em ở lại trường. Chính vì lẽ đó mà các thầy cô ngoài việc truyền dạy kiến thức cho các em, còn cần phải dỗ dành làm sao để các em vui tươi đến lớp”, thầy Hùng tâm sự.

Mà không chỉ “dỗ” học sinh, nhiều khi các thầy cô còn phải “dỗ” cả phụ huynh của các học sinh nữa. Nhiều khi học sinh bị ốm đau trong làng nhưng thầy cô phải lặn lội vào tận nơi đưa các em đến cơ sở y tế để khám chữa bệnh. Không những vậy, các thầy cô còn phải đưa cả phụ huynh học sinh bị ốm đi cùng, nếu không họ sẽ không chịu cho con họ đến cơ sở y tế. Cô giáo Hồ Thị Mai, người Xê Đăng, dạy tiếng Anh tại trường được 2 năm nay, bày tỏ rằng, hằng ngày cô vẫn đều đặn với phấn trắng, mực đen, miệt mài với công việc truyền dạy chữ cho con em đồng bào của mình. Vì đó là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao của cô. “Em được học chữ và trưởng thành từ ngôi trường ở Trà Linh, bây giờ được truyền dạy lại những điều đã học cho con em đồng bào của mình, mong muốn góp phần giúp các em có được những thay đổi lớn trong nhận thức, làm thay đổi cuộc đời của chính mình trong tương lai…”.

Ngọc Thi
.
.
.