Những đóa hoa trên tuyến lửa

Thứ Sáu, 29/04/2016, 08:30
Năm 1966, một đoàn y bác sĩ, văn nghệ sĩ rời Hà Nội, vượt Trường Sơn vào tiếp sức chiến trường miền Nam. Trong đó, chiếm không ít là những thiếu nữ tuổi đôi mươi, những người mới vừa làm mẹ.

Vượt qua bao gian nan, bom đạn dọc đường, nhiều người đến đích bình an, nhanh chóng trở thành những chiến sĩ tiên phong trên nhiều lĩnh vực, miệt mài lao động, chiến đấu, cống hiến cả tuổi thanh xuân cho đến tận ngày toàn thắng.

Nữ bác sĩ Lê Hồng Hoa, một trong số các thành viên trong đoàn trí thức vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu thời điểm ấy cho biết, chị tập kết ra Bắc năm 11 tuổi. 

Được tạo điều kiện học tập ở cả trong nước và Cộng hòa Dân chủ Đức nhưng mong muốn duy nhất của chị là được trở về miền Nam, sát cánh cùng đồng bào chiến đấu. Trước ngày cùng đoàn lên đường, chị đã tìm hiểu và nắm khá kỹ thông tin về con đường huyền thoại này, nhưng chỉ đến những tháng ngày trực tiếp vượt Trường Sơn, chị mới cảm nhận được đến tận cùng sự khốc liệt diễn ra hàng ngày trên mỗi đoạn đường.

Những trí thức vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam năm nào giao lưu với các bạn trẻ tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ ngày 28-4.

Thông thường, đoàn đi khoảng 7 ngày sẽ gặp một trạm để nghỉ ngơi và tiếp lương thực, thực phẩm. Vì nhiều lý do, có khi là gặp địch phục kích, đi càn, đoàn phải đi 10 ngày đến 15 ngày mới đến trạm tiếp theo. Có khi lương thực không còn, những nắm gạo nhỏ nhoi cuối cùng của các anh chị lớn tuổi hơn được nhường lại cho những người nhỏ hơn. 

Mọi người còn bày cách cho chị hái lá bép trên đường để dành nấu cháo. Loại lá này, càng nấu nhừ càng béo ngậy, khiến cháo ngon hơn. Có những ngày đói rã rời, không còn gì để ăn, may mắn đoàn tìm được những cụm củ mì (củ sắn) luộc ăn thay cơm. Đói, ăn nhiều nên có những người bị say đến mệt lả.

Nhiều anh chị cho biết, sở dĩ có những cụm củ mì gặp trên đường như vậy là nhờ những đoàn đi trước trồng. Đoàn đi sau, nếu đói sẽ có cái để ăn. Vì vậy, sau khi đoàn rời đi, mọi người đều có ý thức nhặt nhạnh phần cây, trồng lại với tâm thế biết đâu sẽ có những đoàn đi sau may mắn tìm được như mình…

Đoàn đi vào mùa mưa. Vắt rừng nhiều vô kể. Sợ vắt, nhảy vào, chị thường chọn nhảy vào giữa nhưng không bao giờ dám đứng ở vị trí nhất định nào sau khoảng 4 hoặc 5 phút. Có lần phải vượt qua một hồ nước rộng khoảng 100m. Nhìn xuống thấy đỉa bơi lúc nhúc, chị sợ quá nhưng vẫn phải nhắm mắt vượt. Buộc chặt ống quần và thắt lưng, chị nhờ một anh trong đoàn cho bám vào ba lô và dặn: “Nếu em có ngã thì anh cứ lôi thật nhanh, kéo lê theo cũng được”. Nước cao ngang ngực. Vừa lội vừa chạy, lên đến bờ chị vẫn bị 4, 5 con đỉa bám vào người.

Vượt Trường Sơn vào chi viện chiến trường miền Nam. Ảnh: Nguyễn Tấn Tài

Chị Lê Thị Thiệp, một trong số các thành viên trẻ nhất trong đoàn kể rằng với phụ nữ, khó khăn gian khổ cũng không chỉ là đói, là hy sinh mất mát mà có khi lại là những nỗi khổ khó nói. Có những quãng đường, để đảm bảo bí mật, đoàn phải lội suối cả quãng đường dài. Nước có khi cao quá ngực. Những chị em “đến tháng” vẫn cứ phải trầm mình ướt nhẹp. 

Nhưng khổ hơn nữa là những khoảng thời gian đi vài ngày không có nước, sự bất tiện mới lên đến đỉnh điểm. Huyết ra rồi khô, gây đau đớn đến nỗi nhiều chị không thể ngồi được khi đến trạm tiếp theo. Một nỗi ám ảnh hơn nữa là sợ bị lạc. Có những khi di chuyển trong đêm, mệt quá, chỉ sợ dựa vào gốc cây sẽ ngủ gục ngay dẫn đến lạc đoàn, chị phải buộc tay vào ba lô người đi trước và dặn, nếu có ngã thì cũng cứ thế mà kéo đi. Có khi trên đường đi, đoàn bắt gặp cánh võng đung đưa nhưng khép chặt. Đến gần mở ra, hình ảnh đập vào mắt mọi người là xác người lính đã khô. 

Ngay thành viên trong đoàn, cũng có người hy sinh ngay trên đường. Ngậm ngùi an táng cho đồng chí đồng đội xong, tất cả lại lặng lẽ lên đường nhưng quyết tâm còn cao hơn. Bởi, tất cả đều xác định mình phải đến đích, phải sống chiến đấu cho cả phần mình và phần của đồng đội đã mất…

Sau 5 tháng ròng, đoàn y bác sĩ, văn nghệ sĩ cũng đến được Trung ương Cục miền Nam. Bằng chuyên môn đã được đào tạo, bằng lòng quả cảm, mỗi thành viên đều có những đóng góp không nhỏ cho cuộc kháng chiến. 

Bác sĩ Lê Hồng Hoa sau này trở thành cán bộ tình báo hoạt động trong nội đô Sài Gòn. Bà Mộng Loan, vợ của nhà văn Anh Đức sau này trở thành người làm báo. Nhà văn Trần Thị Thắng cho biết, trong đoàn của chị ngày ấy có gần chục nhà thơ, nhà văn. Vào đến miền Nam, mọi người tỏa về nhiều địa bàn. Riêng chị, ngày Sài Gòn giải phóng, chị vẫn “lang thang” tận Mỹ Tho. Ngày 30-4-1975, khi Sài Gòn hò reo chiến thắng thì nơi chị tham gia chiến đấu, máy bay địch vẫn vè vè trên đầu kêu gọi chiêu hồi…

Chiến tranh đã lùi xa, những con người vượt Trường Sơn năm nào nay tóc đã bạc. Nhìn lại những thành quả đóng góp cho nước nhà, những người con ưu tú ngày ấy đều chia sẻ rằng chính khoảng thời gian vượt Trường Sơn, những gian khổ, khốc liệt trong những ngày sống, chiến đấu, lao động trực tiếp trên chiến trường miền Nam đã góp phần không nhỏ trong tôi luyện lên nhân cách, bản lĩnh của họ sau này…

Ngọc Nguyễn
.
.
.