Những đền thờ thầy cô giáo thời vua Hùng

Chủ Nhật, 05/04/2009, 11:20
Đến năm 1075, nước ta mới có trường Đại học đầu tiên là Văn Miếu. Nhưng ngay từ thời vua Hùng, ông cha ta đã có một nền giáo dục phát triển tương đối rộng rãi.

"Thiên cổ miếu" và câu chuyện dạy học thời Hùng Vương

Thiên cổ miếu từ bao đời nay vẫn được xem là ngôi đền thiêng của người dân làng Hương Lan, xã Trưng Vương, TP Việt Trì. Nếu không có sự kiện ngôi đền bị cháy vào năm 1990 thì có lẽ, bức màn bí ẩn về ngôi đền thiêng có lẽ còn lâu mới được biết đến. Trong lúc cố cứu những vật thờ trong đền, người dân làng Hương Lan đã phát hiện ra cuốn ngọc phả của đền và cả sắc phong vua ban. Dù bị cháy lẹm một phần, nhưng nội dung ghi chép trong đó thì không bị mất.

 Ngọc phả được viết lần đầu vào năm Hồng Phúc thứ 2 (tức năm 1573), đời vua Lê Anh Tông, do Đông các Học sĩ Nguyễn Bính phục soạn, ghi chép lại nguồn gốc của ngôi miếu cổ này. Theo đó, người được thờ trong đền là thầy Vũ Thê Lang (quê ở Mộ Trạch - Hải Dương) và vợ là bà Nguyễn Thị Thục - là thầy giáo dạy hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa.

Trong cuốn ngọc phả bằng giấy dó đã cũ nát theo thời gian, có ghi: "Đời Hùng Duệ Vương có Vũ Thê Lang là con của Vũ Công, người Mộ Trạch, Hải Dương, do gia cảnh khốn khó mà lên kinh đô Văn Lang tìm kế sinh nhai. Do học rộng, hiểu nhiều, ông được vua Hùng thứ 18 tin tưởng gửi gắm dạy dỗ hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa. Hai vợ chồng cùng chết vào ngày 2 tháng 2 năm Kỷ Dậu, được chôn cùng một mộ và được dân làng Hương Lan lập đền thờ ngay trên ngôi mộ chung đó".

Trong thiên cổ miếu, có bức hoành phi ghi "Thiên cổ miếu" và hai câu đối bằng chữ Hán: "Hùng Lĩnh trung chi thắng tích/ Nam thiên trích khí linh từ" (dịch là: Đền thiêng thờ người có chí khí mạnh mẽ, lớn lao của nước Nam). Ngoài ra trong ngôi đền thiêng này còn có những lư hương cổ bằng gốm có từ đời nhà Lý, nhà Lê.

Đến bây giờ, ngôi mộ của vợ chồng ông bà Vũ Thê Lang và Nguyễn Thị Thục vẫn còn ở trong điện và chưa bị dịch chuyển một lần nào.

Ông Nguyễn Hữu Yết (Trưởng ban quản lý cụm di tích làng Hương Lan) kể lại: "Người dân làng tôi bao đời nay vẫn tin vào sự linh thiêng của ngôi đền, đặc biệt là khi biết đây là ngôi đền thờ thầy giáo thời Hùng Vương. Chỉ tiếc là trước đây, do chưa có nhận thức về việc bảo vệ di tích, nên ngôi mộ  làm bằng đá ong của hai vợ chồng thầy Vũ Thê Lang đã bị phá đi để xây lại bằng xi măng, làm ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị lịch sử của ngôi đền".

Ngôi đền không chỉ có ý nghĩa tâm linh to lớn mà còn là một minh chứng cho sự tồn tại của một nền giáo dục hưng thịnh thời Hùng Vương.

Theo nhà nghiên cứu chữ Việt cổ Đỗ Văn Xuyền thì: "Thời Hùng Vương, nước ta đã có một nền giáo dục phát triển toàn diện, với hệ thống trường lớp quy củ ở kinh đô Văn Lang. Tuy những nghiên cứu khảo cổ chưa tìm được chính xác nền giáo dục nước ta thời đó phát triển đến mức nào, nhưng có thể khẳng định từ thời Hùng Vương, người dân Đại Việt đã có truyền thống hiếu học và chúng ta đã có chữ viết riêng để phục vụ việc học".

"Mai danh ẩn tích" để tồn tại

Theo một cuộc điều tra của Pháp những năm 30 về hệ thống đền, đình ở nước ta (tài liệu vẫn còn lưu trữ ở Viện Hán - Nôm),  thì toàn miền Bắc và miền Trung có hơn 40 đền thờ các thầy cô giáo và những học trò thời trước Hán, tức là thời Hùng Vương đến thời An Dương Vương.

Ông Đỗ Văn Xuyền đã tìm được một danh sách 18 thầy giáo thời Hùng Vương, những người đã đào tạo ra hiền tài cho các Vua Hùng thời đó như: Thầy Lý Đường Hiên, thời Hùng Vương thứ 6, dạy ở Yên Vĩ, huyện Hoài Nam, phủ Ứng Thiên, đạo Sơn Nam (nay là Ứng Hòa, Hà Nội); thầy Lỗ Công, thời Hùng Vương thứ 9, là cháu ngoại vua Hùng Định Vương, dạy ở kinh thành Văn Lang…

Đến nay vẫn còn đền thờ của các thầy giáo và học trò của họ ở khắp miền Bắc nước ta như đền thờ thầy Hải Đường tiên sinh ở huyện Đông Yên, phủ Khoái Châu; đền thờ Trương Sơn Nhạc - học trò thầy Lỗ Đường tiên sinh, ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh… Thậm chí cả những vùng đất xa xôi, hiểm trở như ở Quỳnh Nhai, Sơn La, cũng có đền thờ thầy cô giáo và những học trò rạng danh thời đó.

Điều đặc biệt thú vị là, hầu hết những ngôi đền thờ thầy cô giáo thời trước Hán còn tồn tại đến ngày nay đều đã từng bị "ngụy trang" rất lâu, khiến cho nhiều thế hệ không biết rõ về gốc tích của những ngôi đền này.

Lý giải điều này, ông Đỗ Văn Xuyền cho rằng: "Sau khi nhà Hán sang xâm lược nước ta, mở đầu thời kỳ 1.000 năm Bắc thuộc, chúng đã ra sức thực hiện chính sách đồng hóa, tìm mọi cách khiến người Việt quên đi truyền thống, gốc tích và bản sắc văn hoá dân tộc. Thầy cô giáo bị giết, trường học bị phá huỷ và những ngôi đền thờ các thầy giáo cũng bị chúng phá hoại. Rồi đến 100 năm thực dân Pháp đô hộ nước ta, chúng cũng đã phá hủy rất nhiều đình đền. Tất cả chỉ nhằm mục đích huỷ diệt những tinh hoa của dân tộc ta. Hoàn cảnh khó khăn lúc đó đã khiến cho người dân phải ngụy trang những ngôi đền này bằng cách giấu đi gốc tích thật sự của nó.

Trường hợp Thiên cổ Miếu là một ví dụ. Qua thời gian, bí mật của những ngôi đền này được phát hiện, là những chứng tích rõ nét khẳng định sự cố gắng của ông cha ta thời xưa trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng cố gắng bảo vệ những giá trị văn hoá của dân tộc cho con cháu muôn đời sau. Để chúng ta lại thêm một lần nữa không những tự hào về truyền thống giáo dục của dân tộc mà còn có thể tự hào về ý thức tự chủ và lòng tự hào dân tộc của người dân Việt bao đời nay"

Lan Hương
.
.
.