Những đêm ở Trường Sa

Thứ Năm, 03/11/2016, 10:35
Trường Sa là nơi nên đến 1 lần trong đời. Tuy nhiên, mong muốn ấy không phải ai cũng có thể thực hiện được. May mắn cho tôi, đã được đặt chân đến vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc ấy. Lần đầu được đến với Trường Sa, biết bao cảm xúc, niềm tự hào và những câu chuyện lượm lặt được ở Trường Sa cũng là những kỷ niệm để đời.

1. Trong đoàn đi Trường Sa tháng 5- 2015, nhóm PV báo chí chỉ chừng hơn chục người. Qua một vài lần giao lưu văn nghệ trên tàu HQ 571, với giọng hát có thể gọi là tạm được nên anh em báo chí tín nhiệm giao cho “trọng trách” cứ giao lưu là đứng lên hát. Cũng từ đó, mà một lần trong đời được đứng hát ở Trường Sa là kỷ niệm có lẽ sẽ khó quên trong cuộc đời làm báo của một PV Báo CAND như tôi.

Trong chuyến đi Trường Sa đó, toàn bộ đoàn công tác được quán triệt không ai được ngủ lại trên đảo. Thế nhưng lần đầu được đến Trường Sa một vài anh em PV chúng tôi rất thèm được lên đảo một tối, ăn ngủ lại trên đảo để được hiểu hơn cuộc sống của quân và dân trên các đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Buổi chiều tàu thả neo chuẩn bị cho sáng sớm hôm sau đoàn công tác sẽ vào thăm, tặng quà cho quân và dân trên đảo Sinh Tồn Đông.

Tận dụng cơ hội này, mấy anh em trong nhóm PV chúng tôi đã lén trèo lên ca nô đưa đoàn văn công vào biểu diễn cho cán bộ chiến sĩ trên đảo. Được vào đảo ngủ lại trên đó, mấy anh em ai cũng vui. Không những thế, ai cũng phấn khởi vì được cán bộ, chiến sĩ trên đảo đón tiếp rất nồng hậu. Trung tá Nguyễn Văn Bình, đảo trưởng đảo Sinh Tồn Đông giới thiệu cho chúng tôi chi tiết về cuộc sống thường nhật của cán bộ chiến sĩ trên đảo.

Đến phần giao lưu văn nghệ của đội văn công, gương mặt cán bộ chiến sĩ trên đảo ai cũng háo hức lắm, cũng đúng thôi vì những món ăn tinh thần như thế này, trên đảo không phải lúc nào cũng có. Có lẽ khi đứng trên vùng biển Trường Sa thân yêu được nghe những ca khúc như: "Nơi ấy là đảo xa", "Không xa đâu Trường Sa ơi"… chúng tôi mới cảm nhận hết được ý nghĩa thiêng liêng của hai từ “Tổ quốc”.

Say sưa theo dõi, bất ngờ giọng MC vang lên giới thiệu ca khúc “Tình ta biển bạc đồng xanh” song ca gồm ca sĩ của đoàn văn công và PV Báo CAND. Tôi thực sự ngỡ ngàng vì không nghĩ là mình lại hát vào lúc này. Một chút bối rối, nhưng MC đã giới thiệu rồi nên cũng phải lên sân khấu.

Tác giả (bìa phải) với kỷ niệm để đời là một lần được hát ở Trường Sa.

Lúc mới lên sân khấu hơi run vì không chủ động nên có phần không được khớp với nhạc cho lắm. Thế nhưng, cảm giác ấy cũng nhanh chóng biến mất, nhường chỗ cho sự tự tin, niềm tự hào vì tôi đang đứng ở đây, giữa biển Đông và hát cho những cán bộ chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ bình yên cho Tổ quốc nghe. Có thể không hay nhưng tôi đã hát bằng cả trái tim mình. Dứt nhạc, tiếng vỗ tay rào rào vang lên, lúc đó tôi mới biết là bài hát đã kết thúc.

2. Nam Yết cũng là đảo chúng tôi may mắn được ngủ một đêm trên đảo, lần thứ 2 được ngủ trên đảo và thú thực là cũng vẫn phải bằng cách như chúng tôi lên đảo Sinh Tồn Đông. Tối trên đảo Nam Yết, chúng tôi được bố trí ngủ tại nhà khách. Tối đó, sau khi tham quan một vòng trên đảo, chúng tôi lên phòng đảo trưởng Nguyễn Văn Lý để hỏi thăm sức khoẻ anh.

Người nhà binh, nhưng Thượng tá Nguyễn Văn Lý rất cởi mở, anh trò chuyện với chúng tôi rất vui vẻ và thân tình. Trong câu chuyện của anh, chúng tôi hiểu anh đã gắn bó với Trường Sa nhiều năm rồi, từ thời còn đèn dầu tù mù cho đến giờ đã có đèn điện sáng trưng. Những cái tên như: Nam Yết, Song Tử Đông, Sơn Ca… đã trở thành quê hương thứ 2 của anh.

Đang trò chuyện với anh tôi thấy trong góc phòng có 6 quả dừa đang mọc mầm. Đây là chi tiết tôi thấy khá lạ. Hỏi Thượng tá Nguyễn Văn Lý, anh vui vẻ chia sẻ. Đó chính là chỉ tiêu của cán bộ chiến sĩ trên đảo. Lãnh đạo 6 quả, cán bộ chiến sĩ 3 quả dừa là chỉ tiêu để ươm giống cây trồng trên đảo.

Thượng tá Lý nói, ươm giống cây này trên đảo công phu lắm, đúng là “nâng như nâng trứng”. Để quả dừa nảy được mầm phải luôn chú ý đưa vào chỗ thoáng mát, ngày nào cũng phải để ý phun nước giữ ẩm. Khoảng 3 tháng quả dừa mới nảy mầm, lúc đó mới mang quả dừa ra trồng. Lúc này cần phải chăm sóc hết sức kỹ lưỡng, tưới tắm thường xuyên.

Đảo Nam Yết là đảo có nhiều cây xanh nhất trong số các đảo nổi ở Trường Sa. Trên đảo, không chỉ có những loài cây đặc chủng như bàng vuông, phong ba của Trường Sa mà còn có nhiều loại cây khác được mang ở đất liền ra trồng như cây bàng đất liền, cây dừa, cây đa búp đỏ… Nếu không có ý thức ươm mầm xanh của bao thế hệ cán bộ chiến sĩ trên đảo thì đã không thể có một bông hoa đua nở giữa trùng dương sóng gió như thế.

Cũng chính vì có hệ thống cây xanh rợp bóng mà ở Nam Yết này có nhiều loài chim bay từ đất liền ra chọn làm nơi “định cư”. Nam Yết cũng là nơi dừng chân cho nhiều loài chim di cư. Sau một thời gian “quá cảnh” lấy lại sức lực, đàn chim lại tung cánh bay về đất liền. Khi ấy đảo lại tiếp tục đón những “cư dân” chim mới.

Phan Hoạt
.
.
.