Những đại ca "Hồng Hài Nhi" vừa rời Trại T16

Thứ Ba, 08/05/2007, 12:45
Tuấn chỉ tên từng người, đọc năm sinh tháng đẻ và nêu bảng thành tích. Toàn 20, 21 tuổi cả, còn tội trạng thì đủ loại: cướp giật, đánh nhau, bảo vệ người yêu… Anh già nhất (32 tuổi) bảo: "Chị đừng ngạc nhiên, đây là đội "Hồng Hài Nhi" trong T16. Toàn lớn lên trong tù cả đấy".

Thật không thể tin được chúng tôi lại có thể tiếp cận đội "Hồng Hài Nhi" của T16 (Trại giam của Bộ Công an) giữa ban ngày, trong bầu không khí mát mẻ của trời Hà Nội tiết tháng 3.

Nếu vào trại thì chẳng có gì phải nói vì ở T16 người ta đã liệt đám trẻ vị thành niên bị xử lý hình sự vào đội "Hồng Hài Nhi" rồi. Đằng này, dù chỉ mới được thả về rừng trước và sau Tết song đội vẫn tụ với đủ mặt anh tài. Người ở đội rau, kẻ ở đội bếp, đứa đội dọn vệ sinh… họ nhận ra nhau và nhận ra cả công việc được giao trong thời gian cải tạo.

Lặng lẽ nhìn, nghe và tìm hiểu, chúng tôi thấy mình phải có trách nhiệm gửi đến bạn đọc những thông tin về cái đội đặc biệt này để cùng suy ngẫm, cùng cầu mong. Bởi lý do rất đơn giản, họ cũng là một thực thể của xã hội.

Như đã hẹn, 17h30', chúng tôi có mặt tại điểm bán vịt (các món vịt trừ tiết canh) của ông chủ trẻ, cư dân T16 mới được tự do sau Tết.

Tôi từng gặp Tuấn trước đấy một tuần ở quán cà phê trên phố Hàng Nón và bị đôi mắt của cậu gây chú ý. Đôi mắt lạ, cuốn hút. Chẳng nào ngờ cái anh chàng sáng sủa, đẹp trai này lại có bề dày thành tích bất hảo. Bởi nếu chỉ nhìn bề ngoài mà bảo cậu mới ở T16 ra cũng không ai tin.

Vừa quạt than nướng vịt, Tuấn vừa thủng thẳng nói chuyện. Tôi giật mình khi nghe Tuấn bảo cậu chính là kẻ cầm đầu nhóm "người dơi".

"Là em ư?", tôi hỏi lại. Tuấn gật đầu xác nhận, còn tôi nhớ lại thời kỳ thịnh vượng của ổ nhóm thiếu niên hư chuyên trộm cắp, cướp giật tài sản người qua đường ở đầu cầu Long Biên phía Hà Nội.

Cách hành nghề của "người dơi" đã thành “huyền thoại”. Chúng chặn xe hoặc lợi dụng tắc đường giật túi đồ, nữ trang, điện thoại di động của người đi đường. Tay ôm chặt chiến lợi phẩm, chúng phi như bay xuống bãi sông Hồng và mất hút trong lùm cây hay dòng nước. Nạn nhân và người đi đường chỉ biết nhìn theo ngỡ ngàng.

Tiếc của một phần, nhiều người còn lo chúng bị sứt đầu, gẫy chân, gẫy tay. Song thực tế, chẳng có đứa nào hề hấn gì bởi nếu sứt đầu mẻ trán sau mỗi phi vụ bay, chắc chúng chẳng có gan hành sự tiếp.

Băng đảng "người dơi" tác oai tác quái đến mức Phòng CSHS, Công an Hà Nội phải cử hẳn một đội chuyên bám sát địa bàn này. Và thế là "người dơi" lần lượt bị tóm.

Tại Trường Giáo dưỡng của Công an Hà Nội, tôi từng gặp một số "người dơi" khi vào đây viết bài về trẻ em hư. Cậu nào cũng tỏ ra ngoan ngoãn, dễ bảo, nếu không xem hồ sơ, bản tự kiểm điểm của "người dơi" thật khó tin những chú nhóc dễ thương này bạo gan đến vậy.

Qua trao đổi với những thầy giáo mặc sắc phục, tôi được biết những "người dơi" dưới 16 tuổi mới cho vào đây, còn hơn 16 tuổi phải đi trại cải tạo vì chiến tích gây ra đủ bị xử lý hình sự dù đang ở tuổi vị thành niên. Hôm nay, gặp đại ca của băng đảng cướp nhí sau thời gian lột xác ở T16, tôi ngỡ ngàng là phải.

Để trở thành đại ca của "người dơi", một phần có lẽ bởi chiến tích bỏ nhà ra ở riêng từ năm 1997, khi mới 15 tuổi của Tuấn. Nhà ở ngay phố Hàng Lược mà chẳng mấy khi Tuấn ngó qua. Cu cậu dạt ở chợ Đồng Xuân, bãi Phúc Tân, Phúc Xá, chợ Long Biên, đầu đường Nguyễn Văn Cừ, bãi giữa sông Hồng… toàn là những địa danh rất gần nơi cư trú của gia đình nhưng bố mẹ có đi tìm cũng chịu.

"7h sáng, bọn đàn em sang nhà nghỉ Sành Điệu, nơi em nằm nộp chiến lợi phẩm", Tuấn nói. Cậu còn giải thích mình chẳng cần ra tay mấy vụ đó, bọn đàn em bảo nhau tự làm và cống nạp.

"Cả ngày trong nhà nghỉ em làm gì?", tôi hỏi. "Cờ bạc, gái mú, thế mà chị cũng phải hỏi", Đoàn vừa tấp xe vào trả lời thay.

Không bị bắt trong vụ "người dơi" nhưng Tuấn vẫn bị "nhập kho". "Tội gì?", tôi hỏi. Mẹ Tuấn trả lời thay: "Đánh người gây thương tích". Tuấn chua thêm một câu "tội chồng lên tội", nghĩa là cậu ta phải vào T16 với hai cái án cộng lại. Đấy là chưa kể đến việc tham gia băng đảng "người dơi".

"Giờ ngẫm lại, em thấy sao", tôi hỏi. "Đúng là em đã có một tuổi thơ dữ dội. Không ai khác, chính em gây ra sự dữ dội đó", Tuấn nói rồi chợt im lặng.

Mẹ Tuấn, người đàn bà bươn chải, suốt ngày phơi mặt ra đường buôn bán. Sáng bà bán hoa lụa, tối bán hàng ăn. Bà xoay đủ nghề, nghề nào có tiền là làm. Từ bán bún thang, bán phở… đến cả bán vịt bà đều làm tất. Lối đi nhỏ nhìn ra mặt phố Hàng Lược là nơi kiếm sống của bà. Phố cổ, đất chật, người đông, kiếm được chỗ ngồi như thế là tươm lắm rồi.

Tuấn im lặng nghe mẹ tâm sự với chúng tôi chuyện mưu sinh. Chợt cậu nói: "Em ở tù ra thì bố mất, rồi bà mất. Dù không muốn tin nhưng đó là sự thật. Em thấm thía lắm rồi, mình đã trả cái giá quá đắt". Chúng tôi không biết nói gì, còn mẹ Tuấn nhìn con trai. Trong ánh mắt của bà vừa có niềm hy vọng, vừa có sự lo sợ.

Bà sợ cũng phải thôi, khi bố còn sống đã không giữ được Tuấn ở nhà, huống hồ nay chỉ có bà. "Chị chỉ mong em nó lớn rồi sẽ biết nghĩ", mẹ Tuấn nói. Chúng tôi cũng mong như vậy.

Tuấn vẫn luôn tay quạt than, lật vỉ thịt vịt nướng cho đều lửa và nhăn mặt vì khói xông vào mũi. Rồi Hà, Hoàn, Toán… đến. Rồi đồ nhậu được dọn ra bàn. Lại có một nhóm 3 người trên con xe sơn xanh, sơn đỏ tạt vào. Người quen nhận ra nhau, người lạ sau hồi nâng chén cũng thành quen.

Còn chúng tôi liên tục thốt lên “trẻ quá” khi có thêm cư dân T16 nhập bọn.

Tuấn chỉ tên từng người, đọc năm sinh tháng đẻ và nêu bảng thành tích. Toàn sinh năm 1986, 1987 cả, còn tội trạng thì đủ loại: cướp giật, đánh nhau, bảo vệ người yêu… Một anh già nhất (SN 1975) cũng là "cư dân" bảo: "Chị đừng ngạc nhiên, đây là đội "Hồng Hài Nhi" trong T16. Toàn lớn lên trong tù cả đấy".

Khi bài báo này sắp lên khuôn, chúng tôi trở lại chỗ Tuấn bán hàng và chứng kiến sự cần mẫn của cậu mà thấy mừng. Tuấn còn khoe vừa đi đánh hàng cùng thằng bạn về hôm trước.

Xem ra cu cậu có vẻ tu chí, mẹ Tuấn gật gù khi nghe chúng tôi nhận xét. Hy vọng, với Tuấn tuổi thơ dữ dội chỉ còn là quá khứ

Cao Hồng - An Bình
.
.
.