Những cựu tù binh với bảo tàng tái hiện địa ngục Phú Quốc

Thứ Bảy, 08/10/2011, 17:12
Suốt hơn 20 năm qua, những cựu tù binh Phú Quốc đã lặn lội khắp trong Nam ngoài Bắc, tìm kiếm, sưu tầm kỷ vật, hiện vật của các chiến sĩ cách mạng từng bị giam cầm tại các nhà tù trong cả nước để lập nên bảo tàng lịch sử tư nhân độc đáo tại một vùng quê Phú Xuyên - Hà Nội.

Từ trung tâm huyện Phú Xuyên, đi thêm khoảng một cây số qua hầm chui dân sinh của đường cao tốc Cầu Giẽ - Pháp Vân, chúng tôi tìm về "Bảo tàng chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày" của những người cựu tù binh Phú Quốc ở thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Một ngày ngắn ngủi nhưng chúng tôi có thêm cơ hội để được biết đến những việc làm bình dị mà cao cả của những người cựu binh đã từng vào sinh ra tử một thời ở những nhà tù hay chiến trường đầy khói lửa.

Đền thờ các liệt sỹ. Ảnh: Duy Ngợi.

Bảo tàng có một không hai

Bảo tàng được xây dựng trên một khu đất rộng chừng 2.000m2. Lúc mới thành lập, bảo tàng có tên là "Phòng truyền thống chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày". Đến năm 2007, UBND tỉnh Hà Tây cũ đã ký quyết định công nhận phòng truyền thống ấy là "Bảo tàng chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày". Tuy là bảo tàng lịch sử tư nhân nhưng có tới 10 phòng trưng bày với hơn 2.000 hiện vật, kỷ vật vô giá. Không ai biết rằng, bảo tàng ấy lại là của một người cựu chiến binh từng bị bắt và tù đày ở nhà tù Phú Quốc - ông Lâm Văn Bảng, Phó ban liên lạc cựu tù Phú Quốc.

Để có được bát hương đặt trong đền thờ vong linh các liệt sỹ, ông Bảng cùng đồng đội đã đi khắp các nghĩa trang, nhà tù của mọi miền Tổ quốc như nhà tù Sơn La, nghĩa trang Trường Sơn, nhà tù Phú Quốc… xin mỗi nơi một ít đất, một chân hương mang về. "Ngoài những hiện vật mà anh em cất công lặn lội đến từng chiến trường, nhà tù sưu tầm được thì còn có những hiện vật, bức ảnh phải nhờ đến Đại sứ quán Mỹ giúp đỡ. Ngoài ra, bảo tàng này còn là nơi tự tay anh em chúng tôi phục chế những hình ảnh của quá khứ đau thương", ông Bảng cho biết. Bảo tàng này không giống bất cứ bảo tàng nào khác bởi vì những nhân viên trong bảo tàng đều là những nhân chứng sống đã có một thời bị địch bắt giam và tra tấn như thời trung cổ.

Mỗi hiện vật trong bảo tàng là một câu chuyện bi hùng mà những chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày phải đổi bằng xương, bằng máu và cả tính mạng để giữ gìn, bảo quản để mang từ nhà tù của địch ra.

Trong số những kỷ vật thiêng liêng ấy là lá cờ Đảng và tấm chân dung Hồ Chủ tịch được nhuộm bằng máu của các chiến sĩ cách mạng trong nhà tù Phú Quốc. Hình búa liềm ở giữa lá cờ được tạo nên từ những viên thuốc ít ỏi mà các chiến sĩ cách mạng có được đem mài ra, pha thành màu để vẽ. Ông Bảng cho biết, trong tù, một viên thuốc còn quý hơn máu. Tuy vậy, nhiều người tù sức khỏe yếu song dứt khoát không uống thuốc, để dành làm màu vẽ cờ Đảng. Đặc biệt, nơi đây còn có những hiện vật còn ẩn hiện đâu đó linh hồn của các liệt sỹ như tảng đá đập vào đầu, đinh đóng vào người hay đầu đạn ghim trong hài cốt…

Phòng biệt giam rộng chỉ 27m2 nhưng địch nhốt tới 180 người.

Bên cạnh các gian trưng bày những mô hình, thủ đoạn tra tấn của giặc thù với những chiến sỹ cách mạng, bảo tàng còn có phòng đọc sách báo, phòng trưng bày những kỷ vật, bút ký của Bác cùng những người chiến sỹ.

Tâm nguyện người còn sống

Hiện giờ, bảo tàng luôn có 15 cựu chiến binh (CCB) thường trực, thay phiên nhau chăm sóc, bảo vệ và hướng dẫn khách tham quan bảo tàng. Ngoài ra còn có 10 người làm việc không thường xuyên, cũng đều là những CCB trên địa bàn huyện Phú Xuyên, Hà Nội.

Trong 4 năm, 8 tháng, 7 ngày bị địch bắt và tù đày tại lao tù Phú Quốc, ông Bảng đã từng phải chịu đựng và chứng kiến những thủ đoạn tra tấn dã man, tàn bạo của kẻ thù. Lúc ra tù, ông luôn trăn trở phải làm một điều gì đó để tri ân đồng đội - những người đã ngã xuống cho mình được sống. Từ đó, ông Bảng đã đi khắp các nhà tù, chiến trường, nghĩa trang liệt sỹ khắp đất nước để sưu tầm những kỷ vật, mẫu vật và liên lạc với các đồng đội trong huyện về đây để thành lập, góp phần chăm sóc, quản lý bảo tàng.

Với phương châm sống "Tự nguyện - Tự túc - Tự quản - Tự chịu trách nhiệm", những người CCB trong bảo tàng tuy mỗi người ở một vùng quê khác nhau nhưng điều quan trọng là họ vẫn giữ được tố chất, phong thái của người lính nên chẳng quản ngại đường sá xa xôi, xa gia đình đến "định cư" và thắp nén tâm hương cho đồng đội. Trong những cựu binh ngày đêm "làm không công" ở bảo tàng có Đại úy Nguyễn Văn Ủy (78 tuổi), người từng đi qua hai cuộc chiến tranh từ thời kháng chiến chống Pháp đến những trận chiến ác liệt ở đường 9 - Khe Sanh.

Bữa cơm đạm bạc hằng ngày, những người cựu binh nơi bảo tàng này vẫn dành riêng hai chiếc bát đựng đồ ăn, hai đôi đũa, hai chén rượu để tưởng nhớ đến những người bạn đã nằm xuống nơi chiến trường.

Gìn giữ cho muôn đời sau!

Không chỉ để phục vụ tại chỗ cho những đoàn khách tham quan, những người cựu chiến binh trong bảo tàng còn tổ chức trưng bày lưu động ở Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, triển lãm nhiều lần ở trung tâm triển lãm quốc gia (số 2 Hoa Lư, Hà Nội) hay không ít lần về tận những địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Treo ngược tù binh, bỏ đói cho đến chết là một trong những tội ác man rợ của những tên cai ngục ở nhà tù Phú Quốc.

Nhiều đoàn cán bộ cấp cao trong và ngoài nước, CCB, học sinh, sinh viên các tỉnh, thành phố đã về đây dâng hương, báo công, thăm và tặng quà các gia đình chính sách địa phương. Trong những buổi giao lưu "Tiếng hát tri ân đồng đội" thì những giọt nước mắt của những người vợ, người mẹ liệt sỹ lại tuôn rơi xúc động bao người. "Đây là nơi để thế hệ trẻ có thể hình dung lại quá khứ đau thương mà hào hùng của ông cha, qua đó để sống và cống hiến nhiều hơn cho quê hương, đất nước. Tôi nghĩ, ai cũng nên một lần đến với nơi này để nhìn lại chính mình", chị Đặng Bạch Trúc Nhi, đến từ TP Hồ Chí Minh nói

Duy Ngợi
.
.
.