Những cựu tù Phú Quốc và 2.000 hiện vật

Thứ Tư, 27/07/2005, 07:33

Hai mươi năm nay, ông Lâm Văn Bảng và những đồng đội trong Hội những chiến sĩ bị địch bắt tù đày đã lặn lội  từ Bắc chí Nam, từ đất liền tới đảo xa để gom góp mang về hơn 2.000 hiện vật. Tất cả được trưng bày trong khu nhà truyền thống do ông tự bỏ tiền xây dựng trên chính mảnh đất của gia đình.

Cách đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ không xa, đi vào làng Nam Quất, xã Nam Triều (Phú Xuyên, Hà Tây), len lách trong khu xóm nhỏ có một khuôn viên xinh xắn. Nhìn lá cờ Tổ quốc bay trong gió người ta dễ nhầm tưởng đó là một cơ quan nào đó của địa phương. Nhưng người dân nơi đây thì không xa lạ với khuôn viên này, họ coi đây như một địa chỉ văn hóa, và người sáng tạo ra địa chỉ ấy luôn được mọi người kính trọng và khâm phục - Ông tên là Lâm Văn Bảng, thương binh hạng 2/4.

Bản thân là một cựu tù Phú Quốc, ông Bảng coi việc sưu tầm, tìm kiếm những hiện vật chiến tranh, những kỷ vật của đồng đội trong sinh hoạt, học tập, tranh đấu trong tù là trách nhiệm của những người đang sống, là tình nghĩa đồng đội cùng vào sinh ra tử. Việc sưu tầm hiện vật chiến tranh với ông cũng là để ghi nhớ những tháng ngày đầy máu và nước mắt của những người đồng đội, của người anh ruột thịt và của chính bản thân ông...

Một nhà hai cựu tù Phú Quốc

Gia đình ông Bảng có hai anh em đều là cựu tù Phú Quốc. Anh trai của ông Bảng là ông Lâm Văn Quần cũng tham gia cách mạng bị địch bắt tù đày. Ông Quần sinh năm 1925, lớn lên tham gia cách mạng tại địa phương với cương vị ủy viên Ủy ban kháng chiến hành chính xã Nam Phong (Phú Xuyên, Hà Tây). Năm 1951, ông bị địch phục kích bắt và tra tấn dã man, ông vẫn một mực không khai. Sau đó chúng giam ông tại các nhà lao ở Hà Đông, Sơn Tây. Ông quá kiệt sức chúng đưa về nhà thương Đồn Thủy chữa trị rồi nhốt ở trại giam khu vực bến xe Kim Mã ngày nay. Đầu năm 1954, chúng đưa ông ra nhà giam Phú Quốc. Sau Hiệp định Genève, ta và Pháp tiến hành trao trả tù binh, ông được về với cách mạng. Khi trở về thì cha ông cũng vừa qua đời, không hề biết ông còn sống hay đã chết. Về quê, ông Quần tiếp tục tham gia chính quyền xã đến năm 1980 mới nghỉ hưu.

Một góc khu trưng bày của ông Bảng.

Còn ông Lâm Văn Bảng, năm 1963, từ quê nhà - làng Nam Quất, xã Nam Triều, ông đi công nhân giao thông. Năm 1965, ông tình nguyện nhập ngũ. Năm 1966, ông Bảng vào chiến đấu tại chiến trường Đông Nam Bộ. Sau trận Bù Đốp, ông được kết nạp Đảng và về Trảng Bàng - Tây Ninh chiến đấu. Cuối năm 1967, đầu 1968 ông tham gia chiến dịch Mậu Thân, đánh đợt 1, rồi lại đánh đợt 2. Trong đợt 2, ông bị thương, gãy hết chân tay và bị địch bắt đưa về khám Chí Hòa. Rồi chúng đưa ông về nhà giam Biên Hòa. Bắt đầu từ đây là những tháng ngày tù đày, hết nhà giam này đến nhà lao khác.

Tại nhà giam Biên Hòa, ông đã vận động anh em thành lập chi bộ trong tù và được bầu làm Bí thư Chi bộ T18 dưới quyền chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Sang, Bí thư Đảng ủy trong nhà tù. Tháng 10/1970, ông bị chúng đưa ra đảo Phú Quốc.

Thời gian bị giam giữ tại Phú Quốc cũng là quãng thời gian thử thách nhất đối với những người tù Cộng sản như ông. Địch đã dùng nhiều hình thức tra tấn hết sức dã man mà mới chỉ nghĩ đến đã thấy rùng mình. Nhẹ thì giội nước sôi vào miệng, nhốt trong “chuồng cọp”, cặp điện vào tai, vào môi, vào bộ hạ; gõ thùng phi cho ù tai, long óc... Nặng thì lấy kìm nhổ móng tay móng chân, đập gãy hết răng, đóng từng chiếc đinh vào đầu cho đến chết.

Bản thân ông Bảng vẫn nhớ như in những hành động dã man của tên thượng sĩ nhất Nhu - một tên cai ngục khét tiếng mà ai đã từng vào nhà tù Phú Quốc đều căm thù đến xương tủy. Mỗi lần hắn "khám bệnh" bằng chiếc dùi cui là một cực hình ghê gớm. Ông là người được hắn “ưu ái” dùng nhiều hình thức này nhất. Tuy nhiên, vượt lên những trận đòn, những hình thức tra tấn man rợ, ông và đồng đội vẫn một lòng kiên trung với Đảng, với cách mạng. Tổ chức Đảng trong nhà tù vẫn được duy trì hoạt động, mọi sinh hoạt học tập, đấu tranh đều theo sự lãnh đạo. Sự hy sinh, sống chết ở đây trong gang tấc, nhưng chẳng ai sợ điều đó. Anh em vẫn đấu tranh đến cùng, giữ vững khí tiết người Cộng sản.

Năm 1973, sau Hiệp định Paris, Việt Nam và Hoa Kỳ tiến hành trao đổi tù binh, cùng với các tù binh khác, ông Bảng được trở về quê hương với mức thương binh hạng 2. Trở về với ngành giao thông, đi học và công tác tại Sở Giao thông Vận tải Hà Tây nhưng hình ảnh những tháng ngày bị giam ở trong nhà tù đế quốc chưa lúc nào nguôi ngoai trong ông. Hình ảnh đồng đội bị địch tra tấn dã man vẫn cứ ẩn hiện trong từng giấc mơ người cựu binh. Và không chỉ là những cơn mơ, mà những vết thương trên chính cơ thể đã 7 lần lên bàn mổ của ông những hôm trái gió trở trời khiến ông rất đau đớn, nhưng nhức nhối hơn cả lại chính là những trăn trở đeo đẳng người tù năm xưa về những đồng đội đã hy sinh nằm lại chốn lao tù nơi đảo xa.

Từ quả bom đầu tiên đến khu trưng bày 2.000 hiện vật

Năm 1985, khi tiến hành sửa cầu Giẽ, một địa danh đã đi vào lời ca nổi tiếng về Hà Tây “Cô gái suối Hai, chàng trai cầu Giẽ” đơn vị thi công phát hiện một quả bom 500 bảng dưới lòng sông. Ông Bảng khi đó làm Hạt trưởng Hạt Quản lý quốc lộ 1A thuộc Công ty Quản lý đường bộ 208 đã mang vỏ quả bom này về xây bệ đưa lên trưng bày ngay tại... cổng cơ quan. Trên thân bom ông đề câu thơ tâm đắc “Cô gái suối Hai chàng trai cầu Giẽ” như muốn nói lên tinh thần kiên cường, ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp và lòng tự hào chiến thắng của quê hương. Ai đi qua cũng phải tò mò ngắm nhìn một lúc như hồi tưởng lại những ngày đánh giặc. Bắt đầu từ quả bom này mà ông đã nảy sinh ý tưởng, tại sao không gom góp các hiện vật lại, bởi ông suy nghĩ, một hiện vật đã mang ý nghĩa như thế thì nhiều hiện vật tập trung lại sẽ nói lên một điều gì đó lớn hơn.--PageBreak--

Thế là từ đấy, đi đâu ông cũng để tâm sưu tầm hiện vật chiến tranh mang về cất giữ ở nhà mình. Khi hiện vật tìm được kha khá càng thôi thúc ông tìm kiếm nhiều hơn, và ý tưởng xây dựng một nhà truyền thống cũng dần nhen nhóm. Ý tưởng của ông cũng là mong muốn của những “lão tiền bối” cựu chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Phú Quốc như Đại tá Tô Diệu, nguyên Cục phó Cục Địch vận (Tổng cục Chính trị - QĐND Việt Nam), đồng chí Mai Thiên Tri ở phường Ngọc Hà, Hà Nội và một số đồng chí khác.

Vậy là mỗi khi sinh hoạt Hội những chiến sĩ bị địch bắt tù đày, hoặc nghe phong thanh ai đó đang giữ kỷ vật chiến tranh là ông lại lên đường tìm đến với mục đích xin về “tập kết” tại nhà. Nhận thấy nếu một mình làm, một mình sưu tầm thì sẽ rất lâu và không đạt hiệu quả cao, ông bèn huy động đồng đội cũ cùng vào cuộc và đã được các chiến sĩ trong Hội những chiến sĩ bị địch bắt tù đày, nhiệt tình hưởng ứng.

Khách đến tham quan và chụp hình lưu niệm cùng ông Bảng.

Tích cực nhất phải kể đến ông Chu Hữu Ngọc ở phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; ông Nguyễn Huy Sang ở 31, Bạch Mai; ông Nguyễn Văn Dư là trưởng tàu Thống Nhất chuyên chạy tuyến Bắc - Nam; và các ông Kiều Văn Uỵch, Nguyễn Hữu Mộ, Nguyễn Đức Cử... Riêng ông Ngọc gần như đã đồng hành cùng ông Bảng trong suốt thời gian sưu tầm, tìm kiếm. Còn anh em người ít người nhiều, điều kiện kinh tế và hoàn cảnh ai tới đâu thì giúp tới đó.

Để việc sưu tầm quy mô hơn, tìm được những hiện vật quý trên cả nước, năm 1993, ông đã phối hợp với Hội những chiến sĩ bị địch bắt tù đày ra một văn bản gửi tới tất cả các ban liên lạc, các hội trên toàn quốc đề nghị ai có kỷ vật thì gửi cho Hội. Nhiều hiện vật được gửi về, nhiều thông tin về hiện vật được chuyển tới, ông và đồng đội lại lên đường, tự bỏ tiền túi chi phí các khoản. Số lượng hiện vật ngày một nhiều lên, căn nhà của gia đình ông ở thị trấn Phú Xuyên đã đến lúc chật chội không còn chỗ mà để. Thời điểm này cũng là lúc ông nghĩ đến việc phải làm nhà truyền thống để trưng bày. Vợ chồng ông có một mảnh đất do ông bà để lại ở thôn Nam Quất, xã Nam Triều. Mảnh đất này nằm kề căn nhà của anh trai cả - chính là ông Lâm Văn Quần.

Đến năm 2000 thì ông đầu tư xây một căn nhà mới trên mảnh đất này. Nhà mọc lên khang trang, mọi thứ trong khu vườn tạp cũng được cải tạo thành một khuôn viên cảnh quan đẹp mắt, cây ăn quả, cây cảnh được trồng, tượng được đắp, hòn non bộ, hàng rào, cổng đi... tất cả tạo nên một quần thể hợp lý. Các hiện vật được chuyển về. Anh em trong Hội những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày lại góp công góp của làm tủ, hộp để bảo quản và trưng bày hiện vật.

Mảnh đất 1.600m2 được ông đầu tư biến thành công viên văn hóa, làm các mô hình mô phỏng bài trí cùng 4 dãy “nhà liên hợp” cả mái bằng, cả lợp ngói và cả những gian làm tạm, lợp Phibrôximăng. Năm 2004, ông Bảng đầu tư “chồng” thêm tầng hai căn nhà, sửa sang lại một số điểm, làm thêm công trình phụ... Và quan trọng nhất, ông đã nghiên cứu xây dựng thêm đền thờ các liệt sĩ. Có vẻ như đây là “hạng mục” được ông chú tâm nhiều nhất. Đền được xây dựng trên mặt ao có cầu bắc từ bờ sang với ý tưởng là “âm dương cách biệt”. Đất trong đền thờ được ông gom góp mang từ các nhà tù ở Phú Quốc, Côn Đảo, Sơn La, đền Bến Dược - Củ Chi về. Trước đền thờ có cột cờ Tổ quốc.

Cách trưng bày hiện vật ở nhà truyền thống được tiến hành trong 10 phòng, từng phòng được treo biển, dán đề can cẩn thận. Phòng số 1 trên gác hai căn nhà ông dành trưng bày bút tích và những hiện vật về Hồ Chủ tịch cùng những hình ảnh về Bác. Phòng số 2 là các hiện vật về Bộ đội Cụ Hồ trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Phòng số 4, 5, 6, 7 là dành trưng bày về các hiện vật về nhà tù Côn Đảo, Sơn La, Hỏa Lò, và đặc biệt là Phú Quốc từ mô phỏng khu biệt giam, khám tối, các hình thức tra tấn tù binh, các hình ảnh tố cáo tội ác của Mỹ - ngụy. Phần này chiếm tỉ lệ lớn nhất và cũng là trọng tâm nhất trong khu trưng bày của ông.

Các phòng sau trưng bày những hình ảnh các chiến sĩ bị địch bắt tù đày về với đời thường, công tác đền ơn đáp nghĩa, một số hình ảnh khách đến thăm nhà truyền thống... Sau một thời gian tổ chức sắp xếp trưng bày, mọi việc đã hoàn tất, đúng ngày 19/12/2004, lấy Ngày toàn quốc kháng chiến, nhà truyền thống được Hội những chiến sĩ bị địch bắt tù đày khai trương.

Trước hôm khai trương 2 ngày, có một bà cụ quê ở Hoài Đức, Hà Tây tìm đến. Cụ có một con trai hy sinh mà gia đình không có thông tin gì, nay nghe tin có nhà trưng bày các hiện vật của những thương binh liệt sĩ nên tìm về với hy vọng biết đâu... Xem các phòng trưng bày từ gian này sang gian khác, đến khi đứng trước bức ảnh các chiến sĩ quân giải phóng bị địch giết hại, đôi vai bà cụ đã rung lên nức nở. Đó là vị khách đầu tiên của nhà truyền thống.

Thời gian khu trưng bày mới mở cửa, lúc đầu là nhân dân trong vùng đến xem, rồi các trường học trên địa bàn tổ chức cho học sinh đến tham quan, báo công trước nhà thờ các liệt sĩ, nghe các cựu chiến binh kể chuyện truyền thống; đoàn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tỉnh Hà Tây cũng được mời về thăm... Dần dần khách ở xa biết tin cũng tìm đến, nhiều đoàn đi mấy chục người, đoàn đông nhất gần 500 người.

Khi khu trưng bày đi vào hoạt động, các thành viên trong Hội cắt cử thay nhau trực, thuyết minh giới thiệu hiện vật. Ngoài cổng có ghi lịch mở cửa mỗi tuần hai ngày vào thứ bảy và chủ nhật cho khách đến tham quan tự do, ngoài ra có đoàn nào liên hệ trước thì sẽ mở không theo lịch. Việc làm của ông Bảng được họ hàng anh em hoàn toàn ủng hộ. Ông Lâm Văn Quần, người cựu tù Phú Quốc năm xưa, nay ở tuổi 81 rất tán thành việc làm của em trai. Do ông Bảng còn bận công việc của Hội và các cựu binh tham gia quản lý khu trưng bày đều ở xa nên người túc trực, trông nom thường xuyên ở đây chính là ông Quần. Người cựu binh già ngày ngày vẫn quét dọn, trông coi khu trưng bày thay em. Lặng lẽ và âm thầm, chiều chiều ông vẫn đưa những nhát chổi nhỏ chậm rãi quét dọn, lau chùi bảo quản hiện vật mà với ông, nó cũng là máu thịt.--PageBreak--

Trong số 2.000 hiện vật tại khu trưng bày, mỗi hiện vật đều có một hành trình riêng, một số phận riêng. Từ trong ngục tù hiện vật đi cùng những chiến sĩ cách mạng về những mái nhà, nằm dưới đáy những chiếc rương cũ kỹ, đặt trang trọng trên bàn thờ tổ... rồi lại theo chân những người như ông Bảng, ông Ngọc về "gặp nhau" tại địa điểm trưng bày để mọi người nhìn ngắm và suy ngẫm.

Nhiều hiện vật thấm máu

Ông Bảng không nhớ đã đi tổng số bao nhiêu chuyến, gặp bao nhiêu người để sưu tầm được ngần ấy hiện vật. Nhưng cụ thể những lần trao nhận hiện vật thì ông đều nhớ. Đặc biệt là những lần trao nhận hiện vật mà cả ông và đồng đội, cả người trao và người nhận đều rơi nước mắt. Bởi mỗi hiện vật là cả một câu chuyện dài về những con người, những sự kiện, thể hiện tinh thần đấu tranh của anh em, sự tàn khốc, dã man của địch...

Ở khu trưng bày của ông, có những hiện vật hết sức đơn giản, bình thường, nhưng khi biết xuất xứ rồi thì ai cũng phải rùng mình rơi nước mắt. Chẳng hạn như 9 chiếc đinh cỡ 5 phân nhỏ bé trong một chiếc hộp bọc nỉ đỏ. Đó là những chiếc đinh mà địch lấy để đóng vào đầu đồng chí Phạm Hồng Sơn, một thiếu úy đặc công Hải quân cho đến chết tại nhà tù Phú Quốc. Khi ra Phú Quốc bốc mộ liệt sĩ ông đã lấy những chiếc đinh này từ hộp sọ người đồng chí, đem về giữ như một kỷ vật để mọi người nhớ đến anh.

Ngôi nhà trưng bày hiện vật.

Ngày ra Phú Quốc, ông đã gặp lại  Nhu, thượng sĩ nhất, người đã tra tấn đánh đập ông và đồng đội ông, tác giả của những vết thương trên cơ thể ông ngày nào nay vẫn còn lưu lại trên hòn đảo này. Bây giờ, khách du lịch ra Phú Quốc nghe nói đều tìm đến gặp Nhu, nhiều nhà báo cũng đã tìm đến gặp Nhu. Năm 1996, Điện ảnh Quân đội đã làm bộ phim “Người chiến thắng” có đưa các cựu chiến sĩ bị địch bắt tù ở Phú Quốc ra đảo quay một số cảnh. Gặp Đại tá Tô Diệu, và những người như ông Bảng, ông Ngọc, Nhu đã khóc và xin các ông tha tội. Ông và đồng đội đang sống tha tội cho hắn bằng cách gác lại "chuyện cũ" ở khu trưng bày, còn những người đã chết? Làm sao có thể hỏi được ý kiến của họ khi mà 9 chiếc đinh chúng đóng lên đầu đồng chí Sơn ngày ấy vẫn còn trên hộp sọ khi bốc mộ? Nhưng ông Bảng cho rằng với truyền thống nhân đạo, nếu biết được sự ăn năn hối cải của Nhu thì tin chắc rằng các liệt sĩ cũng tha thứ cho hắn.

Ông và đồng đội đã trở lại Phú Quốc 3 lần, mang về nhiều hiện vật như chiếc lược và con dao, người quản trang ở Phú Quốc khi bốc mộ một chiến sĩ đã thấy, để trước khu tưởng niệm các chiến sĩ ta ở trên đảo. Ông đã xin phép mang về.

Nhiều chuyến đi khác cũng đã mang về những hiện vật quý, để có được chúng ông và đồng đội đã phải lặn lội khắp mọi miền đất nước. Chẳng hạn như chỉ một chiếc bấm móng tay nhỏ được làm trong nhà lao Phú Quốc, cùng với hai đồng đội Chu Hữu Ngọc và Nguyễn Huy Sang, ông đã phải lần mò vào tận Khánh Hòa. Người giữ hiện vật này là anh Lương Minh Dũng - Bí thư Huyện ủy huyện Diên Khánh. Nhà anh có 4 người đều là chiến sĩ cách mạng bị địch bắt đưa đi Phú Quốc gồm cha anh, bản thân anh và hai chú. Chiếc bấm móng tay đã được cha anh làm trong khi cha anh bị địch tra tấn dã man đến chết, kỷ vật đó được những bạn tù trao lại cho anh. Hiện vật đó được anh đặt trang trọng trên bàn thờ gia tiên.

Ông Bảng đã phải vận động nhiều lần, nhờ nhiều người thuyết phục để anh đồng ý trao nó cho ông đem về trưng bày tại nhà truyền thống. Khó xử quá, cuối cùng anh Dũng quyết định thắp hương xin cha và các chú, nếu cha và hai chú “đồng ý” thì anh cũng đành lòng. Ông Bảng cũng thầm khấn những người đồng đội, xin phép cho mang hiện vật về. Không hiểu âm dương có liên hệ thế nào nhưng Dũng cảm nhận như cha anh đã đồng ý. Trao chiếc bấm móng tay cho ông mà cả gia đình anh Dũng đều lặng lẽ rơi nước mắt. Nhận xong chiếc bấm móng tay, ba người đồng đội vội vã lên tàu về quê.

Một hiện vật khiến ông Bảng phải mất rất nhiều thời gian đi lại mới mang được về, đó là lá cờ Đảng do các cựu tù Phú Quốc tự thêu trong thời gian bị giam giữ để phục vụ sinh hoạt Đảng. Lá cờ chỉ nhỏ bằng bao thuốc lá nhưng nó đã được dùng trong sinh hoạt chi bộ trong tù, thể hiện lòng trung kiên của các chiến sĩ cộng sản với Đảng. Nó đã được những người tù truyền tay nhau giữ suốt nhiều năm và cuối cùng được ông Nguyễn Văn Dư ở Hồng Dương, Thanh Oai (Hà Tây) giữ. Ông Bảng đã phải thuyết phục ông Dư rất nhiều, đi lại gần 10 lần, lần thì đi xe máy, lần thì tranh thủ ôtô cơ quan (ngày ông còn làm Trưởng trạm thu phí nam Cầu Giẽ) nhưng ông Dư vẫn chưa chịu trao hiện vật này, bởi với ông, nó đã thấm cả máu và nước mắt của đồng đội, ông bảo đồng đội tin tưởng ông, giao cho ông cất giữ, và nó cũng đã gắn với ông quá nhiều kỷ niệm, nên ông muốn giữ lại. Ngay cả vợ con ông cũng muốn giữ lại hiện vật này. Nhưng nghe ông Bảng thuyết phục: "Nếu anh chị giữ thì chỉ gia đình ta biết, nhưng nếu để tôi mang về trưng bày thì sẽ nhiều người biết, hiệu quả tuyên truyền và ý nghĩa sẽ lớn hơn rất nhiều". Và thế là ông Dư và gia đình đồng ý. Trao lá cờ cho ông Bảng, họ nghẹn ngào, nước mắt lưng tròng.

Có những chuyến ông Bảng và đồng đội cùng đi, có những chuyến tiện ai người ấy đi. Riêng ông Chu Hữu Ngọc cũng có những chuyến đi đáng nhớ. Lần lên Vĩnh Phúc để xin cuốn sổ ghi chép nghị quyết và nội dung học tập chính trị của những chiến sĩ cách mạng trong tù do gia đình ông Nguyễn Trung Màu - một cựu tù Phú Quốc - đang giữ là lần đi đầu tiên của ông Ngọc và cũng là chuyến đi gặp nhiều trắc trở. Hiện vật là một cuốn sổ nhỏ nhưng ông Ngọc cũng phải đi lại tới 4 lần mới mang được về. Lần đầu ông lên thì người chồng đồng ý nhưng người vợ thì không. Lần thứ 2 ông lên, hai vợ chồng đồng ý nhưng người con lại ngập ngừng. Lần thứ 3 ông lên thì cả gia đình đồng ý, đang khấp khởi mừng thầm thì ông trưởng họ lại đột ngột đến “tuyên bố”: “Đây là vật quý, phải giữ lại”. Phải đến lần thứ 4 lên Vĩnh Phúc mọi việc mới suôn sẻ.--PageBreak--

Còn nhiều, rất nhiều những hiện vật khác trong số 2.000 hiện vật mà ông Bảng và đồng đội có trong tay. Mỗi hiện vật đều mang một ý nghĩa riêng, đều gắn với những kỷ niệm của nhân chứng lịch sử và kỷ niệm của những người sưu tầm, lưu giữ. Nhiều người khi trao hiện vật còn bắt ông viết giấy biên nhận cẩn thận. Cũng có những bức thư tay của đồng đội khi gửi hiện vật về đã gửi cho ông, tất cả đều được trân trọng, giữ gìn và có được vị trí xứng đáng trong phòng trưng bày. Có những chuyến các ông đi không mang lại kết quả như chuyến đi Lạng Sơn, vì địa chỉ chỉ nghe vu vơ nên lên đến nơi tìm không ra, đành phải quay về... Chỉ có điều, sau những lần như thế chẳng ai nản lòng, công việc sưu tầm vẫn được tiến hành lặng lẽ.

Điều đáng quý ở khu trưng bày của ông Bảng và các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày là ngay cả ở Phú Quốc, nơi lưu dấu tội ác của đế quốc, nơi nhà tù năm xưa địch đã giết hại hàng ngàn chiến sĩ cách mạng của ta nhưng hiện nay một số dấu vết cũng bị xóa nhòa theo năm tháng, hiện vật được lưu giữ ở đảo cũng không nhiều, vậy mà tại đây vẫn lưu giữ được những hiện vật quý giá. Khách đến xem khu trưng bày đều bày tỏ lòng khâm phục trước việc làm cao cả đầy ý nghĩa của những người lính già nặng lòng với truyền thống. Riêng với những người từng vào sinh ra tử như ông Bảng thì đó lại là việc làm tất yếu.

Và một mong muốn nhỏ

Giới thiệu từng hiện vật với tôi, ông Bảng “khoe”: "Chúng tôi đã mang hiện vật đi trưng bày ở nhiều địa phương, tham gia nhiều sự kiện lớn rồi đấy. Cùng các cựu chiến binh trong Ban liên lạc, những hiện vật ở đây đã được chu du từ Hà Nội, Thái Nguyên, Hà Nam đến Quảng Ninh, Hải Phòng, Nha Trang... Lúc đầu là trưng bày trong các buổi gặp mặt của Hội những chiến sĩ bị địch bắt tù đày ở các địa phương, sau đó là tham gia các sự kiện của cả nước như tham gia chương trình “Triển lãm, lễ hội, giao lưu văn hóa nghệ thuật” tại Trung tâm văn hóa nghệ thuật Việt Nam, chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam; trưng bày tại Hà Nội nhân kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; và gần đây nhất là tham gia trưng bày tại Thành ủy Hà Nội nhân kỷ niệm 30 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Những nén hương thành kính trước đền thờ liệt sĩ vẫn được ông Bảng thắp lên hàng ngày.

Những chuyến đi như thế các ông lại lên đường bằng ôtô, tàu hỏa mang theo những hiện vật của mình. Một thuận lợi là bởi nhiều hiện vật đều dùng trong nhà tù nên rất nhỏ gọn, vì vậy việc cơ động cũng nhẹ nhàng. Có những hiện vật chỉ cần cho vào túi du lịch mang đi, mỗi người mang một hai túi là hết. Kết thúc trưng bày, hiện vật lại được mang về, trở lại vị trí cũ.

Ông Bảng và những đồng đội phụ trách khu trưng bày bộc bạch, các ông coi đây như một địa chỉ văn hóa để anh em đồng đội gặp gỡ, ôn lại một thời sống trong lòng địch, cũng là để các thế hệ sau này biết được giá trị của độc lập tự do mà trân trọng giữ gìn. Hiện tại, khu trưng bày được anh em trong Hội những chiến sĩ bị địch bắt tù đày thay nhau trông coi, họ bảo nhau hoạt động trên tinh thần “Tự quản, tự túc, tự nguyện, tự chịu trách nhiệm”.

Ông Bảng và đồng đội chỉ có một mong muốn là khu trưng bày được theo “ngành dọc”, nằm trong hệ thống bảo tồn bảo tàng của Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Hà Tây để dễ bề hoạt động, vì theo ông, dựng lên được đã khó, duy trì hoạt động được còn khó hơn. Thời gian qua, Bảo tàng tỉnh Hà Tây đã cử cán bộ về khảo sát và có công văn số 46/CV-BT ngày 26/5/2005 gửi Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Hà Tây và UBND huyện Phú Xuyên, trong công văn có nhận xét: “Những hiện vật, tài liệu, hình ảnh của Phòng truyền thống rất phong phú, có giá trị quý hiếm, nói lên sự kiên trung, anh dũng của các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Những hiện vật, tài liệu cũng nêu bật sự lãnh đạo tài tình của Đảng, của Bác Hồ lãnh đạo toàn dân đấu tranh giải phóng dân tộc... Đây là một điểm sáng trong công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa thông tin trong việc giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng”.

Bảo tàng cũng đề nghị Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Hà Tây, UBND huyện Phú Xuyên tạo điều kiện để Nhà truyền thống hoạt động, và Bảo tàng sẽ giúp đỡ về mặt chuyên môn nghiệp vụ. Còn người viết bài này thì nghĩ, đây là một “bảo tàng” sống động với những hiện vật phong phú và những nhân chứng sống... Nếu tổ chức hoạt động tốt thì tính giáo dục sẽ rất cao, mang lại những hiệu quả tích cực. Các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Tây và huyện Phú Xuyên nên có sự quan tâm để khu trưng bày có thể hoạt động và phát huy tác dụng.

Tiễn tôi ra về, vẫn cử chỉ nhanh nhẹn, hồ hởi, ông Bảng nói, ngày mai có đoàn cán bộ Đoàn của huyện Phú Xuyên về thăm nên bây giờ chúng tôi phải quét dọn cho sạch sẽ. Nói rồi ông đi về phía anh trai mình đang lúi húi dọn dẹp. Và hai anh em người cựu tù Phú Quốc lại đưa những nhát chổi, chậm rãi quét đi những chiếc lá vàng trong khu vườn bắt nắng dậy lên một màu xanh...

Nguyễn Xuân Thuỷ
.
.
.