Chuyến thăm của Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Công an Việt Nam tại Singapore:

Những cuộc trao đổi kinh nghiệm thân tình, đáng quý

Chủ Nhật, 11/03/2012, 12:10

Cuối tháng 2 vừa qua, Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Công an Việt Nam do Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an dẫn đầu đã có chuyến thăm chính thức và làm việc tại Cộng hòa Singapore theo lời mời của ngài Tiêu Chí Hiền, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Điều phối An ninh quốc gia nước Cộng hòa Singapore.

Bộ trưởng Trần Đại Quang và Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Công an thăm khu trưng bày phương tiện kỹ thuật của lực lượng Cảnh sát Singapore.

Sau khi tiếp kiến Thủ tướng Lý Hiển Long; Hội đàm giữa hai Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Singapore, Bộ trưởng Trần Đại Quang và Đoàn đã thăm, làm việc tại một số đơn vị thuộc Bộ Nội vụ Singapore, trong đó có Khu liên hợp nhà tù Changi nhằm tăng cường quan hệ hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, tội phạm ma túy, buôn bán người, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm gian lận thương mại, trốn thuế; hợp tác trong đào tạo, huấn luyện cán bộ; quản lý, cải tạo, giáo dục phạm nhân; hợp tác về phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn.

Đúng 10h, Bộ trưởng Trần Đại Quang và Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Công an Việt Nam có mặt tại Khu liên hợp nhà tù Changi. Sau ít phút dành cho nghi lễ đón tiếp thân tình, trọng thị, phía bạn báo cáo với đồng chí Bộ trưởng và Đoàn ta những nét cơ bản về hệ thống tổ chức, công tác quản lý và tình hình phạm nhân tại Khu liên hiệp nhà tù Changi. Qua đó, chúng tôi được biết Khu liên hợp này gồm 14 cơ sở giam giữ phạm nhân. Số phạm nhân ở đây lúc cao nhất là 18.000 người; trong đó, số phạm nhân người nước ngoài khoảng 13%; số phạm nhân nữ chiếm 9%. Phía bạn vui mừng cho biết thời gian gần đây, số phạm nhân nhập trại có giảm, điều này cho thấy tình hình tội phạm ở quốc đảo này có xu hướng giảm. Cũng giống như trại giam ở nhiều nước Đông Nam Á khác, số phạm nhân nhập trại Changi do phạm các tội về ma túy chiếm tới hơn 60%, đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ phạm nhân tái phạm tội sau khi mãn hạn tù là 26,7% (con số thống kê của năm 2009).

Khu liên hợp nhà tù Changi rất chú trọng công tác cảm hóa, giáo dục phạm nhân ý thức chấp hành tốt qui chế, kỷ luật nhà tù, coi đây là một trong những nội dung bắt buộc để đánh giá ý thức cải tạo của phạm nhân cũng như chất lượng giáo dục, cải tạo của nhà tù. Cùng với công tác cảm hóa, giáo dục, cải tạo phạm nhân tiến bộ, trở thành người hữu ích sau khi mãn hạn tù, phía bạn cũng rất chú trọng việc dạy nghề cho phạm nhân, bởi vì đây chính là điều kiện để phạm nhân có nghề nghiệp, thu nhập ổn định sau khi ra tù, tránh tái phạm tội. Tại buổi làm việc, Đoàn ta và phía bạn cũng đã trao đổi khá sâu sắc, toàn diện về công tác tái hòa nhập cộng đồng cho những người đã có thời gian lầm lỗi sau khi mãn hạn tù; việc giải quyết công ăn, việc làm, giúp đỡ phạm nhân khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống sau khi ra tù… Cả phía ta và bạn đều thấy rõ đây là những việc làm rất cần thiết, nhưng rất khó khăn, cần sự đồng lòng, vào cuộc của cả cộng đồng để từng bước tháo gỡ cho được những khó khăn, vướng mắc trong công tác này. Cuộc trao đổi sôi nổi giữa hai bên dừng lại tại đây vì đã đến lúc Đoàn ta đi thăm nơi giam giữ, nơi thăm gặp, nơi phạm nhân lao động, sản xuất và hoạt động thể dục, thể thao.

Rời phòng làm việc, chúng tôi đi qua nhiều cửa khóa điện tử để đến nơi giam giữ phạm nhân. Đây là khu vực được kiểm soát an ninh chặt chẽ thông qua hệ thống camera hiện đại, bố trí hợp lý. Toàn bộ lối đi và khu vực giam giữ phạm nhân được bao bọc bằng hệ thống hàng rào sắt mạ kền sáng loáng, hiện đại và chắc chắn. Trung tướng Cao Ngọc Oánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp, thành viên Đoàn ta nói vui rằng hệ thống trại giam của bạn “hiện đại theo kiểu công nghiệp”, còn của ta thì “ở mức của nền kinh tế nông nghiệp”! Mọi người cười vui về câu nói đùa hóm hỉnh này. Có lẽ bạn đọc sẽ nêu câu hỏi tại sao người viết không đưa ra mấy bức ảnh kỹ thuật số để xem “hiện đại theo kiểu công nghiệp” là thế nào? Người viết xin trao đổi ngay để bạn đọc thông cảm là khi mới bước qua cổng trại giam duy nhất của quốc đảo này, theo qui định, mọi người đều phải đặt máy ảnh, camera vào tủ gửi đồ để khóa lại. Vì thế, người viết đành phải tác nghiệp chỉ với cây bút và cuốn sổ nhỏ trên tay trong suốt hơn hai giờ làm việc tại đây theo quy định của trại giam!

11h5’, chúng tôi đến thăm nơi giam giữ phạm nhân. Phòng giam giữ khép kín, rộng khoảng 12m2, là nơi ở của ba phạm nhân. Tất cả vật dụng trong phòng đều được sản xuất từ chất dẻo với mục đích đảm bảo an toàn trại giam. Lúc này, phạm nhân đang làm việc tại khu sản xuất. Một tốp 10 phạm nhân làm vệ sinh tại đây thấy chúng tôi đến thăm đã xếp hàng ngay ngắn, đồng loạt chào bằng tiếng Anh: “Xin kính chào các quý ông! Chúc các quý ông sức khỏe!”.

Trong khu giam giữ, chúng tôi được phía bạn giới thiệu phòng thăm gặp phạm nhân qua truyền hình. Theo đề nghị của Đoàn ta, ông Soh Wai Wan, Cục trưởng Cục Quản lý trại giam thuộc Bộ Nội vụ Singapore cho biết Trạm thu hình được xây dựng ở trung tâm thành phố. Người nhà chỉ cần vào Trạm thu hình là có thể thăm gặp được phạm nhân, không phải trực tiếp đến trại giam. Với tác phong sâu sát, cụ thể, Bộ trưởng Trần Đại Quang xem xét kỹ hệ thống thăm gặp phạm nhân qua truyền hình vì đây là hệ thống có thể lắp đặt, sử dụng tại Việt Nam, nhằm tiết kiệm thời gian, công sức cũng như kinh phí cho gia đình phạm nhân.

Bộ trưởng Trần Đại Quang tiếp xúc với lực lượng đặc nhiệm của Cảnh sát Singapore.

Trước đó, khi thăm Đơn vị đặc nhiệm thuộc lực lượng Cảnh sát Singapore, đồng chí Bộ trưởng cũng xem xét, hỏi chi tiết về tính năng, tác dụng của một số vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật. Trong cái nắng gắt của nước Singapore nhiệt đới, cả ta và bạn đều đẫm mồ hôi, đồng chí Bộ trưởng nhanh nhẹn bước vào ca-bin một chiếc xe chữa cháy loại nhỏ, tận mắt xem bạn thao diễn kỹ thuật để đánh giá hiệu quả chữa cháy của loại xe rất hợp với đường sá Việt Nam này. Sau khi đã “thực mục sở thị” tính năng, tác dụng, hiệu quả chữa cháy của xe chữa cháy loại nhỏ này, đồng chí Bộ trưởng chỉ đạo Thiếu tướng Trần Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội cho nghiên cứu kế hoạch hợp tác với bạn để sản xuất loại xe chữa cháy có thể vào tận các ngõ ngách đô thị khi xảy ra sự cố cháy, nổ, điều bất cập đối với ta hiện nay.

Trên đường đến khu phạm nhân lao động, sản xuất, Bộ trưởng Trần Đại Quang và ông Cục trưởng Soh Wai Wan có điều kiện trao đổi kỹ hơn về tình hình số phạm nhân là người Việt Nam đang bị giam giữ tại đây, cũng như nguyên nhân, điều kiện dẫn tới họ phạm tội. Ông Soh Wai Wan cho biết số phạm nhân là người Việt Nam tại đây đều cải tạo tốt. Về nguyên nhân, điều kiện phạm tội, ông cho biết không ít người trong số họ phạm tội do thiếu hiểu biết về luật pháp nước sở tại hoặc bị kẻ xấu lợi dụng dẫn đến phạm tội. Rồi ông Soh Wai Wan kể câu chuyện về một nữ họa sĩ người Việt Nam sang Singapore làm ăn. Nhờ có năng khiếu hội họa, cô họa sĩ kiếm được việc làm và thu nhập cũng khá cao. Đáng tiếc là do thiếu hiểu biết về luật pháp nước bạn, cô đã bị ông chủ lợi dụng vào việc hoạt động phạm tội, bị tòa tuyên phạt án tù.

Câu chuyện làm tôi nhớ lại vào cuối tháng 10/2011, trong khi chờ lên máy bay tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur của Malaysia, tôi gặp một thanh niên quê Hà Tĩnh, bị Cảnh sát nước bạn trục xuất về Việt Nam. Hỏi ra mới biết, người thanh niên còn rất trẻ này mới sang lao động tại đây được 2 tháng thì xảy ra xô xát giữa nhóm lao động của anh ta với một nhóm lao động người nước ngoài khác. Do uống nhiều rượu trước đó, người thanh niên đã thiếu kiềm chế, “hăng máu” đánh trọng thương một lao động người nước ngoài khác. Ngay sau đó, anh này bị Cảnh sát bắt, phải nộp phạt gần 20.000 USD trước khi bị trục xuất về Việt Nam. Người thanh niên rầu rĩ cho biết gia đình đã phải vay tiền để anh ta được đi lao động nước ngoài nhằm “cứu cả nhà” thoát nghèo. Chưa gửi về nhà được đồng nào để trả nợ, gia đình lại phải vay mượn thêm gần 400 triệu đồng gửi cho anh ta nộp phạt chỉ vì những hành vi dại dột, thiếu kiềm chế như nêu trên!

Không khí làm việc nhộn nhịp, khẩn trương của phạm nhân tại xưởng sản xuất các loại bánh cùng mùi thơm quyến rũ từ các lò sấy bánh khiến chúng tôi nguôi ngoai phần nào câu chuyện đáng tiếc nêu trên. Rời xưởng sản xuất bánh theo dây chuyền khá hiện đại và hiệu quả này, chúng tôi được phía bạn mời tiệc trà. Trong không khí đầm ấm, thân tình, Bộ trưởng Trần Đại Quang, các thành viên trong Đoàn ta và phía bạn tiếp tục trao đổi kinh nghiệm về việc tổ chức lao động, sản xuất cho phạm nhân, công tác tái hòa nhập cộng đồng, giải quyết công ăn, việc làm cho phạm nhân sau khi ra tù. Đồng chí Bộ trưởng đã trao đổi cụ thể với bạn những kinh nghiệm về xã hội hóa công tác giải quyết việc làm, cho phạm nhân vay vốn làm ăn, tháo gỡ khó khăn trong cuộc sống nhằm giúp đỡ một cách tích cực, có hiệu quả những con người đã một thời lầm lỗi để họ có điều kiện hoàn lương, hướng thiện, tái hòa nhập cộng đồng. Những trao đổi thấm đậm tình người này càng làm cho buổi làm việc thêm đầm ấm, thân tình

Ghi chép của Công Gôn
.
.
.