Những cuộc đời bị bỏ quên của lính địa chất sông Đà (Phần 1)

Thứ Bảy, 17/12/2005, 13:12

Những năm 80, để đi từ Hòa Bình lên đến Mường La phải mất 3 ngày, nhưng từ Mường La vào thì ngoài cách đi thuyền chỉ còn nước cuốc bộ. Anh em địa chất phải tháo rời chiếc máy khoan SKB4 nặng 5 tấn rồi mở các con đường mòn vần từng chi tiết lên núi.

Thủy điện Sơn La là một trong ba công trình thủy điện (cùng Thuỷ điện Hòa Bình và sắp tới là Thủy điện Nà Nhùn ở Lai Châu) không những đã trị được con sông Đà hung dữ mà còn biến nó thành dòng sông năng lượng lớn nhất Việt Nam. Để làm được điều đó, đã có hàng trăm kỹ sư địa chất phải thầm lặng hy sinh tuổi xuân của mình nơi rừng xanh núi đỏ.

Dòng sông “ma cà rồng” và những người đi chinh phục

Những năm 30 của thế kỷ trước, Chính quyền Pháp đã giao nhiệm vụ cho J.Fomaget, lúc đó là Giám đốc Sở Địa chất Đông Dương tìm nơi xây dựng thủy điện. J.Fomaget đã kéo hàng chục nhà khoa học tài ba vào cuộc chiến với dòng sông Đà suốt từ Hòa Bình lên đến Sơn La, song vẫn không tìm được một nơi ưng ý để trị thủy con sông hung dữ này.

Đến đầu thập niên 40, để mong xác định sớm được nơi xây đập, Sở Thủy lợi Đông Dương đã mời ông Hoffet, lúc đó là một giáo sư đại học danh tiếng của châu Âu lên sông Đà nghiên cứu. Giáo sư Hoffet đã xem xét nhiều mũi khoan khác nhau rải dọc sông Đà và quyết định chọn tuyến Chợ Bờ để nghiên cứu thật kỹ. Tuy nhiên, khi công việc của Giáo sư Hoffet còn dang dở thì Nhật đảo chính Pháp.

Vào những năm 60, các nhà khoa học đầu ngành của Trung Quốc sang khoan dò địa chất sông Đà. Họ có khoan khắp nơi song cũng chỉ gặp những tầng cuội sỏi dày vài chục mét dưới đáy sông, do vậy các nhà khoa học Trung Quốc chỉ giúp ta quy hoạch rồi về nước.

Mọi công việc về kỹ thuật làm Thủy điện Hòa Bình cũng như những thủy điện khác sau này đều do công sức, sự sáng tạo tài tình của các nhà khoa học Liên Xô và Việt Nam.

KS Huỳnh Phong và KS Nguyễn Văn Nhân đang trò chuyện với phóng viên (bìa trái).

Ngày đó, sau khi các nhà khoa học Liên Xô giúp ta làm xong Thủy điện Thác Bà, lãnh đạo Chính phủ VN đã mời họ đi thăm sông Đà đoạn chảy qua Hòa Bình. Hồi đó, Liên Xô vừa giúp Ai Cập xây dựng một thủy điện lớn, mà lòng sông có tầng sỏi cuội dày tới 200 mét, do vậy, việc xây dựng Thủy điện Hòa Bình nằm trong tầm tay của các chuyên gia Liên Xô.

Từ năm 1971, chúng ta đã huy động hàng trăm công nhân, kỹ sư địa chất để cùng với các chuyên gia Liên Xô lăn lộn khắp nơi, khoan dò, xác lập lại bản đồ địa chất vùng xây dựng thủy điện.

Tác giả xin nhắc lại đôi dòng theo lời kể của các kỹ sư địa chất đã từng “đấu trí” với sông Đà để bạn đọc thấy rằng, xây dựng đập Thủy điện Hòa Bình phức tạp và gian khổ hơn Thủy điện Sơn La đến mức nào:

Đập Thủy điện Hòa Bình nằm giữa nếp lồi đông nam khu vực Trại Nhãn và núi Ông Tượng. Lòng sông bị uốn khúc bởi dãy núi Ông Tượng nên bề rộng chỉ còn độ 300m. Tầng sâu hai bên bờ là đá phun trào mắc-ma thời kỳ Permi muộn, cách nay 260 triệu năm. Trên bề mặt của tầng đá núi lửa này có chiều sâu phong hóa dày từ 0,3m - 11m. Vùng lòng sông là lớp trầm tích phủ trên tầng đá gốc có độ dày trên 50m, gồm các lớp sỏi cuội, lớp cát, phù sa.

Tình hình địa chất lòng sông, thủy văn và khí tượng sông Đà đẩy các nhà khoa học Việt Nam và Liên Xô vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, căn cứ vào kết quả tính toán các phương án tối ưu, Viện Thiết kế thủy công Liên Xô Tuaponpockt đã xác định các thông số kỹ thuật cho đập và hồ chứa: Thân, lõi đập phải có tác dụng chống thấm. Nền đập phải đảm bảo cố kết chịu được biến dạng dưới tác động của động đất cấp 8. Phải bóc bỏ lớp cát và phù sa bề mặt. Xử lý lớp đá phong hóa đến tận đá gốc. Kết cấu đập phải thích ứng với sự lún mạnh, không đều của lòng sông.

Đập đất đá của Thủy điện Hòa Bình có chiều cao tính từ đáy sông đến đỉnh là 128m. Chiều rộng của đập ở đáy sông có chỗ tới 820m, chiều rộng đỉnh đập là 20m. Chiều dài trên đỉnh đập là 640m. Tổng khối lượng đất đá đắp đập là trên 20 triệu m3, trong đó: lõi đất sét là 1,5 triệu m3, hỗn hợp cát sỏi tiếp với lõi là 3,1 triệu m3,  lớp đá lọc và đá nhỏ tiếp theo là 0,8 triệu m3, trụ đá hai phía là 15 triệu m3, bêtông áo chống sóng và đỉnh đập là 18.000m3.

Để đập ổn định và chống thấm do tầng sỏi cuội dày, phải tiến hành khoan phụt với tổng chiều dài khoan hơn 33.000m, đồng thời phải khoan phun ximăng gia cố nền đá dưới đập với tổng số chiều dài là 26.000m. Đập đất đá là sáng tạo của các chuyên gia Liên Xô và Việt Nam trong trường hợp địa chất lòng sông phức tạp. Đập đất đá Thủy điện Hòa Bình có khả năng chịu áp của hồ nước với dung tích 9,45 tỉ m3 nước. Theo các nhà địa chất, nước ta không nằm trên dãy đứt gãy kiến tạo nên không thể xảy ra động đất lớn, do vậy hệ số an toàn của đập Hòa Bình cao gấp ba lần bình thường.--PageBreak--

Ngoài đập Thủy điện Hòa Bình thì công trình nhà máy thủy điện ngầm cũng là một kỳ công của khoa học kỹ thuật. Nhà máy thủy điện ngầm cao 53m, rộng 22m, dài 280m, khối lượng đào hầm 1,2 triệu m3 đất đá, nằm trong khối núi đá bazan Poo-phi-rít có đứt gãy kiến tạo theo các phương vị khác nhau, do vậy phải có công nghệ thi công đặc biệt thì mới đảm bảo an toàn. Ngày nay, nhà máy Thủy điện Sơn La đặt ở ngoài trời thì kỹ thuật thi công đơn giản hơn nhiều.

Với các nhà địa chất, các nhà khoa học trong ngành xây dựng thì Thủy điện Hòa Bình là công trình đặc biệt nhất, duy nhất ở nước ta từ trước đến nay, tức là phải thi công biến vùng núi đá vôi có nhiều đứt gãy lớn, thông suốt thượng, hạ lưu với nhiều hang hốc thành một khối vững chắc, một quả núi nửa nhân tạo, đảm bảo chống mất nước từ hồ xuống phía hạ lưu.

Lính địa chất hay những cuộc đời thầm lặng

Trong bữa rượu đạm bạc chia tay Thuỷ điện Sơn La, tôi bảo, tôi quyết phải lội rừng để tìm cho bằng được các anh. Mai kia công trình khởi công, các anh đi mất rồi, truyền hình có quay trực tiếp rồi phát cả nước thì vợ con, bố mẹ cũng chẳng thấy mặt các anh đâu, vậy mà đôi mắt thế hệ kỹ sư địa chất như anh Phong, anh Nhân, anh Tuân đỏ hoe.

Năm 1982, khi công trình Thủy điện Hòa Bình khởi công thì cũng là lúc các kỹ sư địa chất balô, túi xách ngược lên phía thượng nguồn sông Đà. Cũng năm đó, Liên đoàn Đoàn Khảo sát địa chất sông Đà đã tách ra khỏi Bộ Thủy lợi và nhập về Công ty Xây dựng điện I. Lúc này, anh Tuân, anh Phong, anh Nhân là lứa kỹ sư địa chất đầu tiên của Công ty. Tuổi trẻ hăng hái, máu nghề, họ lỉnh kỉnh với gạo tấm, cá khô, lang thang hết núi này đến núi nọ, vùng này vùng khác.

Bước chân họ qua miền Đông Nam Bộ thì có Thủy điện Trị An, ngược dòng Sê San nơi miền đất đỏ rợn ngợp hoa dã quỳ thì có Thủy điện Yaly, Sê San 3, Sê San 4 và Play Crông, về dòng sông Lô có câu thơ ai bỏ quên giữa dòng thì ra Thủy điện Nà Hang. Bước chân lính địa chất qua mỗi dòng sông độ vài năm là có được một thủy điện hoành tráng, nhưng với Thủy điện Sơn La, họ mất trọn 23 năm ròng.

Để nhìn ra chỗ ngăn sông phù hợp, người lãnh đạo chỉ cần lấy chiếc bút đỏ vạch trên bản đồ địa chất, nhưng để chỗ ấy có thành chỗ ngăn sông đắp đập được hay không, lính địa chất phải mang đến đó cả một phòng thí nghiệm, gồm tất cả những máy móc, dụng cụ thí nghiệm liên quan đến ngành địa chất. Vất vả nhất là chuyển chiếc máy khoan SKB4 nặng 5 tấn của Liên Xô, cùng các loại máy bơm, máy ép thủy lực khác để đến các vị trí khoan thăm dò.

Những năm 80, để đi từ Hòa Bình lên đến Mường La phải mất 3 ngày, nhưng từ Mường La vào các bản làng heo hút thì ngoài cách đi thuyền chỉ còn nước cuốc bộ. Anh em địa chất phải tháo rời chiếc máy khoan rồi mở các con đường mòn vần từng chi tiết lên núi. Chỗ nào địa hình hẹp thì dùng cáp treo nối đỉnh núi này với đỉnh núi nọ để di chuyển và vận chuyển đồ đạc. Gần đây, mới mua được máy khoan của Trung Quốc, nhẹ và gọn hơn, nhưng cũng phải hơn 2 tấn.

Nhiệm vụ quan trọng nhất của lính địa chất sông Đà là khoan vào lòng núi, khoan xuống lòng sông để phân tích địa tầng đất đá. Trong khi nhóm này khoan, nhóm kia phân tích, xác lập bản đồ địa chất thì nhóm khác phải ngược sông cắm mốc mực nước ngập từ chỗ chân đập đến tận biên giới. Nếu chân đập là đầu hồ nước thì cách đó 240 km mới là cuối hồ, như vậy lính địa chất phải cuốc bộ trong rừng vòng quanh cái hồ khổng lồ, có chu vi khoảng 700 km để đo mực nước và cắm mốc. Họ xem xét từng khe núi, con suối, phải chui vào tận cùng những chiếc hang để tính toán mức độ lưu trữ nước và thất thoát nước.

Để giải quyết được từng ấy công việc, phải cần đến 200 công nhân và kỹ sư địa chất, thậm chí lúc cao điểm huy động đến 500 người. Để hoàn tất việc phân tích mẫu đất đá, mẫu nước, địa tầng ở một địa điểm được xác lập để xây thủy điện cũng phải mất vài năm trời.

Chỉ cần một ý kiến của nhà khoa học nào đó đưa ra tranh luận, người lính địa chất lại phải vào cuộc làm lại từ đầu để tổng hợp số liệu, làm sáng tỏ mọi vấn đề. Trách nhiệm đè nặng lên vai người kỹ sư địa chất, mạng sống của cả triệu con người cùng phụ thuộc một phần vào những người địa chất làm việc cẩn trọng, thầm lặng trong rừng sâu

Phạm Ngọc Dương
.
.
.