Những công trình khoa học làm giàu đất nước

Thứ Ba, 12/08/2008, 14:18
Công tác nghiên cứu khoa học của tuổi trẻ Khoa Hóa (Đại học Bách Khoa) luôn gắn chặt với những vấn đề kinh tế - xã hội nóng bỏng của đất nước. Khát vọng và sự cống hiến của họ đã thêm một lần được ghi nhận bằng Giải thưởng "Mãi mãi tuổi 20".

Chứng kiến kết quả từ các nghiên cứu tưởng chỉ mang tính thí nghiệm mà các đoàn viên Liên Chi đoàn (LCĐ) Khoa Hóa, Trường Đại học Bách khoa (ĐHBK) Hà Nội ứng dụng vào cuộc sống, tôi đã thật bất ngờ vì giá trị của nó: Các nghiên cứu khoa học (NCKH) có thể giúp dân cư nhiều vùng sông nước thoát nghèo khi môi trường nuôi trồng thủy sản được bảo vệ; những làng nghề truyền thống được khôi phục sản xuất; nhiều hợp chất được tách chiết để phục vụ sản xuất thuốc chữa bệnh, hoặc ứng dụng vào hoạt động bảo vệ an ninh - quốc phòng…

Chỉ trong 5 năm, các bạn đã được nhận tới 6 Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ VIFOTEC, 1 Huy chương vàng của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO dành cho các nhà phát minh trẻ xuất sắc cùng 1 giải nhất cuộc thi “Sản phẩm tuổi trẻ Bách khoa”.

Đó là chưa kể 3 đề tài đã đoạt giải nhất cấp Bộ cùng hàng chục đề tài khoa học trong nước và hợp tác quốc tế đang được tiến hành, hứa hẹn những điều kỳ diệu của khoa học.

Khát vọng và sự cống hiến của họ đã thêm một lần được ghi nhận bằng Giải thưởng "Mãi mãi tuổi 20" sẽ được trao tặng vào tối 23/8 tại Hà Nội.

Đã nhiều năm, việc nghiên cứu các đề tài khoa học gắn kết quả vào thực tế sản xuất, phục vụ cho công tác đào tạo lẫn phát triển kinh tế được các đoàn viên LCĐ Khoa Hóa đặc biệt quan tâm.

Phong trào nuôi tôm bắt đầu phát triển mạnh, nhưng môi trường là yếu tố sống còn với nghề này thì đang đặt ra nhiều thách thức. Để xử lý, phải cần đến chất zeolite để làm sạch môi trường. Mỗi năm, các vùng nuôi tôm ở nước ta cần hàng trăm ngàn tấn zeolite, nhưng trên thế giới, zeolite được tổng hợp từ hóa chất tinh khiết với công nghệ phức tạp nên giá thành rất cao, Việt Nam không thể áp dụng được.

Vậy là thầy giáo trẻ Phạm Minh Hảo - Phó Bí thư LCĐ Khoa Hóa đã cùng một nhóm bạn trẻ tập trung vào đề tài "Nghiên cứu và chọn lọc các nguồn kaolinite trong nước để tổng hợp vật liệu chứa zeolite, đồng thời xây dựng quy trình công nghệ bảo vệ môi trường thủy sản ở Việt Nam".

Kế thừa kết quả các thế hệ đi trước, các nhà khoa học trẻ đã thành công trong việc đơn giản hóa quy trình công nghệ biến cao lanh thành zeolite, giảm được chi phí lẫn nhân công mà năng suất lại cao hơn.

Thành công của đề tài vô cùng có ý nghĩa đối với phát triển sản xuất, bởi nói như thầy Tạ Ngọc Đôn, Phó Khoa thì: "Không có zeolite không thể có nghề nuôi tôm công nghiệp". Sáng kiến của những nhà khoa học trẻ của LCĐ Khoa Hóa đã mở ra cánh cửa làm giàu bền vững cho những người nông dân nuôi trồng thủy sản.

Ngay sau đó, các bạn đã chuyển giao công nghệ để lắp đặt các dây chuyền sản xuất zeolite tại Quảng Bình, Cần Thơ và Vĩnh Phúc. Từ đây, họ tiếp tục nghiên cứu để ứng dụng zeolite trong thức ăn cho gia súc, phụ gia trong phân bón hay chất hấp thụ các chất độc. Thành công của nghiên cứu này sẽ mở ra hướng phát triển trong chăn nuôi hay các hoạt động phòng độc rất có giá trị.

Đề tài của nhóm nghiên cứu do thầy giáo trẻ Trần Trung Kiên, Bí thư LCĐ Khoa Hóa cùng các bạn thực hiện cũng mang lại nhiều lợi ích từ việc nâng cao chất lượng và hiệu suất thu hồi cồn để phục vụ trong nước và xuất khẩu.

Việc lọc chất độc hại để có được rượu tinh khiết đã giúp một số làng nghề hồi sinh, thậm chí, còn khẳng định thương hiệu trong và ngoài nước như rượu ngô Pó Nặm của bà con dân tộc ở Bắc Kạn. Áp dụng công nghệ mới, các hộ dân có điều kiện phát triển kinh tế vững chắc từ việc nấu rượu bán cho nhà máy, còn bã rượu để chăn nuôi.

Nhiều đề tài của các bạn còn có ý nghĩa đáng kể đối với sự phát triển của dược học nước ta, khi tách chiết được các hợp chất thiên nhiên phục vụ sản xuất thuốc chữa bệnh và thực phẩm chức năng có giá trị: Tá dược từ cây cỏ ngọt để sản xuất thuốc chống tiểu đường hay từ cây thìa là để có chất sản xuất thuốc chống oxi hóa…

Thế giới đã biết đến việc tinh chế từ nghệ vàng ra chất kháng ung thư và HIV, nhưng việc tách chiết khá phức tạp với thời gian dài từ 10-15 tiếng. Các đoàn viên của Khoa đã mạnh dạn nghiên cứu thành công công nghệ tách chiết chỉ còn 30-60 phút.

Rút ngắn thời gian, không chỉ giảm được năng lượng tiêu hao, chi phí sản xuất, tạo cho ngành dược trong nước cơ hội cạnh tranh, mà các nhà khoa học trẻ đã thực sự chung tay cứu sống nhiều bệnh nhân.

Có thể nói rằng, công tác nghiên cứu khoa học của tuổi trẻ Khoa Hóa luôn gắn chặt với những vấn đề kinh tế - xã hội nóng bỏng của đất nước. Việc nghiên cứu cách chế tạo ra các vật liệu tiên tiến, có thể làm nhiễu sóng ra-đa thực sự là ứng dụng đáng kể vào hoạt động quân sự.

Đề tài của các bạn về chế tạo chất xúc tác trong lọc hóa dầu và sản phẩm phụ từ ngành công nghệ hóa dầu có giá trị lớn, khi thay thế sản phẩm nhập ngoại trong các nhà máy, như Nhà máy Dung Quất khi đi vào hoạt động, vừa tiết kiệm mà lại vừa ch ủ động được việc tạo nguồn.

Sự hoà đồng, phối hợp giữa các đoàn viên là cán bộ và sinh viên trong Khoa Hóa đã tạo nên phong trào dạy và học sôi nổi. Những năm qua, số cán bộ và sinh viên được nhận học bổng đi học ở nước ngoài ngày càng nhiều, số sinh viên đoạt giải trong các kỳ Olympic Hóa học toàn quốc cũng tăng đáng kể, thực sự là cơ sở cho các NCKH có ích tiếp tục ra đời

Thanh Hằng
.
.
.