Những chuyến xe "nhồi nhét"

Chủ Nhật, 12/02/2006, 08:39

Sau Tết, một số tuyến xe khách liên tỉnh quá tải. Trước nhu cầu đi xe tăng thì chất lượng phục vụ của một số nhà xe lại quá tồi. Không những nhồi nhét khách gấp 2 lần cho phép, mà một số xe còn chạy đua trên đường cốt mong vượt trước để bắt khách. Tính mạng hành khách hiện nay đang bị các lái xe này xem thường.

Chiều 2/2, tôi đi xe chất lượng cao tuyến Quảng Ninh - Hà Nội. Là người mua vé cuối cùng nên tôi phải ngồi ghế phụ. Xe khách biển 29 - 702... chỉ được phép chở 24 người. Yên tâm với suy nghĩ đó, tôi đang thiêm thiếp thì có tiếng nói ngay cạnh: "Chị xuống ghế sau ngồi". Tôi choàng tỉnh thì thấy 2 cô gái đằng trước cũng bị "lật ghế" đứng lên. Ở hàng ghế sau có tiếng la: "Ghế chật thế này còn nhét thêm người thì ngồi làm sao?". Phụ xe thẳng thừng như ra lệnh: "Ngồi được hết, cứ xuống đi". Tôi đành phải leo xuống ghế dưới cùng, chật đến mức muốn cựa mình cũng khó. Các ghế phụ ở trên ngay lập tức được ghép 2 người một ghế.

Đi một đoạn, xe lại dừng để bắt khách. Từ ngã ba Kênh Đồng xe bắt đầu tăng tốc, còi inh ỏi. Lúc đầu hành khách tưởng lái xe say rượu, nhưng khi xe cố vượt tất cả những xe khách có biển Hà Nội đi cùng chiều thì mới té ngửa, hóa ra đó là cuộc đua của các nhà xe để tranh khách. Vì phóng với tốc độ quá nhanh, mỗi khi gặp chướng ngại vật, lái xe phanh gấp đến mức hành khách bất ngờ lao dồn về phía trước. Suốt từ Hạ Long đến Đông Triều, cuộc rượt đuổi của các nhà xe khiến tôi thật sự choáng váng và nhiều hành khách tỏ ra bất bình khi tính mạng của mình bị xem thường. Bỏ tiền ra mua vé xe, đã phải ngồi theo kiểu "nhồi nhét", lại phải lo canh cánh cho tính mạng của mình thì quả không còn cực hình nào hơn. Lên đến Hà Nội, tôi mới thở phào nhẹ nhõm khi biết mình "còn sống".

Tình trạng xe khách tuyến Quảng Ninh - Hà Nội chạy đua trên đường để bắt khách diễn ra đã lâu. Lạ nữa là xe ngang nhiên chở quá tải, nhưng suốt chặng đường từ Quảng Ninh đến Hà Nội nó chẳng bị Cảnh sát giao thông "để ý"? Xe quá tải, chạy quá tốc độ là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông, đặc biệt dịp Tết này.

Trước đó, ngày 4 Tết, tôi đi xe khách 29- 355... từ Gia Lâm về Quảng Ninh cũng phải chịu cực hình khi lái, phụ xe nhồi nhét khách. Mặc dù hành khách luôn luôn la ó vì xe chật đến nỗi người nọ ngồi chồng lên người kia, ngồi hết lên cabin, đứng chật ních cả mấy bậc ở cửa lên xuống nhưng nhà xe vẫn tảng lờ tiếp tục bắt khách.

Mặc dù một số công ty vận tải lớn đều cam kết, giá vé xe trong và sau Tết không tăng, nhưng nhiều hành khách khi lên xe đã bị lái, phụ xe "chặt chém" đến mức khó chấp nhận. Nếu khách nào không mua vé ở trong bến, khi lên xe hầu như đều bị phụ xe "chém" thêm 5 đến 10 nghìn đồng. Có nhà xe và hành khách cãi nhau, xô xát cũng chỉ vì giá vé "trên trời". Xe 29- 355... chỉ chạy từ Gia Lâm đến Hạ Long, nhưng lại trưng tấm biển Gia Lâm - Cẩm Phả khiến hành khách lầm tưởng. Không một lời giải thích, đến Hạ Long nhà xe "đuổi" khách xuống với câu nói vô trách nhiệm: "40 nghìn mà đòi đến Cẩm Phả, có nằm mơ không?".

Ở các tuyến phía Bắc, tuyến Quảng Ninh - Hà Nội và Hải Phòng - Hà Nội là tuyến có lượng người và phương tiện tham gia giao thông đông nhất. Trung bình cứ 15 phút là 2 tuyến này có 1 chuyến xe xuất phát. Thế nhưng, nhiều năm nay, hình ảnh xe khách chất lượng cao đã mất, thậm chí còn gây ảnh hưởng xấu đối với khách đi xe. Chất lượng phục vụ ngày một đi xuống, lái xe xem thường tính mạng hành khách... là những gì bức xúc nhất trong thời gian vừa qua.

Thiết nghĩ, các công ty vận tải nên có cuộc cải tổ chất lượng phục vụ, tác phong của lái, phụ xe để hành khách mỗi khi tham gia giao thông đều thấy được nét văn minh, lịch sự. Các trạm kiểm soát giao thông khi phát hiện xe chở quá tải phải xử phạt nghiêm khắc, tránh để tình trạng này tái diễn, gây ra hậu quả xấu

Trần Hằng
.
.
.