Những chiêu trò thao túng thị trường gas và nỗi lo cháy nổ

Thứ Bảy, 11/11/2017, 08:50
Thủ đoạn tinh vi, cộng với sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng khiến thị trường gas tại Hải Phòng đang trở nên hỗn loạn, gây nhức nhối cho những doanh nghiệp kinh doanh chân chính. Đáng lo hơn là tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ gas…

Đủ các chiêu trò

Có lẽ chưa bao giờ đại lý gas mọc lên nhiều như bây giờ. Từ những con phố lớn đến ngõ hẻm, đâu đâu cũng thấy xuất hiện tờ rơi quảng cáo với đủ các hình thức khuyến mãi kéo khách hàng sử dụng thường xuyên. Phải chăng do nhu cầu sử dụng gas của người dân ngày càng nhiều hay việc kinh doanh mang lại siêu lợi nhuận (?).

Theo khảo sát của Công ty TNHH Gas Petrolimex Hải Phòng thì hiện nay do có nhiều loại bếp điện mới ra đời tiện dụng và an toàn nên nhu cầu sử dụng bếp gas không còn là phổ biến. Điều này lí giải tại sao các đại lý gas mở ra ngày càng nhiều bởi lợi nhuận mang lại rất lớn từ chiêu trò kinh doanh gian lận.
Lực lượng chức năng kiểm tra một lô bình gas bị chiếm dụng đưa về cất giấu tại Bắc Ninh và Hưng Yên.

Thực tế cho thấy người tiêu dùng giờ đây vốn quá quen với việc mỗi đại lý một giá khác nhau cho cùng một hãng gas và cùng trọng lượng. Chuyện bán gas giả, gas nhái, gas sang chiết không đảm bảo... cũng không còn xa lạ. Ngoài những chuyện đó, một điều đang xảy ra hằng ngày nhưng người tiêu dùng không hay biết đó là chuyện về trọng lượng của các bình gas đã được các đại lý ăn bớt một cách tinh vi.

Theo ông Vũ Văn Khanh, PGĐ Công ty TNHH Gas Petrolimex Hải Phòng, hiện nay có nhiều cơ sở kinh doanh gas mở ra làm ăn theo kiểu… tay không bắt giặc. Họ gần như không phải đầu tư vốn ban đầu nhiều, mà chỉ cần bỏ một ít tiền thu mua vỏ bình gas trôi nổi với giá chỉ bằng 1/3 đến một nửa giá trị thực.

Sau đó tự sang chiết gas từ những bình mới sang, thậm chí mỗi bình còn ăn bớt đi một vài kilôgam, rồi đưa ra thị trường với giá rẻ hơn rất nhiều so với sản phẩm chính hãng. Trong khi đó, doanh nghiệp làm ăn uy tín ngoài đầu tư ban đầu còn phải chi phí bảo dưỡng, kiểm định…

Theo ông Vũ Văn Khanh thì thủ đoạn này đang diễn ra một cách trắng trợn, công khai, còn người tiêu dùng thiếu thông tin, cơ quan chức năng lại không đủ lực lượng để kiểm soát nên gas lậu càng hoành hành.

Cụ thể từ việc nắm tình hình tại các đại lý, nhiều chủ cửa hàng cho biết thường xuyên nhận được lời chào hàng của những cơ sở kinh doanh không có tên tuổi sẵn sàng cung cấp bất cứ loại gas nào có thương hiệu trên thị trường với giá chỉ bằng 2/3 của chính hãng. Không ít những đại lý chỉ vì hám lợi, bắt tay với các cơ sở làm ăn gian dối móc túi người tiêu dùng.

Hoạt động kinh doanh gas trái phép diễn ra hết sức công khai. Mới đây nhất trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, nhân viên thị trường của Gas Petrolimex đã phát hiện một trường hợp chở sau xe máy đến 4 bình gas mang nhãn hiệu của mình nhưng van thì lại không phải.

Theo đó, Gas Petrolimex khẳng định, đây hàng nhái đã lợi dụng vỏ bình và thương hiệu của hãng để kinh doanh. Tuy nhiên, do không đủ năng lực, thẩm quyền nên không có biện pháp nào để ngăn chặn và xử lý trường hợp vi phạm trên. Đây là một thủ đoạn các đối tượng sử dụng thường xuyên, không chở bằng ô tô như trước đây, nếu bị phát hiện thì do số lượng ít chỉ có thể xử lý hành chính, hoặc sẵn sàng bỏ của chạy lấy người.

Cũng theo phản ánh của nhiều hãng gas có uy tín, ngoài việc họ bị chiếm dụng vỏ bình, thực trạng cắt tai, mài vỏ, sang chiết gas trái phép đang diễn ra hết sức phức tạp. Tình trạng này không chỉ khiến nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính bị tổn thất nghiêm trọng về kinh tế, thương hiệu, thị trường…, mà còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, đe dọa trực tiếp đến tính mạng con người.

Sẵn sàng triệt hạ đối thủ

Mới đây lực lượng chức năng của tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên phát hiện các kho bãi lưu giữ số lượng vỏ bình gas đã qua sử dụng lớn nhất từ trước tới nay, con số lên đến gần 50.000 vỏ bình, nghi là bị chiếm giữ trái phép.

Trước đó, ngày 21 - 9, Công an huyện Yên Phong phối hợp cùng Chi cục QLTT tỉnh Bắc Ninh đã phát hiện hơn 23.000 vỏ bình gas bị chiếm giữ trái phép tại BQL Cụm Công nghiệp Đa nghề Đông Thọ, huyện Yên Phong.
Bình gas của Petrolimex bị một hãng khác không tên tuổi sử dụng vận chuyển công khai.

Việc chiếm giữ vỏ bình gas đang gây thiệt hại trực tiếp tới các doanh nghiệp kinh doanh gas và người tiêu dùng. Có thể làm phép tính đơn giản, giá vỏ bình gas trên thị trường hiện nay là từ 500 – 700 nghìn đồng/vỏ, với số lượng khoảng 50.000 vỏ bình gas bị “nhốt”, tương đương với việc doanh nghiệp bị chiếm giữ bất hợp pháp hàng chục tỷ đồng.

Khi doanh nghiệp bị hao hụt vỏ bình gas do bị đối tác dùng thủ đoạn xấu chiếm giữ trái phép không những ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân doanh nghiệp kinh doanh chân chính, mà còn làm xáo trộn thị trường kinh doanh gas. Đến lúc đó doanh nghiệp buộc phải tiếp tục đầu tư mới, đồng nghĩa với việc tăng giá bán gas để bù lại, ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng.

Tiết lộ từ một số hãng gas uy tín trên thị trường thì hiện nay cho thấy hoạt động kinh doanh gas khá lộn xộn, một số doanh nghiệp có thị phần lớn muốn thống lĩnh nên họ dùng chiêu trò chiếm giữ vỏ bình gas để đẩy doanh nghiệp khác vào con đường phá sản. Khi đối tác phá sản, họ chiếm lĩnh thị trường, tạo thế độc quyền và lúc đó sẽ thao túng, đẩy giá. Việc làm này về lâu dài sẽ ảnh hưởng rất lớn tới người tiêu dùng.

Để thực hiện thủ đoạn này, doanh nghiệp kinh doanh gas có ý định cạnh tranh không lành mạnh sẽ lên kế hoạch sản xuất sẵn một lượng vỏ bình lớn tung ra thị trường bằng cách “đổi vỏ, bù tiền” cho các địa lý gas.

Một vỏ đổi lấy một vỏ và đại lý gas ở các địa phương sẽ được thêm vài chục ngàn đồng mỗi vỏ. Làm như vậy chỉ trong một thời gian ngắn họ sẽ thu gom được hàng vạn vỏ bình của đại lí khác đem đi cất giấu tại những địa điểm bí mật, khó phát hiện. Đến lúc này doanh nghiệp bị chơi xấu sẽ mất đi phương tiện sản xuất, không có bình gas để cung ứng ra thị trường…

Theo giới kinh doanh gas, sở dĩ nạn gian lận gas hoành hành dữ dội như hiện nay một phần do cơ quan chức năng chưa quyết liệt và không loại trừ cả sự làm ngơ của một số người có trách nhiệm tại địa phương.

Bên cạnh đó, chế tài xử phạt gian lận thương mại trong kinh doanh khí hóa lỏng còn quá nhẹ. Thực tế có nhiều cơ sở tái vi phạm nhiều lần nhưng mỗi lần xử phạt tiền vài chục triệu đồng, chẳng thấm gì so với lợi nhuận thu được.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng kinh doanh Công ty TNHH Gas Petrolimex Hải Phòng lưu ý, để phân biệt các bình gas thiếu an toàn, người sử dụng phải kiểm tra kỹ khi được lắp đặt hoặc thay thế bình. Trên các bình gas, các bộ phận tay xách, chỏm trên, thân bình và đế bình đều có thông tin để phân biệt. Trên tay xách có thể tìm thấy thông tin về năm sản xuất, nhãn hiệu, series kiểm định; chỏm trên bình cũng có nhãn hiệu dập nổi của công ty gas và thân bình có nhãn hiệu được phun bằng sơn. Đối với các bình gas chưa bị dập xóa, các thông tin nói trên sẽ đồng nhất với nhau. Khi nhận sản phẩm người dùng có quyền yêu cầu nhân viên giải thích cặn kẽ nhận dạng sản phẩm và nguyên niêm phong.
Văn Huy
.
.
.