Những cây chè cổ thụ trên đất Mộc Châu (Sơn La): Nguy cơ bị bán làm cây cảnh

Thứ Tư, 22/04/2009, 14:53
Có tuổi đời gần 200 năm, từng xuất khẩu cây giống và sản phẩm sang nhiều nước trên thế giới, là "mẹ đẻ" của 50% diện tích chè của cao nguyên Châu Mộc, nhưng như số phận của nhiều cây chè cổ Suối Giàng (Hà Giang), những cây chè cổ thụ Chờ Lồng lại long đong, lận đận, thậm chí còn có nguy cơ bị xóa sổ…

Kiếp cây chè cũng "hồng nhan bạc phận"

Đã có tài liệu chứng minh Việt Nam là một trong những chiếc nôi cổ nhất của cây chè thế giới. Trong những giống chè cổ thụ nổi tiếng, như chè Suối Giàng (Yên Bái), chè Shan Tuyết (Hà Giang), chè Tuyết Shan (Tủa Chùa - Điện Biên), chè Chờ Lồng thuộc huyện Mộc Châu (Sơn La) vẫn là cây chè nổi tiếng và có giá trị cao nhất.

Giám đốc Công ty cổ phần Chè Cờ Đỏ, huyện Mộc Châu (Sơn La) Ngô Thanh Kỳ đã ví số phận của cây chè cổ Chờ Lồng như một cô gái đẹp, nhưng "hồng nhan bạc phận".

Theo lời ông, cây chè cổ thụ Chờ Lồng được trồng ở thảo nguyên Châu Mộc từ cách đây gần 200 năm. Sau này, một kỹ sư người Pháp đã mang giống cây chè Chờ Lồng sang các nước Nam Á trồng, "Chè Shan Tuyết Chờ Lồng" hiện là một trong 3 cây chè chủ lực của Sri Lanka và là thương hiệu nổi tiếng, một mặt hàng có thị trường ổn định ở nhiều nước châu Âu.

Người dân thu hái chè Chờ Lồng. Ảnh: PV.

Chè cổ thụ Chờ Lồng hiện được có chủ yếu tại xã Chờ Lồng và một phần của xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, diện tích ước đạt trên 200ha. Đây là loại chè có tỷ lệ đường, caffein nhiều hơn và tỷ lệ tananh (chất chát) ít hơn so với trà trồng ở các nơi khác, lại cho sản lượng cao, khả năng chống hạn, chống rét và phòng trừ sâu bệnh tốt nên trở thành vùng nguyên liệu quan trọng cho ngành sản xuất chè ở Mộc Châu.

Trong tổng số hơn 2.000ha chè nguyên liệu đang sản xuất ở Mộc Châu hiện nay, có trên 1.000ha được nhân giống từ chè Chờ Lồng. Năm 1999, trong đợt rét đậm và sương muối kéo dài nhất trong lịch sử ở địa phương này, nhiều giống chè nhập ngoại ở đây bị chết rét phải phá bỏ thì cây chè có nguồn gốc từ chè cổ thụ Chờ Lồng vẫn bình an vô sự.

Hiện nay, sản lượng từ cây chè Chờ Lồng mà Công ty cổ phần Chè Sao Đỏ thu hoạch đạt trên 300 tấn/năm. Công ty chủ yếu sản xuất loại chè xanh dùng cho xuất khẩu, thị trường chủ yếu của chè cổ Chờ Lồng là các nước Nam Á và Nhật Bản.

Nguy cơ bị bán thành cây cảnh

Năm 1988, Công ty cổ phần Chè Cờ Đỏ được thành lập sau khi Nông trường Mộc Châu bị giải thể theo Quyết định 471/QĐ của Hội đồng Bộ trưởng. Công ty cổ phần Chè Cờ Đỏ được sở hữu hầu như toàn bộ diện tích cây chè cổ thụ Chờ Lồng trên địa bàn 5 bản thuộc xã Chờ Lồng và xã Tân Lập.

Số phận của cây chè cổ thụ Chờ Lồng bỗng nhiên bị tai ương từ năm 2000, khi đó Chính phủ có quyết định thu hồi 100ha của Công ty cổ phần Chè Cờ Đỏ để giao cho một công ty của nước ngoài… trồng chè.

Trên diện tích bị thu hồi, hàng trăm "cụ" chè cổ thụ bị chặt phá để nhà đầu tư nước ngoài trồng giống mới. Năm 2000, một số thương lái từ Hà Giang và Trung Quốc tìm đến Công ty cổ phần Chè Cờ Đỏ đặt vấn đề thu mua toàn bộ số cây chè cổ thụ với giá cao ngất ngưởng, nhưng Công ty từ chối.

Chưa hết, từ năm 2006 những gốc chè cổ trên 100 năm tuổi bắt đầu trở thành mục tiêu săn lùng của các đối tượng sưu tầm cây cảnh. Một gốc chè đường kính 50cm được họ mua tại vườn với giá từ 800 đến 1,5 triệu đồng, nhưng mang về Hòa Lạc có thể lên đến gần chục triệu đồng, những gốc to, dáng đẹp có giá tới cả mấy chục triệu đồng. Vì hám lợi, một số gia đình đã "qua mặt" Công ty bán trộm không ít cây chè cổ cho tư nhân.

Để cứu cây chè cổ Chờ Lồng còn sót lại, Công ty cổ phần Chè Cờ Đỏ đã triển khai nhiều biện pháp, như tăng cường quân số bám địa bàn; phối hợp với lực lượng kiểm lâm tổ chức kiểm tra, chủ động phát hiện, ngăn chặn các vụ đánh cắp "cụ" chè. Từ năm 2008, Công ty bỏ tiền túi hỗ trợ các hộ nông dân 100.000 đồng/cây chè cổ để họ có trách nhiệm quản lý, chăm sóc và không để… mất trộm?!

Trong khi Công ty cổ phần Chè Cờ Đỏ đang làm tất cả để bảo vệ cây chè cổ Chờ Lồng, đồng thời cũng để đảm bảo cuộc sống và thu nhập ổn định cho hơn 300 công nhân, 2.000 hộ và trên 7.000 nhân khẩu trồng chè thì theo lời kể của Giám đốc Ngô Thanh Kỳ với phóng viên Báo CAND, Công ty từng phát hiện một số vụ đào trộm cây chè cổ, nhưng ngay sau đó một vài cú điện thoại từ trên xin châm chước để chức sắc mang đi ngoại giao! "Hồng nhan nhưng bạc phận", số phận của cây chè cổ Chờ Lồng sẽ còn long đong, lận đận, thậm chí có nguy cơ bị xóa sổ

Vũ Mạnh Hà
.
.
.