Những câu thơ hồi sinh từ cuộc đời nghiệt ngã

Thứ Năm, 30/08/2007, 12:05
Một tuần sau khi mổ, nằm trên giường bệnh trắng toát, Thủy viết bài thơ "Có thể" gửi lại cho chồng: "Có thể em sẽ bỏ cuộc giữa chừng/ Để lại mình anh với bao mảnh vỡ/ Nhưng tình em sẽ như hơi thở/ Cùng nhịp đập với anh.../ Con của chúng mình rồi sẽ lớn lên/ Với ánh mắt hoài nghi tìm mẹ/ Đừng khổ đau vì những điều có thể/ Anh hãy ôm con vào lòng...".

Trong chương trình trao giải cuộc thi thơ và truyện ngắn Báo Văn Nghệ năm 2007 vừa qua, những người có mặt đều chú ý và ấn tượng với một cô gái da trắng có mái tóc ngắn đen nhánh ôm lấy khuôn mặt bầu bĩnh luôn cười nói và thân thiện chào hỏi mọi người.

Hỏi ra thì được biết đó là tác giả trẻ Nguyễn Thị Thu Thủy - giải nhì cuộc thi thơ tình Báo Văn nghệ năm nay. Đọc nhanh chùm thơ của cô được trao giải bỗng chợt giật mình mà thốt lên bốn chữ "rút ruột mà ra" khi những câu thơ cứ rung lên trong trái tim người đọc.

"Mẹ giờ đã yên phận mình dưới cỏ"

Không may mắn như nhiều người bạn đồng khóa, Nguyễn Thị Thu Thủy bước chân vào khóa 7 Trường Viết văn Nguyễn Du với hành trang thiếu hơi ấm bàn tay người mẹ.

Ngày đầu tiên ra mắt, làm quen với các giảng viên, các học viên khóa trên và bạn bè đồng khóa, cô bé đó với chất giọng khàn khàn đặc trưng đã khiến nhiều người xúc động khi đọc bài thơ "Bố đi bước nữa". "Rồi ngày mai bố đi bước nữa/ Chút vấn vương theo gió về trời/ Mẹ giờ đã yên phận mình dưới cỏ/ Nén hương lòng sương khói xa xôi".

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, Nguyễn Thị Thu Thủy đã sớm mồ côi mẹ khi vừa tròn 12 tuổi. Mẹ cô đột ngột rời bỏ ba bố con cô ra đi bởi một tai nạn đột ngột.

Tuy còn nhỏ, nhưng Thủy đã sớm ý thức được hoàn cảnh của mình nên cô rất thương cho sự nhọc nhằn, vất vả, gà trống nuôi con của bố. Chính vì thế cô đã thực sự vui mừng khi biết bố mình đã tìm được một người đàn bà để chia ngọt sẻ bùi nốt phần đời còn lại.

Và đấy cũng là những cội nguồn cảm xúc để Thủy viết những câu thơ chân thực tận cùng trong bài thơ vừa nói đến ở trên khi 3 năm sau bố cô sang thêm một chuyến đò chiều: "Rổ rá giờ cạp lại thành đôi/ Mùa đông chắc không dài như trước", "Ngày mai có đi khắp phương trời/ Đỡ bận lòng vì những hôm trở gió/ Mẹ giờ đã yên phận mình dưới cỏ/ Để bố lưng còng đi trả nợ tầm xuân...".

Bốn năm tu nghiệp ở Trường Viết văn Nguyễn Du, không phải ai cũng chịu được những cá tính mạnh mẽ của Thu Thủy để làm bạn với cô. Lúc đầu cô còn yên lặng trước những lời qua tiếng lại.

Sau đó cuộc đời theo năm tháng cũng đã dạy cho cô cái chao chát, dữ dội để chống lại những dư luận xung quanh mình. Suốt những năm tháng học tập trong Trường Viết văn Nguyễn Du, Thủy đã tự nuôi sống mình bằng những bài thơ mang hình hài số phận.

Lặng lẽ nỗi đau và cận kề cái chết

Trong một lần tình cờ Thủy gặp anh họ một người bạn đồng khóa và cô đã "chết mê chết mệt" chàng kỹ sư xây dựng thông minh. Ít lâu sau, Thủy gửi thiếp song hỷ làm ngạc nhiên bao bạn bè ngoài nghề trong nghiệp.

Chàng kỹ sư - Trung úy trẻ, bất chấp sự ngăn cản của gia đình vì dị ứng với nhà thơ, đã quyết tâm đến với Thuỷ và gửi gắm vào cô một niềm tin về một mái ấm gia đình hạnh phúc. Rồi Thủy nhanh chóng có tin vui. Siêu âm con trai, ai cũng mừng cho sự may mắn trọn vẹn của cô gái cá tính này.

Cuộc đời quả thực luôn biến động, chẳng ai có thể liệu trước chữ ngờ. Mang thai đến tháng thứ 6, thấy nổi hạch ở cổ, chị dâu chồng Thủy đưa cô lên khám ở Bệnh viện K Hà Nội. Nhìn đến rách tờ giấy kết quả xét nghiệm loằng ngoằng chữ, giọng ông bác sỹ cứ vang vọng bên tai, Thủy qụy xuống bàng hoàng.

Cô bị ung thư tuyến giáp, di căn hạch cổ phải. Lúc này đầu óc cô chỉ nghĩ đến đứa con trong bụng. Chẳng lẽ cô lại không có cái phước được nhìn thấy con khôn lớn, trưởng thành. Cũng từng là một đứa trẻ mồ côi mẹ, Thủy thấm thía vô cùng nỗi mất mát lớn lao mà con trai mình sẽ phải trải qua. Trong những ngày tháng chờ lên bàn mổ, cô gái 24 tuổi vừa tuyệt vọng, vừa khát khao sống một cách mãnh liệt.

Gặp ai đến thăm, cô cũng nắm tay bảo: "Mình chưa muốn chết! Mình muốn sống để chăm sóc chồng con mình. Mình không thể chết". Những hôm sức khỏe tốt hơn một chút, Thủy lại đòi chồng cho đến Trường Nguyễn Du để gặp bạn gặp bè cho đỡ nhớ trường, nhớ lớp.

Những ngày này, Thủy luôn xuất hiện với những bộ váy áo đẹp nhất, lịch lãm như chuẩn bị đi dự một lễ hội hay một cuộc vui lớn trong đời. Thủy bảo: "Những bộ váy áo đẹp làm tôi tự tin hơn và tôi cũng sợ rồi một ngày gần đây, mình sẽ không còn được mặc những bộ quần áo đẹp như thế để gặp gỡ bạn bè nữa".

Thủy lên bàn mổ với sự tự tin mãnh liệt của mình. Cô mổ đẻ để lấy đứa con trong bụng ra một cách an toàn.

Nửa tháng sau, cô tiếp tục lên bàn mổ để bóc hạch cổ. Ca mổ thành công, theo lời bác sỹ thì nếu may mắn sẽ sống thêm được một, hai chục năm nữa. Tuy vậy, Thủy vẫn thấy gần lắm cái chết kề cận ngay bên.

Một tuần sau khi mổ, nằm trên giường bệnh trắng toát, Thủy viết bài thơ "Có thể" gửi lại cho chồng: "Có thể em sẽ bỏ cuộc giữa chừng/ Để lại mình anh với bao mảnh vỡ/ Nhưng tình em sẽ như hơi thở/ Cùng nhịp đập với anh.../ Con của chúng mình rồi sẽ lớn lên/ Với ánh mắt hoài nghi tìm mẹ/ Đừng khổ đau vì những điều có thể/ Anh hãy ôm con vào lòng...".

Và những dòng thơ như rút ruột mà ra đó nằm trong chùm ba bài thơ của Nguyễn Thị Thu Thủy vừa được xướng tên ở vị trí giải nhì Cuộc thi thơ tình Báo Văn nghệ đăng trên Văn nghệ trẻ năm nay.

Dường như với Thủy, mỗi bài thơ đều gắn với một sự kiện nghiệt ngã đeo đẳng trên lá tử vi số mệnh của cô. Trong chùm thơ ba bài đó, còn có một bài thơ mang tên "Mẹ của anh" dành tặng người mẹ chồng đã không chấp nhận cô với những câu chữ trân trọng, tình cảm.

Thủy bảo: "Bài này tôi viết dành cho mẹ chồng tôi dù tôi rất giận mẹ chồng, giận lắm... nhưng chỉ riêng việc bà sinh ra một người đàn ông tuyệt vời như thế để dành cho tôi thì đã là một đại ơn mà tôi nợ bà suốt cả cuộc đời. Tôi chỉ sợ rằng kiếp sau sẽ không thể gặp được một người đàn ông nhân hậu và yêu thương tôi như thế!".

Hạnh phúc hồi sinh

Giờ đây, vợ chồng Thủy và cậu con trai 17 tháng tuổi vẫn sống trong một căn nhà thuê nằm sâu trong một con ngõ nhỏ trên phố Tôn Thất Tùng. Sau nửa năm dưỡng bệnh, khỏe lại một chút, Thủy lại lăn vào viết cho một số tờ báo như Tuổi trẻ Thủ đô, Thể thao Văn hóa...

Thủy tâm sự: "Tôi không muốn trở thành một nhà thơ mà chỉ muốn làm một nhà báo thực thụ để va đập với thực tế cuộc sống và trưởng thành hơn. Nhưng khổ nỗi, những khi có tâm trạng, tôi chỉ có thể ngủ ngon khi cầm bút lên trút những cảm xúc, tâm sự của mình lên trang giấy trắng. Số lượng thơ của tôi cứ lớn lên dần và nằm không theo một trật tự nào trong bộ nhớ máy tính.

Thỉnh thoảng theo lời đề nghị của anh em, bạn bè, tôi cũng gửi một vài bài đăng báo làm kỷ niệm. Cuộc thi thơ tình của Báo Văn nghệ cũng thế. Bạn bè bảo gửi thế là tôi gửi. 3 chùm 9 bài của tôi đều đăng cả. Một chùm ba bài đã may mắn vào giải. Chắc các bác, các cô, các chú cũng muốn khích lệ tôi để tôi có niềm tin và nghị lực hơn trong cả đời văn và đời sống".

Thời gian này, Thủy không đi làm nữa mà ở nhà tập trung dưỡng bệnh và chuẩn bị cho ra mắt tập thơ và tuyển tập truyện ngắn in với mấy người bạn. Theo lời dặn của bác sỹ, cô sẽ phải uống thuốc đều đặn hàng ngày cho đến cuối đời. Vì đặc thù công việc, chồng cô thì vẫn miệt mài nơi công trường xa lắc.

Đứa con trai được tạm gửi cho ông bà ngoại ở Bắc Ninh trông nom giúp. Cứ cuối tuần, Thủy lại chuẩn bị hành trang của một người mẹ có con mọn, bắt chuyến xe buýt quen thuộc vượt 30 cây số đường trường về thăm bé "David Bâm" và thăm một tuổi thơ còn tươi màu trong ký ức

Hải Châu
.
.
.