Những cái chết thương tâm vì tai nạn xây dựng

Thứ Ba, 04/01/2005, 08:03
Vũ Thị Đào, ở xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây, đi làm thợ phụ tại nhà ông Nguyễn Văn Nguyên ở cùng xã. Người thợ phía trên, do sơ ý, đã quệt tay vào phần tường mới xây làm bậc thang chỗ bà Đào đang đứng bất ngờ sập xuống.

Mấy viên gạch đang chuyển dở, rơi vào đầu bà Đào, làm bà ngã từ trên cao xuống. Vết thương nặng ở cột sống làm bà Đào bị liệt nửa người, dần dần bị hoại tử và bà mất sau hai tháng điều trị.

Còn nhiều tai nạn lao động thương tâm khác với những lý do như: Gạch rơi vào đầu, ngủ gật, hay giàn giáo lỏng lẻo... Những người bị nạn thường là lao động nghèo, là nông dân đi làm thuê vì miếng cơm manh áo.

Cách đây hơn một năm, 5 người đàn ông khỏe mạnh là Phạm Văn Toản, Bùi Văn Mạnh, Nguyễn Đức Hòa, Vũ Văn Cường, Phạm Văn Ngọc ở huyện Gia Lộc, Hải Dương cùng nhau khăn gói vào tận Đà Nẵng làm thuê tại công trình xây dựng Trạm thu phí phía Nam hầm đường bộ qua đèo Hải Vân, nằm trên địa phận Đà Nẵng, do Công ty TNHH Xây dựng và Trang trí nội thất nhận thầu.

Khoảng 9h sáng, đội thi công tiến hành đổ bêtông sàn mái đảo của trạm thu phí. Đến đầu buổi chiều, khi đã đổ được khoảng 40m3 bêtông thì 4 trong số 5 khoang của cả sàn bất ngờ sập đổ hoàn toàn, trong khi 12 công nhân vẫn đang làm việc trên mái.

Anh Phạm Văn Toản và anh Bùi Văn Mạnh đã bị vùi lấp trong đống đổ nát và bị chết vì ngạt. Ba anh Hòa, Cường, Ngọc may mắn thoát chết nhưng đều bị thương nặng phải điều trị tốn kém nhiều tiền của.

Có những trường hợp, người lao động (NLĐ) được trang bị dây an toàn, nhưng lại coi thường quy trình kỹ thuật thi công. Cái chết thương tâm của anh Vũ Văn Hồng, 21 tuổi, là một ví dụ.

Hồng làm việc tại công trình nâng cấp đường dây trung thế tuyến 575B Phan Thiết, Mũi Né do Công ty TNHH Xây dựng điện Thái Dương quản lý. Hôm xảy ra tai nạn, Hồng làm nhóm trưởng cùng 4 công nhân tiến hành nhổ, thu hồi trụ điện bêtông ly tâm cũ, cao 12m, bên cạnh trụ điện mới đưa vào sử dụng.

Trong lúc Hồng trèo lên cột điện tháo cáp néo và nối dây buộc để điều chỉnh hướng cột đổ khi hạ trụ thì 4 công nhân phía dưới... đào đất chân trụ để tìm đà cản. Khi họ đào sâu được khoảng 0,4m vẫn chưa thấy đà cản thì trụ bắt đầu nghiêng. 4 công nhân chỉ kêu báo cho Hồng, rồi bỏ chạy.

Hồng đang làm việc trên trụ không kịp tháo dây an toàn để xử lý tình huống nguy hiểm này. Cột trụ từ từ đổ và đập xuống nền đường cùng tiếng kêu thất thanh của Hồng. Anh đổ theo cột trụ, phần mặt, đầu, xương sườn... bị dập nát và anh đã chết trên đường đi cấp cứu.

Hiện nay, phần lớn công nhân xây dựng là lao động thời vụ, không qua trường lớp đào tạo nào nên bản thân họ không nắm được các yêu cầu an toàn lao động (ATLĐ) để tự bảo vệ mình.

Phía nhà đầu tư thì muốn giảm chi phí đến mức thấp nhất để cạnh tranh khi đấu thầu, trong đó, tiền trang bị bảo hộ lao động, lưới che chắn, giàn giáo... bị cắt giảm bằng mọi cách, nên rất dễ xảy ra tai nạn. Nhiều doanh nghiệp còn lơ là trách nhiệm, không chấp hành quy định bảo hộ lao động, không khai báo cơ quan chức năng khi có TNLĐ chết người.

Tuy rằng, Nghị định đề ra mức xử phạt hành chính về hành vi vi phạm luật lao động mới đây của Chính phủ đã tăng mức phạt gấp 10 lần so với trước, người sử dụng lao động (NSDLĐ) dường như chưa “sợ”.

TNLĐ vẫn xảy ra và nhiều vụ TNLĐ chết người chỉ được dàn xếp đền bù giữa NSDLĐ và NLĐ. Theo con số thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm 2004 đến nay, cả nước xảy ra 2.490 vụ TNLĐ, làm chết 238 người. Riêng Hà Nội đầu năm 2004 có 23 vụ TNLĐ chết người thì 17 vụ xảy ra ở công trường xây dựng.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Vụ trưởng phụ trách Thanh tra Bộ LĐTB&XH cho biết: Nguyên nhân chủ yếu gây ra các vụ TNLĐ chết người là do NSDLĐ và NLĐ không thực hiện nghiêm các tiêu chuẩn, quy phạm kỹ thuật an toàn; không có quy trình, biện pháp làm việc an toàn. Ngoài ra, điều kiện làm việc và thiết bị không đảm bảo an toàn cũng rất dễ xảy ra TNLĐ

Thanh Loan
.
.
.