Những bức thư trong lòng Thành cổ Quảng Trị

Thứ Hai, 16/04/2012, 19:22
Thành cổ Quảng Trị - mảnh đất thiêng trong mùa hè rực lửa 1972 giờ đây đang được hồi sinh từng ngày. Và, những bức thư tìm thấy trong lòng đất Thành cổ cùng với hài cốt các liệt sĩ, còn đó kỷ vật thiêng liêng góp phần nhắc nhở thế hệ đang sống không thể nào quên một quá khứ hào hùng của dân tộc...

Thành cổ Quảng Trị là một nghĩa trang đặc biệt nhất miền Trung. Khác hẳn với Nghĩa trang Đường 9, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn hay bất cứ nghĩa trang nào trên đất nước Việt Nam, du khách đến Thành cổ chỉ dâng hương tại đài tưởng niệm và thăm viếng nhà bảo tàng - nơi trưng bày những kỷ vật thời chiến khi tại đây không hề có một nấm mồ nào.

“Các anh ra đi khi tuổi đời chỉ 18, đôi mươi. Máu và xương của các anh đã thấm vào từng tấc đất, từng cành cây ngọn cỏ nên đài tưởng niệm với cây đèn cao 8,1m này tượng trưng cho 81 ngày đêm rực lửa đồng thời để tưởng nhớ đến hàng ngàn chiến sĩ giải phóng quân đã hy sinh anh dũng trên mảnh đất thiêng này”, anh Lê Lương Thọ, Trưởng ban Quản lý di tích Thành cổ giải thích thêm về điều khác biệt của khu di tích Thành cổ.

Theo số liệu thống kê, trong 81 ngày đêm (từ 28/6 đến 16/9/1972), Thành cổ Quảng Trị đã bị giội khoảng 328 ngàn tấn bom, đạn. Trung bình mỗi chiến sĩ gánh chịu 100 quả bom và 200 quả đạn pháo. “Cứ mỗi đêm có 1 đại đội vượt dòng Thạch Hãn vào tiếp viện cho Thành cổ thì đến sáng hôm sau chỉ còn lại vài người sống sót”, hướng dẫn viên Nguyễn Anh Tuấn thuật lại câu chuyện chiến đấu bảo vệ Thành cổ với đoàn du khách. Trước sức chiến đấu kiên cường và sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ chốt giữ Thành cổ, Báo Quân đội nhân dân ra ngày 9/8/1972 đã có bài viết: “Mỗi mét vuông đất tại Thành cổ Quảng Trị là một mét máu và sự hy sinh của các anh đã trở thành bất tử”. 

Một cuốn sổ tay, một cây súng với hai chữ “cảm tử” được khắc trên báng súng hoặc những lá thư viết vội chưa kịp gửi của các chiến sĩ giải phóng quân được tìm thấy ở Thành cổ sau ngày hòa bình đã mở ra những câu chuyện đầy xúc động giữa hậu phương và tiền tuyến. Khúc “Tráng ca” bi hùng về 81 ngày đêm huyền thoại Thành cổ đã được lưu giữ chính từ những di vật như thế.

Mỗi bức thư thời chiến được trưng bày tại Bảo tàng Thành cổ là một khúc Tráng ca về 81 ngày đêm huyền thoại.

Một trong số những di vật ấy là hai lá thư của liệt sĩ Lê Binh Chủng (Cấp bậc Trung úy, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 3, Tỉnh đội Quảng Trị) và liệt sĩ Lê Văn Huỳnh quê ở xã Lê Lợi (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Thành cổ.

Trung úy Lê Binh Chủng (SN 1944), quê ở xã Quỳnh Mỹ, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Trong một lần hành quân vào Thành cổ, đi ngang qua địa phận tỉnh Quảng Bình thì anh đã gặp và đem lòng yêu mến nữ dân quân Phạm Thị Biển Khơi. Người ta đã tìm thấy bức thư và một tấm hình của chị Phạm Thị Biển Khơi chụp chung với một đứa bé trai khi phát hiện hài cốt liệt sĩ Lê Binh Chủng cùng 6 người khác dưới một căn hầm bí mật trong khuôn viên Thành cổ.

Lá thư ấy được chị Khơi viết vào ngày 15/5/1972, bức thư có đoạn: “Anh thương yêu! Anh có khỏe không, báo tin cho em và con biết với. Đã lâu rồi không thấy anh biên thư, con đã bỏ bú, đã ăn được cơm cá nên khỏe hơn trước nhiều anh ạ. Máy bay oanh tạc thường xuyên nên lúc nào cũng phải ngủ hầm. Gần đây chúng bắn vào làng và giữa đồng làm một chị bị chết… Biên thư cho anh trong lúc chiến trường Trị Thiên đang thắng to. Tin vui bay về hậu phương làm cho mọi người dân lòng đầy sung sướng. Tự hào thay trong những người chiến thắng đó có anh, người mà em gửi gắm bao niềm thương nỗi nhớ… Cho em và con gửi lời thăm sức khỏe tới các anh trong đơn vị. Em và con gửi anh cái hôn trìu mến! Biển Khơi.”

Còn những dòng thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh (sinh viên năm thứ tư, Khoa Xây dựng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) đã trở thành “bí mật giữa lòng đất” cho đến khi nó được tìm thấy vì anh đã hy sinh lúc lá thư còn chưa kịp gửi về cho gia đình. Lá thư của chàng sinh viên mang màu áo xanh bộ đội đã nói lên nỗi lòng của người lính trẻ ngày đêm chiến đấu bảo vệ bộ đội vượt dòng Thạch Hãn vào tiếp viện Thành cổ: “Toàn thể gia đình kính thương! Con viết mấy dòng cuối cùng phòng khi "đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất"… Xin mẹ đừng buồn để sống đến ngày tin mừng chiến thắng. Con đi, mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu, coi như lúc nào con cũng ở bên mẹ. Mẹ đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau”.

Thành cổ Quảng Trị - mảnh đất thiêng trong mùa hè rực lửa 1972 giờ đây đang được hồi sinh từng ngày. Và, những bức thư tìm thấy trong lòng đất Thành cổ cùng với hài cốt các liệt sĩ, còn đó kỷ vật thiêng liêng góp phần nhắc nhở thế hệ đang sống không thể nào quên một quá khứ hào hùng của dân tộc...

Anh Khoa
.
.
.