Những bức thư Bác Hồ gửi kiều bào Việt Nam tại Pháp năm 1969

Chủ Nhật, 31/05/2009, 14:23
Đã 40 năm tròn kể từ ngày Bác Hồ viết những lá thư cuối cùng gửi kiều bào ta ở Pháp, cũng đã tròn 40 năm ngày Bác đi xa, kiều bào ta ở các nước trên thế giới cũng như kiều bào ở Pháp luôn thể hiện sự gắn bó với dân tộc, luôn yêu nước, đoàn kết, song vẫn hội nhập, thân thiện, vươn lên làm theo lời nhắn nhủ của Bác năm 1946 khi thăm nước Pháp: Mỗi kiều bào phải là một đại sứ nhân dân của Việt Nam.

Hội Người Việt Nam tại Pháp hiện nay là Hội kế thừa Nhóm người An Nam yêu nước Groupe des patriotes do Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sáng lập năm 1919. Chín mươi năm qua, Hội luôn đoàn kết với tất cả đồng bào yêu nước cùng một mục đích hướng về Tổ quốc Việt Nam, gắn bó với đồng bào trong nước.

Năm 1969, năm cuối cuộc đời 79 mùa Xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua những tài liệu để lại cho thấy, hàng ngày, Người vẫn nén chịu những cơn đau, vượt qua bệnh tật để làm việc cho đến những ngày cuối cùng. Chỉ riêng chín tháng đầu năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có trên 300 lượt làm việc, tiếp khách và ký các loại văn bản thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước.

Cũng trong thời gian này, Bác đã có ý kiến chỉ đạo và tham dự hơn 20 cuộc họp của Bộ Chính trị, Trung ương và Chính phủ. Người còn gửi trên 30 bức điện, thư đến các cơ quan, các địa phương trong cả nước và bạn bè quốc tế. Điều đặc biệt, chỉ riêng năm 1969, Bác Hồ đã hai lần gửi thư cho kiều bào ta ở CH Pháp. Đây cũng có thể được coi là những lá thư cuối cùng Bác viết gửi cộng đồng kiều bào ta sống ở nước ngoài.

Kể về bức thư Bác Hồ gửi kiều bào ta ở Pháp ngày 27/1/1969, ông Nguyễn Ngọc Hà, nguyên Tổng Thư ký Hội Liên hiệp Việt kiều tại Pháp, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài của Việt Nam, người được trực tiếp nhận và chuyển thư của Bác đến bà con ta trong dịp Tết Kỷ Dậu ở Paris, nói: Cuối năm 1968, tôi được Ban lãnh đạo phong trào Việt kiều yêu nước và Đại sứ quán ta ở Pháp giao nhiệm vụ về Hà Nội để chuẩn bị cho đoàn nghệ thuật Việt Nam sang biểu diễn tại Pháp và một số nước châu Âu trong dịp đón năm mới 1969.

Thời gian này, ở Paris hội nghị bàn về Việt Nam đang chuẩn bị bước vào thời kỳ đàm phán 4 bên gồm Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa thay cho đàm phán 2 bên bắt đầu từ tháng 5/1968.

Trước ngày tôi lên đường, Hội đã viết một bức thư gửi lên Bác và chuẩn bị một số thứ để tôi mang về làm quà trong nước, trong đó có chiếc máy đánh chữ Hermes Baby, 2 tút thuốc lá Morít kính tặng Bác Hồ, và hai chai Champagne kính tặng Bác Tôn… Sau này mới biết, do tình hình sức khỏe, Bác đã không được hút thuốc từ vài năm trước. Lúc đó hành trình đi về Hà Nội cũng khác: từ Pháp đến Đức rồi qua Pakistan, Rangun, Trung Quốc, rồi về Việt Nam theo đường Nam Ninh.

Về đến Hà Nội, tôi tập trung thu xếp để hoàn thành việc chuẩn bị nội dung, chương trình và những vấn đề có liên quan đến chuyến đi biểu diễn sắp tới của đoàn nghệ thuật. Bất ngờ 7h sáng 20/1/1969, từ nơi nghỉ của mình, tôi nhận điện thoại từ một đồng chí cán bộ Bộ Văn hóa thông báo chuẩn bị đi công tác ngay.

Như có linh tính sẽ được gặp Bác, tôi mang theo luôn số quà đã chuẩn bị. Khi xe đi vào cổng Phủ Chủ tịch, tôi hiểu mình đã dự đoán đúng, mình sắp được gặp Bác rồi. Cảm xúc lúc đó vừa sung sướng, vừa hồi hộp. Qua cổng đã có người chờ sẵn, tôi xuống xe, đi theo con đường rải sỏi về hướng có một dãy nhà thấp, quét màu vôi vàng.

Cùng lúc, từ xa, tôi thấy một Ông Cụ già đang chống gậy đi cùng một người nữa cũng vừa đi vào dãy nhà mà tôi đang đến (sau này tôi biết người đi cùng là anh Vũ Kỳ, thư ký của Bác). Hình ảnh Ông Cụ già quá quen thuộc. Tôi nhận ngay ra đó chính là Bác. Bỏ lại người dẫn đường, tôi chạy vội đến ôm tay Bác, nước mắt cứ thế trào ra.

Bác khẽ mỉm cười với tôi rồi hỏi: “Cháu ở Nam Bộ à?”. Tôi cố kìm mình mới thốt ra được câu: "Thưa Bác, dạ phải". Liền đó, tôi thấy một bàn tay vỗ vào vai mình và hỏi: "Có nhận ra tôi không?". Quay lại, tôi lại nghẹn ngào vì sung sướng: Thủ tướng Phạm Văn Đồng đang đứng ngay trước mắt mình. Thủ tướng dang tay ôm choàng tôi vào lòng.

Những phút giây quá mừng vui, song tôi tự nhủ mình phải trấn tĩnh, nén xúc động để nhìn Bác thật kỹ, cố gắng khắc ghi hình ảnh Bác vào tâm khảm. Cách ứng xử ấm cúng, thân mật đã tiếp sức để tôi bình tĩnh báo cáo với Bác những điều đã chuẩn bị. Nghe xong, Bác nói tôi đọc thư của bà con kiều bào kính gửi Bác. Bác ngồi nghe chăm chú, thỉnh thoảng lại gật đầu mỉm cười hiền hậu. Rồi Bác hỏi thêm về đời sống, những hoạt động của bà con ta, hỏi về bạn bè và những người quen của Bác ở Pháp. Đặc biệt, Bác hỏi và nghe một cách chăm chú việc vận động thành lập Hội liên hiệp Việt kiều.

Bỗng nhiên, tôi thấy Bác rút ra một tập bản tin của Thông tấn xã Việt Nam, Người giở trang đã đánh dấu bút chì xanh đỏ dưới dòng tin và hỏi: “Cháu có biết ai đã treo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên đỉnh nhà thờ Notre Dame de Paris không?”. Tôi thú thật là tôi không biết sự kiện này nhưng tôi đoán có thể là các bạn Cộng sản cực tả ở Pháp làm việc đó. Bác cười và gật đầu nói: “Có thể như vậy”.

Sau này, khi trở lại Pháp, tôi được biết giữa tháng 1/1969, trước lúc diễn ra đàm phán bốn bên về Việt Nam, một lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, nửa đỏ, nửa xanh có sao vàng ở giữa được bí mật treo lên và tung bay trên ngọn tháp sau nhà thờ Đức Bà ở Paris. Rất đông người nhìn thấy lá cờ, họ tụ tập ngay bờ sông Xen đoạn gần nhà thờ để ngắm. Bà con kiều bào cùng bạn bè Pháp và quốc tế rất phấn khởi, hỉ hả, coi đây là điềm mừng báo trước thắng lợi của ta. Mấy ngày liền, báo chí và truyền hình Pháp đồng loạt đưa tin về việc này.

Bác Hồ năm 1969.

Trong buổi làm việc có Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Bác nhắc tạo mọi điều kiện để tôi có thể chuẩn bị thật chu đáo mọi việc khi đoàn nghệ thuật sang Paris biểu diễn. Phải chú ý chọn những tiết mục mang đậm bản sắc dân tộc. Bác dặn thêm: Nhớ mời những bạn bè Pháp đã tích cực ủng hộ và giúp đỡ ta, trong đó có bà Geneviève Tabouis, người bạn trong thời kỳ Bác hoạt động ở Paris, hiện đang là Chủ nhiệm báo Nước Pháp buổi chiều (Prance Soir) có nhiều bài viết ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân ta…

Bác dặn kiều bào ở Pháp phải thương yêu, giúp đỡ nhau, phải đoàn kết rộng rãi, cùng nhau hướng về Tổ quốc, tôn trọng luật pháp, cố gắng tăng cường, thắt chặt quan hệ hữu nghị hai nước. Bác khen tôi ở Pháp đã lâu mà vẫn nói được tiếng Việt là tốt.

Trước lúc chia tay, tôi thưa với Bác nguyện vọng muốn Bác tặng kiều bào một bức ảnh có chữ đề tặng của Bác. Bác đồng ý và ký tên "Bác Hồ" ngay dưới dòng chữ “Thân mến gửi tặng kiều bào ở Pháp”.

Vài ngày trước lúc lên đường trở về Pháp, Bác viết một bức thư gửi kiều bào và cho một cán bộ đem lá thư đã chuẩn bị để tôi xem và góp ý trước khi Bác ký. Tôi chưa bao giờ nghĩ và tưởng tượng có việc như thế. Thêm một lần nữa tôi vô cùng xúc động và thấm thía về cách làm việc của Bác. Sau này tôi được biết, người mang thư của Bác đến tên là Chước, có thời gian là Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Hà Nội.

Về Paris, trong buổi lễ có tới 4.000 người tham dự mừng Xuân Kỷ Dậu 1969 của cộng đồng kiều bào ta, anh Lê Văn Phu, một trong những thành viên Ban lãnh đạo Hội Việt kiều tại Pháp đã trân trọng đọc lá thư của Bác gửi. Ai cũng thấy xúc động khi nhìn lá thư cùng chữ ký "Bác Hồ" trên bức ảnh của Người. Thư Bác có đoạn viết:

"Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước còn nhiều gian khổ hy sinh, nhân dân ta nhất định sẽ đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược, miền Nam nhất định sẽ được giải phóng. Bắc Nam sẽ sum họp một nhà. Mong các cụ và anh chị em cố gắng hơn nữa, luôn luôn đoàn kết chặt chẽ và tranh thủ sự đồng tình ủng hộ ngày càng mạnh mẽ của nhân dân Pháp anh em… Tôi cũng mong anh chị em trí thức, sinh viên và công nhân gắng sức học tập nắm vững khoa học kỹ thuật tiên tiến của thế giới để sau này về nước góp phần vào công cuộc xây dựng Tổ quốc ta mau chóng trở thành một nước giàu mạnh" .   

Trước yêu cầu của cộng đồng kiều bào ở Pháp, trong các ngày 24 và 25/5/1969, Đại hội thành lập Hội Liên hiệp Việt kiều ở Pháp đã được tổ chức. Tham gia đại hội có 300 đại biểu, đại diện của hơn 2.000 hội viên trong 31 chi hội, 5 chi nhánh và hàng ngàn kiều bào có cảm tình về dự. Sau hai ngày làm việc, đại hội đã thông qua nghị quyết, chương trình hành động, điều lệ và nội quy hoạt động, đặt cơ sở để tổ chức Hội và xây dựng chương trình hoạt động thiết thực, tiến lên đoàn kết rộng rãi kiều bào, góp phần vào sự nghiệp chung của cả nước.

Toàn thể đại hội còn có những giờ phút phấn khởi và cảm động khi được đón tiếp các đồng chí Lê Đức Thọ, Trần Bửu Kiếm, Mai Văn Bộ, Phạm Văn Ba… thay mặt Chính phủ nước VNDCCH và MTDTGPMNVN chúc mừng đại hội và chuyển cho kiều bào mối tình thương nhớ của Bác Hồ và của đồng bào trong nước đối với kiều bào ở Pháp.

Đại hội cũng thông qua một số thư gửi về trong nước, trong đó có thư gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại hội thành công đã đánh dấu một bước ngoặt lớn của phong trào Hội Người Việt Nam yêu nước tại Pháp đã được Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh kế thừa thành lập từ năm 1919.

Ngày 13/6/1969, từ Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết một bức thư gửi Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Việt kiều tại Pháp. Toàn văn thư như sau: Kính gửi Ban chấp hành Hội Liên hiệp Việt kiều tại Pháp.

Tôi rất cảm ơn Đại hội Liên hiệp Việt kiều tại Pháp đã gửi điện thân thiết chúc mừng nhân dịp ngày sinh của tôi. Từ trước tới nay, kiều bào ta ở Pháp cũng như ở các nước khác tuy xa quê hương vẫn luôn luôn nhớ về Tổ quốc thân yêu và cố gắng góp phần mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước.

Nay thành lập Hội Liên hiệp Việt kiều là một sự kiện rất quan trọng nói lên ý chí của kiều bào ta quyết tăng cường đoàn kết, hưởng ứng đồng bào trong nước trong giai đoạn quyết liệt hiện nay để đánh thắng hoàn toàn đế quốc xâm lược. Tôi tin rằng Hội Liên hiệp Việt kiều sẽ hoạt động tích cực đẩy mạnh cuộc vận động "Việt kiều góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược" nâng cao tinh thần đoàn kết thương yêu nhau trong kiều bào và tình hữu nghị với nhân dân Pháp.

Tôi gửi lời thăm hỏi ân cần tới các vị trong Ban Chấp hành Hội liên hiệp Việt kiều, tới tất cả các chi hội và hội viên, tới Hội Liên hiệp Phụ lão, Hội Liên hiệp Công nhân, Hội Liên hiệp Công thương, Hội Liên hiệp trí thức, Hội Liên hiệp Sinh viên Việt Nam và toàn thể kiều bào yêu nước ở Pháp.

Bác Hồ gửi các cháu thiếu nhi nhiều cái hôn thắm thiết.

Chào thân ái và quyết thắng.

Hà Nội, ngày 13 tháng 6 năm 1969

HỒ CHÍ MINH

Sau đó, toàn văn bức thư Bác gửi đã được in trong tập tài liệu: Đại hội thành lập Hội Liên hiệp Việt kiều tại Pháp (Arcueil, 24 và 25/5/1969), phụ san của Báo Đoàn kết, cơ quan ngôn luận của Việt kiều tại Pháp, xuất bản tại Paris, số tháng 6/1969.

Đã 40 năm tròn kể từ ngày Bác Hồ viết những lá thư cuối cùng gửi kiều bào ta ở Pháp, cũng đã tròn 40 năm ngày Bác đi xa, kiều bào ta ở các nước trên thế giới cũng như kiều bào ở Pháp luôn thể hiện sự gắn bó với dân tộc, luôn yêu nước, đoàn kết, song vẫn hội nhập, thân thiện, vươn lên làm theo lời nhắn nhủ của Bác năm 1946 khi thăm nước Pháp: Mỗi kiều bào phải là một đại sứ nhân dân của Việt Nam

Nguyễn Thị Thu Hà
.
.
.