Những bí ẩn cuối cùng về cặp ngà voi ở Tp.HCM

Thứ Ba, 05/04/2005, 13:35
Ông Dương Minh Hiển năm nay 81 tuổi và hiện là chủ nhân của ngôi nhà 135 tuổi cùng cây xương rồng cao 8 mét nằm tại làng cổ Bình Thủy, Tp. Cần Thơ. Một ngày cuối tháng 3 vừa qua, ông đã kể về một câu chuyện mà ông “là nhân chứng sống" và đã ngót 60 năm rồi, ông "chưa kể tường tận cho ai nghe”.

Trước khi kể chuyện, ông Hiển cho tôi xem hàng chục tấm ảnh về cặp ngà voi được chụp vào năm 1946. Thấy tôi quan tâm đến tấm ảnh có một thanh niên đứng giữa cặp ngà voi cao quá đầu, ông Hiển cho biết: "Tôi năm 20 tuổi đấy!". Ông kể: "Tấm ảnh này được chụp trong ngôi nhà số 90 đường Paul Doumer (nay là đường Nguyễn Trãi, quận Ninh Kiều, Cần Thơ). Chủ ngôi nhà này là anh Bé Hai (tên thật là Huỳnh Văn Dậu), chỗ quen biết của gia đình tôi.

Để có được cặp ngà voi này - ông Hiển kể: "Ông nội tôi mua lại từ người nhà của anh Bé Hai, chuyên bán ngà voi, sừng tê giác ở đường Centina (đường Tự Do) Sài Gòn vào những năm 30 của thế kỷ trước. Tôi nghe kể lại, giá cặp ngà lúc đó khoảng 4.000 đồng bạc Con Cò. Sau khi mua, nội tôi đem về trưng bày trong căn nhà 135 tuổi này". Giai đoạn 1942 - 1943, tình hình trật tự ở làng Long Tuyền, Bình Thủy này quá phức tạp, gia đình ông Hiển phải tản cư về miệt Tầm Vu (nay là xã Thạnh Xuân, Châu Thành A, Hậu Giang).

 

Trong hành lý di tản của gia đình này, có cả cặp ngà voi. Theo lời ông Hiển, cặp ngà được ông Ba Quế (người Tầm Vu, đã mất - PV) chôn dưới một mương nước. Sợ kẻ trộm dùng chỉa xôm tìm, nên ông giấu mỗi nơi một chiếc. "Năm 1946, cặp ngà voi được mang về nhà ông Bé Hai. Nằm dưới xình 3 năm, cặp ngà bị thâm xám, ba tôi (ông Dương Văn Ngôn, nguyên  Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Hội liên Việt tỉnh Cần Thơ, Trưởng ban Quản thủ tài sản liên tỉnh Cần Thơ - Rạch Giá giai đoạn 1945 - 1954) phải vất vả lắm mới bàu bỏ được lớp bùn này. Ít hôm sau, tôi và ba tôi đón xe đò, mang lên nhà người chị bà con là điểm sửa chữa radio Anh Đô nằm trên đường Gia Long (nay là Lý Tự Trọng - PV) Sài Gòn, nhờ cất giùm!".

"Đến Sài Gòn chiều hôm trước. Nhưng mới  khoảng 9h sáng  hôm sau, thì có hai chiếc xe Lôcaxông đỗ xịch trước cửa. Một tốp người mặc áo đồng phục màu đen, kiểu Tàu, nút thắt, có trang bị súng ngắn nhảy xuống. Riêng người sau tóc cắt ngắn, mặc quần Tây đen, áo sơ mi trắng, cộc tay, bỏ ngoài khệnh khạng bước vào. Ba tôi cho biết, đấy là Bảy Viễn". Chúng tôi xin nói vài dòng về "nhân vật" Bảy Viễn. Y tên đầy đủ là Lê Văn Viễn, sinh năm 1904, là con của một địa chủ ở huyện Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn (nay là Long An).

 

13 tuổi, Bảy Viễn bỏ nhà đi bụi và chẳng bao lâu sau, trở thành đại ca của băng nhóm, chuyên trấn cướp các chủ xe đò, ghe thương hồ và đột nhập vào các tiệm vàng ở vùng chợ Thiếc, An Bình, bến Hàm Tử… Nhờ ăn nên làm ra, Bảy Viễn sắm 3 chiếc Lôcaxông để mở rộng địa hạt hoạt động, nhắm vào cả đám tiểu chủ, hương cả… Bảy Viễn cũng từng 3 lần bị chính quyền thực dân Pháp bấy giờ kết án từ 15 đến 20 năm tù khổ sai, đày đi Côn Đảo nhưng vượt ngục về và lại làm tay sai cho Pháp. Giai đoạn 1945 - 1948, Bảy Viễn đột nhập vào Bộ đội Bình Xuyên và sau đó, khi bị vạch trần bản chất là kẻ hại dân, hại nước thì y đứng ra thành lập tổ chức Bình Xuyên ly khai.

Theo lời ông Hiển, ý định ban đầu của Bảy Viễn vào kiểm tra nhà người chị là do y nghi ngờ có vũ khí. "Khi chúng tôi lôi từ sàn ván, khui 2 chiếc thùng gỗ, có lót dâm bàu, đựng 2 chiếc ngà voi ra thì y lại nổi lòng tham và nói khéo: "Thời buổi này, cất tài sản quý trong nhà là nguy hiểm cho tính mạng lắm. Gia đình hãy để tôi cất giữ giùm. Tôi sẽ cho mượn một ít tiền để chi xài. Khi nào muốn lấy ngà voi, cứ trả lại tiền cho tôi".

 

Bảy Viễn vốn khét tiếng là xin không được là trấn lột, nên người chị tôi nhắc nhở ba tôi đừng làm trái ý của Bảy Viễn". Được "hàng độc", Bảy Viễn lập tức cho gọi xe cam nhông đến chở. Ông Hiển được gia đình cử đi theo xe của toán lính Bảy Viễn sang doanh trại của y để lấy tiền. "Tôi nhớ rất rõ, đi vào doanh trại của Bảy Viễn mà chân run như cầy sấy. Lòng lo lắng: Nó cho người bắn bỏ mình ở đây thì có ai mà dám đến lấy xác về! Thế nhưng, chuyện ấy đã không diễn ra.

 

Bảy Viễn về trước và đã có mặt trong nhà. Trước khi gặp y, tôi ngồi chờ khoảng 5 phút cạnh quầy bar, toàn rượu Tây đắt tiền và một cô gái trực quầy rất đẹp. Bảy Viễn vén cửa buồng bước ra. Tôi thật sự choáng khi thấy phía trong căn buồng này toàn là tiền với đủ loại mệnh giá. Trước đây, tôi nghe đồn rằng, Bảy Viễn không bao giờ gửi tiền vào ngân hàng. Bảy Viễn đưa cho tôi 3 cọc tiền và cho đàn em dùng xe Lôcaxông chở về tận nhà người chị tôi, bàn giao tiền và người đàng hoàng. Gia đình tôi thở phào, vì mạng của tôi còn lớn. Tổng số tiền Bảy Viễn đưa là 150 đồng bạc. Tôi nhớ bấy giờ, vàng chỉ khoảng 4 - 6 đồng/lượng".

Trở lại số phận của cặp ngà voi, theo lời ông Hiển, nó được Bảy Viễn đem ra Vũng Tàu, trưng bày tại sòng bạc mang tên Thái Bình Dương do y lập ra. Sau  chiến dịch Thoại Ngọc Hầu của chính quyền Sài Gòn, cặp ngà voi này bị tịch thu và được mang về trưng bày tại Nhà bảo tàng Sở Thú - tức Thảo Cầm Viên Tp. Hồ Chí Minh hiện nay.

Sau ngày 30/4/1975 đến nay, cặp ngà voi ấy tiếp tục được lưu giữ tại đây để phục vụ du khách tham quan. Ông Hiển kể, tuy nó đã trở thành tài sản của quốc gia nhưng ông vẫn cảm thấy hết sức gần gũi. Mỗi dịp đến Tp. Hồ Chí Minh là ông tranh thủ ghé thăm. Riêng lần gần đây nhất, ngày 16/1, nhờ sự giúp đỡ của cán bộ Bảo tàng, ông được đến gần cặp ngà voi ngày nào, chụp ảnh lưu niệm.

 

Giờ đây, ông sống cùng con cháu trong căn nhà 135 tuổi - mà theo ông, nó là một trong những di vật đáng quý còn may mắn sót lại sau chiến tranh. Ông kể: "Lãnh đạo Cần Thơ rất quan tâm đến kế hoạch nâng cấp, trùng tu, khôi phục làng cổ Bình Thủy để phục vụ du khách. Riêng căn nhà 135 tuổi này, địa phương cũng đã có hồ sơ đề xuất cấp trên công nhận di tích văn hóa cấp quốc gia". Đã có người gạ hỏi mua ngôi nhà với giá 3 triệu USD nhưng ông từ chối. "Mình phải cố gắng giữ gìn nó. Ngôi nhà này tôi có cảm giác nó đã không còn là của riêng tôi, mà là của tất cả những ai thích nghiên cứu, muốn hiểu biết về văn hóa, lịch sử của vùng đất phương Nam này".

Trở lại câu chuyện về cặp ngà voi, dù biết rằng tâm nguyện của mình có phần khó thực hiện, nhưng ông Hiển vẫn ước ao: "Đem cặp ngà voi về Bảo tàng Cần Thơ trưng bày, để người dân đồng bằng sông Cửu Long có điều kiện chiêm ngưỡng!". Tôi thì nghĩ, nếu ngôi nhà của ông được công nhận di tích, cùng được tôn tạo song hành với hàng loạt công trình khác trong làng cổ Bình Thủy, thì việc đem cặp ngà voi về lại ngôi nhà mà nó bắt đầu hành trình lưu lạc, phục vụ du lịch, đặc biệt là nhu cầu nghiên cứu văn hóa, lịch sử, là việc hoàn toàn có thể làm được và hết sức cần thiết. Tất nhiên, dù ở đâu, cặp ngà voi này cũng vẫn là tài sản của quốc gia.

Trước khi tôi ra về, ông Hiển chợt nhớ ra và lục tủ cho tôi xem tờ chúc ngôn (di chúc) song ngữ Pháp - Việt do ông nội ông Dương Chấn Kỷ lập vào ngày 16/7/1939, khi ông 63 tuổi. Tờ chúc ngôn có  chứng nhận cẩn trọng từng trang của các chức danh đại diện chính quyền thời bấy giờ như xã trưởng, hương hào, hương thôn. Tại trang thứ 3 của tờ chúc ngôn, quả thật có ghi phần tài sản hương hỏa là cặp ngà voi, một chiếc dài 2,05m, chiếc còn lại dài 1,8m này

Thái Bình
.
.
.