Những bất thường trong đào tạo tiến sĩ và phong phó giáo sư ở Viện KH KTNN Việt Nam:

Thứ Năm, 23/06/2005, 10:42

Một ông trưởng phòng Đào tạo sau đại học được phong phó giáo sư với rất nhiều chuyện bất thường. Một vài người trở thành tiến sĩ do nhờ người khác thi hộ đầu vào và được cấp khống các chứng chỉ môn học hoặc bỏ qua các môn thi bắt buộc.

Những chuyện kỳ quặc này đã  xảy ra ở Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam (Viện KHKTNNVN), một cơ quan nghiên cứu khoa học hàng đầu của ngành nông nghiệp.

Thi hộ đầu vào nghiên cứu sinh

Những tưởng chuyện thi hộ thi kèm chỉ xảy ra ở kỳ thi tuyển sinh vào đại học. Nhưng ở Viện KHKTNNVN, việc thi hộ xảy ra cả ở kỳ thi tuyển nghiên cứu sinh. Đó là trường hợp của ông Trần Tiến Hùng, nghiên cứu sinh khóa 1997-2002. Năm 2002, ông Hùng đã trở thành tiến sĩ.

Chuyện nhờ người thi tuyển đầu vào nghiên cứu sinh của ông Hùng chỉ bị phanh phui khi có người công tác tại Viện KHKTNNVN tố cáo việc gian lận trong thi cử. Nội dung tố cáo đã được khẳng định là đúng khi Viện KHKTNNVN trưng cầu Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an Hà Nội giám định chữ viết trên các bài thi của thí sinh Trần Tiến Hùng. Tại Bản thông báo kết quả giám định số 1119/PC 21 của Công an Hà Nội đã khẳng định: “Chữ viết trên: Bài kiểm tra Tiếng Anh - trình độ C - môn Đọc + Viết có phách số: Đ 135 ghi tên Trần Tiến Hùng, số báo danh: 11 (05 trang ký hiệu TLCGĐ) so với chữ viết trên: Bài thi môn: Di truyền có phách số D14 ghi tên Trần Tiến Hùng, số báo danh 04 (01 tờ và 01 phách - ký hiệu TLMSS: M1) là không phải do cùng một người viết ra”.

Ngoài kết quả giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an Hà Nội, Viện Khoa học hình sự Bộ Công an cũng có một kết luận giám định (số 3311/C21) khẳng định: “Chữ viết trên “Bài kiểm tra: tiếng Anh - trình độ C - môn Nghe ngày 23/5/1997 có số phách N82 đứng tên Trần Tiến Hùng (ký hiệu A) với chữ viết trên Bài thi môn Di Truyền có số phách D14 và trên đầu phách “Bài thi môn Di truyền” có số phách D14 mang tên Trần Tiến Hùng là không phải do một người viết ra”. Kết quả giám định của hai cơ quan giám định quá đủ căn cứ để khẳng định ông Hùng đã nhờ người khác thi hộ đầu vào nghiên cứu sinh tiến sĩ.

Tại khóa Nghiên cứu sinh 1997 - 2002 ở Viện KHKTNNVN, còn có một nghiên cứu sinh khác cũng viết “2 kiểu chữ”, đó là ông Đoàn Hữu Thanh. Trong kết luận giám định số 3312/2004/C21 của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an cũng đã kết luận: “Chữ viết trong bài kiểm tra tiếng Anh - trình độ C - môn Đọc + Viết” ghi tên Đoàn Hữu Thanh có số phách Đ120 với chữ viết trong bài thi môn Di truyền ghi tên Đoàn Hữu Thanh số phách D9 là không phải do cùng một người viết ra. Chữ viết trên bài kiểm tra tiếng Anh ghi tên Đoàn Hữu Thanh và chữ viết trong bài kiểm tra tiếng Anh ghi tên Lê Quốc Thanh có số phách DV30 là do cùng một người viết ra”. Nhưng cũng như ông Hùng, ông Đoàn Hữu Thanh đã trở thành tiến sĩ.

Nhưng chuyện kỳ quặc trong việc đào tạo tiến sĩ ở Viện KHKTNNVN chưa dừng lại ở đó. Ngoài những người được thi hộ đầu vào, còn có những người trở thành tiến sĩ bằng “công nghệ đi tắt đón đầu”, đó là tốt nghiệp thạc sĩ một ngành, làm luận án tiến sĩ một ngành khác nhưng lại không phải thi các môn bắt buộc theo quy chế chuyển đổi ngành của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).

Điển hình là ông Lê Quốc Doanh. Ông Doanh tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp I ngành “Thổ nhưỡng nông hóa”; sau đó học cao học tại Thái Lan ngành "Hệ thống nông nghiệp". Năm 1996, ông Doanh làm nghiên cứu sinh và bảo vệ luận án tiến sĩ năm 2002 chuyên ngành “Trồng trọt”. Theo quy định của Bộ GD&ĐT, ông Lê Quốc Doanh phải thi khoảng 20 môn chuyên ngành trước khi bảo vệ luận án tiến sĩ. Tuy nhiên, cho tới khi trở thành tiến sĩ, ông Doanh không thi bất cứ môn nào.

Lý giải việc này, ông Doanh cho rằng: do Phòng Đào tạo (Viện KHKTNNVN) không yêu cầu thi nên ông đã không thi. Còn PGS.TS. Nguyễn Huy Hoàng, Trưởng phòng Đào tạo sau đại học Viện KHKTNNVN, lại cho rằng, theo cách hiểu của ông, ông Doanh không phải thi các môn chuyên ngành(?).

Như vậy không phải là một mà có ít nhất 3 người trở thành tiến sĩ do có người thi hộ đầu vào hoặc được “giúp đỡ” giảm bớt môn thi sai với quy chế. Vụ việc này xảy ra vào năm 1997, đây là năm cuối cùng Bộ GD&ĐT cho phép tổ chức thi nghiên cứu sinh tại cơ sở. Phải chăng tại Viện KHKTNNVN đã có một đường dây tổ chức thi hộ đầu vào nghiên cứu sinh để trở thành tiến sĩ?

Những chuyện bất thường về học vị và học hàm của ông Nguyễn Huy Hoàng

Ông Nguyễn Huy Hoàng hiện là phó giáo sư, tiến sĩ, Trưởng phòng Đào tạo sau đại học của Viện KHKTNNVN. Không chỉ là người phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng những nghiên cứu sinh vi phạm quy chế vẫn được cấp bằng tiến sĩ, chính tấm bằng tiến sĩ và học hàm phó giáo sư của ông Hoàng cũng có những chuyện không bình thường.--PageBreak--

Trong văn bản thụ lý hồ sơ xin bảo vệ luận án phó tiến sĩ (nay là tiến sĩ) của ông Nguyễn Huy Hoàng, chuyên viên Vụ Sau đại học Bộ GD&ĐT nhận xét: “Trong hồ sơ đề nghị bảo vệ luận án của ông Hoàng có văn bằng tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Kisinhov, ngành Sinh học, nay ông Hoàng bảo vệ luận án về trồng trọt. Qua đối chiếu, so sánh các môn đã học đại học với chương trình đại học ngành trồng trọt của Đại học Nông nghiệp I cho thấy có 8 môn ch­ưa đư­ợc học như: Bệnh cây: 80 tiết; Cây lư­ơng thực: 160 tiết; Côn trùng: 80 tiết; Cây công nghiệp và ăn quả: 240 tiết; Thủy nông: 50 tiết... và 3 môn đã học nhưng số giờ ít”. Tổng cộng ông Hoàng phải học thêm khoảng... 1.000 tiết.

Tại Đại học Tổng hợp Kisinhov, ông Hoàng làm luận văn tốt nghiệp về đề tài “Ảnh h­ưởng của một số hóa chất lên hiệu ứng sinh học của việc chiếu xạ ở ngô”; còn đề tài luận án tiến sĩ lại ở một h­ướng khác: “Nghiên cứu đánh giá khả năng chịu hạn của các mẫu giống đậu tương nhập nội ở miền Bắc Việt Nam”. Trong trường hợp này, đối chiếu với quy định tại Điều 4 quy chế năm 1983 của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ GD&ĐT) hướng dẫn về những yêu cầu và thủ tục kiểm tra bổ túc kiến thức cho những người bảo vệ luận văn Phó tiến sĩ khoa học là: “Người đề nghị bảo vệ luận án nếu đã tốt nghiệp ngành này chuyển sang nghiên cứu một ngành khác thì ngoài kiểm tra kiến thức theo quy định phải dự kiểm tra một số môn học bổ sung về cơ sở khoa học của ngành đó”.

Chính Đoàn thanh tra của Viện KHKTNNVN sau khi nghiên cứu các văn bản quy định của Bộ GD&ĐT cũng phải đ­ưa ra nhận xét: “Nghiên cứu sinh chuyên ngành khác bắt buộc phải thi tr­ước khi bảo vệ luận án và tr­ước khi công nhận nghiên cứu sinh”. Vậy mà không hiểu bằng cách nào, ông Hoàng không phải học, phải thi như­ các quy định này. Cũng không hiểu bằng cách nào đó mà ông Hoàng vẫn đ­ược "chấp nhận" bảo vệ luận án phó tiến sĩ, nay là tiến sĩ.

Chưa hết, năm 2002, trong hồ sơ đăng ký phong chức danh PGS của mình, ông Hoàng tự khai có 4 đề tài cấp cơ sở do ông  chủ trì và 2 đề tài ông có tham gia. Những đề tài này ông làm trong giai đoạn 1988-1992 và được GS.TSKH. Trần Đình Long xác nhận. Thế nhưng cả 4 bản xác nhận của ông Long với 4 đề tài cấp cơ sở của ông Hoàng đều không có minh chứng (phiếu đăng ký đề tài, báo cáo tóm tắt đề tài và biên bản nghiệm thu đề tài). Chính vì vậy, năm 2004, Đoàn thanh tra Viện KHKTNNVN đã kết luận: “Việc xác nhận ông Nguyễn Huy Hoàng chủ trì 4 đề tài mà ông Hoàng khai để đưa vào hồ sơ công nhận chức danh PGS là thiếu cơ sở”.

Nhưng thật khó hiểu là mới đây trong công văn số 4114/ĐH&SĐH ngày 24/5/2005 của Bộ GD&ĐT (Vụ Sau đại học) gửi Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội trả lời về việc bảo vệ luận án tiến sĩ của ông Hoàng, sau khi trích nội dung quy chế nghiên cứu sinh của Bộ GD&ĐT (có nội dung tương tự như kết luận thanh tra đã trích) lại cho rằng, với trường hợp của ông Hoàng là do ông này có quá trình giảng dạy, nghiên cứu liên quan đến ngành nông nghiệp, vì vậy năm 1992, Viện KHKTNNVN - là cơ sở đào tạo đã có công văn gửi Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp xét miễn dự kiểm tra một số môn bổ sung kiến thức và được đồng ý. Như vậy trong khi quy chế của Bộ đề ra là văn bản pháp lý buộc tất cả mọi người đều phải tuân theo thì chính Bộ lại cho phép ông Hoàng là người ngoại lệ?

Những nghiên cứu sinh nhờ có sự "giúp đỡ" mà trở thành tiến sĩ hiện đều là lãnh đạo cấp sở. Ông Hoàng đang là Trưởng phòng Đào tạo sau đại học của Viện KHKTNNVN. Với kiểu đào tạo này, Viện KHKTNNVN đã tự đánh mất uy tín của một cơ quan nghiên cứu khoa học. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ sai phạm của những người liên quan trong vụ việc này

Nguyễn Thiêm
.
.
.