Những bất cập trong xử lý chất thải công nghiệp ở Hà Nội

Thứ Năm, 07/12/2006, 14:30

Mỗi năm, lượng chất thải công nghiệp trên địa bàn Hà Nội là hơn 164.250 tấn, trong khi đó năm 2005 Công ty Môi trường đô thị Hà Nội chỉ thu gom và xử lý được 11.000 tấn, chiếm tỷ lệ 6,7%. Hơn 93% còn lại (khoảng 153.000 tấn), không quản lý được hoặc không được thu gom xử lý theo đúng quy định.

Trung bình mỗi ngày TP Hà Nội có 3.730 tấn chất thải rắn các loại và như vậy số lượng chất thải rắn mỗi năm Hà Nội cần thu gom và xử lý lên đến hơn 1 triệu tấn. Trong số đó chất thải rắn công nghiệp phát sinh mỗi năm là hơn 164.250 tấn, chiếm tỷ lệ hơn 13% tổng lượng chất thải phát sinh của toàn thành phố, và có tới 38% là chất thải nguy hại.

Trôi nổi chất thải nguy hại

Theo đánh giá của Vụ Quản lý khu công nghiệp và khu chế xuất (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) về tình trạng xử lý rác thải tại các khu công nghiệp, khu chế xuất thì số doanh nghiệp ký hợp đồng với đơn vị chuyên ngành vận chuyển và xử lý chất thải rắn không nhiều, đối với chất thải nguy hại, số doanh nghiệp thực hiện ký hợp đồng với đơn vị xử lý chất thải theo đúng quy chế quản lý chất thải nguy hại còn ít hơn. Tình trạng rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp thông thường được thu gom chung với chất thải rắn nguy hại khá phổ biến.

Đặc biệt là đối với các nhà máy tự xử lý rác thải phần lớn chưa phân loại rác thải và có thiết bị xử lý phù hợp với mức độ nguy hại, do đó chỉ có những rác thải ít gây ô nhiễm mới xử lý được, còn lại các rác thải công nghiệp nguy hại thì việc xử lý bằng hệ thống xử lý rác thải thông thường đều không có tác dụng. Do đó, khi vận chuyển ra ngoài khu công nghiệp, các loại rác thải, đặc biệt là rác thải nguy hại vẫn còn nguyên tính nguy hại của nó.

Thu gom không đúng quy cách, mạnh ai nấy làm

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng hiện chất thải công nghiệp tại các doanh nghiệp hiện nay đang được các công ty môi trường địa phương thu gom lẫn với chất thải sinh hoạt, các công ty tư nhân thu gom tái chế tại các làng nghề. Nếu như các công ty liên doanh và nước ngoài đều tập trung tại các khu công nghiệp, luôn có ý thức tuân thủ nghiêm túc các quy định về xử lý chất thải công nghiệp thì các doanh nghiệp trong nước, các cơ sở tư nhân luôn trốn tránh trách nhiệm về việc xử lý chất thải công nghiệp. Những đơn vị này chỉ thực hiện khi bị sức ép trong việc đăng ký chủ nguồn thải với Sở TNMT&NĐ; đặc biệt là khi làm đánh giá chất lượng ISO về môi trường: 14000 và 14001...

Trên địa bàn Hà Nội, Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) đã được đầu tư công nghệ, thiết bị khá hiện đại xây dựng khu xử lý chất thải công nghiệp tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn - Sóc Sơn - Hà Nội, nhưng mỗi năm đơn vị này cũng chỉ xử lý được khoảng từ 5-10% số lượng rác thải công nghiệp phát sinh trên địa bàn.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, việc xử lý rác thải công nghiệp, đặc biệt là rác thải độc hại đang diễn ra khá lộn xộn, khá nhiều đơn vị thu gom và xử lý. Tình trạng các doanh nghiệp giao khoán hợp đồng xử lý rác thải cho các đơn vị đảm nhiệm thiếu sự kiểm tra, giám sát, các đơn vị thu gom chất thải từ nhà máy, xí nghiệp, sau đó đem về phân loại, những chất có thể tái chế được thì tận dụng, còn chất thải độc hại thì thải ra môi trường hoặc bị trộn lẫn trong rác thải sinh hoạt rồi đem chôn lấp, thậm chí còn có trường hợp bán lại cho nông dân bón ruộng gây tác hại nghiêm trọng về môi trường...

Trong những năm tới, lượng chất thải rắn trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ phát sinh ngày càng tăng, trong đó riêng rác thải công nghiệp nguy hại có xu hướng tăng nhanh mỗi năm phải lên đến 25.000 tấn.

Chính vì vậy việc tăng cường công tác quản lý chất thải rắn và nguy hại ở các doanh nghiệp, các khu công nghiệp trên địa bàn từ chủ nguồn thải đến người thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý cần được theo dõi chặt chẽ, để chất thải công nghiệp được đưa đi xử lý triệt để nhằm bảo vệ môi trường

Nhóm PV PL-BĐ
.
.
.