Những bàn tay tài hoa thổi hồn vào than đá

Thứ Ba, 16/02/2016, 17:26
Nghề chế tác mỹ nghệ than đá xuất hiện do người Pháp du nhập vào tại vùng mỏ Quảng Ninh từ cuối thế kỷ 19. Trước năm 1986, những người thợ tham gia vào Hợp tác xã Hồng Gai chuyên chế tác tranh, mỹ nghệ than đá. Sau khi hoạt động không hiệu quả, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, Hợp tác xã bị giải thể. Năm 1986, những người làm nghề dần khôi phục lại nghề thủ công này để sinh sống.

Nghề điêu khắc than đá là nét đặc trưng riêng của Vùng mỏ. Khi đến Quảng Ninh, nhiều du khách trong nước và quốc tế rất ngạc nhiên, thích thú những sản phẩm điêu khắc từ than đá. Vì nhiều lý do,  trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh chỉ còn khoảng 10 gia đình duy trì nghề này.

Để tìm hiểu về nghề điêu khắc than mỹ nghệ tại đất Mỏ, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân Phạm Thị Cộng, 59 tuổi, trú tại đường Lê Thánh Tông, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Trong căn nhà nhỏ vùa là nơi sinh hoạt vàu là cửa hàng, bà Cộng chia sẻ về nghề: than đá dùng để chế tác ra những tác phẩm nghệ thuật phải là phôi than mỹ nghệ hóa thạch chất lượng tốt với các yêu cầu như: than đen đặc, trên bề mặt than không có những đường vân, mạch đứt gãy xuyên ngang dọc, than mua trực tiếp tại các khai trường hoặc của các thương lái. Sau đó, người thợ xẻ nhỏ thanh đá thành từng khối theo yêu cầu, hình dạng và kích cỡ chế tác.

Để làm ra một sản phẩm than đá phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp. Đầu tiên là việc thửa phôi: các nghệ nhân sẽ ngắm, lựa chọn phôi than nguyên khối phù hợp với tác phẩm định tạc, điêu khắc. Bước thứ hai là vệ sinh, rửa phôi than sạch sẽ bằng nước để lộ nguyên thổ than. Bước thứ 3 là chế tác gồm các công đoạn như: cưa, cắt, đục, mài, gọt giũa than theo ý tưởng nghệ thuật của tác phẩm. Bước thứ 4 là đánh giấy ráp tạo độ bóng, mịn cho tác phẩm. Bước cuối cùng là việc khắc chữ, chỉnh sửa, gọt giũa, chau truốt lại tác phẩm trước khi xuất xưởng, đưa ra thị trường. Để hoàn thành một tác phẩm lớn hay nhỏ, đơn giản hay phức tạp phải trải qua từ 5 đến 12 người thợ chế tác. Mối tác phẩm điêu khắc than thể hiện sự kết tinh của sự sáng tạo, bàn tay khéo léo và sự say mê với nghề. Khâu khó nhất của nghề điêu khắc than là việc căn chỉnh tạo hình trên bề mặt than.

Các dụng cụ dùng để chế tác than gồm: búa, đục, cưa, kìm, dao, kéo, giấy ráp, máy đánh bóng. Từ một số mẫu đơn giản ban đầu như: phù điêu Vịnh Hạ Long, hòn trống mái… đến nay, các nghệ nhân tài hoa đã sáng tạo ra hàng trăm, hàng nghìn sản phẩm điêu khắc than mỹ nghệ với độ tinh xảo, nghệ thuật được du khách ưa thích. Các sản phẩm điêu khắc từ than đá tại Quảng Ninh có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong nước và một số quốc gia như: Nhật, Thái Lan, Trung Quốc, Anh, Mỹ, Áo, Đức…

Nghệ nhân Phạm Thị Cộng.

Xưởng điêu khắc than đá mỹ nghệ của gia đình anh Nguyễn Tiến Quyết (42 tuổi) và chị Nguyễn Thị Thanh Bình (39 tuổi) nằm sâu trong ngõ nhỏ, cách QL18A khoảng 100 m, tại khu 8, phường Hồng Hải, TP Hạ Long, Quảng Ninh. Xưởng nhà anh Quyết rộng chừng 30 m2 với 6 thợ điêu khắc (3 nam, 3 nữ). Xung quanh nhiều hòn than kíp-lê (altraxit) to nhỏ màu đen xám và màu ánh kim được chất thành đống ngổn ngang và những dụng cụ đơn giản như: cưa tay, đục, dao gọt, máy hỗ trợ đánh ráp.

Chị Nguyễn Thị Thanh Bình lấy anh Nguyễn Tiến Quyết gần 20 năm và theo nghề của nhà chồng. Thợ điêu khắc than đá thường xuyên phải tiếp xúc với bụi than. Năm 2007, TP Hạ Long có dự án, thành lập Hội hàng thủ công mỹ nghệ TP Hạ Long, thu hút hàng chục hộ làm nghề tham gia. Tuy nhiên, do không có sự đầu tư, thị trường đầu ra không ổn định nên 3 năm sau Hội hàng thủ công mỹ nghệ đã giải thể.  

Anh Quyết là đời thứ 3 duy trì nghề chế tác than đá tại Quảng Ninh. Bố anh là nhà điêu khắc Tuấn Lợi. Ông nội anh Quyết từng là thợ mỏ và chế tác nhiều bức tượng cho các chủ hầm than người Pháp. Đến nay, anh Quyết có thâm niên 15 năm theo nghề điêu khắc trên than đá. Sản phẩm điêu khắc than đá mang nét đặc trưng của vùng mỏ Quảng Ninh. Nghề điêu khắc không phải ai cũng gắn bó với nghề bởi sự nhem nhuốc, tỉ mỉ, sức khỏe bị ảnh hưởng do tiếp xúc nhiều với bụi than. Công việc vất vả cả ngày ngồi cưa than, tạo kích cỡ tác phẩm với thu nhập bấp bênh khoảng 4 - 6 triệu/tháng.

Nghề điêu khắc than đá bận rộn nhất vào dịp cuối năm và ra Tết. Thời điểm này, do đơn hàng nhiều nên vợ chồng anh cùng 5 người thợ làm liên tục, chỉ tranh thủ ăn trưa, nghỉ ngơi chốc lát rồi lại tiếp tục công việc để kịp thời gian giao hàng cho khách. Sản phẩm của gia đình anh Quyết đặt tại các ki ốt bên bờ Vịnh Hạ Long và các đại lý tại các địa phương như: Hải Phòng, Nam Định, Hà Nội… Đáng chú ý, khách du lịch Pháp, Tây Ban Nha đến xưởng tìm hiểu, đặt hàng chế tác đồ lưu niệm là chiếc kính hiển vi, máy đánh chữ để mang về nước. Hiện nay, nhà anh Quyết đang trưng bày khá nhiều tác phẩm điêu khắc từ than đá như: bức tượng Đức Phật, bàn chân Phật, sư tử, hòn trống mái, lục bình...

Một số sản phẩm điêu khắc than mỹ nghệ.

Ngoài việc kiên trì, khéo léo, say mê với nghề, các công nhân điêu khắc than phải hứng chịu sự nhem nhuốc do bụi than. Hiện nay, nghề điêu khắc than đang dần bị mai một vì ít người làm, thu nhập không ổn định và thiếu sự quan tâm đầu tư. Thợ làm nghề chỉ là nhất thời, khó kiếm được người thợ gắn bó lâu dài với nghề. Trong gia đình anh chị, hiện chưa có người kế cận, duy trì nghề này. Tuy công việc vất vả, thu nhập không cao nhưng với lòng yêu nghề, anh Quyết vẫn duy trì sản xuất. Với anh, ngoài việc để mưu sinh, duy trì công việc điêu khắc than là giữ gìn nghề truyền thống gia đình, làm đẹp cho đời. Sản phẩm từ điêu khắc than dùng để trang trí, làm quà tặng cho khách du lịch trong và ngoài nước. Nếu nghề điêu khắc than bị mai một thì thật đáng tiếc.

Đăng Hùng
.
.
.