Bí ẩn vùng quê có nhiều người chán sống ở Việt Nam

Chủ Nhật, 07/08/2016, 10:25
Từ năm 2013 đến 2015, trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định xảy ra 18 vụ tự tử, làm chết 14 người. 7 tháng đầu năm 2016, xảy ra 9 vụ, chết 5 người. Đây là hiện tượng xã hội không bình thường ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống cộng đồng, tác động xấu đến ANTT ở từng thôn, làng.

Vĩnh Thạnh là huyện miền núi của tỉnh Bình Định có 8 xã, thị trấn với 30 làng có bà con dân tộc thiểu số sinh sống, chiếm hơn 1/4 dân số toàn huyện, nhiều nhất là dân tộc Ba-na. Đời sống bà con vẫn còn khó khăn, sự am hiểu pháp luật còn hạn chế, tập tục lạc hậu vẫn còn hiện hữu. 

Từ năm 2013 đến 2015, trên địa bàn xảy ra 18 vụ tự tử, làm chết 14 người. 7 tháng đầu năm 2016, xảy ra 9 vụ, chết 5 người. Đây là hiện tượng xã hội không bình thường ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống cộng đồng, tác động xấu đến ANTT ở từng thôn, làng.

Công an huyện Vĩnh Thạnh nắm tình hình tại cơ sở.

Vĩnh Sơn là xã có số vụ tự tử xảy ra nhiều nhất huyện, trên 10 vụ. Anh Nguyễn Hùng, Trưởng Công an xã cho biết, dù xã đã có nhiều giải pháp để phát hiện, ngăn chặn nhưng tình trạng tự tử trong bà con vẫn rất khó lường. Nhiều trường hợp chỉ vì mâu thuẫn bộc phát tức thì trong gia đình cũng tự tìm đến cái chết. Cháu Đinh Q (15 tuổi, làng K4) bỏ học sớm, thấy bạn bè cùng trang lứa có xe máy vi vu nên đã đòi cha mẹ mua. 

Thương con rồi hứa khi nào bán được trâu sẽ mua. Chờ mãi không thấy xe đâu, và vì đã lỡ trót khoe với bạn bè nên cảm thấy hụt hẫng, buồn chán, suốt ngày cứ uống rượu, về nhà sẵn chai thuốc diệt cỏ đã kết liễu cuộc sống. Trường hợp khác, 2 vợ chồng chịu khó làm ăn, bầy trâu bò ngày càng sinh sôi, kinh tế có phần khá giả.

Theo yêu cầu của người bác họ, người chồng hứa sẽ bán cho một con trâu cái để làm giống phát triển chăn nuôi nhưng bị người vợ cự tuyệt. Xấu hổ vì thất hứa với ông bác nên anh chồng đã tìm đến cái chết. Một trường hợp đau lòng hơn khi cả hai vợ chồng đều tự tìm đến cái chết. Ông Đinh X (SN 1965, làng K2) là hộ nghèo nhưng không chịu làm ăn, suốt ngày chìm trong men rượu. Cách đây 2 năm, người vợ vì khuyên chồng bỏ rượu không được, quá uất ức đã tìm đến cái chết. Vợ mất nhưng ông vẫn suốt ngày uống rượu, rồi sinh bệnh, bi quan khiến ông X cũng tự tìm đến cái chết.

Nếu so với các năm từ 2010-2012 (xảy ra 40 vụ) thì số vụ tự tử đã giảm nhiều. Trong số các vụ tự tử từ năm 2013 đến nay thì mâu thuẫn gia đình, quan hệ nam nữ bất chính xảy ra nhiều nhất, chiếm đến 10 vụ; đau ốm, kinh tế khó khăn dẫn đến bi quan trong cuộc sống xảy ra 6 vụ. Trưởng Công an xã Vĩnh Sơn cho biết, số vụ tự tử xảy ra được phát hiện kịp thời, ngăn chặn hậu quả còn nhiều hơn con số thực tế. 

Ngoài địa bàn ở xã Vĩnh Sơn, còn xảy ra ở xã Vĩnh Kim, Vĩnh Thuận, Vĩnh Thịnh. Anh Đinh Rìu, Trưởng Công an xã Vĩnh Kim cho biết, đặc điểm tâm lý của bà con mình là tính tự ái, mặc cảm cao nên khi cảm thấy bức bách, bi quan điều gì đó trong cuộc sống, cho dù rất nhỏ thường nghĩ đến cái chết để giải thoát.

Vấn nạn tự tử xảy ra ngày càng nhiều đã ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của bà con, tác động xấu đến ANTT ở từng thôn, làng. Năm 2013, Huyện ủy Vĩnh Thạnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, phân công trách nhiệm cho từng tổ chức hội, đoàn thể phối hợp với người có uy tín ở từng thôn, làng có nguy cơ dẫn đến tự tử cao để tuyên truyền, giải thích, hòa giải các mối bất hòa trong nội bộ nhân dân và từng gia đình.

Quan tâm xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, triển khai thực hiện hiệu quả nhiều chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế, xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa, cải thiện cuộc sống cho bà con dân tộc thiểu số ở từng thôn, làng. 

Giữa tháng 7 vừa qua, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tổ chức lớp tập huấn cho 120 già làng, người có uy tín và những cán bộ làm công tác dân vận của huyện nhằm nâng cao kỹ năng vận động quần chúng phòng ngừa, ngăn chặn vấn nạn tự tử trên địa bàn. Nhiều kinh nghiệm hay, cách làm mới trong công tác vận động bà con xây dựng cuộc sống mới, bài trừ hủ tục, ngăn ngừa tự tử đã được phổ biến.

Đại tá Phan Văn Kết, Phó trưởng Công an huyện cho biết, lực lượng Công an tiếp tục cử cán bộ "cắm chốt" ở các làng xảy ra nhiều vụ tự tử để duy trì phong trào "3 không về ANTT" gắn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư". Các anh đã cùng các vị già làng, người có uy tín đến trực tiếp những người đã có hành vi tự tử chưa thành tích cực tuyên truyền để họ xóa bỏ mặc cảm, tự ái, sống trách nhiệm hơn với gia đình và xã hội.

Tấn Tài
.
.
.