Như ngọn hải đăng âm thầm

Thứ Hai, 10/11/2008, 16:22

Trong số các câu chuyện được ''mắt thấy tai nghe'' về con người, cuộc sống mưu sinh của người dân vùng biển, chúng tối thấy ấn tượng hơn cả là câu chuyện về một gia đình có hơn nửa thành viên có trình độ đại học và niềm tin vào nghề chài lưới ở khối 2, phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò, Nghệ An.

Thân cò lặn lội…

Từ trụ sở UBND phường Nghi Thủy, chúng tôi không mấy khó khăn để tìm đến nhà ông Nguyễn Hồng Khoa. Căn nhà rộng chừng 50m2, xung quanh là cây cối khá sum suê. Trong gian phòng khách chật hẹp, bên cạnh ấm nước chè xanh, câu chuyện giữa chúng tôi và người đàn ông tuổi ngoài 40, khuôn mặt mang đầy nắng gió diễn ra một cách cởi mở.

Ông bộc bạch: Cuộc sống gia đình tôi phụ thuộc vào biển cả. Phụ thuộc vào gánh hàng tôm của vợ tôi. Vợ ông là bà Liêm bao năm, hàng ngày ra bãi buôn con tôm, con cá bán cho khách du lịch, còn ông thì tối tối lại rong thuyền câu con mực vừa để đỡ đần vợ, vừa là làm cho dịch vụ du lịch ở Cửa Lò thêm thu nhập. Khách du lịch về đây họ rất khoái "ngón" rong thuyền câu mực. Còn về mùa này thì chiếc thuyền câu mực còn phải "mắc cạn" dài dài.

Ông Khoa chưa dứt lời thì bà Liêm lên tiếng: ''Nghề buôn tôm của tui cũng rứa, có bữa gặp người khách ở xa, họ nói họ thích những người như chúng tui vì sự chất phác, thật thà. Nghe vậy tui vui lắm, chỉ mong sao họ đến với Cửa Lò nhiều hơn". Lặng nhìn một lát, bà Liêm lại thêm: "Nhưng lắm bữa cũng mệt lắm, muốn nghỉ ở nhà nhưng lại nghĩ đến các con, ngày mùa mà không tranh thủ thì khi hết mùa rồi muốn cố cũng không được".

Với gia đình ông Khoa cũng như nhiều gia đình ở vùng biển Nghi Thủy thì mùa du lịch luôn đồng nghĩa với mùa làm ăn, kiếm sống. Ngày ngày gánh tôm bán cho khách du lịch, bà Liêm cũng kiếm được 70-100 ngàn, cộng với khoản tiền rong thuyền câu mực và đồng lương công chức xã của ông Khoa thì tổng thu nhập mỗi tháng mùa của ông bà cũng được 4 -5 triệu đồng. Vậy nhưng mùa du lịch chỉ kéo dài được 3 tháng, ăn vèo cái đã hết, chỉ tiết kiệm được hơn 1 triệu đồng dành dụm cho các con ăn học. Hàng tháng từ số tiền tích góp ông bà gửi cho 3 con học đại học 2,5 triệu đồng, số tiền tương đối ít trước thời "bão giá" nhưng cộng với nỗ lực của các con thì cũng được coi là tạm đủ.

Hết mùa du lịch cũng là lúc công cuộc mưu sinh trở nên khó khăn. Nếu như ngày mùa bà Liêm còn có chốn để bán con tôm, ông Khoa còn tranh thủ lúc ngoài giờ câu được con mực thì bây giờ mọi khoản chi tiêu đều phụ thuộc vào đồng lương công chức ít ỏi của ông Khoa và số tiền bán những vại mắm muối của bà Liêm.

Thu nhập bấp bênh nên cuộc sống eo hẹp, khó khăn hơn bội phần. Bà Liêm cho chúng tôi biết: "Làm ăn mùa ni khó rứa đó, không dễ dàng chi mô. Để lo cho việc học của các con thì tui chỉ biết luôn cố gắng thôi. Nhiều nhà thì họ chỉ muối vài ba vại mắm nhưng tui thì phải cố lên năm, lên sáu, rứa mới mong có tiền cho chi tiêu hàng ngày và chu cấp cho các con".

Gắn bó với biển, với con tôm con cá đã hơn 20 năm, trải qua bao vất vả, thăng trầm nhưng dường như những khó khăn không thể quật ngã đôi vợ chồng tuổi trung niên mà càng làm cho họ thêm phần quyết tâm với hy vọng mang lại tương lai tươi sáng cho các con.

Dù cuộc sống luôn bị đè nặng bởi nỗi lo cơm áo nhưng quyết tâm để các con ăn học đến nơi đến chốn vẫn chưa một lần lung lay. Ông Khoa cho chúng tôi biết: Thà phải ăn khoai, ăn cháo nhưng chúng tôi quyết không để các con phải thất học, tôi vẫn thường xuyên động viên vợ rằng cặm cụi làm ăn, nuôi con sẽ đến ngày con lớn được an nhàn. Và câu nói đó cũng trở thành tâm niệm sống của ông.

Nuôi con, nuôi niềm hy vọng

Sự chịu khó, nỗ lực không ngừng của ông Khoa, bà Liêm đã được đền đáp xứng đáng. Dường như hiểu được sự vất vả của bố mẹ, 4 người con của ông bà luôn chăm ngoan, học giỏi và 3 người trong số họ đã là những sinh viên theo học tại những trường đại học lớn: Nguyễn Văn Thanh, người con đầu là sinh viên Trường ĐHBKHN; người con thứ hai Nguyễn Hồng Đương nay là Bí thư chi bộ Đảng khoa Luật kinh tế, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Luật Hà Nội; người con thứ ba là Nguyễn Hồng Ngọ đang là sinh viên năm thứ hai Trường ĐH KHTN - ĐHQGHN và người con út đang là học sinh trường THPT Cửa Lò, nhiều năm liền em đạt học sinh giỏi cấp trường và giành nhiều giải cao trong các cuộc thi cấp tỉnh.

Có được những người con vừa chăm ngoan, học giỏi, ngoài sự đầu tư đúng cách, ông bà còn áp dụng một phương pháp dạy không giống ai, ông Khoa chia sẻ: "Hàng ngày chúng tôi áp dụng phương pháp là phân việc cho con, đơn cử như việc nhỏ là quét nhà thôi, chúng tôi cũng phải phân công rạch ròi. Chưa làm xong thì phải làm cho xong rồi mới thôi, như vậy là để tạo cho các cháu thói quen''.

 Hiện ông Khoa cũng đang theo học lớp ĐH tại chức theo chương trình chuẩn hóa trình độ cán bộ địa phương. Trước, có ông cùng chung tay góp sức, nay mọi khó khăn dồn lên đôi vai bà Liêm nhưng khi được hỏi, bà vẫn vui vẻ: ''Vẫn biết là gia đình chưa lúc nào khấm khá nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên nói với các cháu là khó khăn mấy bố mẹ cũng sẽ cố miễn là các con ngoan và học giỏi''.

Ông bà cứ nghĩ xa xôi rằng, mai này con họ lớn lên, biết đâu sẽ là những kỹ sư, nhà kinh tế góp cho Cửa Lò quê hương phát triển như một thành phố biển du lịch hiện đại. Lúc ấy những gánh hàng tôm của bao bà mẹ như bà Liêm sẽ được những đứa con hiếu thảo đưa vào bảo tàng lưu giữ một thời gian khó. Con tôm nuôi cái chữ, cái chữ, chất xám sẽ mang hàng vạn hàng triệu con tôm, con cá Cửa Lò đi xuất khẩu. Nhà ông sẽ đổi khác, Cửa Lò sẽ đổi khác….

Trước thềm hội nhập, việc nhiều gia đình ở nông thôn khó khăn như Cửa Lò, Nghi Lộc (Nghệ An) dành sự ưu tiên đặc biệt cho việc học tập của con cái là điều không mấy lạ lẫm. Nhưng với một vùng mà nền kinh tế chủ yếu là ngư nghiệp, quanh năm ''đánh vật" với sóng biển như Nghi Thủy thì nỗ lực kiếm ''cái chữ'' cho các con như ông Khoa, bà Liêm không phải ai cũng làm được.

Ông Võ Quang Vinh, Bí thư chi bộ khối 2, phường Nghi Thủy không giấu nổi sự ngưỡng mộ: Đến nay mà nói gia đình anh Khoa được phường và thị xã đánh giá là gia đình văn hoá tiêu biểu, có thể nói gia đình anh là gia đình giàu có về văn hóa nhất trên địa bàn phường.

Rời Nghi Thủy khi trời đã nhá nhem tối, trên con đường nhìn ra phía biển, bất giác tôi chợt nghĩ ông Khoa, bà Liêm và nhiều người dân nơi đây như những ngọn hải đăng âm thầm, lặng lẽ nhưng lại mang đến cho biển một ánh sáng dương. Những ngọn hải đăng âm thầm hôm nay ở mỗi nhà sẽ làm rạng lên những ngọn hải đăng Cửa Lò nay mai

Hải Yến
.
.
.