Nhóm đồng nát @

Chủ Nhật, 18/09/2005, 07:16
Họ là những người trẻ tuổi, có học thức và công việc ổn định nhưng tuần nào cũng tụ hợp cùng nhau, đi đến khắp các ngõ ngách, ngả đường của Hà Nội để thu gom ve chai, đồng nát. Những đồng tiền thu được họ dùng để làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo, trẻ em lang thang, cơ nhỡ.

Một lần tình cờ ngồi uống cà phê ở 75 Trần Quốc Toản (Hà Nội), tôi được chị Nga, gần 40 tuổi, tiết lộ rằng, sáng chủ nhật nào quán chị cũng đón một nhóm thanh niên đến lượm các loại đồng nát phế thải mang về tập kết tại cổng sau nhà thờ xứ Hàm Long. Điều đặc biệt là nhóm này toàn là những người được học hành và đỗ đạt ở Hà Nội.  

Sáng chủ nhật, tôi đến nhà thờ xứ Hàm Long (quận Hai Bà Trưng). 8h, trong khoảng sân nhỏ phía cuối nhà thờ nhìn ra cổng phụ đường Ngô Thì Nhậm, hai cô gái chừng 22-23 tuổi đến sớm nhất, đang đứng chờ các thành viên trong nhóm. L, 23 tuổi, cho biết cô tốt nghiệp Khoa Kế toán Trường đại học Công đoàn, hiện đã đi làm. Khi còn là sinh viên, cô đã gia nhập “nhóm ve chai trí thức”.

10 phút sau, một thanh niên nước da đen sạm, gương mặt nhễ nhại mồ hôi, bước vào. Anh tên là Vũ Hoàng Linh, 25 tuổi, được “phong” trưởng nhóm. Sau khi đặt hai ống nước nhân trần có đá lên dãy bàn trong nhà nguyện để “giải khát” cho cả nhóm, Linh tất bật đi vào kho lôi ra chiếc thang tre bắc lên để căng giữa sân một tấm bạt xanh “tạo bóng mát cho mọi người”.

8h 30', các thành viên bắt đầu kéo tới. Họ gồm đủ lứa tuổi, nghề nghiệp mà theo Hảo, một cô gái đeo kính cận, 27 tuổi, được giao làm thủ quỹ, người trẻ nhất mới 16 tuổi, còn là học sinh THPT và người “già” nhất 36 tuổi. Ai cũng hớn hở, hoạt bát. Trong khi tôi đang say sưa trò chuyện cùng Hảo thì ba cô nữ sinh Trường THPT Trần Nhân Tông, vai áo còn nguyên phù hiệu, dắt xe đạp vào, nở nụ cười tươi như hoa chào mọi người.

9h, không ai bảo ai, các thành viên lao vào việc như một thói quen. Linh đọc địa chỉ, tên chủ hộ sẽ cho rác rồi giao từng người đến lượm. Hảo mở cửa kho để các cô gái chui vào bưng ra sân cả đống chai lọ, giấy vụn, báo cũ, bìa cáctông, quạt điện, nồi cơm điện... mà họ gọi chung là ve chai, đồng nát, rồi ngồi xếp, nhặt, phân ra từng loại. Họ lụi cụi, say sưa chẳng kém gì các bà lượm đồng nát khi tìm được những món có giá. Đảo bới một hồi, Thùy Linh tìm được cả xấp sách giáo khoa lớp 6, 7, 8... Cô cẩn thận vuốt lại mép sách, phủi bụi, để lên bậu cửa sổ rồi nói với tôi: “Những cuốn sách này người ta cho, tuy cũ nhưng vẫn dùng được nên chúng em để riêng mang tặng các em học sinh nghèo hiếu học”.

Trong khi các cô gái say sưa làm việc, chọn nhặt thì các chàng trai Hưng, Anh, Tú, Nghĩa... dắt xe máy ra khỏi cổng. Cứ hai người một xe, tỏa khắp địa bàn Hà Nội. Nhật, chàng trai đeo kính, ngoài 20 tuổi, hôm nay được phân công đến “xin” rác tại quán cà phê của chị Nga ở 75 Trần Quốc Toản. Hưng, Hoàng, Đạt sẽ đến những địa chỉ khác như Kim Ngưu, Nam Đồng, Lò Đúc... chỉ trong 20 phút đã chạy được hai “cua”. Lúc này các cô gái nhanh tay phân chia “chiến lợi phẩm”. Mồ hôi thấm ướt trên tóc, lưng áo họ, nơi có dòng chữ "Nhóm ve chai".

Tôi theo họ xuôi khu hồ Hai Bà Trưng, đi sâu vào con ngõ Lê Gia Định, gần chợ Trời, dừng trước đại lý chuyên kinh doanh phụ tùng ôtô Mận Long mà trên đường đi Đạt giới thiệu chủ đại lý là anh Đại, một người luôn dành sẵn những hộp bìa cáctông tặng "Nhóm ve chai" như một cách làm từ thiện. Hưng và Đạt leo thoăn thoắt lên tầng hai, cúi nhặt từng hộp cáctông đã gói ghém sẵn cho vào bao tải, vội vã ôm xuống. Hưng cầm lái, Đạt ngồi sau để ôm. Hoàng phải giúp Đạt bốc bao tải đồng nát nặng trịch lên xe.

Chưa chịu về, cả ba vòng lại hồ Hai Bà Trưng, đỗ xe bên ngoài rồi đi bộ vào con ngõ 15 “cho khỏi tốn xăng”. Trông thấy Đạt, nhiều người  bảo: “Hôm nay cô có mấy cái chai”, “Bác có ít giấy vụn, một cái quạt hỏng, lát nữa cháu quay lại lấy”. Một ông già từ tầng hai thấy dáng Đạt, gọi: “Nếu kiếm được báo cũ, cho ông mượn vài tờ để đọc, nhá”. “Theo quy định, nhóm chỉ làm trong buổi sáng chủ nhật, nhưng có hôm người ta gọi nhiều, bọn em phải làm việc đến tận  chiều. Có hôm, bọn em còn sang tận Gia Lâm, hoặc vào tận khu đô thị mới Mỹ Đình để xin rác. Đến nay, bà con chẳng ai lạ gì chúng em”.

Lạ, nhặt ve chai, đồng nát tưởng chỉ dành cho những phụ nữ quê mùa thất nghiệp, nhưng nhóm ve chai Hàm Long lại toàn trí thức, đã có công ăn việc làm ổn định hoặc đang là học sinh, sinh viên. Trưởng nhóm Linh đã tốt nghiệp ĐHKHXH&NV Hà Nội, đang công tác tại một cơ quan thuộc UBND TP Hà Nội, còn Hảo đang là kế toán của một công ty nhà nước trên đường Kim Mã (quận Ba Đình)... Biết được khát vọng nhân đạo của họ, cha xứ nhà thờ Hàm Long đã giúp bằng cách cho mượn khoảng sân sau thánh đường để nhóm làm “trụ sở” hoạt động.

"Đồng nát thu gom về, chúng em gọi các chị mua đồng nát vào, bán tại sân, tiền thu được nhóm sẽ lập quỹ chung để làm việc thiện” - Hảo tâm sự. Trong hai năm qua, nhóm ve chai của họ đã ủng hộ nạn nhân sóng thần, đồng bào bị thiên tai lũ lụt, giúp đỡ các cụ già cô đơn, trẻ mồ côi bằng nhiều hình thức tài trợ. Gần đây, nhóm còn có sáng kiến nhận làm gia sư cho bốn em học sinh Hà Nội học giỏi nhưng do hoàn cảnh gia đình éo le phải bỏ học...

Theo Hoàng Linh, ban đầu mới thành lập nhóm ve chai chỉ có hơn 10 người, nhưng đến thời điểm này đã có tới 40 thành viên. Nhiều bà mẹ khi hay tin về nhóm đã đưa con đến tham gia, đem theo cả nồi cơm điện, quạt điện hỏng, chai lọ... để “tặng”!

Tôi đã gặp nhiều thành viên của nhóm, nghe họ trò chuyện và tôi nhận ra một điều, dù từ nhiều sở thích, cương vị, mục tiêu khác nhau nhưng họ đều có chung một ý tưởng: muốn giúp đỡ được nhiều người trong xã hội. Trong khi chưa có điều kiện làm những việc to tát để có thu nhập cao hơn, họ chọn việc lượm ve chai. Nhiều thành viên còn nói rằng họ hãnh diện khi được tham gia "Nhóm ve chai", đồng nát và khi lập địa chỉ e-mail để sinh hoạt, thông tin họ cũng không e ngại chọn: dongnathn@hotmail.com

Đằng Thái Huyền
.
.
.