Nhọc nhằn đuổi “ông Voi”

Thứ Tư, 15/12/2010, 11:35
Rừng mất dần, thức ăn cạn kiệt và những ông voi (cách gọi thân mật của người dân đối với con voi rừng) chỉ còn biết tìm đến ruộng vườn người dân để duy trì sự sống cho giống loài. Trong những năm qua, cuộc chiến đuổi voi rừng phá hoại hoa màu của người dân huyện Ea Súp (Đắk Lắk) vô cùng gian khổ. Và cứ thế, họ luôn phải sống trong cảnh phấp phỏng, lo âu mỗi khi ông voi ghé thăm xóm làng.

Trắng đêm đề phòng “ông Voi”

Đúng 20h30', chúng tôi cùng 4 thanh niên trong Đội dân phòng thôn 4, xã Ia Rvê (huyện Ea Súp) lên đường đuổi voi. Vũ khí mang theo là những ống phụt đất đèn và còi hú. Ống phụt được làm từ ống tre hoặc ống nhựa dài hơn 1m, một đầu bịt kín, đầu kia để hở, cách đáy khoảng 5cm, đục một lỗ châm lửa. Cho một ít nước vào ống, tra đất đèn vào châm lửa. Chất khí của đất đèn bốc lên, bén lửa, nổ ầm.

Tiếng nổ khiến đàn voi sợ hãi tháo chạy vào rừng. Giữa đêm tối rừng hoang, các anh vẫn phóng những con ngựa sắt băng băng qua lau lách. Như để trấn an chúng tôi, anh Đỗ Minh Chí (Đội trưởng Đội dân phòng thôn 4) tươi cười: "Bảy năm qua, ông voi thường về thôn phá hoại hoa màu nhưng chưa bao giờ ông tấn công người dân đâu. Thấy những vũ khí này, ông bỏ chạy vào rừng ngay".

Không như thường lệ, hôm nay họ phải đi lặng lẽ để giúp chúng tôi tiếp cận những ông voi và chụp hình. Trời tối, cỏ lau cắt rát chân tay nhưng các anh không hề có một tiếng than thở. Ở nơi biên giới đất nước, họ là những chiến sĩ không mặc áo lính canh giữ bình yên cho xóm làng, quê hương. Bảy năm về trước, họ bỏ lại quê hương cách mạng Mỏ Cày (Bến Tre) thân yêu và đi xây dựng kinh tế mới nơi biên ải Tổ quốc. 

Đi được 2km đường rừng, một chú ngựa sắt chết máy, chúng tôi đành vứt lại ở vườn anh Chí và bắt đầu hành trình cuốc bộ đi tìm ông voi. Xa xa, tiếng nổ ống phụt đất đèn đuổi voi từ thôn 5 và thôn 2 bắt đầu vang lên báo hiệu ông voi xuất hiện.

Tôi đề nghị các anh sang đó gặp ông voi nhưng họ nói rằng, có thể ông voi chưa xuất hiện nhưng người dân thôn 2 và thôn 5 vẫn đốt đất đèn để hù dọa ông voi. Để chắc chắn, anh Chí liền gọi điện thoại cho đội dân phòng bên đó. "Đúng rồi, ông voi đang ở thôn 5", anh Chí vui mừng thông báo lại cho cả đoàn. Thế là, chúng tôi cùng anh Chí và anh Hùng lên xe sang đó, còn anh Trung và anh Trà phải vất vả dẫn chiếc xe chết máy trở về thôn.

Ở thôn 5, khoai mì chưa thu hoạch được bao nhiêu nên người dân đành dựng lán, mắc võng ngủ lại bên vườn để canh ông voi. Đêm hôm trước, chỉ có mấy người canh nên họ bị một phen hú hồn trong vòng vây của ông voi. Chưa hết bàng hoàng, ông Hai Bạc kể: "Tôi cùng hai anh em trong đội dân phòng thôn vừa chợp mắt, bỗng nghe tiếng chân rào rào ở nương mì và trong phút chốc hơn chục ông voi đã xuất hiện cách chúng tôi chưa đầy hai chục mét. Tôi run lắm nhưng vẫn gọi được cho mọi người trong thôn lái máy cày, đem xoong chảo, đốt đất đèn… đuổi mấy ông về rừng".

Rút kinh nghiệm, hôm nay thôn 5 đã bổ sung lực lượng lên tới 15 người cùng mắc võng nằm cạnh nhau và đốt lửa canh cho nhau ngủ. Khi chúng tôi vừa đến, những ông voi cũng vừa đi. "Các chú ngủ với chúng tôi chừng hai tiếng thôi, ông voi sẽ trở lại thăm ngay mà", ông Tám Hải vừa nói vừa chỉ chỗ lán bạt cho chúng tôi mắc võng nghỉ chân.

Ngủ giữa rừng để đuổi voi.

Đến 2h sáng, tiếng hú của ông voi làm chúng tôi choàng tỉnh. Nhưng lần này, có lẽ ông voi biết lực lượng đông hơn nên chỉ đi ngang qua và không vào phá hoại ruộng mì của người dân. Dẫu vậy, Đội dân phòng thôn 5 vẫn lấy ống phụt đốt đất đèn và bật còi hú đuổi ông voi. Tiếng ống phụt đất đèn nổ đinh tai liên tiếp làm ông sợ hơn, bước nhanh hơn và phút chốc đã lẫn vào rừng xanh trong đêm tối mịt mùng.

Nghèo còn gặp eo!

Xã Ia Rvê nằm giáp biên giới Campuchia, được thành lập từ năm 2002 theo dự án di dân của Bộ Quốc phòng, hiện có 5.081 dân, 14 thôn, trong đó có 6 thôn thường bị voi rừng kéo về quấy nhiễu. Trước khi lên đây, họ chỉ quen với đời sống sông nước đồng bằng sông Cửu Long. Trước cái nóng khô rang của rừng khộp, cái gió rát bỏng của đại ngàn Tây Nguyên và sự đe dọa của ông voi, họ lạ lẫm và phập phồng lo âu.

Ông Trần Văn Lực than thở: "Khi lên đây tôi mới biết ông voi, nhưng không ngờ ông làm chúng tôi khốn khổ thế này. Năm ngoái, ông phá sạch 5ha đậu, mì nhà tôi, còn từ đầu năm đến nay ông phá hết một nửa rồi. Kiểu này thì ra Giêng đói mất".

Hơn 7,5% dân trong xã thuộc diện hộ nghèo, nhưng từ khi lên đây, ruộng vườn của họ luôn bị ông voi về phá hoại. Đã nghèo họ lại còn gặp eo. Cũng chỉ vì sợ ông voi, nhiều hộ dân thôn 4 đành phải thu hoạch non nhiều diện tích khoai, mì và đậu.

Vườn mì nhà ông Trần Văn Lực bị đàn voi phá nát.

Và theo báo cáo của UBND xã Ia Rvê, năm 2010, nắng hạn và voi rừng phá hoại hoa màu đã làm thiệt hơn 382ha hoa màu của xã. Trước những thiệt hại đó, UBND huyện Ea Súp đã trích 80 triệu đồng để hỗ trợ người dân xã Ia Rvê. Nhưng theo ông Nguyễn Đình Toản (Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp), số tiền đó chỉ đủ hỗ trợ cho người dân mua giống, chứ thiệt hại thực tế lên tới vài tỉ đồng.

Không riêng gì ở Ia Rvê, những năm trước đây, đàn voi rừng cũng thường về phá hoại hoa màu ở các xã Ia Jlơi và Ia Lốp - nơi có diện tích lớn, thuận lợi cho voi rừng sinh trưởng và phát triển. Hiện tại, những cánh rừng xung quanh đã bị phá, chia cắt và vùng cư trú chỉ thu hẹp trong khoảng 180ha nên đàn voi chỉ tập trung tại 3 xã nói trên chứ không di chuyển khắp huyện như những năm trước. Hễ đến mùa thu hoạch, chúng lại về ăn, phá hoại hoa màu và không e ngại người dân.

Ông Nguyễn Ngọc Phú (Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ea Súp) cho biết: "Trong khi chờ dự án bảo tồn voi triển khai, có lẽ chúng ta nên gắn chíp vào một số con voi trong đàn để theo dõi sự di chuyển của chúng và báo cho người dân tập trung đông người đến đuổi đi mới hiệu quả".

Bao giờ bình yên?

Khu vực phân bố voi rừng Đắk Lắk tập trung chủ yếu ở các khu rừng khộp của huyện Ea Súp, Buôn Đôn và Ea H'Leo. Trong những năm gần đây, nhiều diện tích rừng khộp ở đây bị thu hẹp do sự chuyển đổi sang trồng các loại cây công nghiệp hoặc bị người dân di cư tự do phá rừng lấy đất làm rẫy. Tất cả các hoạt động đó đã làm diện tích sinh sống của voi rừng bị thu hẹp, chia cắt và làm mất hành lang di chuyển theo mùa để tìm kiếm thức ăn, giao phối.

Theo PGS.TS Nguyễn Bảo Huy (Trưởng bộ môn Quản lý tài nguyên rừng và môi trường, Trường Đại học Tây Nguyên), nguyên nhân đó đã làm cho voi rừng bị cô lập trong vùng, thiếu nước, muối khoáng và thức ăn trong mùa khô hạn nên chúng tìm đến khu vực canh tác của những người dân mới đến khai hoang để tìm thức ăn cũng như phá hoại mùa màng. Cường độ xuất hiện và không ngại gặp người dân của voi rừng thể hiện sự mâu thuẫn ngày càng gay gắt giữa sự chuyển đổi rừng lấy đất canh tác với việc mất dần nơi sinh sống của voi rừng.

Đối với voi rừng, diện tích rừng đủ lớn để sinh sống, di chuyển tìm kiếm thức ăn rất quan trọng. Nhưng trong số 309.812ha đất lâm nghiệp của huyện Ea Súp, Buôn Đôn và Ea H'Leo, chỉ có 159.814ha rừng đặc dụng và rừng phòng hộ là tương đối an toàn cho đàn voi rừng sinh sống. Vậy mà, những cánh rừng đặc dụng và phòng hộ ít ỏi này đang dần bị thay thế bởi những cây công nghiệp như: cao su, điều, keo lai…

Rõ ràng, rừng đang bị đe dọa và cả đàn voi rừng Đắk Lắk cũng đang bị đe dọa từng ngày! Bao giờ chúng ta giữ được những cánh rừng của đại ngàn Tây Nguyên, đàn voi rừng lúc đó mới còn đất sống và người dân ở nơi đó sẽ bình yên...

Trần Tâm
.
.
.