Nhọc nhằn con chữ giữa rừng sâu

Thứ Sáu, 27/11/2009, 08:59

Gần 1 tháng sau trận bão, lũ lịch sử, các trường học trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum mới tổ chức lại công tác dạy và học. Ở nơi này, thầy, cô giáo và học sinh hàng ngày vẫn phải chật vật đối mặt với bao nỗi khó khăn chồng chất.

Bộn bề sau bão…

Cơn bão số 9 đã tàn phá nặng nề huyện Tu Mơ Rông, để lại hậu quả vô cùng thảm khốc cho ngành Giáo dục huyện nhà. Toàn huyện có 54 phòng học bị sụp đổ hoàn toàn, hàng chục phòng học bị tốc mái, 10 nhà ở của giáo viên cũng bị đổ sập, trên 2 ngàn học sinh bị lũ cuốn trôi hết sách vở, nhiều chiếc cầu treo cũng bị bão lũ cuốn phăng…

Gần 2 tháng nay, thầy, cô giáo ở xã Măng Ri, Tê Xăng… không có điện để phục vụ sinh hoạt. Đêm đến, muỗi, bọ chét có dịp hoành hành. Không có nước giếng, thầy cô giáo phải gánh nước ngọt về sử dụng, thậm chí nước ngọt không đủ nên mọi sinh hoạt của thầy cô phải dùng nước suối. Đau lòng hơn, ở tỉnh Kon Tum, bão lũ đã cướp đi sinh mạng của 11 học sinh thì huyện Tu Mơ Rông đã có 9 học sinh ra đi vĩnh viễn, bỏ lại trường lớp thân yêu, bỏ lại thầy, cô, bạn bè.

Đơn sơ lớp học giữa rừng sâu.

Để giúp đỡ những học trò thân yêu của mình đến lớp, tới trường, các thầy, cô giáo nơi vùng sâu, vùng xa này đã xắn tay cùng với nhân dân và các ngành chức năng dựng lên những ngôi nhà tạm, đến từng nhà vận động các em tới trường. Một số xã như Ngọc Yêu, Đăk Sao, Đăk Na… cầu treo bị lũ cuốn trôi, giao thông chia cắt thì các thầy giáo đảm trách việc vận chuyển mì tôm, gạo đến cứu trợ những gia đình học sinh thân yêu của mình.

Tất cả vì đàn em thân yêu

Có lẽ, đây là năm đầu tiên các thầy, cô giáo huyện Tu Mơ Rông và một số xã vùng sâu, vùng xa của huyện Đăk Glei, huyện Kon Plông… không có ngày 20/11 đúng nghĩa, bởi thầy trò đang bận bịu ổn định trường lớp phục vụ công tác dạy và học. Nếu như mọi năm, những ngày này thầy cô giáo và học sinh đang trong không khí tưng bừng phấn khởi, dào dạt niềm vui chuẩn bị kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam thì năm nay, giữa bộn bề gian khó, thầy cô giáo đang nỗ lực cố gắng từng ngày để gượng dậy sau lũ bão vươn lên dạy tốt, học tốt.

Những ngày này, ở những lớp học vùng sâu, vùng xa không có cờ hoa, cũng không có lớp học nào tập tành văn nghệ mà nhiều trường đang chạy đua với thời gian, tổ chức cho giáo viên dạy học ngày hai buổi và cả ngày thứ bảy để theo kịp chương trình sau bão lũ. Dẫu bao khó khăn chồng chất, nhưng ánh mắt, nụ cười của mỗi thầy, cô giáo vun đắp sự nghiệp trồng người ở tận mãi vùng sâu vẫn ngời sáng tương lai. Một thầy giáo kể: "Có những lúc trời mưa tầm tã, mình không thể xuống chợ mua rau xanh, một số em học sinh với quần áo ướt sũng rụt rè đứng ngoài cửa đợi mình ra để trao mớ rau rừng. Cảm nhận tình cảm mộc mạc, chân tình của các em đã dành cho thầy cô giáo nơi vùng xa này, mình lại càng thương yêu các em hơn, quyết tâm dạy học thật tốt".

Nhiều em học sinh đến lớp, đến trường đem theo nắm cơm vắt với muối, ăn vội qua quýt rồi vào lớp. Thậm chí có những em vì gia cảnh khó khăn, đường sá xa xôi nên dậy lúc ông mặt trời chưa thức giấc, ăn bữa sáng ở nhà rồi đến lớp, mãi tận chiều mới về tới nhà. Thương các em, một số thầy cô giáo kiêm luôn việc nấu ăn cho những lớp học bán trú, dẫu vất vả hơn một chút, nhưng tạo điều kiện cho các em học tập tốt hơn là niềm vui của những thầy cô giáo. Thầy Dương Đắc Điểm - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông cho biết: "Nhà trường đã duy trì thường xuyên lớp học bán trú, trong khó khăn của cơn bão số 9 học sinh đi học được đầy đủ. Duy trì được lớp học bán trú học sinh được nâng cao chất lượng, đó là niềm vui của giáo viên".

Khó khăn là thế nhưng khi được hỏi về mong ước thì điều đầu tiên thầy cô nghĩ đến luôn là những học sinh thân yêu. Cô Nguyễn Thị Bích Nguyên- Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông thì mong rằng: "Nhà trường cùng các cô giáo ở Măng Ri cũng mong muốn nhận được sự quan tâm của các cấp sớm xây dựng các lớp ở thôn làng để các cháu đảm bảo ăn học, đảm bảo được sức khỏe, từ đó chất lượng nhà trường sẽ đi lên".

Đâu đó trong sân trường dã quỳ đã nở. Mặc cho mưa dầm, lũ quét, loài hoa này vẫn vươn mình khoe sắc vàng trong nắng mai. Loài hoa có sức sống mãnh liệt ấy cũng như tấm lòng thầy cô nơi vùng lũ, dẫu khó khăn chồng chất vẫn vươn lên, dành hết tâm huyết cho sự nghiệp trồng người

Như Nguyệt
.
.
.