Nhớ mãi chuyến bay trong lễ tang Bác

Thứ Tư, 21/01/2009, 16:59
9h30 ngày 9/9/1969, sau nghi lễ đọc điếu văn trong lễ tang Hồ Chủ tịch, 12 chiếc máy bay nghiêm cẩn lướt qua Quảng trường Ba Đình. Đường bay của biên đội chệch sang trái một chút so với Quảng trường Ba Đình để mọi người trên lễ đài có thể nhìn rõ.

Cuối năm 1965, sau khi cùng đồng đội tốt nghiệp khóa huấn luyện phi công chiến đấu MiG-21 từ Liên Xô trở về, ông Nguyễn Văn Lý được phân công về Trung đoàn Sao Đỏ - Trung đoàn Không quân tiêm kích đầu tiên của Việt Nam - nhận nhiệm vụ.

Trong suốt những năm tháng làm phi công chiến đấu, khi thì ở sân bay Nội Bài, khi thì ở sân bay Kép - Bắc Giang, lúc lại vào sân bay Đà Nẵng, đã để lại trong ông Lý những kỷ niệm khó quên. Hơn 20 năm làm phi công, ông đã bay hàng ngàn chuyến, đã trải qua nhiều sự kiện quan trọng, nhưng có một sự kiện đã ăn sâu trong tâm trí của ông và những người đồng đội với một niềm thiêng liêng trân trọng - đó chính là chuyến bay tiễn biệt Hồ Chủ tịch trước Quảng trường Ba Đình trong lễ tang của Người ngày 9/9/1969 khi ông còn là phi công Trung đoàn Sao Đỏ.

Hiện ông Nguyễn Văn Lý sống tại một con ngõ nhỏ trên đường Nguyễn Khuyến - Hà Nội. Một chiều cuối năm, tôi có mặt tại nhà ông. Trên tường nhà là những bức hình lưu niệm về một thời làm phi công chiến đấu. Ông Lý kể cho tôi nghe những kỷ niệm về chuyến bay vĩnh biệt Bác Hồ. Đã gần tròn 40 năm trôi qua, ở tuổi gần thất thập, nhưng ông vẫn nhớ về sự kiện này một cách rành rọt.

Nhiệm vụ đặc biệt

2h đêm 2/9/1969, ông Lý và đồng đội đang ngủ thì được gọi dậy triệu tập về phòng họp. Thủ trưởng đơn vị thông báo có nhiệm vụ đặc biệt, phi công MiG-21 phải bay đội hình lớn 12 chiếc. Đơn vị lựa chọn trong cả 3 phi đội ra 16 người gồm 12 phi công chính thức và 2 phi công dự bị. Phi đội 1 của Nguyễn Văn Lý được lựa chọn nhiều nhất, trong đó ông được xếp trong đội hình chính thức. Ngay sau đó tất cả bắt tay vào việc lên phương án, tính toán đường bay...

Sang ngày 3/9, cấp trên mới thông báo chính thức nhiệm vụ bay trong lễ tang Bác. Tất cả các phi công đều dâng lên cảm xúc khó tả, vừa là niềm tiếc thương vô hạn trước việc Bác ra đi, vừa là trách nhiệm, cả sự lo lắng. Đặc biệt hơn là khi còn sống, Bác lại dành sự quan tâm đặc biệt tới Bộ đội Phòng không - Không quân, tới anh em lái máy bay.

Nhiều phi công đã được lên gặp Bác, được trao huy hiệu của Người. Với các chiến sĩ lái máy bay, mỗi khi bắn rơi một máy bay địch đều được tặng thưởng một huy hiệu của Bác, trong số 16 phi công được chọn thực hiện nhiệm vụ đều đã được tặng thưởng huy hiệu, bản thân ông Nguyễn Văn Lý cũng đã được tặng thưởng 3 huy hiệu Hồ Chủ tịch với thành tích ông đã trực tiếp bắn hạ 1 máy bay F105D, 1 chiếc F4H và 1 chiếc F8U của Không quân Mỹ. Tình cảm của Bác Hồ đối với Bộ đội Không quân rất gắn bó.

Tết năm trước, dù sức khỏe đã giảm sút nhưng Bác vẫn xuống tận sân bay Nội Bài chúc tết, thăm hỏi động viên anh em phi công. Chính những tình cảm đó khiến những phi công như ông Lý càng thêm bùi ngùi và xác định trách nhiệm cao hơn bao giờ hết.

Đại tướng Văn Tiến Dũng thăm đoàn không quân Sao Đỏ.

Các phi công được lựa chọn thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này đều đã tham gia chiến đấu và đã từng không chiến với Không quân Mỹ, bắn hạ nhiều máy bay địch. Biên đội thứ nhất do phi công Nguyễn Hồng Nhị - số 1 - chỉ huy, các phi công còn lại gồm: Lê Toàn Thắng - số 2, Phạm Đình Tuân - số 3, Nguyễn Đức Soát - số 4; Nguyễn Văn Lý được giao chỉ huy Biên đội thứ 2 và giữ số 1, các phi công còn lại gồm: Phạm Phú Thái - số 2, Lê Thanh Đạo - số 3, Nguyễn Hồng Mỹ - số 4; Biên đội thứ 3 do phi công Mai Văn Cương -  số 1 - chỉ huy, các phi công còn lại gồm: Phan Thành Nam - số 2, Nguyễn Văn Khánh - số 3, Nguyễn Văn Long - số 4. Hai phi công dự bị là Bùi Đức Nhu và Đặng Ngọc Ngự.

Theo yêu cầu của Trung ương, Biên đội 12 chiếc phải bay ở độ cao từ 200 đến 300 mét trên Quảng trường Ba Đình, hơi chếch về bên trái lễ đài dọc theo đường Hùng Vương. Đội hình phi đội phải xuất hiện sau 20 đến 30 giây sau khi điếu văn tang lễ đọc dứt lời. Và giờ "G" ấn định qua Quảng trường Ba Đình là 9h30 ngày 9/9. Yêu cầu này được đưa ra dưới sự tính toán ngặt nghèo của các cán bộ dẫn đường Sở Chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân và kỹ thuật điều khiển máy bay trong biên đội.

Luyện tập công phu

Sau khi đã có danh sách phi công tham gia rồi, việc bàn bạc xây dựng phương án bay được triển khai cặn kẽ với sự tham gia của nhiều thành phần, các cán bộ đầu ngành của Quân chủng Phòng không - Không quân.

Những ngày sau đó cả tập thể bước vào luyện tập, 4h sáng các phi công đã dậy tiếp nhận máy bay, chuẩn bị sẵn sàng, ngày nào cũng bay luyện tập vài lần, hết bay rồi lại rút kinh nghiệm, rồi lại bay tiếp. Cả Trung đoàn miệt mài, ai vào việc nấy, các thành phần thợ máy, sân đường, công binh, hậu cần, đều làm việc với trách nhiệm cao nhất. Từ chiến sĩ quét đường băng đến nhân viên khí tượng, ai ai cũng một lòng một dạ dồn cả tình cảm thiêng liêng vào công việc. Riêng nhiệm vụ của các phi công là nặng nề hơn cả.

Bay theo đội hình 12 chiếc là cả một vấn đề khó khăn về kỹ thuật, phi công của ta tuy có kinh nghiệm chiến đấu nhưng lại chưa bay đội hình lớn bao giờ. Dự kiến lúc đầu sẽ bay theo biên đội 4 chiếc, bay thành thạo rồi mới ghép biên đội lớn 12 chiếc, nhưng sau đó đã thay đổi.

Phương án bay được đề ra là: Tất cả 12 máy bay đều mở máy đồng loạt. Sở chỉ huy hạ lệnh cất cánh thì 2 chiếc một lăn ra đường băng cất cánh, cự ly lúc chạy đà trên đường băng ngang cách nhau 20 mét, dọc 30 mét. Khi cả 12 chiếc đã cất cánh xong sẽ tập hợp đội hình ở độ cao 1.000 mét phía trên sân bay, lúc này là đội hình hoàn chỉnh 12 chiếc chia 3 tốp mỗi tốp 4 chiếc theo hàng dọc. Bay qua khỏi điểm đường bay thì đội hình phi đội 12 chiếc đã hình thành, với mỗi biên đội cự ly giãn cách giữa các máy bay so với chiếc đi đầu là 30 x 50 mét và 50 x 70 mét.

Một yêu cầu khắt khe đối với các phi công bay số 2 là phải bay rất ổn định để giữ giãn cách đội hình chung, nhất là khi bay vòng phải luôn luôn nhìn thấy số 1 phía trên và số 3, số 4 phía sau. Anh em thường nói về số 2 rằng, phải bay "bắt vít" vào số 1. Cự ly giữa các biên đội theo hàng dọc cách từ 600 đến 800 mét. Các tốp sau phải bay cao hơn tốp trước từ 20 đến 30 mét để tránh luồng khí thải động cơ rất lớn cùng với khí quẩn tác động sẽ gây nguy hiểm.

Khi đội hình 12 chiếc bay về sân bay hạ cánh cũng là cả một vấn đề khá phức tạp, vì phải tính toán làm sao phối hợp nhịp nhàng trong một thời gian ngắn hạ cánh lần lượt, nhất là những chiếc hạ cánh sau sẽ khó khăn hơn. Từng chiếc một hạ cánh chỉ cách nhau khoảng 2 km, đương nhiên kỹ thuật phải rất chuẩn và mong không có sơ suất gì ảnh hưởng đến an toàn bay.

Biên đội sẽ bay theo đội hình bàn tay xòe, cự ly giãn cách giữa các biên đội từ 600 đến 800 mét, các số chỉ cách nhau vài chục mét, như vậy là khoảng cách rất gần, đòi hỏi các phi công phải bay với tốc độ rất ổn định. Tốc độ bay giữ ở 850km/giờ, độ cao yêu cầu là 300 - 400 mét.

Yêu cầu về thời gian là vô cùng nghiêm ngặt, bởi đã có sự phối hợp hiệp đồng với mặt đất, sau khi đọc điếu văn xong là đội hình máy bay sẽ bay qua, nếu nhanh hay chậm hơn đều không được, vì như thế sẽ làm hỏng cả buổi lễ với hàng triệu nhân dân đang nghẹn ngào nước mắt vĩnh biệt vị Cha già.

Một yếu tố nữa gây khó khăn khi bay biên đội lớn, đó là thời tiết khí tượng. Những ngày bay huấn luyện, tập thử, điều kiện thời tiết không tốt lắm. Bay đội hình lớn đòi hỏi tính cá nhân và tập thể rất cao, phi công phải linh hoạt, giữ khoảng cách nhịp nhàng.

Trong khi bay sẽ có sự trợ giúp rất lớn từ dẫn đường Sở chỉ huy, tuy nhiên, trách nhiệm của phi đội trưởng cũng rất lớn, phải quan sát, điều chỉnh, tăng giảm tốc độ bay. Nếu điều chỉnh nhiều quá sẽ khó khăn cho các phi công bay sau. Từng phi công trong đội hình cũng phải có động tác bay chuẩn xác, luôn luôn quan sát các máy bay xung quanh mình, phối hợp hiệp đồng rất cao để giữ nghiêm cự ly giãn cách theo phương án đã định.

Muốn đạt được điều đó chỉ còn cách phải dày công tập luyện.

Kỷ niệm theo suốt cuộc đời

Suốt từ ngày 3 đến ngày 8/9, các thành viên say sưa luyện tập, từ trên không đến mặt đất. Đội hình 12 chiếc mỗi ngày bay tập từ 2 đến 3 chuyến. Đến chiều ngày 8/9, biên đội được bay thực địa một lần qua Quảng trường Ba Đình. Đêm về, các phi công được lệnh ngủ sớm để đảm bảo sức khỏe cho ngày mai thực hiện nhiệm vụ đặc biệt.

Ngày hôm sau, 9/9, tất cả Trung đoàn Sao Đỏ ngay từ sáng sớm đã tập trung đông đủ sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Phó Tư lệnh Quân chủng Đào Đình Luyện và Chính ủy Quân chủng Nguyễn Xuân Mậu trực tiếp giao nhiệm vụ cho các phi công. Người chỉ huy trực tiếp là Trung tá Trần Hanh - Trung đoàn phó Trung đoàn 921.

Qua 9h, biên đội bay vòng trên sân bay Nội Bài một vòng, tập trung đội hình để vào điểm xuất phát ở khu vực Phủ Lỗ rồi bay từ hướng tây bắc về hướng đông nam. Hôm ấy thời tiết đẹp, từ trên cao nhìn Hồ Tây rất rõ.

Ông Lý nhớ lại: "Khi bắt đầu vào điểm rẽ để bay qua Quảng trường Ba Đình, tim tôi đập mạnh, tôi cố gắng giữ bình tĩnh, tay giữ nhịp đều, trách nhiệm của các phi công đã lớn, trách nhiệm của biên đội trưởng còn lớn hơn khi phải giữ khoảng cách giữa các biên đội. Đội hình phải đảm bảo nghiêm ngắn, thể hiện sự thiêng liêng, kính trọng đối với Hồ Chủ tịch".

Thế rồi giây phút thiêng liêng ấy cũng đến. 12 chiếc máy bay nghiêm cẩn lướt qua Quảng trường Ba Đình đúng giờ đã định. Đường bay của biên đội chệch sang trái một chút so với Quảng trường Ba Đình để mọi người trên lễ đài có thể nhìn rõ. Các máy bay bay bằng độ cao thấp nhất có thể, tốc độ ổn định nhất có thể. Giây phút quan trọng nhất đã qua, thành công đúng như kế hoạch. 12 chiếc máy bay lần lượt trở về sân bay Nội Bài. Lúc này mọi người mới nghẹn ngào trước sự ra đi của Bác.

Sau lễ tang của Hồ Chủ tịch, Trung ương có gửi điện khen Trung đoàn Sao Đỏ và các phi đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đó là sự kiện đã theo suốt cuộc đời ông Lý cũng như những phi công được lựa chọn thực hiện chuyến bay đặc biệt.

Sau này, ông Nguyễn Văn Lý đã trải qua nhiều cương vị tại các đơn vị khác nhau trong suốt 24 năm gắn bó với Bộ đội Không quân. Năm 1985, ông chuyển ngành về Ban Biên giới Chính phủ, năm 1993 ông về công tác tại Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội; đến năm 2001 ông mới nghỉ hưu.

Tuy đã được Nhà nước cho nghỉ ngơi nhưng ông Lý vẫn tích cực tham gia công tác xã hội, hiện tại ông giữ cương vị Hội thẩm nhân dân của TAND thành phố Hà Nội. Mỗi năm, khi tháng 9 về, cả dân tộc nô nức mừng Quốc khánh, nghĩ về Bác với lời Tuyên ngôn Độc lập, trong ông lại dậy lên những tình cảm, những kỷ niệm về Bác, trong đó có chuyến bay năm nào

Dương Tử
.
.
.