Nhớ đêm hầu chuyện Anh hùng Hồ Giáo

Thứ Sáu, 16/10/2015, 09:15
Câu chuyện với Anh hùng Hồ Giáo đậm đà và phảng phất sự hoài cổ. Ông sinh năm 1930, tại thôn Bình Thọ, xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1948, chàng trai Hồ Giáo tham gia công tác Việt Minh tại địa phương. Đến năm 1954, ông tập kết ra bắc và công tác tại Sư đoàn 350 bảo vệ Hà Nội.

Hay tin Anh hùng Hồ Giáo từ trần, dù biết ông đã đạt tới tuổi đại thọ nhưng tôi vẫn không khỏi bùi ngùi, tiếc thương một mẫu người đặc biệt. Tuổi thơ tôi có thời gian sống gần chân núi Ba Vì, nơi có nông trường cùng tên vang bóng một thời với Anh hùng Hồ Giáo. Học phổ thông, tôi vẫn nhớ những chi tiết trong truyện ngắn “Cỏ non” của nhà văn Hồ Phương: Đàn bò được nhân hóa đầy cá tính trên những đồng cỏ dưới chân ngọn núi thiêng Ba Vì và hình ảnh của anh Nhẫn cặm cụi, cần mẫn ngày đêm với việc chăn thả gia súc. Đó chính là hình ảnh của người anh hùng bình dị Hồ Giáo…

Ngày tôi còn bé, Ba Vì bạt ngàn rừng xanh và sau mỗi trận mưa, đứng cách xa đến chục cây số vẫn nhìn thấy hai thác nước như hai dải lụa trắng khổng lồ treo ở lưng chừng núi. Trong kí ức của tôi về Ba Vì, cứ hiện lên hình ảnh Hồ Giáo, người anh hùng bình dị ngày ngày cần mẫn chăm sóc đàn gia súc của nông trường. Từng là “ông Nghị” của 3 khóa Quốc hội liên tiếp nhưng ông vẫn không màng danh lợi, chỉ chuyên chú và tha thiết với việc chăm sóc đàn trâu, đàn bò… 

Và quả là hữu duyên, trong chuyến công tác tới Quảng Ngãi đầu năm 2010, tôi đã đến nhà riêng thăm và hầu chuyện anh Hồ Giáo (cứ gọi vậy theo thói quen, chứ anh hơn tôi tới 42 tuổi!).

Tác giả trò chuyện với Anh hùng Hồ Giáo (Quảng Ngãi, tháng 1/2010).

Hôm ấy, sau khi thăm và làm việc với Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, tôi cùng anh Nguyễn Văn Thanh, Phó Giám đốc Security PVI Quảng Ngãi tìm đến nhà riêng thăm Anh hùng Hồ Giáo ở phường Quảng Phú, TP Quảng Ngãi… Đã khá muộn tối 29/1/2010, ông Hồ Giáo đang ngồi trong căn phòng giản dị dùng trà. Nghe có khách, ông chậm rãi ra cửa đón và thân tình đưa chúng tôi vào nhà. 

Anh Thanh giới thiệu, có nhà báo Công an đến thăm ông. Anh hùng Hồ Giáo tỏ ra ngạc nhiên, ông nhìn chúng tôi và nói: “Vậy à. Vô nhà đi, uống trà với tôi”… Căn phòng giản dị, có vẻ hơi tối bởi chỉ có một chiếc bóng đèn nê-ông. Cô con gái của ông, Hồ Thị Tuyết Minh là giáo viên Trường THCS Nguyễn Nghiêm, tất bật pha bình trà mới để mời khách. Anh hùng Hồ Giáo thủng thẳng: “Mãi tới năm 1982 tôi mới lấy vợ. Con gái tôi giờ là cô giáo dạy văn. Gần 30 rồi mà nó vẫn chưa yên bề gia thất khiến vợ chồng tôi lo lắm”…

Câu chuyện với Anh hùng Hồ Giáo đậm đà và phảng phất sự hoài cổ. Ông sinh năm 1930, tại thôn Bình Thọ, xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1948, chàng trai Hồ Giáo tham gia công tác Việt Minh tại địa phương. Đến năm 1954, ông tập kết ra bắc và công tác tại Sư đoàn 350 bảo vệ Hà Nội. Từ năm 1960, Hồ Giáo chuyển công tác sang Nông trường Ba Vì (Hà Tây, nay thuộc Hà Nội). Với nhiều thành tích trong chăm sóc, phát triển đàn gia súc, năm 1966, Hồ Giáo được phong danh hiệu Anh hùng Lao động… 

Sau ngày thống nhất đất nước, ông vào Nam công tác tại Trung tâm Nghiên cứu trâu và đồng cỏ miền Đông Nam bộ (huyện Bến Cát, tỉnh Sông Bé; nay là tỉnh Bình Dương). Năm 1986, với thành tích đặc biệt trong việc nuôi trâu Mura, Hồ Giáo lại được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động lần 2. Ông cũng là đại biểu Quốc hội ba khóa liên tiếp…

Giữa chừng câu chuyện, tôi hỏi: “Giờ ông nghỉ rồi, ông còn nhớ đàn trâu, bò không?”. Người anh hùng nở nụ cười đôn hậu, chân thành: “Thú thực với các anh, tôi lúc nào cũng thơ thẩn nghĩ tới chúng. Tôi nhớ đàn trâu, bò của mình như nhớ quê nhà thời mới đi tập kết vậy!”.

Từng là đại biểu Quốc hội các khóa IV, V, VI và hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, nhưng cuộc mưu sinh của Hồ Giáo cũng long đong lận đận chẳng kém ai. Năm 1982, ở tuổi ngoài năm mươi ông mới lập gia đình. Vợ ông cũng là bộ đội, có lẽ bà nghỉ mất sức hoặc ra quân sớm nên như lời ông nói: “Lương hưu của bà ấy được 2 triệu đồng!”. Sau gần 10 năm nên vợ nên chồng, khi cô con gái duy nhất đã gần 10 tuổi, họ mới mua được căn nhà nhỏ ở thành phố Quảng Ngãi…

Rốt cuộc, câu chuyện của những người hoài cổ lại trở về với bao chuyện xưa. Ông Hồ Giáo say sưa kể lại những kỉ niệm với Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Rồi rưng rưng xúc động, ông khoe: “Tôi đã có 5 lần được gặp Bác Hồ”. 

Ông kể: “Lần đó tôi có việc về Hà Nội và được chú Tám (cách gọi thân mật của ông với Thủ tướng Phạm Văn Đồng - PV) mời đến chơi và dùng cơm. Đúng hẹn, tôi đến căn nhà phía sau Phủ Chủ tịch thì chú Tám đang bận tiếp đoàn khách Nhật Bản. 

Buổi sáng mùa đông, trời hãy còn nhiều sương mù lẩn quất trong những rặng cây. Tôi đang mải ngắm đàn chim sẻ rộn rã trong lùm cây thì giật mình bởi có người hỏi bằng một giọng trầm ấm: “Chú tìm ai?”. Tôi quay lại thì sững người nhận ra Bác Hồ trong bộ quần áo giản dị. Bác đội chiếc mũ vải mềm, cổ quấn khăn, đi bộ từ nhà sàn sang thăm Thủ tướng. Tôi thưa: “Cháu qua thăm ông Tám ạ”. Bác hỏi: “Vậy đã gặp được chưa?”… 

Lúc đó, Thủ tướng cũng vừa tiếp khách xong. Tôi theo Bác đi vào phòng khách, nơi Thủ tướng đang tiến ra đón Bác và tôi. Bác lên tiếng vui vẻ: “Sao Thủ tướng mời khách đến mà bắt khách đứng ở ngoài?”. Chú Tám chưa kịp nói gì, chỉ cười thì Bác nói tiếp: “Giờ Thủ tướng đang bận thì tôi tiếp khách giúp Thủ tướng được không?”… 

Thế là tôi ngồi xuống bên Bác. Bác ân cần hỏi chuyện gia đình, công việc. Tôi thưa, cháu chỉ biết nuôi bò, vắt sữa, trồng cỏ. Bác hỏi rất cụ thể, như chuyện một con bò cho mấy lít sữa? Tôi lúng túng chưa biết trả lời sao thì Bác cười và dí dỏm hỏi lại: “Bộ đội cũng phải cảnh giác với Bác à?”…

Câu chuyện với Anh hùng Hồ Giáo chỉ kết thúc khi đêm đã muộn. Từ biệt ông, tôi chúc ông và gia đình luôn mạnh khỏe, bình an. Nay ông đã về với “Cỏ non”, về với những Người Hiền “Chỉ biết quên mình cho hết thảy/ Như dòng sông chảy nặng phù sa”. Xin được thắp nén tâm nhang tưởng nhớ người anh hùng bình dị mà muôn vàn cao quý.

Anh hùng Lao động Hồ Giáo đã trút hơi thở cuối cùng lúc 15h30’ ngày 14/10/2015 tại nhà riêng, hưởng thọ 86 tuổi; để lại niềm tiếc thương vô hạn với đồng chí và gia đình. Ông là một mẫu người đặc biệt, luôn phấn đấu hoàn thành tốt chức phận, nhiệm vụ, bền bỉ, giản dị và luôn yêu công việc của mình. Cả đời ông không màng đến danh lợi, chỉ biết lặng lẽ cống hiến, hi sinh.
Trần Duy Hiển
.
.
.