Nhớ chuyến về bản Rào Tre

Thứ Bảy, 26/08/2006, 09:17

Sang bên bờ lại phải đi bộ hơn 1 cây số, vì xe để cả ở bên kia cầu. Vừa đi, đồng chí Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh vừa nói: “Thế là có quyết tâm đến với đồng bào thì chắc chắn đến được”. Và khi tới nơi, chúng tôi mới hiểu ra: “Nếu hôm đó không tới được Rào Tre thì thật tiếc!”.

Hôm ấy, ngày 19/4/2004, trong chương trình công tác ở tỉnh Hà Tĩnh, đồng chí Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đến thăm bản Rào Tre, gặp đồng bào Chứt, một dân tộc có lúc có nguy cơ bị diệt vong, đã bắt đầu định canh, định cư. Từ Tùng Ảnh, quê hương đồng chí Trần Phú ở huyện Đức Thọ đi thẳng về huyện Hương Khê.

Trời mưa to, có sấm đầu năm nhưng quan trọng là mấy hôm nay trời ong ong, vần vũ chân trời phía tây, chứng tỏ mưa thượng nguồn. Mưa nguồn thường rất ngại với các chuyến công tác miền núi. Chuyến đi rất khẩn trương cho kịp, lại còn vào bản, cho nên ăn cơm trưa ở huyện Đức Thọ xong, chúng tôi ra xe ngay.

Đường đi qua huyện miền núi Vũ Quang mới lập, gắn với khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia, có con Sao La nổi tiếng thế giới. “Đi qua huyện người ta mà không rẽ vào chào hỏi anh em là không phải” - đồng chí Tổng Bí thư trao đổi ý kiến với đồng chí Báu, Bí thư Tỉnh ủy. Đồng chí Báu sợ rẽ vào lại thêm chậm thời gian mà trời tối đi đường núi hiểm trở không bảo đảm, cho nên đề nghị: “Hay ta báo để anh em ra ngã ba đón chào!”. Đồng chí Tổng Bí thư gạt đi, nói: “Mình có là vua đâu mà đón vọng; đã đi qua thì phải vào với anh em!”.

Chắc vì sốt ruột với thời gian eo hẹp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nói: “Cơ quan huyện chưa xây dựng được gì”. Đồng chí Tổng Bí thư lại nói: “Các đồng chí đó “chưa có gì” mới phải vào thăm để động viên anh em chịu gian khổ buổi đầu”. Thế là không thể từ chối được, đoàn quyết định rẽ vào chào hỏi huyện Vũ Quang mới lập. Quả thật, huyện mới lập còn phải tạm ở nhờ cơ sở của các cơ quan xã; nhưng trong không khí đó lại rất cảm động khi được đón tiếp đồng chí Tổng Bí thư. Câu chuyện lại không thể dứt ra được; đã muộn lại càng muộn.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh gặp gỡ và nói chuyện thân mật với đồng bào dân tộcChứt ở bản Rào Tre, xã Hương Liên, Hà Tĩnh.

Mục đích là đến thăm bản Rào Tre, nhưng lại không thể ghé qua bản Giằng nơi có Đồn biên phòng 575, là nơi tập thể có công vận động đồng bào Chứt định cư từ ngày còn là Đồn 99. Đã xế chiều, đồn xây dựa vào núi, cho nên tối đến sớm. Tưởng chỉ gặp các chiến sĩ nhưng lại có dịp gặp bà con dân tộc Mã Liềng (một nhóm của dân tộc Chứt). Lại chuyện dứt không ra. Mấy cụ già ngồi phía trên hỏi: “Tổng Bí thư còn đi đâu?”. Khi biết tin Tổng Bí thư đến bản Rào Tre, có cụ nói: “Không vào được đâu, tôi vừa ở đó lên đây, mưa lũ xô gãy cây cầu rồi!”. Nghe thế nhưng không ai quan tâm, vì đã có người đi dò đường.

Chia tay bản Giằng, còn phải đi hàng chục cây số nữa, đường miền núi, men sông đi, nhìn Rào Tre (Rào tiếng địa phương nghĩa là sông) nước đỏ ngầu, chảy siết, mà phấp phỏng. Đi được 5-6 cây số thì có xe đi ngược lại nói: “Không đi được đâu. Cầu gãy rồi!”. Đoàn xe dừng lại, nhưng đồng chí Tổng Bí thư nói: “Cứ đến tận nơi xem sao!”.

Lại đi tiếp 2 cây số nữa, rồi phải đi bộ độ 1 cây số thì chiếc cầu vào bản lát ván hiện ra trước mắt. Đúng là một nhịp cầu đã bị trôi, nước chảy xiết. Đồng chí Tổng Bí thư hỏi: “Có cách gì sang được không?”. Một đồng chí người địa phương nói: “Bắc thuyền làm cầu thì có thể qua nhưng nguy hiểm lắm, Tổng Bí thư không qua được đâu!”. Đồng chí Tổng Bí thư nói: “Thế thì qua. Bà con qua được thì tôi cũng qua được. Ai qua được thì qua. Tôi phải tới vì đã báo cho bà con, bà con đang đợi”.

Thế là tất cả các xe để lại bên này cầu, mọi người qua sông do hai chiếc thuyền ghép lại thành một đoạn cầu nối đoạn cầu bị lũ cuốn trôi. Sang bên bờ lại phải đi bộ hơn 1 cây số, vì xe để cả ở bên kia cầu. Vừa đi, đồng chí Tổng Bí thư vừa nói: “Thế là có quyết tâm đến với đồng bào thì chắc chắn đến được”. Và khi tới nơi, chúng tôi mới hiểu ra: “Nếu hôm đó không tới được Rào Tre thì thật tiếc!”.

Một xóm mới ở xã Hương Liên, huyện Hương Khê, dưới chân núi Ca Đay, nằm sâu trong dãy Trường Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, không còn ai nhận ra nơi định cư của một dân tộc đã có lúc bị nguy cơ xóa sổ.

Theo những tài liệu còn lưu giữ thì năm 1920, một nhà khoa học người Pháp đã phát hiện ra người Chứt (theo ngôn ngữ Việt cổ chỉ những người sống ở vùng núi đá, lèn đá) nhưng rồi cứ bị lãng quên mãi trong rừng sâu. Đến năm 1965, giữa những năm chiến tranh gian khổ, bà con đi rừng cùng bộ đội, công an, biên phòng mới phát hiện có một dân tộc sống trong rừng sâu, ở trong hang, không có nhà, áo quần không có chỉ lấy lá cây, vỏ cây che tạm, đồng bào và bộ đội đưa bà con về sống chung với đồng bào dân tộc ở bản Giằng; lúc đó chỉ còn 7 hộ với khoảng 18-20 nhân khẩu, phần lớn bị bệnh, nhất là bệnh bướu cổ và sốt rét.

Bộ đội làm nhà, hướng dẫn làm vệ sinh, cấp dụng cụ và hướng dẫn sản xuất... nhưng bà con không quen sống ở bản Giằng, lại về Cửa Bọc, Đằng Đằng, rồi cuối cùng là ở Rào Tre. Về đây nhưng vẫn chủ yếu sống bằng hái lượm; sáng ra cả nhà bồng bế vào rừng, tối mới kéo nhau về nhà.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh nhớ lại: Năm 2001, đồng chí Tổng Bí thư nhắc tỉnh phải tìm cách giúp đồng bào ổn định sản xuất, định canh, định cư. Huyện cùng công an, bộ đội biên phòng lại tiếp tục giúp đồng bào. Bây giờ nhà nào cũng sản xuất được lúa, ngô, khoai, lạc; cả bản đã có 30 con trâu. Bộ đội và cán bộ chia nhau giúp từng nhà, nhưng đã 4 năm rồi mà có gia đình vẫn chưa quen nếp sống mới. Nhưng dù sao một dân tộc đã được cứu sống, từ 7 hộ, 20 nhân khẩu đã phát triển thành 25 gia đình, 113 nhân khẩu. Cuộc sống đã dần được ổn định. Cả dân tộc không có họ, nhớ ơn cách mạng và Cụ Hồ, cả bản đều lấy họ Hồ.

Đồng chí Tổng Bí thư đến thăm một vài gia đình bà con, gia đình ông Hồ Kinh biếu đồng chí một buồng chuối trồng trong vườn. Đồng chí Tổng Bí thư rất vui và khóc vì như đồng chí nói với chúng tôi: “Từ chỗ du cư du canh, sống bằng hái lượm, đến chỗ định canh, định cư, trồng lúa ngoài nương, trồng chuối trong vườn là cuộc sống đã có phần ổn định”.

Nhờ chuyến đi, chúng tôi không chỉ được biết về một bản người dân tộc được hồi sinh, mà còn nhớ câu nói của đồng chí Tổng Bí thư: “Khó thì khó, nhưng có quyết tâm đến với đồng bào thì sẽ đến được!”

.
.
.