Công tác quản lý và bảo vệ rừng các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên:

Nhiều sơ hở, lỏng lẻo

Thứ Năm, 27/08/2009, 08:08
Kết quả kiểm tra rừng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cho thấy một điều đáng báo động đối với xã hội khi có hàng trăm vụ lâm tặc tấn công người thi hành công vụ, làm hàng chục cán bộ bị trọng thương, hơn 16.000ha rừng bị "cạo trọc", gần 2.000ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm…

Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 603/TTg-KTN ngày 24/4/2009 và Quyết định số 1257/QĐ-BNN-KL ngày 29/4/2009 của Bộ trưởng Bộ NN & PTNT về việc kiểm tra rừng tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Phước, Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum, vừa qua, Đoàn kiểm tra liên ngành 1257 gồm đại diện của các Bộ, ngành: Văn phòng Chính phủ, Bộ NN & PTNT, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiến hành kiểm tra công tác quản lý bảo vệ rừng từ năm 2007 đến quý I năm 2009 tại 8 tỉnh nêu trên.

Hiện trường khai thác gỗ lậu bị cơ quan chức năng phát hiện tại lâm phần Công ty Lâm nghiệp Buôn Ja Vầm (huyện Cư Mgar, Đắk Lắk).

Rừng bị tấn công tứ phía

Từ năm 2007 đến nay, Tỉnh ủy và UBND các tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và giải quyết những vụ việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép, chống người thi hành công vụ nghiêm trọng tại các khu vực trọng điểm. Các tỉnh cũng đã thành lập Ban chỉ huy giải quyết các vấn đề cấp bách về bảo vệ rừng do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Tuy nhiên, các biện pháp chỉ đạo, triển khai công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) các tỉnh chưa đánh giá, giám sát cụ thể việc thực hiện các văn bản đã ban hành. Hoạt động các ban chỉ đạo thiếu thường xuyên, chủ yếu tập trung từng đợt để giải quyết điểm nóng; hoạt động phối hợp liên ngành chưa chặt chẽ, đồng bộ.

UBND các tỉnh đã phê duyệt 3 loại rừng nhưng chưa được tiến hành xác định, cắm mốc trên thực địa, độ chính xác không cao. Các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước thì diện tích rừng hiện có nhìn chung thấp hơn quy hoạch, diện tích đất trồng quy hoạch phát triển 3 loại rừng cơ bản đang bị lấn chiếm, khó có khả năng sử dụng vào trồng lại rừng theo quy hoạch. Từ năm 2002 đến nay, Bình Phước, Lâm Đồng, Đắk Lắk đã phê duyệt quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng đến nay không phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội…

Tình hình vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng diễn biến phức tạp, gia tăng từ năm 2008 đến nay, các hành vi vi phạm chủ yếu là phá rừng trái pháp luật tại các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước; khai thác, vận chuyển gỗ trái phép, xuất hiện nhiều điểm nóng khai thác gỗ có giá trị cao, vận chuyển khỏi rừng bằng các phương tiện thô sơ, xe máy, tập kết ở một số tụ điểm gần rừng, sau đó vận chuyển đi tiêu thụ xảy ra ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Nam, Kon Tum, Đắk Lắk. Tổng số vi phạm các quy định QLBVR: 30.808 vụ, phá rừng lấn chiếm đất lâm nghiệp: 5.810ha, khai thác vận chuyển lâm sản trái phép: 16.883 vụ, các hành vi vi phạm khác: 8.156 vụ, hành chính: 27.245 vụ, hình sự: 334 vụ.

Tình trạng lâm tặc chống người thi hành công vụ với số đông người tham gia ngày càng gia tăng gay gắt, tại các tỉnh đã xảy ra hàng trăm vụ làm bị thương hàng chục cán bộ, gây thiệt hại nhiều tài sản, gây ảnh hưởng đến kỷ cương pháp luật. Lâm tặc có hành vi chống trả côn đồ, hung hãn, sử dụng vũ khí nóng, đốt phá tài sản, đe dọa trả thù cán bộ bảo vệ rừng khi bị phát hiện. Tổng cộng có 144 vụ chống người thi hành công vụ, cán bộ công nhân bảo vệ rừng bị thương: 71 người; xe ôtô bị phá hỏng: 13; xe công nông thuyền máy: 2; máy cày bị cướp phá hỏng: 2; xe máy bị phá hỏng: 2; tài sản khác: 4.

Ngoài ra, dân di cư tự do cũng là một áp lực lớn đối với các tỉnh, đặc biệt là Tây Nguyên, người di cư tự do sống rải rác trong rừng, phá rừng làm nương rẫy mà địa phương không thể nào kiểm soát nổi, một bộ phận dân chưa ổn định cuộc sống tiếp tục sống dựa vào rừng. Tổng cộng có 12.523 hộ dân di cư tự do, với 553.817 nhân khẩu.

Cần khắc phục những mặt tồn đọng

Tình trạng phá rừng xảy ra nghiêm trọng, một số nơi chính quyền cơ sở nhận định rằng hiện nay khó kiểm soát được tình hình. Địa bàn rừng bị phá chủ yếu tập trung tại các khu vực có chủ trương được phép khảo sát thiết kế, lập dự án cho thuê đất lâm nghiệp, cải tạo rừng và khu rừng sau khi rà soát, sắp xếp lại các lâm trường quốc doanh theo Nghị định 200/2004/NĐ-CP. Chính quyền địa phương ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về QLBVR và đất lâm nghiệp, nhưng chưa thực hiện đúng vai trò quản lý Nhà nước của các cấp về rừng, đất lâm nghiệp theo Quyết định 245 của Thủ tướng Chính phủ, chưa kiên quyết chỉ đạo thực hiện các biện pháp thường xuyên, đồng bộ, lại thiếu đôn đốc, tổng kết rút kinh nghiệm. Việc xử lý vi phạm pháp luật về rừng, đất đai khó khăn thường kéo dài, do người trực tiếp vi phạm là người nghèo, tại chỗ, không phát hiện được kẻ xúi giục, đầu cơ đất…

Việc một số tỉnh triển khai các dự án cải tạo rừng một cách ồ ạt đã tạo tâm lý cho người dân sợ hết đất nên xảy ra tình trạng ở đâu có dự án hoặc nghe tin có dự án là dân tiến hành bao chiếm rừng, chiếm đất, phá rừng trái phép trong khu vực dự án để lấy đất hoặc đòi dự án bồi thường khi triển khai dự án. Công tác khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình, cá nhân hiệu quả thấp, người nhận khoán vẫn nhận tiền theo hợp đồng, nhưng không thực hiện các hoạt động bảo vệ rừng dẫn đến rừng vẫn bị phá nhưng không quy được trách nhiệm cụ thể. Các lâm trường quốc doanh trước đây sau khi sắp xếp lại, chuyển đổi thành công ty không đủ sức bảo vệ rừng được giao, đời sống cán bộ, công nhân viên hiện rất khó khăn, thu nhập bấp bênh, vì vậy không nâng cao trách nhiệm của chủ rừng, thậm chí còn biểu hiện "buông xuôi", tiếp tay cho hành vi phá rừng…

Sau khi đi kiểm tra ở 8 tỉnh, Đoàn 1257 đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ: Để lập lại trật tự, kỷ cương trong QLBVR, thì phải xử lý nghiêm, đúng pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật và những cơ quan, chủ rừng, đặc biệt là người có thẩm quyền nhưng thiếu trách nhiệm, có tiêu cực, để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm, tái lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác trái phép, chống người thi hành công vụ. Tổ chức rà soát quy hoạch đất lâm nghiệp, quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến gỗ, xử lý nghiêm và kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các xưởng chế biến gỗ sử dụng gỗ bất hợp pháp hoặc cố tình không chấp hành quy định về quản lý, báo cáo thống kê theo quy định hiện hành…

Gia Bảo
.
.
.