Dự án nuôi bò sữa ở Sơn La:

Nhiều người dân và doanh nghiệp khốn đốn

Thứ Năm, 14/09/2006, 13:00
Một chiều đầu tháng 9, anh Mai Văn Hiến (đội Bình Minh, Nông trường Tô Hiệu, Mai Sơn) thở dài nhìn ra cái chuồng bò trống trơn mà bảo với tôi: "Năm 2002, không chỉ có mình tôi mà cả vùng này mừng lắm. Khi ấy, nhà nào mà chẳng có ít nhất một đôi bò sữa. Nhà tôi nhận 4 con từ Nông trường Tô Hiệu. 4 con bò nhà tôi khi ấy, giá trị của nó cũng đến 80 triệu bạc…".

Sau không biết bao lần phối giống… hụt, những con bò của nhà anh Hiến cứ theo nhau về với… đám lái buôn. Không chỉ vậy, bò đi, cơ ngơi khang trang mà anh chị dày công gây dựng cũng… bay vì số nợ lãi do bò. "Bò gì mà phối mãi không chịu… chửa". Lúc mới bắt về, vợ chồng anh ruột nóng như lửa đốt vì cái nguyên nhân ấy. Làm đủ mọi cách, con bò chửa đủ 9 tháng và đẻ ra một con bê… không thuần chủng. "Đầu tiên thì lo vì bò không chửa, không có sữa. Bò đẻ rồi thì mới biết cái con bò sữa của mình nuôi không phải là bò thuần chủng". Chất lượng sữa vì thế mà cũng kém đi. Tháng trước, nhà anh chị vừa bấm bụng bán nốt con bò cuối cùng. Con được giá nhất cũng chỉ bán được 5 triệu đồng. Hiện giờ, cả nhà đang phải tá túc trên mảnh đất "mượn" của nông trường. Tài sản trong nhà cũng chả còn thứ gì đủ để tạm gọi là có giá trị.

Cách nhà anh Hiến có vài chục mét, ông Đỗ Văn Mạc (cựu công nhân Nông trường Tô Hiệu) ngồi cứ bần thần. Tháng 11/2002, Ông Mạc nhận về 4 con bò sữa từ Nông trường Tô Hiệu với tổng giá trị hơn 81 triệu đồng. Sau một thời gian, 1 con bò chửa đẻ được. Số còn lại cũng… tịt mặc dù ông đã mất rất nhiều công phối giống cho nó. Cực chẳng đã, ông đành bán số bò đã mua của Nông trường Tô Hiệu lại cho Nông trường Mộc Châu với giá tiền không bằng 1/3 giá trị của con bò khi mua.

Không chỉ người dân khốn khổ vì bò sữa, Sơn La còn có không ít doanh nghiệp cả tư nhân và quốc doanh cũng khốn đốn vì… bò. Theo chủ trương của tỉnh, Công ty Phát triển chăn nuôi Sơn La đã nhập 407 con bò giống HF thuần chủng. Sau một thời gian, do chất lượng đàn bò kém, công ty đã trả lại 64 con. Số bò mà công ty này giao cho các hộ dân có tỷ lệ chết chiếm tới 33,52% (115 con), số bò không chửa sau nhiều lần phối giống chiếm tới 40 con. Cho tới thời điểm hiện tại, công ty này đang tiến hành các thủ tục phá sản. Nông trường Tô Hiệu, một trong ba đơn vị tiếp nhận chủ trương chăn nuôi bò sữa của Sơn La hiện cũng đang "mắc kẹt" vì bò sữa, trong số 343 con bò mà Nông trường Tô Hiệu nhập theo chỉ đạo, có 43 con không đủ tiêu chuẩn, 67 con chết và loại thải, 25 con không chửa sau nhiều lần phối giống.

Thông tin từ Ngân hàng Đầu tư Sơn La cho biết, 3 đơn vị làm chủ đầu tư dự án bò sữa của Sơn La là Công ty Phát triển chăn nuôi Sơn La, Nông trường Tô Hiệu, Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu được Chủ tịch UBND tỉnh (thời gian đó, ông Hà Hùng đương chức) đánh công văn dấu đỏ đề nghị ưu tiên cho vay vốn với cam kết "tỉnh sẽ dùng vốn ngân sách để xử lý nợ cho các doanh nghiệp này". Và cho tới thời điểm hiện tại, số nợ xấu (khó có khả năng thanh toán) do… bò đã lên tới khoảng 16 tỷ đồng.

Cách đây một thời gian, khi mà dự án chăn nuôi phát triển đàn bò sữa của Sơn La có nguy cơ phá sản, hàng loạt hộ dân làm đơn xin trả lại bò vì nhiều lý do (trong đó có cả lý do bò kém chất lượng).

Một số doanh nghiệp xây dựng tư nhân đã chấp nhận "chia sẻ" với những khó khăn của tỉnh. Và đó cũng là nguyên nhân khiến cho một vài doanh nghiệp trong tỉnh đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh "chăn nuôi đại gia súc" bên cạnh ngành nghề chính là "xây dựng". Qua tìm hiểu được biết, những doanh nghiệp chấp nhận phương án này cũng đang chìm trong nợ sau khi tiếp nhận số bò từ các hộ dân trả về. Nhiều doanh nghiệp thậm chí đã phải bán cả… máy xúc, máy ủi (phương tiện tối quan trọng trong quá trình thực hiện ngành nghề chính của họ là xây dựng) để mà duy trì số bò mà họ đã "trót" nhận từ tỉnh.

Qua tìm hiểu được biết, chỉ sau khi ký hợp đồng với Novico (Công ty Nông Việt - đơn vị được ủy thác nhập khẩu bò sữa cho Sơn La) có 2 ngày, tiền đã được chuyển vào tài khoản của công ty trên tới 90% giá trị hợp đồng. Khi ấy, số bò vẫn đang nằm trên giấy và người ký hợp đồng có lẽ cũng chưa kịp về tới công ty (tận trong TP HCM cách đó 2.000km). Dư luận đặt dấu hỏi về sự "tận tình" có vẻ hơi thái quá của Sơn La?! Không chỉ có thế, cho tới thời điểm hiện tại, số tiền đã được chuyển cho Nông Việt vượt quá số bò mà họ đã cung cấp lên tới hơn chục tỷ đồng vẫn đang bị công ty này "cầm tạm". Việc Novico "ứng vốn" để thực hiện dự án đã nhiều năm mà chưa được thu hồi, thậm chí đến khi dự án đang đứng trước nguy cơ phá sản liệu có vi phạm pháp luật và nếu có vi phạm thì sẽ bị xử lý thế nào? Băn khoăn này xin gửi lại cơ quan chức năng có thẩm quyền của tỉnh nghèo miền núi Sơn La

Mộc Phương Anh
.
.
.