Nhiều điểm kinh doanh dược liệu gia truyền không rõ nguồn gốc

Thứ Ba, 27/06/2017, 07:51
Nhiều loại dược liệu không rõ nguồn gốc được đưa vào các nhà thuốc gia truyền bán với cao, trong đó không ít sản phẩm bị trộn rác, cát, xi măng, lẫn tạp chất, thậm chí tẩm ướp cả hóa chất độc hại…

Tại một số tuyến phố Hải Phòng tập trung nhiều cơ sở bán buôn, bán lẻ, kinh doanh các loại thuốc đông dược như: Tô Hiệu, Cát Cụt, Hai Bà Trưng, Phan Bội Châu, Quang Trung… và một số cơ sở khám chữa bệnh gia truyền khác, bất kể giờ nào cũng tấp nập khách ra vào.

Tại đây, sản phẩm thuốc đông dược được bày bán với đầy đủ các chủng loại, mẫu mã, từ cam thảo, ý dĩ, đẳng sơn... cho tới các loại sâm, nấm linh chi, đông trùng hạ thảo nhập khẩu. Có những cửa hàng chỉ rộng hơn chục m2, chất đống từ trong nhà ra đến vỉa hè, thậm chí còn để ngay cạnh nhà vệ sinh, trong đó có nhiều loại rễ cây, cỏ đã ngả mầu mốc…

Chủ cơ sở kinh doanh thuốc đông y T.H.D trên đường Cát Cụt hùng hồn giới thiệu nhà mình có đủ các loại thuốc chữa khỏi các bệnh, thậm chí cả bệnh… hiểm nghèo. Giá cả thì vô cùng, có những loại sâm hay nấm linh chi có giá thành mỗi cân lên tới hàng chục triệu đồng, nhưng cũng có không ít loại bán với giá chỉ vài chục nghìn đồng một cân.

Hầu hết các cơ sở đều kinh doanh dược liệu không rõ nguồn gốc.

Tuy nhiên, phần lớn các loại dược liệu hay đã được bào chế thành thuốc này đều không có nguồn gốc rõ ràng về chất lượng, trên bao bì không có dòng chữ nào chứng minh nguồn gốc sản phẩm và đã được chứng nhận đăng ký chất lượng tại đâu. Khi được hỏi thì chủ cơ sở này khẳng định đây là nhà thuốc gia truyền từ nhiều đời nay nên không phải lo gì về chất lượng(?!).

Chánh Thanh tra sở Y tế Hải Phòng Nguyễn Đình Trình cho biết trên địa bàn thành phố hiện có 60 cơ sở kinh doanh dược liệu. Trong thời gian từ tháng 5-2017 đến nay, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra đột xuất hơn 20 cơ sở kinh doanh dược liệu.

Phần lớn các chủ cơ sở có bằng cấp theo quy định, nhưng vì chạy theo lợi nhuận, cố ý kinh doanh dược liệu nhập khẩu theo đường tiểu ngạch thay vì phải mua dược liệu có hồ sơ công bố xuất xứ của các doanh nghiệp. Kết quả thanh tra đã phát hiện 90% số cơ sở kinh doanh dược liệu không rõ nguồn gốc.

Nhà thuốc gia truyền Đại Hưng Tường, số 31 phố Tô Hiệu (quận Lê Chân), là một trong nhưng cơ sở kinh doanh dược liệu được cho quy mô và uy tín nhất Hải Phòng. Khi lực lượng chức năng kiểm tra, chủ cơ sở cho biết hiện đang kinh doanh khoảng hơn 100 loại dược liệu.

Chủ nhà thuốc này thừa nhận toàn bộ đều lấy hàng ở chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội). Đây là nơi tập kết và chế biến dược liệu lớn nhất ở phía Bắc, chủ yếu nhập về từ Trung Quốc qua các cửa khẩu ở biên giới…

Còn tại cơ sở kinh doanh dược liệu số 69 đường Cát Cụt và Hiệp Hưng Tường số 209A đường Trần Nguyên Hãn (cùng quận Lê Chân), qua kiểm tra cũng phát hiện đang kinh doanh hàng trăm loại dược liệu không rõ nguồn gốc, bảo quản không bảo đảm theo quy định.

Cơ quan chức năng đã tiến hành thu giữ nhiều mẫu dược liệu nghi ngờ về chất lượng để kiểm nghiệm. Đáng chú ý, tại cửa hàng kinh doanh dược liệu Hiệp Hưng Tường, đoàn kiểm tra đã phát hiện và tịch thu toàn bộ sản phẩm tinh bột nghệ vàng Minh Lộc, do một cơ sở tại huyện Như Quỳnh, tỉnh Hưng Yên sản xuất trái quy định, không có giấy phép.

Khi được hỏi thì các chủ cơ sở này đều thừa nhận dù biết là trái quy định nhưng do giá rẻ hơn so với lấy dược liệu có hồ sơ công bố của các doanh nghiệp trong nước nên vẫn nhập hàng về để kinh doanh.

Một kết quả giật mình cũng vừa được Trung tâm Kiểm nghiệm dược phẩm và mỹ phẩm Hải Phòng công bố sau khi kiểm nghiệm các mẫu dược liệu lấy từ các đợt kiểm tra của năm 2016 và đợt đầu năm 2017, đó là phát hiện 15 - 20% mẫu không đạt chất lượng, trong đó 10% số mẫu không đạt chất lượng về hàm lượng và hoạt chất. Nguy hiểm hơn là có rất nhiều loại dược liệu bị trộn rác, cát, xi măng, lẫn tạp chất, thậm chí tẩm ướp cả hóa chất độc hại.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng Nguyễn Tiến Sơn, các nguyên liệu trôi nổi được bào chế thành thuốc thành phẩm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người sử dụng. Nếu người bệnh uống phải thuốc kém chất lượng, chứa nhiều tạp chất sẽ bị ngộ độc, suy nội tạng.

Việc thả nổi quản lý chất lượng trong chế biến và nhập khẩu dược liệu không những không đảm bảo quyền lợi cho người bệnh khi sử dụng các vị thuốc y học cổ truyền mà còn làm mất khả năng cạnh tranh với hàng nhập ngoại. Theo đó để đảm bảo chất lượng dược liệu cần có sự thực hiện trách nhiệm và phối hợp của các cơ quan như Hải quan, Quản lý thị trường, Công an...

Trước mắt, để ngăn chặn hàng kém chất lượng, cùng sự tăng cường kiểm tra, kiểm soát các sản phẩm nhập khẩu, ngành Y tế phải đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra các cơ sở kinh doanh và khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền.

Văn Huy
.
.
.