Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh giáo sư - Viện sỹ Trần Đại Nghĩa:

Nhân cách cao cả của người trí thức theo Bác Hồ về nước kháng chiến

Thứ Sáu, 13/09/2013, 10:01
Một ngày cách đây hơn 15 năm, khi thực hiện đề tài Văn hóa Vĩnh Long, chúng tôi xin phép và được gặp Giáo sư - Viện sỹ Trần Đại Nghĩa tại nhà riêng trên đường Nguyễn Trọng Tuyển - TP Hồ Chí Minh (lúc đó Giáo sư còn chưa ngã bệnh, rất tỉnh táo). Khi chúng tôi hỏi, Giáo sư (GS) còn nhớ những chuyện về quê hương vùng đất “chín rồng”. Ông trầm ngâm rồi hỏi tôi: Sông Măng giờ còn trong như xưa không cháu? Nay bà con ta ở Hoà Hiệp - Tam Bình ta sống như thế nào?

GS. Viện sĩ Trần Đại Nghĩa tên thật là Phạm Quang Lễ, sinh ngày 13/9/1913, tại xã Hòa Hiệp - Tam Bình - Vĩnh Long. Cha ông, Phạm Quang Mùi, một nhà nho nghèo, dạy học trò trong vùng rất có uy tín, được nhiều người hâm mộ và luôn giúp đỡ những học sinh nghèo. Khi cha mất sớm ông mới lên 6 tuổi, cùng mẹ là bà Phạm Thị Diệu và người chị gái nay phải nghỉ học, đi làm đủ thứ phụ giúp mẹ, đỡ đần cho cả nhà. 

Khi cha mất, cậu bé Lễ chỉ mới vào học bậc tiểu học, người chị ruột ông phải nghỉ học, để nhường cho ông được học tiếp. Nhà nghèo, mẹ phải tần tảo nuôi dưỡng 2 con, nên ông từ nhỏ đi học chịu đói, chịu lạnh là lẽ thường tình và tất nhiên là tự học tập vì mồ côi cha từ nhỏ.

Xong tiểu học, ông đậu học bổng lên học trung học ở Sài Gòn. Và từ một học sinh học giỏi toàn phần, khi bước chân vào Trường Fertruts Ký (nay là Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong) ông thuộc vào loại học sinh nghèo nhất nhì của trường. Song vì tính chăm chỉ, chuyên cần, thông minh, khi bước chân vào trường là ông đã được bao thầy cô giáo tin tưởng, nhiều bạn bè cảm mến giúp đỡ ông ăn học tại Sài Gòn. Và đây, cũng là một yếu tố đã giúp cho sự hình thành nhân cách thương người nghèo, nặng nghĩa tình trong một học sinh nghèo của Phạm Quang Lễ.

Đây cũng chính là những điều ông rất mong ước, các cháu lớp trẻ ngày nay khi có đầy đủ phương tiện học tập trong cuộc đời, hãy cố học cho được vì chữ “nhân” và chữ “nghĩa” như nhiều lần ông vẫn nói chuyện mong ước lớp trẻ.

Năm 1933, Trần Đại Nghĩa thi đỗ hai bằng tú tài, song nhà nghèo, ông không thể học tiếp đại học, đành trở về TP Mỹ Tho làm một chân “thư ký quèn” để kiếm tiền giúp mẹ và chị trong cuộc sống khó khăn lúc bấy giờ. Thời gian này ông có tự học thêm về Luật học.

Hai năm sau (1935), ông Dương Văn Ngươu, một nhân sĩ, nhà báo yêu nước ở Sài Gòn, từ mến mộ tài năng và ý chí ham học, học giỏi của Phạm Quang Lễ, giúp ông thi được suất học bổng toàn phần Trường Chasseloakp Laubat - Pháp. Ông sang Pháp năm đó, đầu tiên là vào học Đại học Cầu - Đường.

Tại Paris, lúc bấy giờ hoài bão của ông được hun đúc, bằng ý chí của một trí thức yêu nước. Và ông kết luận, điều mà ông luôn nghĩ về sự thua thiệt của các cuộc nổi dậy thất bại, là đất nước ta còn quá non kém về kỹ thuật – điều mà ông tham gia về mặt khoa học cho chế tạo vũ khí trong cuộc đấu tranh vũ trang nhằm giải phóng đất nước.

Và từ những suy nghĩ đó, ông đã bỏ công vào học ngành Cầu - đường, rồi ngành Hóa học, tại Đại học Sookbors - Pháp, trường nổi tiếng thế giới. Ngành học mà ông ham thích tìm hiểu là chế tạo vũ khí, các chuyên ngành liên quan đến hóa học. Sau những năm miệt mài, học và thực hành, ông đã đỗ hạng ưu của các ngành Hóa học, chế tạo vũ khí.

Sau khi tốt nghiệp, ông làm kỹ sư chính trong một hãng chế tạo máy bay, với mức lương tương đương 22 lượng vàng/tháng vào lúc đó.

Ngày 5/7/1946, cùng với hàng vạn Việt kiều tại Pháp, kỹ sư Trần Đại Nghĩa ra sân bay Le Beurget để đón Bác và đoàn cấp cao Chính phủ ta sau Cách mạng Tháng 8 sang thăm Pháp. Từ ngày đó, do là người có sự am hiểu nhiều về các trí thức VN tại Pháp, khi Bác làm việc với bà con kiều bào, đều được kỹ sư Trần Đại Nghĩa tháp tùng, đi cùng Bác.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, GS-VS Trần Đại Nghĩa (thứ 2 phải qua) giới thiệu đạn cối Bazoka do công binh xưởng sản xuất trong kháng chiến chống Pháp. (Ảnh: Tư liệu).

Suốt 2 tháng đi thăm bà con Việt kiều (từ tháng 7/1946 đến tháng 9/1946), Trần Đại Nghĩa đã báo cáo với Bác về tất cả những điều mình biết về thế giới Chiến tranh lần thứ II, đặc biệt về quá trình làm việc, học tập, nghiên cứu khoa học bản thân mình. Ngày 8/9/1946, Bác Hồ gọi Trần Đại Nghĩa đến, cho biết là Hội nghị Phôngtenơblô đã không thành, rồi Bác hỏi thẳng: “Bác về nước, chú chuẩn bị về với Bác. Hai ngày nữa ta lên đường”.

Thế là từ quyết định được về Tổ quốc, Trần Đại Nghĩa cùng đoàn của Bác đã rời cảng Tulông vào giữa tháng 9/1946. Sau 40 ngày lênh đênh trên biển, Bác Hồ cùng các bác sĩ Trần Hữu Tước, kỹ sư Võ Quí Huân, kỹ sư Vũ Đình Huỳnh và kỹ sư Phạm Quang Lễ (Trần Đại Nghĩa) về đến cảng Hải Phòng.

Sau này, GS Trần Đại Nghĩa nhớ mãi lớp chính trị Bác Hồ dạy trong 40 ngày ấy, đó là lớp chính trị đầu tiên, có tác dụng rất lớn trong đời ông. Ông kể, lúc tới cảng đêm 11/8/1946, trời tối, trên tàu còn có một mình Bác và tôi, Bác chỉ hỏi tôi có hai câu. Câu thứ nhất: “Bây giờ ở nhà cực khổ lắm, chú về có chịu nổi không?”. Tôi trả lời: “Thưa Bác, tôi chịu nổi”. Câu thứ hai Bác hỏi là: “Bây giờ ở nhà kỹ sư, công nhân về vũ khí không có. Máy móc thiếu, liệu chú có làm được việc không?”. Tôi nói: “Thưa Bác, tôi đã chuẩn bị 11 năm rồi và tôi tin là sẽ làm được”.

Sau khi về nước (27/10/1946), Phạm Quang Lễ lập tức được giao trực tiếp lên Thái Nguyên, nghiên cứu chế tạo súng chống tăng dựa theo mẫu Bazoka của Mỹ, với hai viên đạn do GS Tạ Quang Bửu cung cấp. Phải bắt tay vào việc ngay, nhưng mới chỉ được ít hôm thì lại có điện gấp từ Bộ Quốc phòng gọi về gặp Bác.

Và ngày 5/12/1946 tại Bắc Bộ Phủ, Bác cho mời kỹ sư Phạm Quang Lễ và Người trực tiếp giao cho Phạm Quang Lễ làm Cục trưởng Cục Quân giới; chính Người đã đặt tên mới cho ông là Trần Đại Nghĩa - theo Bác là để giữ bí mật cho ông và cho gia đình, cho bà con ông còn ở lại trong miền Nam.

Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, những phát kiến quan trọng về vũ khí, về kỹ thuật của kỹ sư Trần Đại Nghĩa trong điều kiện thiếu thốn nhiều thứ, đã chế tạo thành công các loại lựu đạn, súng phóng lựu, súng cối 50,8 li, mìn phá xe, Bazoka... kịp thời phục vụ cho cuộc chống trả 9 tuần lễ của thực dân Pháp ngay tại Thủ đô Hà Nội.

Một phát kiến mới rất có lợi ích lớn cho cuộc kháng chiến - mà chính Viện sĩ kể lại - sau khi nghiên cứu, thấy tại khu rừng Việt Bắc, có nhiều phân dơi, và Trần Đại Nghĩa đã chỉ đạo lấy diêm tiêu trong phân dơi khu rừng đóng quân, để làm thuốc súng. Ông còn dùng đường ray xe lửa loại cũ làm nòng súng cối 50,8 li, rồi lấy bình ôxy làm nòng súng 205 li…

Đặc biệt, sau bao nhiêu lần thất bại, Trần Đại Nghĩa đã chế tạo thành công súng Bazoka trên cơ sở thiết kế lại toàn bộ quả đạn Bazoka của Mỹ cho phù hợp điều kiện tác chiến chiến trường Việt Nam. Tác dụng lớn là súng Bazoka và súng không giật, do ông nghiên cứu chế tạo, ngoài chống xe tăng, bọc thép, còn đánh cả tàu chiến chạy gần bờ hoặc dập tắt hỏa lực hay bắn tan đội hình địch tập trung số quân đông.

Đây là một mốc mới trong cuộc đời của nhà khoa học Trần Đại Nghĩa, từ một nhà khoa học, thêm nhiệm vụ chỉ đạo công tác quân giới - vũ khí cho Quân đội trong chiến tranh. Và trong đợt phong hàm tướng lĩnh đầu tiên ngày 28/5/1948, cho 9 vị tướng thì có Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa - nhà khoa học đầu tiên mang hàm tướng lĩnh của Quân đội anh hùng.

Như vậy, từ một trí thức, theo Bác Hồ về nước, say mê, tận tụy với nghề chế tạo vũ khí phục vụ kháng chiến, Trần Đại Nghĩa đã cống hiến những sáng chế rất quan trọng về vũ khí, về khoa học cho Quân đội ta, cho 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Sau khi được Đảng, Nhà nước cử làm Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước, Viện trưởng Viện Khoa học VN, đồng thời là Chủ tịch các Hội Liên hiệp Khoa học kỹ thuật Việt Nam. Năm 1966, ông được bầu làm Viện sỹ nước ngoài của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, rồi Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học CHDC Đức.

Trên cương vị nào, ông cũng để lại những tình cảm tốt đẹp nhất đối với các nhà quân sự, cũng như giới trí thức 2 miền. Khi được nghỉ hưu, ông vào sống tại TP Hồ Chí Minh, song vẫn rất chú ý đến công tác đào tạo, bồi dưỡng những nhân tài của đất nước và của Viện Khoa học Việt Nam. Đối với các nhà khoa học sau này, như GS Nguyễn Văn Hiệu, GS Phan Đình Diệu, cùng bao nhiêu thế hệ các nhà khoa học khác, đều ghi nhớ mãi trong tâm mình, về việc “nhân” việc “nghĩa” trong con người GS - VS Trần Đại Nghĩa.

Những ngày cuối đời, ông luôn khắc khoải về hình ảnh người mẹ và chị ruột của mình trên sông Măng, mà lúc mẹ mất do còn ở Pháp xa xôi, ông không được về để chịu tang mẹ. GS VS Trần Đại Nghĩa qua đời tại TP Hồ Chí Minh ngày 9/8/1997, hưởng thọ 85 tuổi.

Tên ông được đặt cho ngôi trường chuyên ở TP Hồ Chí Minh, cũng như một con đường lớn tại các tỉnh, thành phố của đất nước mà ông đã trọn đời cống hiến.

Giáo sư Trần Đại Nghĩa - tấm gương sáng ngời cho các thế hệ noi theo

Ngày 12/9, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức tọa đàm về thân thế và sự nghiệp của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa với sự tham gia của các đại biểu đến từ Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Hội Khoa học kỹ thuật Robot Việt Nam, gia đình Giáo sư Trần Đại Nghĩa...

Nhớ về Giáo sư Trần Đại Nghĩa, các đại biểu cùng nhớ đến một con người dám từ bỏ công việc với lương tháng 22 lượng vàng để theo Bác Hồ về nước phụng sự Tổ quốc, từ bỏ cuộc sống sung sướng nơi Paris hoa lệ, chấp nhận khó khăn, thiếu thốn nơi rừng sâu Việt Bắc để được nghiên cứu chế tạo vũ khí, góp phần đánh đuổi quân xâm lược Pháp.

Ông là Cục trưởng quân giới đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, một trong những người đặt nền móng cho nền công nghiệp quốc phòng non trẻ của Việt Nam. Ông còn là một vị anh hùng, một nhà bác học uyên thâm, một vị tướng thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác Hồ, suốt đời giữ trọn đạo làm tướng.

Qua lời kể của bà Nguyễn Thị Khánh - vợ Giáo sư Trần Đại Nghĩa thì ông say mê nghiên cứu và chế tạo vũ khí đến quên hết mọi thứ, cả tuần không tắm, đến mức có lần đi suối tắm quá nửa ngày không về, anh em đi tìm thì thấy ông đang ngồi trên tảng đá viết những công thức ngoằn ngoèo. Có lần Bác Hồ phải kêu lên: “Thím Nghĩa đâu mà để chú Nghĩa ra nông nỗi này”. Với ông, cuộc sống lúc nào cũng giản dị và đạm bạc nhưng ông luôn cảm thấy thoải mái và hạnh phúc.

PV

Phạm Bá Nhiễu
.
.
.