Nhà khoa học vì nạn nhân chất độc da cam

Thứ Sáu, 04/05/2007, 12:35

Người ta gọi GS,BS Lê Cao Đài "là linh hồn, là đầu não của Viện 211" bởi như lời Thiếu tướng,GS, BS Nguyễn Văn Âu, nguyên Phó Viện trưởng 108: "Cứ có việc nào khó, người ta lại bật gọi tên ông".

Một mắt của ông chỉ còn 2/10 thị lực, cũng sốt rét như bao đồng đội của mình, nhưng chẳng bao giờ đứng yên, có khi mổ một ca 8 giờ liền, bệnh nhân qua khỏi, còn ông ngất xỉu vì kiệt sức...

Trường Sơn ngày ấy... Tây Nguyên ngày ấy...

Những ai đã vượt Trường Sơn ngày ấy chắc đã đọc "Tây Nguyên ngày ấy” của cố Giáo sư, bác sỹ Lê Cao Đài hẳn tìm lại được dấu chân mình còn in trên con đường mòn vĩ đại Hồ Chí Minh của một thuở hào hùng chống Mỹ, cứu nước...

Sau những năm (1983-1995) làm Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc gia điều tra hậu quả chất độc hóa học dùng trong chiến tranh Việt Nam (gọi tắt là Ủy ban 10-80), về làm Giám đốc Quỹ Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam - dioxin thuộc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; năm 1997, qua NXB Lao động, Giáo sư, bác sỹ Lê Cao Đài đã cho ra mắt bạn đọc cuốn truyện ký dày 550 trang này...

Ngay sau khi xuất bản, "Tây Nguyên ngày ấy" đã được các nhà văn chuyên nghiệp tiếp nhận rất chân thành. Nhà văn Tô Hoài viết: "Những nhật ký như "Tây Nguyên ngày ấy" của Lê Cao Đài là tài liệu sống, chẳng những bổ ích cho bài học hôm nay mà còn cần thiết cho lịch sử hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc".

Còn nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Văn Lưu viết: "Tây Nguyên ngày ấy là một cuốn hồi ký có giá trị về nhiều mặt. Đặc biệt về lý luận văn học... những người thật, việc thật có địa điểm và thời gian sẽ là nguồn tư liệu quý giá cho cuốn sử về Tây Nguyên trong chiến tranh giải phóng".

Một hôm, đến làm việc ở Hội Chữ thập đỏ, tôi được Giáo sư, bác sỹ Lê Cao Đài tặng cuốn "Tây Nguyên ngày ấy". Hôm ấy, Giáo sư, bác sỹ Lê Cao Đài rất vui. Ông cho tôi biết kết quả của cuốn phim "Cuộc chiến cuối cùng của Việt Nam" do Hãng CNN - một hãng vô tuyến truyền hình nổi tiếng của Mỹ trực tiếp sang Việt Nam quay năm 1993 - nói về hậu quả chất da cam vừa được phát rộng rãi trên vô tuyến truyền hình Việt Nam.

Ông viết, nguyên Đô đốc Hải quân Elmo Zumwalt - người chỉ huy chiến dịch Ranch Hand đã quyết định cho rải chất da cam nhằm phá hủy rừng rậm hai bên bờ sông để ngăn chặn các cuộc phục kích của Việt Cộng...

Oái oăm thay, chính gia đình Elmo Zumwalt lại là nạn nhân chịu tác hại của chất da cam. Con trai cả của vị Đô đốc này là Trung úy Hải quân trở về Mỹ lấy vợ đã sinh ra một đứa con mắc chứng đần độn bẩm sinh, còn viên Trung úy này đã bị ung thư chết năm 1988...

Chính Elmo Zumwalt đã mô tả lại câu chuyện bi thương của gia đình mình trong cuốn hồi ký "Cha con tôi" mà Giáo sư, bác sỹ Lê Cao Đài đã dịch từ nguyên bản tiếng Anh "My father, my son" được NXB Chính trị quốc gia ấn hành năm 1996.

Qua "Tây Nguyên ngày ấy", tôi hiểu được nỗi lòng của Giáo sư, bác sỹ Lê Cao Đài. Cũng bởi vì ông vừa là một nhân chứng vừa là một nạn nhân chất độc da cam và vừa là một nhà khoa học...

Tình yêu và trường học lớn

Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo trong lời giới thiệu "Tây Nguyên ngày ấy" nhấn mạnh: "Một thanh niên trí thức người Hà Nội với truyền thống tinh hoa về tinh thần quật cường bất khuất của dân tộc đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, của Bác Hồ đã dũng cảm chiến đấu, công tác trong gian khổ, ác liệt với đầy sức sáng tạo...”.

40 năm trước, Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần kiêm Cục trưởng Cục Quân y Vũ Văn Cẩn đọc quyết định của Bộ Quốc phòng thành lập một bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối cùng cho chiến trường miền Nam lấy tên là Đoàn 84 - bộ khung cán bộ cũng như Ban Chỉ huy bệnh viện đều của hai Bệnh viện 108 và 103 là hai bệnh viện tuyến cuối cùng của Quân đội. Sau, có Trạm giao liên 84 nên Đoàn 84 đổi tên thành Viện 211 là hai con số đầu của hai bệnh viện cộng lại để ghi nhớ nguồn gốc của Viện 211...

Vậy là, trong danh sách những người được cử đi có Giáo sư, bác sỹ Lê Cao Đài - Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật lồng ngực các Viện Quân y 108 và 103. Ông không sang Bulgaria làm luận án Phó tiến sỹ để ra trận.

Cũng như các gia đình bộ đội khác, gia đình Giáo sư Lê Cao Đài bình tĩnh tiếp nhận tin ông chuẩn bị đi chiến trường. Người cha thân yên vốn là giáo viên thời Pháp thuộc cặm cụi mài thật sắc con dao bài để thái sâm thành miếng mỏng rồi sao cả sâm và gạo cho con đem đi...

Họa sỹ Vũ Giáng Hương giảng dạy tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật ở nơi sơ tán cũng vội vã tất bật chuẩn bị cho chồng lên đường từ ống thuốc đánh răng, bàn chải, khăn mặt...

Nhớ lại sau Chiến dịch Hà Nam Ninh, 1951, họ mới quen biết nhau. Chủ nhiệm Quân y Trung đoàn 88, Sư đoàn 308 Lê Cao Đài cùng đơn vị về nghỉ ở Quần Tín - một miền quê yên bình của tỉnh Thanh. Cũng đúng lúc, Vũ Giáng Hương cùng cha là nhà văn Vũ Ngọc Phan và mẹ là nhà thơ Hằng Phương tản cư về đây.

Anh bộ đội Lê Cao Đài học Đại học Y khóa đầu tiên ở Việt Nam (1946) - người cao lớn, đeo kính trắng đam mê văn chương, tối nào cũng dịch truyện "Tinh cầu" của nhà văn Nga Kazakevitch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt đã lọt vào mắt xanh con gái lớn của nhà văn họ Vũ.

Giáng Hương là độc giả đầu tiên của bản dịch này và còn giúp Lê Cao Đài chép lại bản dịch cho sạch sẽ. Sau 3 năm, đám cưới của họ diễn ra trước khi hòa bình (1954). Chứng kiến lễ thành hôn của hai người ở Tuyên Quang hơn 50 năm trước, trong một buổi trò chuyện với tôi, nhà văn Tô Hoài đưa ra một nhận xét:

- Mối tình của họa sỹ Vũ Giáng Hương và bác sỹ Lê Cao Đài là một mối tình cao thượng.

Tôi tán thành quan điểm với nhà văn: Thực tiễn ác liệt của chiến tranh không làm khô cằn tình yêu đôi lứa... Lần này, hai người cũng chuẩn bị tinh thần sẵn sàng đi chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc...

Có thể khẳng định "Tây Nguyên ngày ấy" là một chiến trường ác liệt. Việc đi tìm địa điểm của Bệnh viện 211 là một thí dụ. Có khi lạc rừng, có khi gặp biệt kích, có khi gặp địch rải chất độc hóa học... Có năm di chuyển bệnh viện tới hai lần vì địch oanh tạc, vì bị lộ...

Người ta gọi Giáo sư, bác sỹ "Lê Cao Đài là linh hồn, là đầu não của Viện 211" bởi vì như lời Thiếu tướng, Giáo sư, bác sỹ Nguyễn Văn Âu, nguyên Phó Viện trưởng 108: "Cứ có việc nào khó, người ta lại bật gọi tên ông" - Mà ông một mắt chỉ còn 2/10 thị lực, cũng sốt rét như bao đồng đội của mình, nhưng chẳng bao giờ đứng yên, có khi mổ một ca 8 giờ liền, bệnh nhân qua khỏi, còn ông ngất xỉu vì kiệt sức...

Nhà khoa học vì nạn nhân chất độc da cam

Có thể cho đến bây giờ công trình nghiên cứu "Chất da cam trong chiến tranh Việt Nam, tình hình và hậu quả" vẫn đứng đầu trong các công trình nghiên cứu về đề tài này. Điều quan trọng là ông đã trải qua thực tế chiến trường Tây Nguyên và những năm làm việc ở Ủy ban 10-80, ông lại lăn lộn đi đến các điểm nóng của chiến tranh hóa học; do đó, những vấn đề ông đặt ra giải quyết hậu quả của chiến tranh hóa học có sức thuyết phục.

Đặc biệt, việc hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và giải quyết hậu quả chiến tranh hóa học đang là vấn đề tiêu điểm của nhân đạo và đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam hiện nay.

Với hai công trình "Tây Nguyên ngày ấy" và công trình "Chất da cam trong chiến tranh Việt Nam, tình hình và hậu quả", Đảng và Nhà nước ta cần có hình thức khen thưởng Giáo sư, bác sỹ Lê Cao Đài xứng đáng

Mai Trang
.
.
.