Nhà chất lượng… không cao ở khu đô thị Ciputra

Thứ Tư, 03/05/2006, 10:00

“Nhà của mình bỏ tiền ra mua mà chất lượng thì... buồn quá. Cửa bị bong, vênh nắp lệch ngang không khít với bản lề. Toàn bộ tường phía trong nhà bị ngấm, thấm với nhà bên cạnh. Giếng trời giữa nhà thiết kế bị dột mỗi khi trời mưa...”, bác Bẩy, chủ nhân biệt thự C4-23, khu đô thị Ciputra, buồn rầu nói.

8 gia đình, đại diện cho gần 40 hộ hiện đang sống tại khu đô thị Ciputra có đơn gửi cho các cơ quan chức năng đều có chung một nhận định: “Chỉ tới khi đến ở, chúng tôi mới vỡ lẽ chất lượng nhà cửa ở Ciputra quá kém. Công ty TNHH Phát triển khu đô thị Nam Thăng Long đã xây nhà không đúng với những gì công ty này đã cam kết và quảng bá. Nhưng vì đã nộp tiền nên nhiều người trong chúng tôi buộc phải nhận nhà cho xong vì không có sự lựa chọn nào khác”.

Sự thật về nhà chất lượng cao

Dự án xây dựng khu đô thị Ciputra thuộc Công ty TNHH Phát triển khu đô thị Nam Thăng Long là một trong những dự án phát triển bất động sản lớn nhất ở Việt Nam. Trong giai đoạn I, công ty này đã tiến hành xây dựng 400 biệt thự và 300 căn hộ chung cư theo như đánh giá là cao cấp nhất Hà Nội. Tuy nhiên, trong tổng số nhà này, số người mua được nhà trực tiếp của Công ty TNHH Phát triển khu đô thị Nam Thăng Long còn rất ít, còn lại phần lớn họ phải mua lại nhà của các chủ môi giới với giá cao. Chính vì thế, mặc dù được quảng bá là một khu đô thị cao cấp nhất Hà Nội, nhưng về bản chất Ciputra cũng chỉ là một khu đô thị cho những người dân bình thường đến sinh sống.

Bác Nguyễn Thị Bẩy, hiện đang sống tại biệt thự C4-23 tỏ thái độ buồn rầu khi trò chuyện với tôi. Bác bảo: "Gia đình tôi trước đây ở dưới phố. Căn nhà mặt đường khá to và rộng rãi rất tiện lợi cho việc buôn bán làm ăn, nhưng nghe Công ty TTHH Phát triển khu đô thị Nam Thăng Long quảng cáo, tôi đã bán ngôi nhà đó, chia tiền cho các con, số còn lại tôi mua căn biệt thự này. Do không mua được trực tiếp với công ty nên tôi đã phải mua chênh lệch mất hơn 1 tỉ đồng.

Những tưởng, sẽ được sống trong một môi trường tốt hơn ở biệt thự mới, nhưng khi ở đây, bác Bẩy đã hoàn toàn thất vọng: “Nhà của mình bỏ tiền ra mua mà chất lượng thì... buồn quá. Cửa bị bong, vênh nắp lệch ngang không khít với bản lề. Toàn bộ tường phía trong nhà bị ngấm, thấm với nhà bên cạnh. Giếng trời giữa nhà thiết kế bị dột mỗi khi trời mưa. Trận mưa đầu tiên của năm 2005, gia đình tôi đã lĩnh đủ cảnh bị mưa hắt vào toàn bộ phòng ngủ tầng 2 của biệt thự. Để ngủ yên, nửa đêm cả nhà phải kéo nhau xuống tầng 1. Để thoát qua khỏi mùa mưa năm nay, tôi đã phải bỏ ra gần 10 triệu đồng để làm mái che bên ngoài ô văng với hy vọng không phải chịu cảnh bị mưa hắt".

Biệt thự số 28C4 của gia đình ông Phạm Đình Vinh cách gia đình bác Bẩy không xa cũng chịu một nỗi buồn không kém. Mới đến ở được nửa năm, nhưng gia đình ông cũng phải chịu cảnh nước từ toilet tầng 3 thấm xuống tầng 2, gây rất nhiều khó khăn trong việc sinh hoạt. Để không cho những thứ nước màu vàng, đen kịt này tiếp tục nhỏ xuống, ông Vinh đã phải dùng một đoạn ống vít lại toàn bộ hệ thống thoát sàn phía trên. Những tưởng sẽ thoát được “thảm họa” này, ai ngờ chỉ sau một vài hôm, vết ố lại loang lại như cũ.

Đến nay, ông Vinh và mọi người trong nhà chỉ dám sử dụng toilet tầng 2, còn tầng 3 đành phải “giữ nguyên hiện trạng”, chờ duy tu bảo dưỡng. Về cầu thang, để có được một lớp sơn như ý, gia đình đành bỏ thêm gần 1 triệu đồng để sơn lại vì lớp sơn trước đó trông chẳng khác gì sơn chống gỉ.

Không chỉ các gia đình có biệt thự giống như bác Bẩy, ông Vinh, mà hầu hết nhưng người dân đến ở Ciputra mà chúng tôi được tiếp xúc cũng đều rất buồn vì họ đã mua một ngôi nhà quá đắt so với thực tế, nhưng chất lượng lại không như ý. Chị Nguyễn Thị Hải ở chung cư GO3 bức xúc: “Khi nhà GO3 đi vào sử dụng được chưa đầy năm thì toàn bộ tường nhà đã bị ẩm, các cửa sổ, cửa ban công hở cứ đến khi thời tiết thay đổi là gió rét lùa vào khiến nhiều khi gia đình chị cứ ngỡ như đang đứng ở ngoài trời”.

Hệ thống cánh cửa theo thiết kế sẽ được lắp kính nhập về từ Bỉ, nhưng không hiểu nhà GO3 đã được lắp bằng kính gì mà muốn cho an toàn, một số gia đình ở đây đã phải thay lại hệ thống cửa. Hệ thống cách âm giữa các phòng cũng quá kém so với thực tế vì nhiều gia đình liên tục bị “tra tấn” bởi những tiếng ồn của các hộ bên cạnh đưa sang...

Cùng với đó là hệ thống đường chạy giữa các khu biệt thự, sau khi nâng cấp, một số mặt bằng đường đã cao hơn so với nền phía trong của biệt thự. Để không bị nước mưa tiếp tục chảy vào nhà, các gia đình đã phải gọi thợ đến để tôn nền sân vườn. Có thể nói, chuyện cải tạo nhà ở Ciputra đã và đang trở thành một vấn đề thời sự bức xúc, nóng hổi được đưa ra bàn luận khá nhiều giữa các gia đình trong những ngày vừa qua.

Thực tế số người đến ở Ciputra hiện là người Việt có rất ít, phần lớn nhà ở đây được sử dụng  cho người nước ngoài thuê hoặc bán lại cho những gia đình người nước ngoài đang sống và làm việc tại Hà Nội. Số người Việt có tiền mua nhà ở Ciputra phần nhiều lại không sử dụng các dịch vụ sinh hoạt thiết yếu ở đây mà hầu hết đi mua sắm từ chợ Xuân La, Xuân Đỉnh. Nhiều gia đình mua được nhà rồi, nếu có tiền là phải đập ra xây, sửa trát lại toàn bộ. Một chị bạn tôi để ở được ngôi biệt thự đúng như ước mơ thì cũng đã phải bỏ ra mất tới 8 tỉ. Con số này quả là vượt quá khả năng thu nhập của nhiều người dân ở Hà Nội hiện nay.

Công ty TNHH Phát triển Nhà và Đô thị Nam Thăng Long và Ciputra đã quản lý nhà như thế nào?

Là một trong những khu đô thị liên doanh trong vấn đề xây dựng đầu tiên Hà Nội vì thế những người dân đến sống ở khu đô thị Ciputra hiện nay đang chịu sự quản lý trực tiếp của Phòng Công sản, do ông Michael Schmitt làm Trưởng phòng. Với mức lương là 2.000 USD/tháng, theo nguyên tắc, mọi thắc mắc của cư dân ở đây sẽ được chuyển về Phòng Công sản và ông Michael Schmitt sẽ phải là người trực tiếp giải quyết. Nhưng theo những người dân ở đây phản ánh, hầu hết họ phải đề đạt nguyện vọng của mình với các nhân viên của ông này, còn bản thân ông Michael Schmitt rất ít khi có mặt tại trụ sở.

Nhiều hộ dân ở Ciputra rất bất bình vì kiểu làm việc này, bởi lẽ họ chưa quen với một tác phong theo kiểu “Tây”, trong khi đó việc điều hành ở Ciputra lại bê nguyên kiểu áp dụng của các nước tư bản, trong khi đó việc giải trình của các nhân viên và người dân lại không rõ ràng. Rất nhiều lần, các hộ dân ở Ciputra gửi kiến nghị của mình lên Phòng Công sản bằng văn bản nhưng đều không được ông Michael Schmitt trả lời?!

Theo quy định tất cả các khoản phí dịch vụ, hóa đơn điện nước sẽ được đưa đến các hộ gia đình theo như mức giá quy định của UBND thành phố Hà Nội, nhưng riêng ở Ciputra lại áp dụng một mức giá riêng. Hàng tháng, Phòng Công sản lại “trát” giấy đến nhà cho các gia đình đóng góp. Kể cả khi họ có các yêu cầu, kiến nghị được đối chất trực tiếp về các khoản thu bất hợp lý với Phòng Công sản thì các nhân viên ở đây đều trả lời điều đó đã được thỏa thuận trong hợp đồng cho thuê, bán bàn giao nhà.

Trả lời trực tiếp câu hỏi của chúng tôi về thắc mắc của hơn 40 hộ dân, ông Michael Schmitt giải thích: “Nếu chỉ có 40 hộ dân trong số hơn 200 gia đình hiện nay đang sống ở Ciputra kêu ca như vậy con số này vẫn là quá ít!”.

Để tìm hiểu rõ hơn về chất lượng thực sự của các biệt thự và chung cư ở khu đô thị Ciputra, chúng tôi cũng đã đến Công ty TNHH Phát triển nhà và đô thị Nam Thăng Long để liên hệ làm việc. Nhưng khi nhìn giấy giới thiệu, cô nhân viên tên Thìn làm việc tại Phòng Marketting đã yêu cầu là phải có công văn của Tòa soạn thì công ty mới làm việc, vì thời gian của “sếp” cô ta rất bận. Khi tôi ngỏ ý muốn trực tiếp liên lạc với lãnh đạo công ty thì cô Thìn trả lời: “Giám đốc đi vắng”.

Được biết, cho tới thời điểm hiện nay, mặc dù những kiến nghị của những cư dân sống ở Ciputra nêu ra với công ty này đã gần một năm nhưng đến nay vẫn chưa có phúc đáp. Theo thông tin chúng tôi nhận được, Phòng Công sản mới chỉ áp mức giá dịch vụ gửi ôtô từ 500.000 xuống 300.000/đồng/tháng, còn lại hầu hết vẫn chưa có câu trả lời

Mai Phương
.
.
.