Nhà báo với 700 ngày ở Trại Davis

Thứ Hai, 28/01/2013, 23:49
Tôi đánh liều đến thăm ông mà không gọi điện thoại hẹn trước vì biết tính ông - nhà báo, Đại tá Phạm Phú Bằng (Báo Quân đội nhân dân) - vốn là một nhà báo lâu năm, ông đã viết, viết rất nhiều về những người khác nhưng hình như ông lại không muốn người khác viết về mình.
>> Những ngày tháng làm việc trong phái đoàn quân sự Liên hiệp bốn bên

Vì vậy nếu điện thoại trước chắc chắn ông sẽ từ chối, điều nữa là dù đã bước sang tuổi 84 nhưng ông vẫn chưa hề muốn dừng lại nhưng chuyến đi. Trước đây khi mới nghỉ hưu, còn sức thì ông tự đi bằng xe máy, bây giờ mắt mờ chân chậm, ông đi bằng xe khách, ông đi và đến những vùng đất mà ở đó còn có những người nghèo, còn có những số phận bất hạnh… Ông đi làm công tác từ thiện!

“Đột kích” thế mà hay, tôi đã gặp được ông nhưng không ngoài dự đoán, ông nói: “Mình bây giờ già rồi, nhớ nhớ quên quên với lại còn nhiều người ở Trại Davis thời gian lâu hơn mình, biết được nhiều chuyện hơn, cậu nên tìm đến những người đó…”. Cụ đã từ chối thì mình cũng phải có mẹo là làm như vô tình, bất ngờ tôi hỏi: “Hình như ngày đó trong đoàn nhà báo của mình có ông Hồ Văn Sanh?”.

Mới nhắc một cái tên cách đây đã… 40 mươi năm vậy mà mắt nhà báo Phạm Phú Bằng sáng rỡ lên: “Đúng đấy, Hồ Văn Sanh sau này là Phó Tư lệnh Chính trị mặt trận 979, Quân khu 9”. Không những nhớ tên mà còn nhớ được chức vụ của đồng đội một thời cùng nhau ở Trại Davis. Thế là tôi đã khơi được “cái nhớ” trong ông về những năm tháng ở Trại Davis.

Ông nói không biết đối với những người khác thì sao chứ với ông thì nhận được lệnh lên đường vào Trại Davis trong tình trạng khá gấp rút và cũng không được phổ biến gì nhiều. Nhưng với sự nhạy cảm của một nhà báo và là người lính đã trải qua nhiều chiến trường, ông tâm đắc câu: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Cụ Hồ nên cũng không đắn đo băn khoăn gì nhiều. Trước khi lên đường ông được trang bị đầy đủ súng đạn, quân tư trang mới với quân hàm thiếu tá trên vai và bắt đầu một cuộc hành quân có lẽ là độc nhất vô nhị trong lịch sử chiến tranh.

Có thể nói trong lịch sử chiến tranh thế giới cũng như của dân tộc ta, chưa từng có trường hợp nào mà một bên đối địch lại hợp pháp cắm được một bộ phận lực lượng của mình công khai, hiên ngang ngay tại trung tâm đầu não của đối phương, được thế giới công nhận và dư luận quốc tế quan tâm theo dõi.

Ngày đó mặc dù Hiệp định Paris đã được ký kết, nhưng với dã tâm muốn phá bỏ Hiệp định Pasis của chính quyền Sài Gòn nên rải rác đây đó ở các vùng xôi đậu hay vùng giới tuyến vẫn còn những cuộc nổ súng, giành dân, giành đất.

Mặc dù Hiệp định đã được ký nhưng toà soạn vừa nhận được tin buồn là cô nhân viên đánh máy của cơ quan ông đóng ở căn cứ vừa hy sinh vì đạn thù. Nhưng là người lính, đã có lệnh là đi. Vì đi tiền trạm nên ông biết trong đoàn sẽ có rất nhiều thành phần, trong đó thành phần không thể thiếu là các đồng chí làm nhiệm vụ an ninh. Nhưng như ông nói ai cũng có nhiệm vụ riêng của mình, trong trường hợp này, biết càng ít về nhau, về nhiệm vụ của nhau càng tốt.

Nói là cuộc hành quân đặc biệt có một không hai là vì mình hành quân mà máy bay thì phía Mỹ lái, người Mỹ làm công tác “an ninh hàng không” với đầy đủ súng ống, đạn dược. Trước đó dù cũng đã đi máy bay vài lần nhưng toàn là máy bay ta, loại nhỏ, do phi công ta lái. Giờ lần đầu tiên leo lên máy bay “địch”, do địch lái, lại là máy bay C-130 được thiết kế bay vận tải, cứu thương và vận chuyển quân, loại máy bay này đáp ứng được nhiều vai trò, gồm máy bay vũ trang hạng nặng, tấn công trên không, tìm kiếm và cứu hộ, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thời tiết, tiếp dầu trên không và máy bay cứu hoả. Cũng chính C -130 đã thường xuyên bay dọc các cung đường Trường Sơn để săn xe vận tải và bộ đội ta hành quân.

Các cán bộ bảo vệ an ninh phái đoàn ta tại Trại Davis - Tân Sơn Nhất (ảnh chụp ngày 22/12/1973).

Leo lên máy bay rồi thấy cái gì cũng lạ lẫm và bỡ ngỡ. Khi máy bay chuẩn bị cất cánh, làm như vô tình họ để rơi xuống dưới sàn máy bay trước mặt Phạm Phú Bằng và phái đoàn ta một chồng Tạp chí Playboy như ngầm nói: “Chúng tôi còn thích ăn chơi lắm, chưa muốn chết đâu”. Hoặc là thông điệp: “Nếu các ông về với chúng tôi thì sẽ được ăn chơi sung sướng. Đất nước chúng tôi là thiên đường dưới trần gian”.

Sau này vào sống hai năm ở Trại Davis thì Phạm Phú Bằng và đồng đội của ông thường xuyên nhận được thông điệp thứ hai từ phía bên kia. Có lần làm như thân mật nhau từ lâu, một thiếu tá phái bên kia chỉ lên cầu vai thiếu tá của Phạm Phú Bằng nói: “Dù là thiếu tá như nhau nhưng nếu ông về với chúng tôi thì tiền lương của ông sẽ gấp đôi tôi đấy”.

Hay có lần họ lại khích: “Phía bên ông quân hàm thấp quá”. Và còn nhiều, còn nhiều cám dỗ khác nữa mà muốn đứng vững để chiến đấu và chiến thắng không còn con đường nào khác là phải tự mình làm công tác “an ninh” cho chính mình.

Sau này, nguyên Đại tá, Trưởng phòng Tình báo quân đội ngụy Nguyễn Văn Học khai: “Chúng tôi đã gặp một đối thủ quá cứng rắn. Tất cả những lần tiếp xúc thông thường thì không sao, nhưng khi đụng vào những nội dung cần thiết thì đều bị đánh bật ra, khiến những sĩ quan có hạng như chúng tôi cũng phải lắc đầu”.

Còn nhà báo Phạm Phú Bằng thì nói: “Các cám dỗ kia không đáng sợ bằng thỉnh thoảng đi điều tra, giữa đường hay đến đầu một thôn xóm - đặc biệt là thôn xóm có nhiều người từ miền Bắc di cư vào - họ giả bộ cho xe chết máy rồi bỏ đi đâu đó, chỉ để lại một mình mình với chiếc xe và khi đó dân tình ùa ra, mắng chửi, đe doạ. Trong những trường hợp đó, chỉ cần một chút mất bình tĩnh, manh động là phá hỏng cả đại cuộc, họ sẽ vu vạ cho ta phá hoại Hiệp định Paris”.

Bao giờ cũng vậy, đấu tranh trực diện với kẻ thù dù khốc liệt đến đâu cũng vẫn còn dễ chịu hơn là khi phải đấu tranh với chính dân mình, những người dân Việt cần cù chất phác nhưng vì những lý do nào đó đang bị địch lợi dụng để chống phá lại chính quyền cách mạng, làm mồi dẫn để chính quyền phía bên kia kiếm cớ phá hoại Hiệp định Paris.

Để đứng vững, chiến đấu đến ngày chiến thắng phải cần nhiều yếu tố, nhưng có một yếu tố không nhỏ đó là tình hữu nghị của bạn bè quốc tế. Nhiều nhà báo quốc tế, các sĩ quan Đoàn Hungary và Ba Lan trong Ủy ban quốc tế Kiểm soát và giám sát việc thi hành Hiệp định Paris ở Việt Nam (ICCS) đã phải thốt lên: “Chỉ có mỗi Đạo quân Giải phóng này chịu đựng được như thế”.

Điều này được nhà báo Phạm Phú Bằng kể lại: Có lần do làm việc trong điều kiện căng thẳng về thần kinh và quá sức về cường độ mà nhà báo Phạm Phú Bằng bị ốm nặng, sống trong lòng địch, bệnh viện, thầy thuốc đều của họ cả vì vậy mà ông đến bệnh viện, mà nhờ đến Đoàn Hungary trong Ủy ban quốc tế Kiểm soát và giám sát việc thi hành Hiệp định Paris ở Việt Nam (ICCS). Họ đã phải làm bệnh án của một sỹ quan Hungary để lấy thuốc về cho ông chữa bệnh.  

Sở dĩ đầu bài viết tôi có nhắc đến Thiếu tướng Hồ Văn Sanh - Bảy Sanh - với Đại tá nhà báo Phạm Phú Bằng vì đã nhiều lần tôi được đi dự trại viết văn cùng ông Bảy Sanh, trong những cuộc trò chuyện, ông thường nhắc đến những ngày tháng ở Trại Davis.

Theo như ông kể thì thời điểm đó, ông được tổ chức phân công làm Trưởng ban Thông tấn báo chí của phái đoàn quân sự Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong Ban Liên hiệp quân sự hai bên. Và chính các nhà báo như ông Bảy Sanh, Phạm Phú Bằng… là những người đã ghi lại được bằng chữ, bằng hình những khoảnh khắc hào hùng của một giai đoạn lịch sử hào hùng và vô cùng đặc biệt của quân và dân ta trong cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước.

Chính nhờ những cuộc đấu trí, đấu lực của ta đã bằng mọi cách buộc Mỹ phải rút quân đúng, đủ số lượng cả về người và vũ khí, trang bị, đúng thời gian từng đợt theo quy định dưới sự giám sát chặt chẽ của ta và ICCS. Ngày 29/3/1973, đúng thời hạn 60 ngày, người lính Mỹ cuối cùng, kể cả nhân viên quân sự Hoa Kỳ trong Ban Liên hợp quân sự 4 bên và 159 lính thủy đánh bộ canh gác Đại sứ quán của họ đã phải rút khỏi miền Nam sau 18 năm 8 tháng có mặt với vai trò đạo quân xâm lược.

Cũng trong giai đoạn 60 ngày, phái đoàn ta đã đấu tranh quyết liệt, buộc địch phải thực hiện việc trao trả gần 31.500 nhân viên quân sự và nhân viên dân sự của các bên bị bắt. Trong đó có các đồng chí Trương Mỹ Hoa, Võ Thị Thắng, Lê Quang Vịnh… Chính ông Bảy Sanh đã chụp được bức ảnh chị Võ Thị Thắng - Người có “Nụ cười chiến thắng” -  ngày được trao trả tù binh tại sân bay Lộc Ninh.

Năm nay đã bước sang tuổi 84, theo như ông nói là nhớ nhớ quên quên, nhưng tôi tin những tháng ngày ở Trại Davis và những kỷ niệm của một thời chiến đấu hào hùng, vô tư trong sáng sẽ theo ông đến hết cuộc đời

Nguyễn Thế Hùng
.
.
.