Nha Trang - Khánh Hòa: Đẻn cơm ôm đại nạn

Thứ Hai, 28/12/2009, 08:51
Vì sở hữu nọc độc kinh hồn nên chúng được mệnh danh "hung thần đại dương". Dân lặn biển chẳng may bị chúng "hôn" thì nắm chắc thảm cảnh "9 phần tử, 1 phần sống".

Những tưởng nọc độc khét tiếng ấy sẽ giúp chúng được bình yên trước mọi kẻ thù nhưng không, số phận của chúng rất bi thảm. Ngày lại ngày chúng bị đội quân thợ lặn tích cực săn lùng đặng bán cho những vị khách lắm tiền luôn cháy bừng tham vọng "dẻo dai đến mai vẫn khỏe" ...

Bên cạnh hải mã, hải long, nhiều khách phong trần trước khi rời gót khỏi thành phố biển Nha Trang luôn cố săn lùng những mẻ đẻn cơm (loại đẻn còn nhỏ) từ hàng phơi khô đến tươi sống đặng phục vụ cho nhu cầu tráng âm cường dương, mạnh gân, bổ cốt.

Ông Nguyễn Văn Hải, chủ một vựa hải sản khô trên đường Cầu Đá lúc đang giao bọc khô đẻn gồm 4 con với giá gần 1 triệu đồng cho ông khách đến từ TP HCM, gật gù: "Ông anh đúng là có con mắt tinh đời. Nói thật hũ rượu hải mã (cá ngựa) nếu thiếu thằng đẻn cơm này coi như giảm giá trị một nửa. Thằng này bổ nhờ nọc độc đấy. Truyền trực tiếp vào cơ thể người thì nọc của nó đóng vai lưỡi hái tử thần nhưng khi được hòa tan với rượu thì nó hóa thành trợ thủ bồi sức đắc lực cho anh em mình đấy".

Cảnh một pha hành quyết đẻn.

Ông khách đến từ Sài Gòn vừa rời bước thì xuất hiện chiếc taxi đỗ xịch trước cửa hàng, bước xuống là nhóm 4 ông khách đến từ thành phố ngàn thông (Đà Lạt), cả thảy giọng phấn khích hỏi chủ quầy: "Có đẻn không, còn nhiều không?". Nghe ông Hải trả lời: "Còn đẻn khô và đẻn đông lạnh", một ông khách sụ mặt, tỏ rõ thất vọng: "Tụi này cần hàng tươi sống kia. Không thể để lỡ con mồi sộp, ông Hải nhấc điện thoại alô.

Sau vài câu trò chuyện, ông vỗ đùi cái đét, bảo: "Ok, hàng tươi sống mới về, cần bao nhiêu có bấy nhiêu". Dứt lời ông chỉ khách sang địa chỉ của "lò sát đẻn" nằm cách đấy chưa đầy 30 bước chân với lời nhắn: "Chỗ đó là mối quen, các anh cứ nói anh Hải giới thiệu nó sẽ lựa đẻn chất lượng".  

Theo chân nhóm khách nọ, chúng tôi tận mắt chứng kiến hàng chục con đẻn được rọng trong chiếc thùng xốp sủi bọt khí trông rất dữ dằn nhưng không dữ bằng bà chủ sắp sửa cắt cổ, lột da chúng. Thỏa thuận với giá một con bao chế biến là 500.000 đồng với khách xong, bà nọ lạnh lùng dùng kẹp sắt lôi từng "hung thần đại dương" ra khỏi chiếc thùng, dùng dây thắt cổ con vật treo tòng teng trên chạc cây rồi lia dao vào đốt đuôi của nó khiến máu bắn xối xả vào chai rượu.

Thêm một cú lia dao nữa của bà nọ, bộ đồ lòng của con vật xộ ra, túi mật và trái tim hãy còn đập thoi thóp của nó được bà ta cho vào hũ rượu trong sự phấn khích tột độ của mấy ông khách. Trước khi nâng ly huyết xà đởm (rượu pha máu-mật rắn biển), một ông vóc dáng phương phi giọng hân hoan: "Khác xa thằng hổ chúa, hổ mang lúc nào cũng nằm lừ đừ trong hang trong hốc, thằng đẻn biển lúc nào cũng cử động, dịch chuyển nên toàn thân nó dược tính cao lắm, rất bổ cho gân cốt".

Thành phố biển Nha Trang hiện bùng nổ những hàng quán chuyên kinh doanh đẻn từ phơi khô đến cắt máu nuốt mật như khu vực cảng Cầu Đá, mê trận ki-ốt hải sản khô ở chợ Đầm, "đại lộ" ăn nhậu ở khu vực đối diện thắng tích Hòn Chồng… Ngoài ra còn vô số hàng quán khác ở khu Lư Cấm, trên đường 23/10 (khu vực cầu Hà Ra), đường Nguyễn Thị Minh Khai cũng sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu đẻn của khách gần xa.

Ông Nguyễn Vinh, nhà ở khóm Cận Sơn 1, đường Phương Sài, cho biết, như các loài anh em cùng họ, đẻn cơm sống ở các cửa sông hay gần bờ với độ sâu không quá 70m. Chúng ăn cá, đẻ con, mỗi lứa từ 1-4 con (thường 2-3 con). "Mùa sinh đẻ của đẻn biển vào khoảng tháng 12 âm lịch năm trước kéo dài đến tháng 2 năm sau. Mùa đẻn thực hiện thiên chức duy trì nòi giống cũng là thời điểm cánh thợ lặn tích cực săn lùng. Nghiệt ngã hơn là họ đặc biệt dồn tầm ngắm vào những con đẻn cái đang lúc bụng mang dạ chửa bởi giá của những con đẻn này đắt gấp đôi, có khi gấp 3 đẻn bình thường. Nó có giá vượt trội bởi người ta tin trứng và có khi rắn con còn nằm trong bào thai sắp chào đời cực kỳ bổ. Chính thú ăn chơi độc ác đó khiến đẻn biển ngày càng hiếm trên vùng biển Khánh Hòa".

Sách Đỏ Việt Nam đã đưa đẻn cơm vào danh mục các loài cần bảo vệ với ghi chú "bị săn bắt nhiều để làm thuốc nên có nguy cơ bị hủy diệt, không được đánh bắt trong mùa sinh sản và nếu bắt được đẻn nhỏ thì thả xuống biển" nhưng điều đó vẫn không thể cứu nguy cho "hung thần đại dương".

Cứ với đà này, chuyện loài rắn biển hiền lành kia bị hô biến vĩnh viễn khỏi thành phố biển chỉ còn là vấn đề thời gian. Các cơ quan hữu trách ở Khánh Hòa cần làm gì đó trước khi quá muộn!

Thành Dũng
.
.
.