Nhà “Điểu học” trên đỉnh Bạch Mã

Thứ Tư, 22/06/2005, 16:43

Hiểu rõ tập tính, bắt chước được tiếng hót của hơn 200 loài chim, từng biểu diễn tài nghệ trước Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cùng hàng ngàn lượt khách tham quan, thế nhưng trước đây đã có thời gian anh lại từng là một lâm tặc chuyên bẫy các loài chim quý. Người đàn ông kỳ lạ đó chính là nhà "điểu học" Trương Cảm...

Trương Cảm có vóc người vạm vỡ, hơi ngang tàng phi thẳng vào sân Vườn quốc gia Bạch Mã, nếu không có sự giới thiệu của anh em kiểm lâm thì tôi tưởng là... lâm tặc. Nhận ra vẻ ngạc nhiên của tôi, Trương Cảm cười nói: "Thì tui cũng một thời làm lâm tặc mà".

Anh kể: “Tui sinh năm 1968, trong một gia đình nghèo có tới 7 anh chị em ở làng Phú Thạch dưới chân núi Bạch Mã (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế). Đất đai cằn cỗi, nghề nông bữa đói, bữa no, cha tui cùng sắp nhỏ cứ đến những ngày giáp hạt lại vào rừng kiếm ăn. Hồi đó, vớ cái chi cũng lấy, từ gỗ lạt, nấm măng đến con rắn, con sóc... miễn là đắp đổi qua ngày.

Mỗi khi đi rừng với cha, tui rất thích nghe chim hót. Nghe rồi mê quá liền cố bắt chước. Sau nhiều lần tập, khi đi săn, tôi xin cha “đóng thế” chim mồi bằng cách chu môi lên bắt chước tiếng hót để... dụ chúng vào bẫy. (Cách bẫy của cha con tui là kiểu nhà nghèo, không có tiền mua chim mồi tốt đành phải “hót” thay cho chim mồi). Học riết, nên khi lên lớp 6 tui đã có thể bắt chước được tiếng của nhiều loài chim và bẫy chim không cần dùng chim mồi nữa.

Tiếng hót của chim cũng như tiếng nói con người. Lúc líu ríu gọi bầy, lúc véo von thánh thót, lúc cao giọng thách thức, khi lại chảnh chọe như hờn ghen. Học được tiếng chim rồi thì bẫy dễ lắm. Mỗi buổi đi bẫy về, tui xách cả chùm chim lủng lẳng ra chợ huyện, con hót hay thì bán cho dân chơi, con hót dở thì bán cho dân nhậu, cũng lần hồi đủ nuôi sống bản thân...”.

Ở Vườn quốc gia Bạch Mã có rất nhiều loài thú, chim quý hiếm, đặc biệt là loài trĩ sao. Đây là loài chim thuộc họ gà, được xếp vào nhóm 1B trong Sách đỏ Việt Nam, đặc biệt khó bẫy. Ấy thế mà cũng không qua được tay anh Cảm. Anh nhỏ nhẹ: “Một sớm đi rừng tìm trầm cùng cha, tui nhìn thấy một con trĩ sao tuyệt đẹp. Lông nó đầy sao, đuôi dài thượt, ước gần 2m. Con trĩ cứ lượn vòng tròn, miệng kêu líu ríu, thỉnh thoảng lại xòe cánh, vươn vai bước trên vạt đất trống đã được cu cậu dọn sạch lá từ trước. Thì ra con trĩ đang biểu diễn vũ điệu đặc biệt làm dáng, gọi bầy trong mùa yêu đương. Con cái thường chọn bạn tình thông qua những vũ điệu rực lửa, gợi tình của con đực. Tui càng xem, càng mê mẩn. Sau nhiều ngày rình xem tập tính và bắt chước tiếng kêu của con trĩ, tôi cũng tìm những vạt đất trống để đặt bẫy. Đố con nào thoát. Những năm 80, chim trĩ được khách chơi rất ưa chuộng, giá một con cỡ 150.000 đồng tương đương với vài chỉ vàng...”.

Chuyện “sát chim” của Trương Cảm có lẽ chỉ dừng lại ở đó nếu không có một biến cố. Năm 1989, khi  anh Cảm ôm cái lồng nhốt 2 con chim trĩ lớ ngớ đến bày ngay Nhà hát thành phố Huế bán như người ta... bán gà. Nhiều người tò mò xúm đến xem vòng trong vòng ngoài. Một ông khách lạ ngã giá rồi bảo anh Cảm lên xe Honda chở về nhà trả tiền. Xe dừng lại ở... Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế.

Ông Phan Thanh Lộc lúc đó là Chi cục trưởng mới hỏi: “Sao anh lại bắt trĩ? Anh có biết đã mắc tội gì không?”. Trương Cảm hồn nhiên bảo rằng chim là của rừng, ai bắt cũng được. Sau một thôi một hồi đọc luật bảo vệ rừng, ông Lộc bảo với anh rằng, tội bắt trĩ phải đi tù 18 tháng. Mới nghe vậy, Cảm sợ quá, bưng mặt khóc hu hu. Ông Lộc bảo: “Chú biết lỗi rồi thì để lại đôi trĩ ở đây và viết lại cách thức chăm sóc, cách cho ăn uống, dựng chuồng trại, đặc tính của trĩ...”. Thế rồi, ông Lộc ấn vào tay Trương Cảm 20.000 đồng để đi xe đò về nhà. Trương Cảm xúc động lắm.

Về nhà, anh khuyên cha: “Cha ơi, đừng vô rừng bẫy chim nữa, lần đầu bắt người ta còn tha, lần hai là vô tù đó. Người ta còn bảo việc săn bắn chim bừa bãi giống như việc làm của bọn lâm tặc”. Hai cha con Trương Cảm bỏ nghề bẫy chim từ bấy, mặc dù cũng chưa biết ngày mai sống bằng nghề gì. Dân miệt rừng Bạch Mã thường ru con rằng: “Núi sơn lâm nuôi dân đào tạo” - nghĩa là rừng phải nuôi dân, thế nhưng câu nói ấy ở thời điểm đó không còn phù hợp nữa, ít nhất là đối với cha con Trương Cảm.

Cho đến một ngày năm 1989, Tổ chức WWF về khảo sát tại Vườn quốc gia Bạch Mã để tìm hiểu về trĩ sao. Chẳng ai biết gì về con chim quý này kể cả kiểm lâm. Bí quá, ông Huỳnh Văn Kéo - kiểm lâm Chi cục ở đây giở “sổ đen” lâm tặc ra và thấy cái tên Trương Cảm. Chuyện về Trương Cảm bắt trĩ sống lại trong ông. Ông liền cấp tốc đi tìm gặp. “Em có muốn làm bảo vệ rừng không?”. Trương Cảm đang cắt lúa nghe vậy, liền buông liềm, nói: “Dạ muốn, thế nhưng bảo vệ rừng có được ăn no không?”. Ông Kéo bảo: “Không chỉ ăn no mà còn có tiền tiêu nữa”. “Rứa thì được”-Cảm bảo và hôm sau thu xếp đồ đạc, chiếu chăn lên Vườn quốc gia Bạch Mã ở.

Lúc đầu, Trương Cảm được giao nuôi chim thú bị lâm tặc bẫy. Thường những con chim, thú này khi về đến tay kiểm lâm đã yếu lắm, một số con còn bị thương, nếu không hiểu cách nuôi thì gần như cầm chắc là chết. Nhờ bàn tay khéo léo của Cảm mà lũ chim, thú này không chỉ thoát chết mà còn sống thoải mái như trong môi trường tự nhiên. Ba năm sau, Trương Cảm chính thức vào Đội Kiểm lâm cơ động của Vườn, với ước mong trả nợ đại ngàn.

Những kinh nghiệm của phường săn chim ngày nào giờ lại rất đắc dụng trong việc giúp Cảm bảo vệ rừng. Ngày đêm ở tít tận Trạm Kiểm lâm trên đỉnh Bạch Mã quanh năm mây phủ, cao hơn 1.600 mét này, ngoài những lúc tuần tra bảo vệ rừng, Cảm còn kiêm luôn cả hướng dẫn viên du lịch phục vụ khách tham quan.

Những lúc rỗi rãi, Trương Cảm lại gọi chim ra chơi cùng mình. Cảm khum khum hai lòng bàn tay, đưa lên miệng, má phồng lên “ro ro ro” - tiếng khướu cái gọi bạn tình cất lên, một đàn khướu đực ở quanh đó sà đến hót vang; lát sau anh chuyển sang tiếng chim gáy mùa yêu đương gọi “cúc cu..u...u” khiến mấy con chim gáy đang mải miết ăn quanh sân bêtông của vườn dỏng cổ lên gáy ầm ĩ. Cảm cười và bảo trong 333 loài chim ở Vườn quốc gia Bạch Mã, anh gọi được hơn 200 loài.

Không những gọi được chim mà anh còn hiểu rõ tập tính của chúng nữa. “Ma mãnh, đẻ mà không làm tổ là tu hú, bìm bịp, con bắt cô trói cột... cứ rình tổ chim quyên vắng chủ là tha trứng đi rồi đẻ trứng vào đó báo hại chim quyên cứ è cổ ra nuôi lũ “xanh vỏ, đỏ lòng”. Loài dũng mãnh và có tính cộng đồng cao là chim chơ rao (chèo bẻo). Con diều hâu nào bay qua có ý định ăn cắp trứng là cả bầy chơ rao bay lên vừa mổ vừa kêu ầm ĩ. Có trọng lượng chỉ bằng 1/10 con diều hâu nhưng lũ chơ rao cũng đuổi cho diều hâu phải “ôm đầu máu” bay dạt đi chỗ khác. Loài chim “đa thê” nhất là trĩ, một chim trống nhưng có tới 3 - 4 chim mái, ngược lại loài khướu lại rất chung tình. Trước có thợ săn bẫy được con khướu trống, ba năm sau quay lại, con khướu mái vẫn ở đó, buồn bã, ủ rũ, đơn độc, ngày ngày cất lên tiếng kêu thảm thiết, não nề...”.

Trong những năm tháng làm việc ở Vườn quốc gia Bạch Mã, Trương Cảm đã không nhớ nổi bao nhiêu lần biểu diễn tài nghệ bắt chước tiếng chim phục vụ khách tham quan trong và ngoài nước, nhưng có một lần anh không thể nào quên. Đó là lần biểu diễn phục vụ một vị khách đặc biệt: Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm. Sau khi tận mắt chứng kiến tài gọi chim của Cảm, Phó Thủ tướng cảm phục vỗ vai anh, bảo rằng: “Chuyện gọi chim, mà gọi được đến hơn 200 loài, sao Cảm không tự viết thành sách?”. Trương Cảm cứ suy nghĩ về lời động viên của Phó Thủ tướng nhưng anh bộc bạch chưa biết phải bắt đầu viết từ đâu.

Những tưởng suốt ngày cặm cụi trên núi cao, đơn độc và buồn tẻ nhưng có lẽ nhờ tài gọi chim siêu hạng mà Trương Cảm “gọi” được... tình yêu của người thiếu nữ cùng quê. “Vợ tui là giáo viên dạy cấp I, con trai của chúng tôi cũng đã 5 tuổi. Hiện cả 7 anh em trong gia đình tôi đang nhận bảo vệ rừng”. Trương Cảm cười, rồi thốt nhiên khum tay đưa lên miệng, thổi “cheo pheo... eo”. Tiếng chim chơ rao vang lên lanh lảnh vui tươi như báo hiệu một sức sống mới đang đến với đại ngàn Bạch Mã

Đoài Xứ
.
.
.