Nguyễn Văn Thiệu từ chức, lực lượng an ninh kêu gọi đối tượng ra trình diện, truy quét bọn phản cách mạng

Thứ Tư, 13/04/2005, 16:01
Ngày 18/4/1975, Trần Văn Đôn, Bộ trưởng Quốc phòng ngụy, sau khi đi kiểm tra tình hình đã rầu rĩ: "Tình trạng nguy ngập thật sự, sự sống chỉ còn đếm từng ngày, từng tuần, không thể tính từng tháng". Cùng ngày, chính quyền Mỹ ra lệnh di tản người Mỹ còn lại ở Sài Gòn. Din Brao được cử phụ trách một đoàn gồm 35 tàu chiến, 100 máy bay, 4 tàu sân bay rút khỏi miền Nam với cái tên "Người liều mạng".
Ngày 21/4/1975, Mỹ buộc Nguyễn Văn Thiệu từ chức Tổng thống Việt Nam Cộng hòa và cử Trần Văn Hương lên thay thế. Lúc này, ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn rối loạn lớn.

Trong bối cảnh đó, lực lượng an ninh các địa phương tích cực tham gia các mũi tiến công, góp phần chiếm lĩnh các mục tiêu, kêu gọi đối tượng ra trình diện, truy quét bọn phản cách mạng còn lẩn trốn, thu hồi vũ khí, phương tiện, hồ sơ, tài liệu của địch. Các lực lượng điệp báo cũng khẩn trương tiếp cận các căn cứ của địch, dùng các thủ thuật để ngăn ngừa, tác động không cho chúng tiêu hủy tài liệu. Đây là yêu cầu quan trọng để khi lực lượng của ta tấn công, chiếm lĩnh các vị trí của địch, vẫn đảm bảo việc thu giữ vũ khí, tài liệu, các phương tiện liên quan.

Nhiều cơ sở của ta tích cực tác động để binh lính, sỹ quan ngụy tự giác thu nộp vũ khí, phương tiện, từ bỏ ý định chống trả cách mạng. Chính nhờ sự vận động linh hoạt này nên sau khi ta tiến công vào Sài Gòn, nhiều binh lính, sỹ quan ngụy tự nguyện giao nộp vũ khí, phương tiện, tài liệu, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy nhanh tiến trình đi đến thắng lợi hoàn toàn của chiến dịch.

Trong 4 tháng đầu năm 1975, lực lượng CAND đã đưa vào miền Nam 4.500 cán bộ, trong số đó có hơn 1.000 cán bộ quê ở miền Nam và hơn 3.400 cán bộ quê miền Bắc. Các loại vũ khí, phương tiện, trang thiết bị khác cũng gấp rút được chuyển vào chiến trường miền Nam
CAND
.
.
.