Nguy hiểm rình rập người đi bộ phớt lờ quy định

Chủ Nhật, 28/01/2018, 08:22
Nhằm đẩy lùi vi phạm, tai nạn giao thông (TNGT) cũng như đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho người đi bộ, mới đây, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định, người tham gia giao thông vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ 7-15 năm. PV Báo CAND đã tìm hiểu về vấn đề này.

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định rõ: Người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường; người đi bộ chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn; người đi bộ không được vượt qua dải phân cách, không đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy; khi mang vác vật cồng kềnh phải bảo đảm an toàn và không gây trở ngại cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ v.v…

Tuy nhiên, sau khi Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có hiệu lực, nhiều người đi bộ vẫn thản nhiên vi phạm.

Điều này chứng minh bởi những hình ảnh thót tim liên quan người đi bộ sang đường, vượt dải phân cách… không đúng quy định trên nhiều tuyến phố Hà Nội và một số tỉnh, thành lân cận thời gian qua. Không ít vụ va chạm, tai nạn giao thông (TNGT) đau lòng đã xảy ra.

Người đi bộ sang đường không đúng quy định trên đường Phạm Văn Đồng.

Để tăng tính thượng tôn pháp luật, theo Điều 260 – Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Làm chết người; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng v.v..

Đáng chú ý, nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Làm chết 03 người trở lên; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên…

Quy định trên có tạo tính răn đe, bình đẳng đối với người tham gia giao thông đường bộ? Ngày 14-1, trao đổi với chúng tôi, Đại tá Trần Sơn, nguyên Phó trưởng Phòng Hướng dẫn luật và Điều tra, xử lý TNGT - Cục CSGT  (Bộ Công an) cho rằng, quy định ở Điều 260, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã không còn bó hẹp trong phạm vi “người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ”, thay vào đó điều khoản này đã mở rộng phạm vi thành “người tham gia giao thông” bao gồm: người đi bộ, người điều khiển, sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ: xe thô sơ, xe máy, ôtô v.v..

Căn cứ theo quy định trên, người đi bộ nếu vi phạm các quy định pháp luật hiện hành mà gây hậu quả nghiêm trọng có đủ căn cứ xử lý hình sự có thể bị phạt tiền, phạt tù đến 15 năm.

Những nội dung trên đã góp phần tạo tính bình đẳng, răn đe, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người tham gia giao thông, trong đó có người đi bộ.

Ngày 1-1-2018 là thời điểm Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực. Thế nhưng, khi khảo sát trên một số tuyến phố ở Hà Nội như: Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Trãi, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt… trong những ngày qua, chúng tôi thấy, nhiều người đi bộ vẫn thản nhiên “băng” qua đường không đúng quy định, làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn.

Điển hình vào lúc 15h ngày 13-1, trên tuyến đường Phạm Văn Đồng – đoạn đối diện trụ sở UBND phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, nhiều người điều khiển phương tiện tham gia giao thông tới đây đều thấy “lạnh gáy” trước hình ảnh đôi nam nữ bất chấp dòng phương tiện đang lao vun vút, vượt dải phân cách sang đường.

Do bất thình lình xuất hiện người đi bộ vượt dải phân cách, một số tài xế điều khiển phương tiện đi trên đường phải bẻ lái gấp sang bên phải, suýt gây ra va chạm, TNGT với các phương tiện lưu thông cùng chiều phía sau.

Có thể thấy rằng, Điều 260, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định khá rõ chế tài xử lý đối với người tham gia giao thông vi phạm luật gây hậu quả nghiêm trọng. Đây là những quy định cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, song để quy định đi vào thực tế rất cần sự chung tay của các ngành, các cấp.

Đại úy Lê Văn Tiến, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 9, Phòng CSGT (CATP Hà Nội) cho rằng, để quy định không nằm trên giấy, công tác tuyên truyền (thông qua các cơ quan báo chí truyền thông, pa nô, áp phích…) phải được tập trung, đẩy mạnh hơn nữa, nhất là ở các khu vực thường xuyên xuất hiện tình trạng người đi bộ lộn xộn, sang đường không đúng quy định.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần rà soát, khắc phục kịp thời những bất hợp lý trong việc phân bổ, tổ chức các vị trí cho người đi bộ sang đường, tránh tình trạng trên trục đường dài cả 1km mới có một lối dành cho người đi bộ sang đường.

Đại tá Trần Sơn cũng nêu quan điểm, cùng với công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung, quy định pháp luật, giúp người dân tự điều chỉnh hành vi của mình, qua đó bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe bản thân và cho người khác.

Mặt khác, các cơ quan chức năng phải tạo điều kiện tốt nhất cho người dân chấp hành các quy định của pháp luật như: xử lý nghiêm tình trạng chiếm dụng vỉa hè để kinh doanh, trông giữ xe khiến người đi bộ phải “tràn” xuống lòng đường; bố trí lắp đặt hệ thống cầu đường bộ, đèn tín hiệu, vạch kẻ đường chỉ dẫn… một cách đồng bộ, hợp lý, nhất là tại các nơi có mật độ tham gia giao thông đông.

Trần Huy
.
.
.