Làng gốm Phù Lãng trước nguy cơ mai một:

Nguồn riêng giữa dòng chung

Chủ Nhật, 30/11/2014, 13:28
Thương hiệu gốm Phù Lãng (xã Phù Lãng, Quế Võ, Bắc Ninh) được hình thành và biết đến từ hàng trăm năm nay với những sản phẩm thủ công truyền thống đã đi sâu vào trí nhớ của người dân. Nhưng ngày nay, cùng với sự xuất hiện đa dạng các mặt hàng gia dụng, đầu ra sản phẩm gặp khó khăn, gốm Phù Lãng đang đứng trước nguy cơ mai một. Câu chuyện giữ thương hiệu nghề cũng là vấn đề chung đặt ra với nhiều làng nghề truyền thống hiện nay.

Vang bóng mt thời

Nằm bên bờ sông Cầu thơ mộng, Phù Lãng mang vẻ đẹp trầm mặc của một làng nghề gốm cổ. Không nhộn nhịp, ồn ã như làng gốm Bát Tràng, Phù Lãng hiện lên mộc mạc với những ngôi nhà gạch trần, mái ngói rêu phong, ẩn hiện bên những cung đường làng quanh co. Gốm xuất hiện mọi nơi tại đây, từ đường làng, ngõ xóm tới cánh đồng, đâu cũng có sự hiện diện của những vật dụng từ gốm như chum vại, ấm…

Phù Lãng nổi tiếng về nghề gốm với lịch sử gần 800 năm tồn tại. Cùng với Bát Tràng (Hà Nội), Thổ Hà (Bắc Giang) và Chu Đậu (Hải Dương), sản phẩm gốm Phù Lãng từ lâu đã gắn liền với cuộc sống sinh hoạt của người dân. Theo lịch sử làng nghề, ông tổ nghề gốm ở Phù Lãng là Lưu Phong Tú, một vị quan thời Lý. Trong một lần đi sứ, ông đã học được nghề làm gốm. Về nước, ông truyền dạy cho nhân dân vùng hai bên dòng Lục Đầu Giang, sau đó chuyển về vùng Vạn Kiếp (Hải Dương). Vào khoảng đầu thời Trần (thế kỉ XIII), nghề gốm được chuyển đến Phù Lãng. Trải qua thời gian, với bàn tay tài hoa của nghệ nhân, gốm Phù Lãng đã cho ra đời những sản phẩm bền đẹp và hữu dụng.

Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Nguyên, nếu như gốm Thổ Hà có nguyên liệu là đất sét xanh, gốm Bát Tràng là sét trắng thì gốm Phù Lãng là đất sét có màu hồng nhạt, được những người thợ chế biến thật mịn, đều rồi đưa lên bàn xoay để chuốt thành nhiều loại sản phẩm khác nhau, đợi khi sản phẩm se bớt rồi tiến hành tráng men. Mỗi sản phẩm đều được làm thủ công hoàn toàn từ khâu nặn, chuốt đến trang trí, vẽ hoa văn, lên men rồi phơi khô dưới nắng tự nhiên. “Dáng của gốm mộc mạc, thô phác nhưng khỏe khoắn, chứa đựng vẻ đẹp nguyên sơ của đất với lửa. Đó cũng là thứ làm nên sức hút đặc biệt của gốm Phù Lãng” - ông Nguyên tự hào.

Hội tụ đầy đủ các yếu tố văn hóa, lịch sử, mỹ thuật nên cũng dễ hiểu khi Phù Lãng từng là điểm đến của nhiều du khách, các công ty chuyên phân phối đồ gốm sứ từ nhiều năm trước đây. Thương hiệu gốm Phù Lãng đã được định hình và đi sâu vào tiềm thức. “Nhưng đó là ngày xưa thôi, chứ giờ lượng sản phẩm bán ra giảm sút nghiêm trọng, nhiều gia đình đã phải đóng cửa lò gốm” - ông Nguyên buồn rầu cho biết.

Gốm Phù Lãng vẫn chưa được đăng ký thương hiệu chính thức và đang đối diện với nhiều khó khăn.

Phi t tìm li thoát

Nghề gốm từng giúp cho kinh tế của bao gia đình Phù Lãng phát triển, thế nhưng giờ đây, trước những thách thức của thị trường, làng nghề đã không thể duy trì sản xuất như xưa. Điều trăn trở nhất đối với những nghệ nhân tâm huyết của làng nghề gốm Phù Lãng, đó là trong khi gốm Chu Đậu, Bát Tràng tiếp tục phát triển và khẳng định được thương hiệu vốn có, Phù Lãng lại đứng trước nguy cơ mai một vì sản phẩm tiêu thụ kém, nhiều hộ bỏ nghề. “Cả làng giờ chỉ còn khoảng 100 hộ giữ nghề, thay vì hàng trăm hộ như trước đây. Nhiều hộ đã tạm ngừng sản xuất, hoặc bỏ hẳn sang làm nghề khác” - Chủ tịch UBND xã Phù Lãng Nguyễn Tiến Nên cho biết.

Cũng theo ông Nên, nguyên nhân khiến sản phẩm gốm Phù Lãng không còn được người tiêu dùng ưa chuộng là do chưa có chương trình giới thiệu sản phẩm làng nghề đến đông đảo người tiêu dùng; sản phẩm còn đơn điệu, trong khi nhiều khách hàng có xu hướng sử dụng sản phẩm nhựa giá thành rẻ hơn. Để bắt kịp thị trường và đa dạng hóa sản phẩm, làng gốm Phù Lãng đã chuyển dịch từ thuần túy sản xuất hàng thủ công sang làm một số mặt hàng gốm mỹ nghệ, trang trí và các sản phẩm có hoa văn tinh tế. Tuy nhiên, đa phần các mặt hàng này chỉ tiêu thụ được trong mấy tháng gần Tết. Trước những khó khăn trên, ông Nguyễn Tiến Nên cho biết, địa phương đang nỗ lực tìm những giải pháp cải thiện mẫu mã, kỹ thuật sản phẩm, gìn giữ nghề của cha ông.

Theo thống kê, cả nước có khoảng 2.000 làng nghề, trong đó có 30% là làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng làng nghề còn duy trì hoạt động chỉ dừng ở con số 100. Giống như Phù Lãng, nhiều làng nghề truyền thống có tiếng khác cũng chung nỗi lo mai một nghề. Nhiều sản phẩm nghề dù được đánh giá cao về chất lượng nhưng vẫn chưa được chính thức công nhận và có biện pháp bảo hộ thương hiệu. Việc giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, trung tâm thương mại phải mất nhiều chi phí, vì vậy các làng nghề chưa thực sự mặn mà cho việc quảng bá sản phẩm và phát triển thương hiệu…

Ông Lưu Duy Dần, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Làng nghề Việt Nam nhận định, tình trạng các làng nghề hoạt động manh mún, thiếu sự kết nối giữa các làng nghề cũng đang là trở ngại trong phát triển thương hiệu nghề hiện nay. “Nhiều nơi còn có tâm lý dựa dẫm vào tiếng tăm làng nghề, không chú trọng đăng ký nhãn hiệu dẫn đến sản phẩm dễ bị làm giả, hoặc định giá thấp trên thị trường” - ông Dần cho biết thêm.

Trước hàng loạt khó khăn đặt ra, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, đòi hỏi các làng nghề một mặt phải tự tìm cách tháo gỡ, mặt khác cũng phải nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan, ban, ngành chức năng. Có như vậy mới mong giữ được nghề cho nhân dân phát triển kinh tế và giữ được những làng nghề truyền thống của cha ông để lại.

Nguyễn Lộc
.
.
.