“Người yêu” 35 năm mới gặp

Thứ Năm, 27/07/2006, 09:00

Ông Hà Minh Mẫn không sao kìm được xúc động khi biết tin rằng chị Sách - “người yêu chưa biết mặt của mình” sau hai lần cho máu để cứu sống ông, đã bị suy nhược cơ thể, tóc rụng gần hết. Bác Hồ biết tin đã gửi tặng chị Huy hiệu của Người.

Cầu Mỹ Đức, nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh, thuộc huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, bị phá. Một đơn vị công binh của Đoàn 559 cấp tốc được điều động đến để làm bến phà qua sông Cẩm Ly, thay cho cầu. Khi bến phà hình thành, giặc Mỹ phát hiện liền cho máy bay đến ném bom, rải thảm.

Trận bom ngày 7/5/1965 của máy bay Mỹ xuống bến phà Cẩm Lý đã giết chết 37 xã viên Hợp tác xã thôn Mỹ Đức, và làm hàng trăm người dân khác bị thương. Một số chiến sĩ công binh hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Một số bị thương nặng phải đưa đến cấp cứu tại bệnh viện dã chiến huyện Lệ Thủy, đóng ở làng Mai Hạ, gần dưới chân dãy núi Trường Sơn.

Ai là người yêu của tôi?

Sau khi cùng những người sống sót mai táng những người bị giặc Mỹ giết hại, chị Nguyễn Thị Sách, Đội phó Đội sản xuất, chiến sĩ Khẩu đội súng phòng không 12 ly 7, Trưởng ban Công an thôn Mỹ Đức, xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy đã đến Bệnh viện Mai Hạ thăm hỏi đồng bào, đồng chí và những người thân của mình bị bom Mỹ gây thương vong.

Khi chị đang ngồi ở giường bệnh thăm hỏi ông Nhạc, Đội trưởng Đội sản xuất, một cán bộ cốt cán trong thôn đang điều trị ở đây thì cô y tá bệnh viện từ phòng mổ đi ra. Cô cho mọi người biết, có một chiến sĩ công binh ở bến phà bị thương nặng, dập nách, đang mổ nhưng thiếu máu. Các bác sĩ, y tá đều không ai có nhóm máu O như anh ấy. Chị Nguyễn Thị Sách đứng bật dậy, nắm tay cô y tá:

- Tôi có nhóm máu thuộc nhóm O đây. Lấy máu của tôi tiếp cho anh ấy.

Thái độ xởi lởi, vô tư của chị Sách làm những thầy thuốc trong phòng mổ như trút được gánh nặng. Họ nhanh chóng làm xét nghiệm rồi truyền máu cho người thương binh. Với lượng máu nhận được từ chị Sách, anh thương binh sắc mặt hồng lại dần, nhưng đồng hồ đo huyết áp vẫn chỉ con số chưa đủ cho sự sống.

Các y tá lại nháo nhào đi khắp các phòng bệnh tìm người cho máu. Nhưng vô vọng vì những người bị thương đều quá yếu.

Nguyễn Thị Sách thấy vậy, bèn chạy thẳng vào phòng mổ, xắn tay áo lên, nói với bác sĩ:

- Cứ lấy thêm máu của tôi truyền cho anh ấy.

- Không được, nguyên tắc y học không cho phép chúng tôi làm thế, sẽ nguy hiểm đến tính mạng của cô - Một bác sĩ nhã nhặn trả lời.

Ông Nhạc nghe chuyện từ phòng mổ vọng ra, vội vàng bước vào:

- Đừng lấy máu của cô ấy nữa. Cô ấy là nòng cốt của thôn tôi. Nhỡ có việc gì thì ai lãnh đạo, ai cáng đáng công việc chung của thôn?

Nguyễn Thị Sách khẩn khoản nói với bác sĩ:

- Phải cứu lấy anh ấy. Anh ấy là người yêu sắp cưới của tôi. Anh ấy mà hy sinh thì tôi sống làm sao?

 Được tiếp máu lần thứ hai, sự sống đã trở lại trên sắc mặt, đôi mắt anh thương binh có tên là Hà Minh Mẫn. Mấy ngày sau anh đã uống được sữa, nói chuyện được với mọi người. Bác sĩ viện trưởng đến thăm hỏi anh:

- Anh biết ai là người đã cứu sống anh không?

Thương binh Hà Minh Mẫn cảm động nói:

- Dạ, em vô cùng cảm ơn các bác sĩ, y tá đã tận tình cứu chữa cho em.

- Không - Bác sĩ viện trưởng vỗ nhẹ vai anh - Người yêu anh cứu sống anh đó. Cô ấy đã chẳng ngại hy sinh, hai lần tiếp máu cho anh. May mà cô ấy chỉ bị choáng hơn 1 giờ rồi trở lại bình thường. Trước khi ra về, cô ấy đã để lại toàn bộ đường sữa, tiêu chuẩn của người hiến máu lại cho anh bồi dưỡng mấy ngày nay đó.

Anh thương binh Hà Minh Mẫn nghe xong thì ngơ ngác, tưởng là mình đã nghe nhầm. Vì anh có vợ, con ở Thái Bình. Anh tốt nghiệp Trường trung cấp Giao thông xong là tình nguyện gia nhập quân đội và được bổ sung vào lực lượng công binh, vào Quảng Bình phục vụ chiến đấu. Những cô gái thanh niên xung phong gặp ở Quảng Bình thì nhiều nhưng anh không hề yêu ai. Ai nhận là người yêu của mình? Câu hỏi đó chưa được trả lời thì đơn vị đã đưa xe đến chuyển anh về Viện Quân y 108 ở Hà Nội điều trị.

35 năm mới tìm được “người yêu”

22 tháng tiếp tục nằm viện, mổ đi mổ lại thêm hai lần nữa, xuất viện, thương binh 2/4 Hà Minh Mẫn xin được về làm việc ở văn phòng Phòng Kỹ thuật - Bộ Giao thông. Cấp trên cho anh vừa công tác, vừa đi học đại học tại chức.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Giao thông, kỹ sư Địa chất học công trình Hà Minh Mẫn được điều về làm việc tại Phòng hồ sơ Viện thiết kế, nay là Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông thuộc Bộ Giao thông Vận tải. Năm 1983, ông xin nghỉ hưu theo thông tri 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Vợ chồng ông Hà Minh Mẫn.

Bao nhiêu năm tháng công tác ở Hà Nội, ông Hà Minh Mẫn rất muốn biết người con gái năm xưa đã cứu mình để báo đáp ơn cứu mạng. Nỗi canh cánh đó lan sang vợ con ông. Con trai ông là Đại tá Hà Thanh Độ ở Phòng Tham mưu Chính trị, thuộc Cục V26, Bộ Công an.

Giữa năm 1999, trong một lần vào Quảng Bình công tác Đại tá Độ đã tìm về thôn Mỹ Đức, xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy. Đại tá Độ đã hỏi thăm và biết rõ, ân nhân của bố mình, của gia đình mình là bà Nguyễn Thị Sách, nguyên là Trưởng Công an thôn, rồi Trưởng Công an xã, sau đó là Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy đang nghỉ hưu.

Năm 2000, nhân dịp xã Sơn Thủy đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND, đã ở tuổi 72, ông Hà Minh Mẫn vẫn cùng vợ từ quê hương, nơi ông đang nghỉ hưu thuộc đội 3, xã Thái Thịnh, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình vào dự lễ và gặp ân nhân của mình 35 năm trước. Ông Hà Minh Mẫn không cầm được nước mắt khi lần đầu tiên được gặp bà Sách.

Ông không sao kìm được xúc động khi biết tin rằng chị Sách sau hai lần cho máu để cứu sống ông, một thời gian sau đó chị Sách đã bị suy nhược cơ thể, tóc rụng gần hết. Bác Hồ biết tin đã gửi tặng chị Huy hiệu của Người. Năm 1967, cô dân quân, Trưởng Công an xã Sơn Thủy Nguyễn Thị Sách được vinh dự ra Hà Nội trực tiếp báo cáo thành tích chiến đấu góp phần tổ chức đời sống, giữ gìn trật tự an ninh ở địa phương với Bác Hồ và được Bác Hồ tặng thêm một Huy hiệu của Người.

Biết Nguyễn Thị Sách chưa lập gia đình, Bác ân cần: “Cháu lấy chồng đi chứ!”. Trưởng Công an xã Sơn Thủy thưa lại: “Dạ, cháu cảm ơn Bác, bao giờ đất nước bình yên cháu lấy cũng vừa ạ!”. Cô gái Nguyễn Thị Sách lao vào công tác xã hội, mãi đến năm 1974, ở tuổi 33 mới lập gia đình. Chồng chị là Đại tá quân đội Hồ Sỹ Đạo, quê Bình Định. Họ gặp nhau, yêu nhau nhân dịp cùng đi dự Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc. Họ có hai người con gái, một đang là cô giáo trường làng, một làm thợ may.

Những ngày đầu năm 2006, Đại tá Hà Thanh Độ đã cùng bố mẹ vào Quảng Bình thăm lại chiến trường xưa, thăm lại gia đình bà Nguyễn Thị Sách. Họ đã xem nhau như người trong một gia đình từ lâu...

Hồ Ngọc Diệp
.
.
.