Người viết thư thuê nuôi 2 con ăn học

Thứ Sáu, 01/02/2008, 13:00
Người dân TP biển Rạch Giá chẳng lạ gì ông Phạm Hồng bởi hằng ngày, ông thường ngồi tại Bưu điện TP Rạch Giá để viết thư thuê. Gần hai thập niên qua, ông đã viết khoảng 60.000 lá thư để kiếm tiền nuôi các con ăn học. Thấy hoàn cảnh người nào nghèo khó thì ông viết giùm, chẳng lấy tiền...

Trong danh sách lễ tuyên dương 58 gia đình hiếu học của Hội Khuyến học TP Rạch Giá (Kiên Giang) vừa tổ chức cách đây mấy hôm, có tên ông Phạm Hồng, cán bộ hưu trí.

Tôi làm là vì thương người nghèo ít chữ

7h sáng, khi chúng tôi có mặt tại Bưu điện TP Rạch Giá thì cũng là lúc ông Hồng cọc cạch đạp xe đến sở làm. Khách đầu tiên của ông ngày hôm nay là bà Nguyễn Thanh Tuyền ở phường Vĩnh Thanh Vân, TP Rạch Giá. Bà Tuyền nhờ ông viết lá thư với nội dung hỏi thăm sức khỏe đứa cháu nội đang học trên TP Hồ Chí Minh.

Để nuôi cháu, bà Tuyền trông chờ vào những tờ vé số hàng ngày; còn con bà chạy xe ôm. Chẳng may, người con bị TNGT hiện đang nằm viện. Bà tâm sự: "Chú viết cho nó là bà nội và cha nó đều khỏe để nó yên tâm học hành. Tội nghiệp nó biết gia đình nghèo nên tiêu xài rất nhín nhút. Ở trển, nó cũng dạy kèm nên tiền tôi và ba nó gửi lên mỗi tháng chỉ năm sáu trăm ngàn đồng".

Viết xong lá thư theo yêu cầu của bà Tuyền, ông Hồng không lấy tiền. Bà Tuyền dứt khoát không chịu: "Chú viết cũng mệt óc lắm chứ, với lại tôi cũng đủ tiền trả mà".

Khách kế đến là bà Lê Thị Bích, ở phường Rạch Sỏi, TP Rạch Giá. Bà Bích nhờ ông viết đơn miễn viện phí cho chồng. Khi ông hỏi đến gia cảnh, bất ngờ bà Bích rưng rưng: "Vợ chồng tôi chỉ có một đứa con. Gia đình 3 người sống chủ yếu nhờ vào 3 công đất ruộng và làm thuê. Từ ngày thằng con trai có vợ, nó nghe lời vợ ra riêng, liên tục gây gổ, chửi bới, thưa kiện đòi vợ chồng tôi phải đưa hết 3 công đất cho vợ chồng nó. Chồng tôi do buồn phiền nên mới bị lên máu, nhập viện. Vậy mà nó vẫn thản nhiên không đến thăm ổng".

Mắt của ông Hồng cũng ngân ngấn theo lời kể của bà Bích. Sau khi viết xong, ông an ủi người phụ nữ bất hạnh, hướng dẫn bà về chính quyền địa phương để xác nhận đơn. Và cũng như trường hợp bà Tuyền, ông không lấy tiền. Bà Bích xúc động: "Anh là người dưng xa lạ còn có nghĩa tình, trong khi con tôi là cốt nhục lại cạn tàu ráo máng".

Và cứ thế đến người khách thứ 3, thứ 4, thứ 5… Đồng hồ điểm 11h, ông Hồng nghỉ trưa. Đúng 13h30', ông lại đến. Công việc của ông thường kết thúc lúc 17h, một ngày viết thư cho bà con.

Còn sức là còn viết

Ông Phạm Hồng, 64 tuổi, tại xã Hồng Lĩnh, huyện Hưng Hà, quê lúa Thái Bình. Năm 20 tuổi, ông Hồng nhập ngũ và được đào tạo thành kỹ sư thông tin. Năm 1982, ông được phân công công tác ở Bưu điện tỉnh Kiên Giang. Khi ông đang làm Trưởng đài điện báo - Điện thoại thì di chứng những trận sốt rét rừng trong thời quân ngũ cộng với căn bệnh gan đã làm sức khỏe ông suy sụp nặng. Ông đã được giải quyết chế độ hưu ở tuổi 48.

Ở nhà được một thời gian, thấy sức khỏe đỡ hơn, vốn là người của công việc không quen cảnh ngồi không; với lại phải xoay xở kiếm tiền nuôi 2 con ăn học, ông Hồng xin hợp đồng với Bưu điện Rạch Giá cho ông đặt chiếc bàn nhỏ, ngồi một góc để viết thư cho những bà con không có khả năng viết thư cho người thân ở xa.

Ông kể, khách thuê viết thư đủ các thành phần trong xã hội: công nhân, nông dân, người buôn bán… Đa phần không biết chữ hoặc chỉ biết võ vẽ vài từ. Nội dung thư xoay quanh chuyện thăm hỏi sức khỏe người thân, báo tin vui buồn, đơn xin miễn học phí….

Tùy theo nội thư phức tạp hay đơn giản, ngắn hay dài, viết cho người trong nước hay cho thân nhân ở nước ngoài mà có giá từ 1.000đ - 5.000đ. Người đến nhờ ông không phải chỉ ở TP Rạch Giá mà còn khắp tỉnh Kiên Giang. Với thu nhập bình quân ngày cũng được vài chục nghìn đồng cộng thêm số tiền hưu của 2 vợ chồng đủ để ông nuôi 2 đứa con đang học đại học. 

Mặc dù trình độ học vấn cũng kha khá nhưng vốn tính cẩn trọng và cũng để nghề nghiệp ngày càng cứng nên trên bàn ông lúc nào cũng có quyển Từ điển tiếng Việt, Bộ luật Dân sự… Dù thư đó nội dung gì ông cũng tẩn mẩn gò từng nét chữ cũng như câu cú, chính tả. Ông Hồng tâm sự: "Nghề này phải có cái tâm. Đừng nên thấy người ta có trình độ thấp rồi viết qua quít, cẩu thả cho nhanh lấy tiền. Người ta nghèo, không biết chữ, mới tìm đến mình, không nên thất đức".

Ông kể, không phải ai thuê gì ông đều viết cả. Có lần 2 vợ chồng nọ, vàng đeo rủng rỉnh đầy người, nhờ ông viết thư cho con gái đang ở Canada gửi tiền về vì họ đang bị bệnh hiểm nghèo. Nghe họ bàn bạc với nhau, nhìn thái độ trơ trẽn của họ, ông ngán ngẩm: "Anh chị về đi, tôi không viết đâu. Con anh chị ở nơi xứ người, làm lụng cực nhọc mới có tiền, thế mà anh chị không dùng tiền con gửi về làm ăn, mà cứ bắt con gửi về để lo bài bạc, rồi se sua, chưng diện với xóm giềng". Hai vợ chồng nọ sượng sùng líu ríu ra về.

Cứ thế gần 20 năm qua, ngòi bút của ông đã tải trên giấy bao nhiêu nước mắt, nụ cười, đau đớn, hạnh phúc… của nhân sinh thế sự. Ông mừng lây theo cánh thư vui của khách cũng như buồn cùng nỗi đau của họ. Có lẽ thư viết trúng tủ nhất là đơn xin miễn học phí, bởi vì "đồng cảnh tương lân" mà.

Ông buồn nhất là viết thư cho những người thất thập cổ lai hy có con cháu ở phương xa. Viết xong ông Hồng đọc lại, câu văn khắc khoải nỗi nhớ thương khiến những người khách tóc bàng bạc sợi mưa, nước mắt lưng tròng và ông cũng cám cảnh khóc theo.

Tôi hỏi trong nghề của mình ông hoan hỉ nhất khi nào? Ông bảo rằng đó là những trường hợp những người nghèo khó được ông viết thư miễn phí đến cám ơn ông và tặng đường, sữa, bánh trái vì đã có những lời động viên giúp họ vượt qua cơn bĩ cực để giờ con họ đã học thành tài, có công ăn việc làm hẳn hoi.

Ông tâm sự: "Con trai lớn của tôi đang học năm thứ 3 Trường Đại học Bưu chính - viễn thông ở TP Hồ Chí Minh, còn đứa kế đang học năm nhất Khoa Xây dựng công nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ. Khi nào các con ra trường, tôi vẫn tiếp tục viết thư thuê nếu sức khỏe cho phép. Bởi vì đã trót yêu nghề và cũng là có cơ hội giúp đỡ bà con có hoàn cảnh khó khăn".

Bà Nguyễn Thị Chung - Bí thư Chi bộ Khu phố Lý Thường Kiệt, phường Vĩnh Quang, TP Rạch Gia - nơi ông Hồng đang sinh hoạt Đảng, cho biết: "Hiếm người cha người chồng như ông Hồng. Dạy con rất khéo. Vợ ông bị bệnh thận trong những năm gần đây. Ngày hai buổi ông đạp xe đến bưu điện viết thư thuê để có tiền nuôi con ăn học. Và trên chiếc xe đạp cũ đó, tuần 2 lần chở vợ đến bệnh viện chạy thận nhân tạo. Những khi vợ đau yếu hoặc trở cơn bệnh nặng, ông túc trực suốt ở phòng bệnh, tận tụy lo chuyện bếp núc, vệ sinh, giặt giũ, chăm sóc vợ... Thế mà không bao giờ người ta thấy ông quạo cọ hay một lời than vãn…".

Các nhân viên bưu điện bảo rằng ông rất cần mẫn, dù ngày nắng hay ngày mưa ông cũng không bao giờ vắng mặt ở bàn làm việc, trừ khi đi họp Chi bộ Đảng hoặc khi vợ bị bệnh nặng

Ngọc Hương
.
.
.