Kỷ niệm 123 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 – 19-5-2013):

Người “vẽ” chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng... máy đánh chữ

Thứ Sáu, 17/05/2013, 22:14
Để ghi nhớ công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ ông Ngô Mạnh Tiên (93 tuổi), hiện đang sống tại 159 Đinh Tiên Hoàng, phường Thuận Lộc, TP Huế, đã sử dụng các chữ cái, ký tự và mực in của máy đánh chữ để khắc họa nên chân dung của Người. Bức họa này được xem là một kiệt tác về chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam...

Chúng tôi tìm về nhà cụ Tiên vào một ngày trung tuần tháng 5/2013. Bên trong ngôi nhà cổ kính nằm nép mình bên thành nội Đại Nội Huế, đôi tay run run, ông lão pha trà mời khách và kể về cuộc đời của mình với những năm tháng mưu sinh bằng nghề đánh máy chữ...

Theo lời cụ Tiên, cụ sinh ra ở thôn Lang Xá, xã Thủy Thanh, huyện Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế). Cha cụ là ông Ngô Mạnh Khản, một nhà nho học, làm quan Bộ lễ trong triều đình Huế. Khi Cách mạng Tháng 8 thành công, vua Bảo Đại thoái vị, cha ông cùng 9 người con ra miền Bắc để hoạt động cách mạng. Riêng cụ thì vào Nam học trường Lê Bá Cang, rồi làm nghề đánh máy thuê để kiếm sống.

“Cuộc sống nghèo khó nên hồi đó chưa thi được tú tài thì tui đã bỏ học để đi làm thư ký đánh máy cho một đồn điền cao su lớn trên đất Sài Gòn. Được chừng mấy năm, tôi lại chuyển ra Huế mưu sinh bằng việc nhận đánh các văn bản, giấy khai sinh...”, chất giọng khàn khàn, cụ Tiên chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng lang bạt mưu sinh cùng với chiếc máy đánh chữ... Cho đến ngày miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, người cha già và 9 chị em của cụ Tiên đã may mắn còn sống trở về.

“Ngày gia đình sum họp, nghe cha tui kể chuyện kháng chiến, kể về tình cảm của Bác Hồ dành cho đồng bào miền Nam ruột thịt, tự dưng trong tui bỗng nảy ra ý nghĩ khắc họa chân dung của Người bằng những con chữ, từ chiếc máy đánh chữ của mình... Và tui đã làm theo sự điều khiển của tình cảm chân thật của lòng mình khi nghĩ về Bác Hồ kính yêu. Chính điều đó đã cho bức chân dung của Người có một sức sống đặc biệt, lung linh...”.

Cụ Tiên kể rằng, dù chưa được vinh dự gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng từ bức ảnh Bác Hồ (cỡ 4x6cm) do một người bạn thân tặng, cộng với những câu chuyện nghe cha của mình kể về Người, cụ đã cần mẫn ngồi suốt 10 ngày đêm bên chiếc máy đánh chữ để khắc họa chân dung.

Bằng kinh nghiệm của người mấy chục năm làm nghề đánh máy, cụ nghĩ ra cách sử dụng các chữ cái “I-X-Y-M” và dấu chấm, dấu ngoặc đơn trên bàn phím máy đánh chữ để phác họa chân dung Bác Hồ với màu mực đen trên giấy trắng. Và, bức họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh (kích thước 40,7x29,1cm), với dáng nhìn thẳng, vầng trán cao, miệng cười rất tươi toát lên sự thần thái của Người đã được cụ Tiên phác họa thành công trước sự ngỡ ngàng, khâm phục của người thân, bạn bè và xóm làng...

Bức chân dung Bác Hồ (góc phải) do cụ Ngô Mạnh Tiên thực hiện được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Thừa Thiên - Huế.

Bức họa chân dung Bác Hồ từ máy đánh chữ, cụ Tiên đặt trang trọng trên chiếc tủ gỗ giữa nhà để thờ cúng. Mãi tới năm 1997, nhân dịp kỷ niệm 22 năm Ngày mất của Bác, cụ đã trao bức họa này cho Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên - Huế lưu giữ và bảo quản...

Gắn bó với Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên-Huế nhiều năm qua, bà Lê Thị Kim Yến, Trưởng phòng Nghiệp vụ, không giấu được niềm vui và tự hào khi bảo tàng lưu giữ một bức họa chân dung về Chủ tịch Hồ Chí Minh quý hiếm.

“Trong số 15.000 hiện vật, tư liệu về Bác Hồ đang được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên - Huế, có lẽ bức chân dung Bác Hồ do cụ Tiên phác họa bằng máy đánh chữ là một trong số ít hiện vật đặc biệt được đông đảo du khách quan tâm. Nhiều người không ngờ rằng, chỉ bằng những chữ cái, ký tự trên máy đánh chữ và với tấm lòng kính yêu Bác Hồ mà cụ Tiên đã khắc họa nên bức chân dung của Người rất lạ và độc đáo...”, bà Yến tâm sự.

Ông Trần Đình Luyện, Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết thêm: “Hiện ngành Bảo tàng trong nước chưa có bức chân dung Bác Hồ thứ hai được phác họa từ máy đánh chữ. Vì thế, chúng tôi đang làm hồ sơ đề nghị Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT&DL công nhận tác phẩm này là cổ vật quốc gia”

Lê Anh
.
.
.