Người truyền lửa

Thứ Hai, 22/10/2007, 15:26
Một ông già 80 tuổi, là thương binh hạng nặng (1/4); 30 năm quân ngũ, vào tù ra khám, 3 lần bị địch cưa chân; 15 năm làm Giám đốc Trường Đảng Nguyễn Chí Thanh, dạy cho gần 1 vạn cán bộ; 13 năm với cây nạng gỗ xây dựng phong trào khuyến học và đều đặn lên lớp 300 tiết mỗi năm để truyền "lửa" cho thế hệ trẻ qua các bài giảng lý luận, lịch sử, truyền thống… Ông là Nguyễn Xuy, ở xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Sinh năm 1926 tại vùng quê Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế) giàu truyền thống yêu nước, ông Nguyễn Xuy tham gia cách mạng năm lên 18 tuổi, tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở quê nhà, được kết nạp vào Đảng, tham gia kháng chiến chống Pháp, được tập kết ra Bắc.

Năm 1960, đúng đêm tân hôn với một nữ chiến sĩ cùng quê hương, ông được lệnh vào Nam, làm ở Ban tuyên huấn Quân khu V, hoạt động ở chiến trường Phú Khánh. Vợ ông cũng vào Nam ngay sau đó, hoạt động tình báo tại thành phố Huế quê hương. Trong chiến dịch Tết Mậu Thân (1968), ông trực tiếp chỉ huy một đội quân đánh vào vùng nội thị tỉnh Phú Yên.

Trong trận đánh đó, dù thắng lớn nhưng ông và hơn 30 đồng chí bị thương nặng. Trên đường rút quân, toàn bộ người bị thương bị địch bắt rồi đưa lên giam ở Pleiku. Anh em trong tù quyết không khai, dù bị địch hành hạ, tra tấn dã man. Không tra hỏi được gì, hết cách, chúng chuyển ông về nhà tù Biên Hòa.

Biết ông là nhân vật quan trọng, nên ở đây, chúng biệt giam ông và tiếp tục dùng nhiều hình thức man rợ để tra tấn, chúng cưa chân trái ông đến 3 lần. Năm 1971, chúng đưa ông ra giam ở "địa ngục trần gian" Phú Quốc.

Ở bất cứ nhà tù nào, ông cũng được anh em tín nhiệm giao giữ chức Bí thư Chi bộ Đảng bí mật và ông tham gia mở lớp dạy học bí mật cho các chiến sĩ cách mạng trong tù. Sau Hiệp định Paris (1973), hai bên trao trả tù nhân ở cầu Hiền Lương, ông được đoàn tụ với người vợ của mình trên đất lửa Vĩnh Linh sau 13 năm xa cách, vào sinh ra tử.

Ông cười: "Tối đó địa phương tổ chức văn nghệ chào mừng Hiệp định Paris và đón những người tù trở về. Bất chợt nhận ra người vợ của tôi đang biểu diễn văn nghệ trên sân khấu, vợ tôi cũng nhìn ra tôi, thế là… tan mất một đêm văn nghệ" (vợ ông mất năm 1986 vì ảnh hưởng của những vết thương đòn roi dã man của địch).

Ông được cấp trên phân giữ chức Chính ủy Đoàn 157 Hà Bắc. Sau ngày giải phóng, ông được cử về quê hương làm Giám đốc kiêm giảng viên chính Trường Đảng Nguyễn Chí Thanh. Mười lăm năm làm giám đốc, các thế hệ cán bộ ở 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế hầu như ai cũng biết người thầy tận tụy, tâm huyết này.

Nghỉ hưu năm 1990, về quê nhà Quảng Vinh, ông làm Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh…

Nhiều năm qua, các thế hệ học sinh ở Quảng Điền không ai không biết đến người ông, người thầy thương binh tóc trắng như cước, nụ cười tươi, hiền từ như ông Bụt với vai trò: truyền lửa cho thế hệ trẻ - tham gia giảng dạy lịch sử, truyền thống yêu nước, cách mạng của dân tộc như một giáo viên chính khóa nhưng không nhận lương.

Đều đặn hằng năm, ông lên lớp 300 tiết. Sau mỗi khóa học về lịch sử, truyền thống cách mạng, ông luôn tổ chức cho học sinh đi thực tế như đến thăm các di tích lịch sử, Nhà lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh...

"Những năm 90 vùng thấp trũng này trẻ em bỏ học nhiều lắm. Nhìn cảnh con cái những gia đình nghèo bỏ học, tôi vừa buồn lại vừa lo cho tương lai của bọn trẻ, của quê hương" - ông Xuy nhớ lại.

Năm 1994, ông có sáng kiến thành lập Hội Khuyến học xã Quảng Vinh (Hội Khuyến học Việt Nam lúc đó chưa thành lập) với mục đích giúp đỡ các em con gia đình chính sách (toàn xã có gần 500 liệt sĩ), học sinh nghèo vượt khó học tập; khen thưởng học sinh giỏi, năng khiếu, thầy cô giáo dạy giỏi.

Các cựu chiến binh và Hội khuyến học cùng các cháu học sinh.

Hội còn có nhiệm vụ khuyến đức - chăm lo giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho thế hệ trẻ. Ông bàn với thầy Quý, Hiệu trường Trường Tiểu học Quảng Vinh rồi bỏ tiền túi góp 2 tháng lương, thầy hiệu trưởng cũng góp 1 tháng lương để xây dựng quỹ.

Vận động cán bộ, đảng viên, giáo viên, các nhà hảo tâm ủng hộ cũng được gần 5 triệu đồng. Lần trao học bổng khuyến học đầu tiên cho 50 em học sinh, mỗi em được 100 nghìn đồng, ai cũng rất phấn khởi. Rồi ông với cái chân trái giả đạp xe lên huyện, tỉnh trình bày nguyện vọng và vận động đóng góp quỹ.

Có lẽ không có xã nào trong cả nước lại có nhiều chi hội khuyến học hoạt động hiệu quả, thiết thực như ở Quảng Vinh. Từ năm 1994 đến nay, tổng số tiền vận động được 2,1 tỉ đồng và đã sử dụng 1,85 tỉ đồng vào khen thưởng. 13 năm làm khuyến học ở xã đã hình thành mô hình xã hội học tập từ cơ sở. Hội Khuyến học xã Quảng Vinh được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba vào năm 2005.

Ông được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Quảng Điền, thành viên tích cực của tỉnh và Hội Khuyến học Việt Nam; được Đảng, Chính phủ, Bộ, tỉnh tặng nhiều bằng khen, huy chương

Viết Nam
.
.
.