Người trồng rừng bỗng dưng mắc nợ!

Thứ Sáu, 13/02/2009, 16:05
Những năm qua bà con nông dân ở xã Hòa Phong (Krông Bông, Đắk Lắk) đã tích cực làm xanh lại những cánh rừng. Nhưng đến kỳ khai thác, đơn vị đầu tư vốn là Lâm trường Krông Bông đã căn cứ vào những điều khoản trong hợp đồng để tận thu hết những cây gỗ cuối cùng khiến người nông dân không được hưởng lợi từ rừng, thậm chí nhiều hộ gia đình bỗng dưng mắc nợ Lâm trường vì không đủ sản lượng!

Bỗng dưng mắc nợ!

Sau khi nhận được đơn thư cầu cứu của nhiều hộ nông dân ở xã Hòa Phong (Krông Bông), chúng tôi đã có buổi làm việc với chính quyền địa phương.

Ông Lê Văn A, Chủ tịch UBND xã Hòa Phong cho biết: "Toàn xã có 150 hộ nông dân tham gia trồng hơn 460ha rừng theo diện hợp đồng với Lâm trường Krông Bông. Trong số đó, hơn 50% hộ thuộc diện đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, tập trung ở buôn T'Lier, thôn 1, 2, 5. Hiện nay, rất nhiều hộ đang gặp khó khăn vì không đủ sản phẩm nộp cho Lâm trường!".

Anh Y Drăng Êban ở buôn T'Lier bức xúc: "Tôi có 2,3ha đất, trước đây làm màu, trồng đậu, bắp mỗi năm cũng thu được bốn đến năm triệu đồng/năm. Khi nghe Lâm trường vận động trồng rừng, tôi cũng tham gia. Những tưởng sẽ thu lợi được nhiều hơn trên mảnh đất của mình, nào ngờ sau 5 năm trồng, chăm sóc, đến nay tôi không những không được gì, mà còn nợ Lâm trường tiền đầu tư chăm sóc vườn cây!".

Mọi việc bắt đầu từ tháng 3/2002, Lâm trường Krông Bông đứng ra liên kết với Công ty TNHH Cát Phú (có trụ sở đóng tại Nha Trang) để đầu tư vốn trồng rừng cho dân.

Theo hợp đồng, Lâm trường sẽ đầu tư cây giống, phân bón và kỹ thuật để người dân trồng rừng với chi phí là 8,5 triệu/ha. Sau 5 năm, khi thu hoạch, Lâm trường sẽ tiến hành khấu trừ  tiền vốn, số còn lại sẽ chia theo tỷ lệ 2/8 (dân 2, Lâm trường 8, nếu là đất của Lâm trường khai hoang), hoặc 5/5 (dân 5, Lâm trường 5, nếu đất của hộ dân khai hoang).

Ông Đinh Được trình bày: Vào tháng 7/2007, Lâm trường tiến hành thu hoạch, họ không cho các hộ dân bàn bạc mà đơn phương áp giá là 300.000 đồng/Ster đôi (1 Ster đôi bằng 1,4 mét khối), trong khi đó giá bên ngoài là 600.000 đồng/Ster. Và cũng theo tính toán của Lâm trường, họ đã thu 600 Ster/ha. Với mức thu cao như vậy, nhiều hộ dân đã không thể trả đủ dù đã chặt trụi vườn cây của mình.

Chủ tịch xã Hòa Phong khẳng định: "Chủ trương liên kết trồng rừng là rất tốt, nhưng với cách tính như vậy, gia đình nào chăm sóc tốt nhất cũng chỉ đủ nộp sản lượng là cùng, họ không hề có lãi. Khi ký hợp đồng, người nông dân tại địa phương cũng chưa hình dung ra được vấn đề nên cuối cùng dân chúng tôi chịu thua thiệt!".

Cần có chính sách thỏa đáng

Từ lâu, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đặc biệt đến đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Trên thực tế, trong những năm qua, các buôn làng xa xôi của tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung đã thay da đổi thịt nhờ những chính sách kịp thời của Đảng, Chính phủ. Chủ trương liên kết trồng rừng là đúng đắn, tuy nhiên, cần phải có sự nhìn nhận, bàn bạc và thống nhất giữa các bên.

Theo cách lý giải của Lâm trường Krông Bông thì họ đã thực hiện đúng như trong hợp đồng đã được ký kết, và lần khai thác này mới ở chu kỳ I nên họ cố gắng thu hồi vốn, còn những chu kỳ sau thì sẽ thu ít hơn. Cũng theo thống kê của Lâm trường thì số hộ dôi dư sản lượng trong chu kỳ khai thác đầu tiên là 98 hộ, số hộ thiếu sản lượng là 31 hộ.

Thế nhưng, theo tìm hiểu của chúng tôi, đa số người dân đều không đồng tình với cách tính toán của Lâm trường. Anh Y Ôm Bỹa ở buôn T'Lier cho rằng: "Chúng tôi đã thua thiệt vì không hiểu cặn kẽ những điều khoản trong hợp đồng. Khi ký hợp đồng, chúng tôi cứ tưởng mình sẽ hưởng được phần nào trong số gỗ sẽ khai thác được. Cho nên yêu cầu của chúng tôi bây giờ là không tiếp tục hợp đồng nữa, tôi lấy lại đất trồng đậu, bắp để nuôi sống gia đình thôi!".

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Quốc Tuấn, Giám đốc Lâm trường Krông Bông cho rằng: Trong việc hợp đồng trồng rừng ở địa phương, đến nay Lâm trường cũng chưa được lợi gì. Còn hướng giải quyết cho vấn đề này là nếu người dân thấy không có lợi thì lại hợp đồng trở lại với Lâm trường để Lâm trường chăm sóc khai thác và ăn chia sản phẩm!?

Ông Chủ tịch xã Hòa Phong thì tha thiết đề nghị: "Lâm trường cần xem lại cách định giá sản phẩm làm sao để người dân có thể có điều kiện để tiếp tục chăm sóc những cánh rừng mà họ đã đổ mồ hôi gây dựng".

Đó cũng là mong muốn chính đáng của toàn thể đồng bào nông dân xã Hòa Phong mà các cấp chính quyền tỉnh Đắk Lắk cần quan tâm giải quyết

Tuấn Thiện
.
.
.